Bệnh Khiếm Thính
Khiếm thính thường gặp ở trẻ nhỏ. Bệnh xảy ra khi một người không thể nghe rõ âm thanh. Điều này có thể do những tổn thương ở tai trong, thủng màng nhĩ và một số bệnh nhiễm trùng.
Tổng quan
Khiếm thính còn được gọi là mất thính lực và điếc tai. Bệnh thể hiện cho tình trạng không thể nghe thấy toàn bộ âm thanh hoặc âm thanh bị bóp nghẹt ở một hoặc cả hai bên tai.
Mất thính lực phổ biến ở trẻ nhỏ và người lớn tuổi. Tuy nhiên bệnh có thể ảnh hưởng đến những nhóm đối tượng khác do bệnh lý, tiếng ồn lớn, chấn thương và một vài loại thuốc làm hỏng tai.
Tùy thuộc vào tình trạng, khiếm thính được điều trị bằng thuốc hoặc phẫu thuật. Ở những trường hợp mất thính lực hoàn toàn, các thiết bị sẽ được sử dụng để cải thiện khả năng nghe.
Phân loại
Bệnh khiếm thính được phân thành 3 loại, bao gồm:
- Khiếm thính dẫn truyền
Khiếm thính dẫn truyền liên quan đến tai ngoài hoặc tai giữa. Bệnh xảy ra khi âm thanh được dẫn truyền không đủ để đến màng nhĩ và các xương con của tai giữa.
Ở trường hợp này, bệnh nhân có thính lực đồ ở dạng đường xương bình thường và đường khí bị giảm sút nhưng không vượt quá 60dB HL.
Khiếm thính dẫn truyền chủ yếu xảy ra do thủng màng nhĩ, nhiễm trùng, chức năng vòi nhĩ kém, có dị vật hoặc khối u. Thông thường bệnh nhân sẽ được điều trị bằng thuốc hoặc phẫu thuật.
- Khiếm thính thần kinh giác quan
Điếc thần kinh giác liên quan đến tai trong. Bệnh xảy ra khi tai trong hoặc dây thần kinh thính giác (đường dẫn truyền thần kinh từ tai trong đến não) bị tổn thương. Những trường hợp này thường bị điếc vĩnh viễn.
Bệnh thường liên quan đến lão hóa, chấn thương, di truyền, tiếng ồn, sử dụng thuốc gây ngộ độc tai và một số tình trạng nhiễm trùng do virus.
- Khiếm thính hỗn hợp
Khiếm thính hỗn hợp xảy ra khi một người có cả hai dạng điếc nêu trên gồm điếc thần kinh giác quan và điếc dẫn truyền. Bệnh thường gặp ở những người có các tổn thương ở tai trong, tai giữa hoặc/ và ống tai ngoài.
Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ
Tai được phân thành 3 phần gồm tai ngoài, tai giữa và tai trong. Thông thường sóng âm đi qua tai ngoài và khiến màng nhĩ (mô mỏng ngăn cách tai ngoài và tai giữa) rung lên.
Khi sóng âm di chuyển đến tai trong, màng nhĩ và các xương nhỏ của tai giữa gây ra những rung động lớn hơn. Các rung động sẽ đi qua chất lỏng trong ốc tai, kích thích những sợi lông nhỏ giúp rung động âm thanh trở thành tín hiệu. Cuối cùng những tín hiệu được truyền đến não và thành âm thanh.
Bất kỳ vấn đề nào làm ảnh hưởng đến quá trình này cũng có thể gây mất thính giác. Dưới đây là những nguyên nhân gây khiếm thính thường gặp:
- Tổn thương tai trong do tiếng ồn lớn và lão hóa
- Tích tụ ráy tai. Quá nhiều rái tai có thể chặn ống tai và khiến sóng âm không thể đi qua
- Nhiễm trùng
- Nhiễm trùng tai ngoài
- Nhiễm trùng tai giữa
- Viêm xương chũm
- Khối u phát triển bất thường
- Thủng màng nhĩ.
Nguyên nhân gây khiếm thính ở trẻ nhỏ:
- Dị dạng bẩm sinh. Chẳng hạn như khiếm khuyết vành tai và dị dạng tai
- Nhiễm trùng trong quá trình mang thai. Thường liên quan đến sởi, cúm và nhiều dạng viêm nhiễm do virus khác
- Di truyền. Tiền sử gia đình bị khiếm thính làm tăng nguy cơ phát triển tai không bình thường và khiếm thính ở trẻ
- Trẻ sinh non dưới 6 tháng hoặc có cân nặng thấp dưới 2kg
- Chấn thương não trong quá trình can thiệp sản khoa
- Có những bệnh lý nhiễm trùng, bao gồm: Quai bị, sởi, viêm màng não mủ và viêm não
- Sử dụng một số loại thuốc gây nhiễm độc thần kinh thính giác
- Chấn thương vùng đầu.
