Hội Chứng Plica Đầu Gối
Hội chứng Plica đầu gối xảy ra khi nếp gấp trên màng bảo vệ khớp gối bị kích ứng, gây đau và sưng ở giữa đầu gối. Tình trạng này thường do sử dụng quá mức hoặc căng thẳng, có thể được điều trị bằng thuốc và vật lý trị liệu.
Tổng quan
Hội chứng Plica đầu gối là thuật ngữ y tế chỉ tình trạng kích ứng hoặc viêm plica dẫn đến đau đầu gối mãn tính. Tình trạng này còn được gọi là hội chứng Plica hoặc hội chứng Plica trung gian do plica bị viêm nằm ở giữa (trung gian) của đầu gối.
Plica là một dải mô gấp trong mô hoạt dịch bảo vệ khớp gối. Chúng cho phép di chuyển và uốn cong chân một cách dễ dàng. Hầu hết mọi người đều có bốn nếp gấp ở mỗi đầu gối.
Trong bốn nếp gấp, dải mô gấp ở giữa đầu gối có thể bị kích thích hoặc viêm dẫn đến sưng và đau ở trung tâm đầu gối. Tình trạng này thường tiến triển theo thời gian.
Hội chứng Plica đầu gối xảy ra khi một người bất ngờ bị ngã hoặc bị thương ở đầu gối. Thường gặp hơn, viêm plica khi có chấn thương lặp đi lặp lại, sử dụng quá mức hoặc chuyển động lặp đi lặp lại. Đôi khi plica cọ xát vào bề mặt sụn hoặc xương dẫn đến đau, viêm hoặc kích ứng.
Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ
Hội chứng Plica đầu gối xảy ra do một số nguyên nhân dưới đây:
- Căng thẳng hoặc lạm dụng đầu gối: Hội chứng Plica đầu gối xảy ra nếu liên tục gây căng thẳng cho đầu gối. Tình trạng này thường gặp ở những người thực hiện các hoạt động hoặc bài tập đòi hỏi phải uốn cong và duỗi thẳng đầu gối thường xuyên. Chẳng hạn như leo cầu thang, chạy, nâng tạ hoặc đạp xe đạp.
- Chấn thương: Hội chứng Plica gây sưng và đau đầu gối khi bất ngờ bị ngã hoặc bị thương ở đầu gối. Điều này thường liên quan đến chấn thương do tai nạn xe cộ hoặc chơi thể thao. Lặp đi lặp lại chấn thương do căng thẳng cũng là một nguyên nhân thường gặp.
Triệu chứng và chẩn đoán
Hội chứng Plica đầu gối được nhận biết thông qua những triệu chứng dưới đây:
- Đau đầu gối (triệu chứng chính)
- Đau tồi tệ hơn khi cúi người, leo cầu thang và ngồi xổm
- Sưng đầu gối
- Nghe thấy tiếng bốp hoặc tiếng lách cách khi duỗi hoặc gập đầu gối
- Khó ngồi trong thời gian dài
- Có cảm giác khóa hoặc kẹt đầu gối khi đứng dậy khỏi ghế sau khi ngồi một thời gian
- Cảm thấy đầu gối không ổn định khi lên dốc hoặc leo cầu thang
- Cảm giác như đầu gối đang đưa ra
- Ấn vào đầu gối có thể cảm nhận được vết sưng tấy.
Trong lần đầu tiên thăm khám, bác sĩ tiến hành xem xét các triệu chứng ngoài khớp, có thể ấn nhẹ để kiểm tra mức độ sưng tấy và đau quanh khớp.
Người bệnh cũng có thể được hỏi về tiền sử chấn thương, yêu cầu đi lại hoặc uốn - duỗi khớp gối. Điều này giúp đánh giá phạm vi chuyển động, xác định những yếu tố có thể làm tăng mức độ đau.
Một số bài kiểm tra cho hội chứng Plica đầu gối:
- Kiểm tra rung lắc: Bệnh nhân được yêu cầu ngồi trên bàn và buông thõng hai chân khỏi mép một góc 90 độ. Bác sĩ đặt các ngón tay lên đầu gối trong khi hai mắt cá chân duỗi thẳng. Kết quả xét nghiệm dương tính nếu có dấu hiệu bật ra hoặc rung lắc.