Những yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh khiếm thính:
- Lão hóa với tai bị hỏng dần theo thời gian
- Tiếp xúc với âm thanh quá lớn
- Sinh sống và làm việc ở những nơi có nhiều tiếng ồn
- Một số gen khiến bạn dễ bị tổn thương tai do lão hóa và âm thanh
- Sử dụng một số loại thuốc có thể làm hỏng tai, như thuốc kháng sinh, thuốc điều trị bệnh ung thư...
- Viêm màng não gây sốt cao và khiến ốc tai bị hư hại.
Triệu chứng và chẩn đoán
Những triệu chứng của bệnh khiếm thính gồm:
- Mất thính giác đột ngột
- Mất thính lực nặng hơn ở một bên tai
- Mất thính giác không biến mất hoặc trở nên nghiêm trọng hơn theo thời gian
- Nhức đầu
- Ù tai
- Đau tai
- Mất thính lực nghiêm trọng, âm thanh bị bóp nghẹt hoặc không nghe rõ âm thanh, cần tăng âm lượng của tivi, cần nói chậm và nói lớn hơn để nghe rõ ràng
- Khó hiểu các từ, đặc biệt là khi giao tiếp ở nơi ồn ào hoặc trong đám đông.
Những triệu chứng và dấu hiệu nhận biết ở trẻ nhỏ:
- Thường không chú ý
- Không có phản xạ với âm thanh hoặc không bất ngờ khi nghe thấy âm thanh lớn
- Không có hứng thú với những loại đồ chơi có tiếng
- Ngơ ngác khi nghe nói chuyện
- Không có phản xạ, không hồi đáp khi nghe người khác nói chuyện
- Không nói được một số phụ âm
- Không hướng đến âm thanh được phát ra
- Tăng âm lượng khi xem tivi.
Khiếm thính có thể được nhận biết thông qua một số bài kiểm tra thính giác. Trong đó bệnh nhân được yêu cầu bịt kín một bên tai, nghe âm thanh với tần số và âm lượng khác nhau. Điều này có thể xác định mức độ mất thính lực.
Ngoài ra người bệnh được hỏi về tiền sử bản thân và gia đình, triệu chứng, loại thuốc đang dùng. Để đánh giá chính xác hơn về tình trạng, những thử nghiệm và xét nghiệm liên quan đến tai sẽ được thực hiện, bao gồm:
- Kiểm tra âm thoa: Âm thoa là nhạc cụ có hai ngạnh giúp tạo ra âm thanh khi va chạm. Khi kiểm tra tai với âm thoa, bác sĩ có thể dễ dàng phát hiện tình trạng mất thính giác.
- Đo thính lực: Âm thanh truyền qua tai nghe đến từng tai. Mỗi âm được lập lại ở mức thấp cho đến khi xác định âm thanh mà người bệnh có thể nghe thấy.
Biến chứng và tiên lượng
Nếu được điều trị sớm, khiếm thính có thể được chữa khỏi bằng thuốc và phẫu thuật. Tuy nhiên những người có bệnh khiếm thính thần kinh giác quan thường bị điếc vĩnh viễn
Mất thính lực làm cản trở khả năng giao tiếp, ảnh hưởng đến công việc và giảm chất lượng cuộc sống. Ngoài ra những người bị mất thính lực thường bị trầm cảm, giảm khả năng tư duy và dễ té ngã. Để cải thiện máy trợ thính sẽ được sử dụng.
Điều trị
Dựa vào nguyên nhân gây khiếm thính và mức độ nghiêm trọng, người bệnh có thể được điều trị với những phương pháp sau:
1. Loại bỏ ráy tai
Nếu khiếm thính xảy ra do tắc nghẽn ráy tai, người bệnh sẽ được làm sạch ráy tai để khắc phục thính lực. Trong khi thực hiện, những dụng cụ chuyên dụng sẽ được dùng để loại bỏ ráy tai, làm thông thoáng cho ống tai ngoài.
2. Phẫu thuật
Bệnh nhân có thể được thực hiện những kỹ thuật dưới đây để khắc phục nguyên nhân gây khiếm thính:
- Đặt ống tai trong màng nhĩ: Phẫu thuật đặt ống tai trong màng nhĩ được thực hiện cho những bệnh nhân bị mất thính lực do nhiễm trùng tai giữa mãn tính. Trong đó bác sĩ tạo một vết rạch trên màng nhĩ, hút dịch và mủ đang tích tụ ở bên trong. Sau đó ống tai được đặt vào vết rạch. Thiết bị này có thể giúp ngăn dịch tiếp tục ứ đọng bên trong và giúp khí lưu thông.
- Cắt bỏ khối u: Nếu khiếm thính xảy ra do sự chèn ép của khối u, người bệnh sẽ được phẫu thuật cắt bỏ khối u gây ảnh hưởng. Sau điều trị người bệnh có thể lấy lại khả năng nghe.
- Phẫu thuật sửa chữa dị tật: Nếu bị dị tật bẩm sinh, người bệnh sẽ được phẫu thuật sửa chữa dị tật, cải thiện khả năng nghe. Phương pháp này thường được thực hiện cho trẻ em và thanh thiếu niên.
- Vá màng nhĩ hoặc tái tạo màng nhĩ: Lỗ thủng trên màng nhĩ có thể được vá lại bằng miếng dán hoặc được cấy mô tự thân để tái tạo. Phương pháp này giúp màng nhĩ phục hồi và cải thiện khả năng nghe.
- Cấy ghép ốc tai điện tử: Trong nhiều trường hợp bệnh nhân được cấy ghép ốc tai điện tử. Thiết bị này có tác dụng kích thích những dây thần kinh thính giác. Từ đó giúp tăng độ nhạy cảm với âm thanh.
3. Thuốc
Một số loại thuốc có thể được dùng để điều trị nguyên nhân gây mất thính giác. Bao gồm:
- Thuốc kháng sinh: Bệnh nhân được dùng thuốc kháng sinh khi có nhiễm trùng do vi khuẩn. Chẳng hạn như viêm tai giữa, nhiễm trùng tai trong... Thuốc giúp điều trị nhiễm trùng và ngăn tái phát.
- Thuốc kháng virus: Bệnh nhân được chỉ định thuốc kháng virus nếu có nhiễm trùng do virus. Thuốc giúp tiêu diệt loại virus gây bệnh, hỗ trợ phục hồi thính giác.
- Steroid: Steroid thường được dùng cho bệnh nhân có vấn đề về thính giác do tiếng ồn hoặc bệnh lý về hệ miễn dịch. Thuốc giúp điều trị viêm, giảm đau và giảm sưng các tế bào lông ốc tai.
4. Trợ thính
Ở những người bị khiếm thính do tổn thương tai trong, bác sĩ sẽ hướng dẫn sử dụng máy trợ thính. Thiết bị này có tác dụng làm mạnh âm thanh và hướng âm thanh vào tai. Từ đó giúp người bệnh có thể nghe những âm thanh xung quanh.
Phòng ngừa
Những biện pháp giúp phòng ngừa bệnh khiếm thính:
- Tiêm phòng đầy đủ khi mang thai. Điều này giúp giảm nguy cơ nhiễm trùng gây ra các dị dạng về tai, ảnh hưởng đến sức khỏe và gây khiếm thính ở trẻ em.
- Cần tiến hành điều trị ngay khi có những triệu chứng của nhiễm trùng tai giữa, nhiễm trùng tai trong, viêm màng não mủ, viêm não, quai bị và sởi ở trẻ.
- Tránh xa những nơi có tiếng ồn lớn.
- Không sinh sống ở những nơi xung quanh có nhiều tiếng ồn.
- Nếu có công việc cần tiếp xúc nhiều với tiếng ồn, hãy sử dụng nút bịt tai hoặc đeo nút tai giảm âm (trong tai) để bảo vệ thính giác.
- Tránh những hoạt động có thể gây chấn thương và làm hỏng thính giác.
- Điều chỉnh âm lượng phù hợp khi nghe nhạc. Nếu có thể, hãy giảm âm lượng trên những thiết bị điện tử, đồ chơi, dụng cụ điện, tai nghe...
- Thường xuyên kiểm tra thính giác nếu phải tiếp xúc nhiều với tiếng ồn. Sau đó tiến hành điều trị và thực hiện các bước ngăn ngừa bệnh tiến triển.
Những câu hỏi quan trọng khi gặp bác sĩ
1. Nguyên nhân nào khiến tôi bị khiếm thính?
2. Phương pháp nào hiệu quả và phù hợp cho tình trạng của tôi?
3. Tôi bị mất thính lực tạm thời hay vĩnh viễn?
4. Điều trị trong bao lâu thì phục hồi?
5. Rủi ro khi phẫu thuật điều trị khiếm thính?
6. Có lựa chọn thay thế cho phương pháp được đề nghị hay không?
7. Tôi cần làm gì để bảo vệ tai và ngăn mất thính lực nặng hơn?
Bệnh khiếm thính có thể xảy ra ở trẻ nhỏ và người lớn do nhiều nguyên nhân. Tùy thuộc vào tình trạng, phương pháp điều trị và khả năng phục hồi sẽ khác nhau. Hãy tiến hành điều trị sớm và nghe theo chỉ định của bác sĩ để đạt hiệu quả cao nhất.
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!