- Kiểm tra Hughston: Bệnh nhân nằm ngửa và duỗi thẳng đầu gối bị đau. Bác sĩ đặt một tay lên đầu gối và tay kia lên gót chân. Sau đó tiến hành đẩy đầu gối trong khi chân xoay vào trong, đầu gối gập và duỗi. Kết quả xét nghiệm dương tính nếu người bệnh bị đau đầu gối và nghe thấy tiếng nổ.
Để loại trừ những vấn đề khác, một số xét nghiệm bổ sung sẽ được thực hiện, bao gồm;
- Chụp X-quang: Hình ảnh thu được từ tia X cho phép kiểm tra xương và những cấu trúc dày đặc khác của đầu gối. Điều này giúp loại bỏ nguyên nhân gây đau đầu gối do gãy xương, gai xương và viêm khớp gối.
- Chụp cộng hưởng từ (MRI): MRI cung cấp hình ảnh chi tiết về cấu trúc đầu gối, bao gồm xương và các mô mềm xung quanh. Thông qua hình ảnh, bác sĩ có thể nhìn thấy plica bị kích thích hoặc một tình trạng tương tự, chẳng hạn như rách sụn chêm và viêm gân.
- Siêu âm: Hình ảnh được tạo ra từ sóng siêu âm cho phép kiểm tra các mô mềm ở đầu gối, phát hiện vết rách và những tổn thương khác.
Biến chứng và tiên lượng
Hầu hết mọi người có thể kiểm soát hội chứng Plica đầu gối bằng vật lý trị liệu và tập thể dục. Những trường hợp nặng có thể được khắc phục bằng phẫu thuật. So với những tổn thương khác ở đầu gối, phẫu thuật cho hội chứng Plica đầu gối thường ít xâm lấn hơn.
Nếu không được điều trị, hội chứng Plica đầu gối có thể gây ra những vấn đề sau:
- Cứng khớp
- Hạn chế vận động khớp
- Đau đầu gối mãn tính
Điều trị
Điều trị hội chứng Plica đầu gối dựa trên mức độ nghiêm trọng. Những phương pháp có thể bao gồm:
1. Điều trị không phẫu thuật
Hầu hết mọi người có thể kiểm soát hội chứng Plica đầu gối bằng những phương pháp không phẫu thuật, bao gồm:
- Nghỉ ngơi
Hội chứng Plica chủ yếu do căng thẳng và những chuyển động lặp đi lặp lại. Để cải thiện, người bệnh sẽ được yêu cầu nghỉ ngơi. Điều này giúp giải phóng căng thẳng cho khớp gối ảnh hưởng, thúc đẩy quá trình chữa lành vết thương.
Lưu ý không tiếp tục thực hiện những hoạt động có thể làm nặng hơn tình trạng và bùng phát cơn đau. Chẳng hạn như chạy, ngồi xổm và leo cầu thang.
- Chườm lạnh
Bọc gọn túi đá trong khăn bông, đặt lên đầu gối 15 phút để giảm viêm và đau. Biện pháp này nên được thực hiện mỗi 3 giờ 1 lần.
- Thuốc
Để giảm nhẹ các triệu chứng do hội chứng Plica đầu gối, những loại thuốc dưới đây sẽ được chỉ định:
-
- Thuốc chống viêm không steroid (NSAID): Nhóm thuốc này có tác dụng trị viêm, giảm đau và khó chịu. Những loại thường dùng gồm Ibuprofen và Naproxen natri.
- Tiêm steroid: Nếu không đáp ứng với NSAID và có cơn đau nặng, Corticosteroid sẽ được dùng để tiêm trực tiếp vào khớp. Thuốc có tác dụng chống viêm mạnh và giảm đau đầu gối nhanh chóng.
- Vật lý trị liệu
Những trường hợp nhẹ được khuyên luyện tập tại nhà hoặc vật lý trị liệu với những bài tập thích hợp. Một số động tác có thể giúp tăng cường cơ bắp, giảm các triệu chứng của hội chứng Plica đầu gối.
Bài tập tăng cường sức mạnh cho cơ tứ đầu
Cơ tứ đầu yếu làm tăng khả năng mắc hội chứng Plica. Để giảm nguy cơ và tăng sự ổn định cho đầu gối, người bệnh có thể áp dụng bài tập tăng cường cơ bắp này.
Tăng cường cơ tứ đầu bằng những bài tập sau:
-
- Siết cơ tứ đầu
- Squat nhỏ
- Giơ chân thẳng
- Ép chân
Bài tập căng gân kheo
Gân kheo quá căng sẽ làm tăng áp lực lên phía trước đầu gối và làm nặng hơn hội chứng Plica. Để cải thiện, người bệnh sẽ được hướng dẫn những động tác kéo dài khi ngồi, nằm hoặc đứng lên, giúp gân kheo thư giãn. Bài tập này nên được thực hiện nhiều lần trong ngày để giúp cơ bắp quanh đầu gối được thư giãn.
2. Phẫu thuật
Phẫu thuật sẽ được thực hiện nếu việc dùng thuốc và vật lý trị liệu không giúp ích được gì. Hầu hết trường hợp sẽ được phẫu thuật cắt bỏ nội soi khớp.
Quy trình phẫu thuật
Trong quy trình phẫu thuật, bác sĩ tạo một vết cắt nhỏ ở bên đầu gối, đưa máy nội soi qua vết cắt này. Những dụng cụ phẫu thuật nhỏ được đưa vào đầu gối thông qua một vết cắt khác. Sau cùng bác sĩ loại bỏ hoặc điều chỉnh vị trí của sụn.
Phục hồi chức năng
Khi vết mổ lành lại,người bệnh được hướng dẫn vật lý trị liệu để lấy lại sức mạnh của đầu gối. Trong thời gian đầu, những động tác nhẹ nhàng được thực hiện để giảm đau và sưng tấy. Khi đã cải thiện đầu gối một phần, người bệnh được hướng dẫn những động tác khó hơn để phục hồi toàn bộ chức năng và tăng cường sức mạnh cho các cơ.
Bất kỳ cuộc phẫu thuật nào cũng đều có rủi ro. Mặc dù hiếm gặp nhưng người bệnh có thể bị nhiễm trùng, hình thành cục máu đông, tổn thương động mạch hoặc thần kinh, phản ứng dị ứng với thuốc gây mê.
Hầu hết mọi người mất khoảng 6 tuần để vết thương lành lại. 3 - 4 tháng để phục hồi hoàn toàn.
Phòng ngừa
Nguy cơ mắc hội chứng Plica đầu gối có thể giảm bớt khi áp dụng những biện pháp dưới đây:
- Tránh lạm dụng khớp gối, không lặp đi lặp lại những hoạt động gây căng thẳng cho đầu gối của bạn.
- Nếu phải uốn cong hoặc duỗi thẳng đầu gối thường xuyên, hãy dành thời gian nghỉ ngơi và thư giãn. Điều này cho phép đầu gối có thời gian phục hồi.
- Hoạt động thể chất với cường độ thích hợp, tạo sự thoải mái khi thực hiện các hoạt động thể dục mới. Không đột ngột tăng cường độ và thời gian tập luyện để tránh gây đau hoặc căng thẳng quá mức cho đầu gối.
- Thường xuyên tập thể dục để duy trì sự dẻo dai, sức mạnh, khả năng vận động linh hoạt của chân, bàn chân và mắt cá chân. Đặc biệt những bài tập tăng cường sức mạnh cho cơ tứ đầu có thể giúp ngăn ngừa hội chứng Plica đầu gối.
Những câu hỏi quan trọng khi gặp bác sĩ
1. Điều gì gây ra những triệu chứng của tôi?
2. Phương pháp điều trị được đề nghị là gì?
3. Những bài tập nào có thể giúp ích?
4. Điều gì giúp giảm bớt hoặc làm tồi tệ hơn tình trạng của tôi?
5. Tôi có thể tiếp tục hoạt động thể chất hay không?
6. Mất bao lâu để điều trị hội chứng Plica đầu gối?
7. Tôi có thể làm gì để ngăn ngừa đau đầu gối tái phát?
Hội chứng Plica đầu gối là một trong những nguyên nhân gây đau đầu gối mãn tính. Tình trạng này thường đáp ứng tốt với điều trị bảo tồn và phẫu thuật ít xâm lấn. Tuy nhiên việc điều trị sớm là điều cần thiết để đảm bảo quá trình điều trị.
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!