Lạc Nội Mạc Tử Cung
Bệnh lạc nội mạc tử cung xảy ra khi những tế bào nội mạc tử cung phát triển bên ngoài tử cung của phụ nữ. Điều này thường gây đau đớn, kinh nguyệt nặng hoặc xuất huyết bất thường. Hơn nữa bệnh không được điều trị sớm có thể gây vô sinh.
Tổng quan
Lạc nội mạc tử cung là tình trạng nội mạc tử cung (mô trong tử cung) phát triển bên ngoài tử cung của bạn. Những mô này thường được tìm thấy ở buồng trứng, mô lót vùng chậu và ống dẫn trứng. Chúng cũng có thể phát triển ngoài khu vực cơ quan vùng chậu nhưng hiếm gặp.
Bệnh thường gây đau từ nhẹ đến nặng, đặc biệt là trong chu kỳ kinh nguyệt. Ngoài ra lạc nội mạc tử cung có thể gây xuất huyết bất thường hoặc kinh nguyệt nặng, khó mang thai hoặc vô sinh.
Thông thường nội mạc tử cung dày lên, vỡ và chảy máu trong mỗi chu kỳ kinh nguyệt. Tuy nhiên lạc nội mạc tử cung khiến những mô này không thể thoát ra khỏi cơ thể mà bị kẹt lại.
U nang có thể hình thành ở những người có nội mạc tử cung phát triển ở buồng trứng. Điều này khiến các mô xung quanh bị kích ứng, tạo mô sẹo, khiến những cơ quan vùng chậu và mô dính vào nhau.
Phân loại
Dựa vào vị trí phát triển, lạc nội mạc tử cung thường được phân thành 4 loại, bao gồm:
- Tổn thương phúc mạc bề ngoài
Tổn thương phúc mạc bề ngoài là tình trạng mô nội mạc tử cung gắn vào phúc mạc (màng mỏng lót ở bụng và xương chậu). So với những u nang chứa máu cũ và lạc nội mạc tử cung xâm nhập sâu (DIE), loại này ít nghiêm trọng nhưng phổ biến hơn.
- Lạc nội mạc tử cung xâm nhập sâu (DIE)
DIE xảy ra khi mô nội mạc tử cung xâm lấn vào những cơ quan ở ngoài hoặc ở trong khoang chậu. Chẳng hạn như:
-
- Trực tràng
- Buồng trứng
- Bàng quang
- Ruột
Lạc nội mạc tử cung xâm nhập sâu (DIE) hiếm khi xảy ra, chỉ chiếm khoảng 1 - 5% trường hợp. Bệnh có mức độ nguy hiểm cao, nội mạc tử cung có thể tạo thành những mô sẹo khiến những cơ quan và mô dính với nhau.
- Lạc nội mạc tử cung
Những u nang chứa máu cũ (hay u nang sô cô la) phát triển ở nhiều vị trí khác nhau của bụng hoặc xương chậu. Điều này phổ biến hơn ở buồng trứng. Tùy thuộc vào tình trạng, những khối u nang sẽ có kích thước khác nhau.
- Thành bụng lạc nội mạc tử cung
Đôi khi những mô nội mạc tử cung xuất hiện trên thành bụng và gắn vào vết mổ phẫu thuật.
Bệnh được phân thành 4 giai đoạn, bao gồm:
- Giai đoạn 1: Đây là giai đoạn rất nhẹ của bệnh. Trong đó một vài khối lạc nội mạc tử cung nhỏ xuất hiện trên mô lót vùng chậu / bụng hoặc những cơ quan. Ở giai đoạn này, người bệnh có thể có hoặc không có mô sẹo.
- Giai đoạn 2: Những mô nội mạc tử cung phát triển ở nhiều vị trí, có độ dài và độ sâu hơn so với giai đoạn 1. Ngoài ra người bệnh có thể có một số mô sẹo.
- Giai đoạn 3: Đây là giai đoạn trung bình của bệnh. Trong giai đoạn này, bệnh nhân có nhiều mô nội mạc tử cung cấy sâu, những khối u nang nhỏ xuất hiện ở buồng trứng hoặc vòi trứng kèm theo những dải mô sẹo dày (chất kết dính).
- Giai đoạn 4: Đây là giai đoạn lan rộng và nặng nhất trong bệnh lạc nội mạc tử cung. Trong giai đoạn này, bệnh nhân có nhiều mô bám dính dày và cấy ghép sâu, những khối u nang lớn xuất hiện ở vòi tử cung, một bên hoặc cả hai bên của buồng trứng, giữa phần dưới ruột và tử cung.
Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ
Chưa xác định rõ nguyên nhân gây lạc nội mạc tử cung. Tuy nhiên nhiều chuyên gia tin rằng bệnh liên quan đến một số vấn đề sau:
- Kinh nguyệt ngược dòng: Máu kinh nguyệt chứa những tế bào nội mạc tử cung không chảy ra ngoài mà chảy ngược vào khoang chậu qua ống dẫn trứng. Điều này khiến những tế bào nội mạc tử cung dính vào thành chậu hoặc/ và bề mặt của những cơ quan vùng chậu. Sau một thời gian phát triển, chúng dày lên và tiếp tục chảy máu khi đến chu kỳ kinh nguyệt.
- Biến đổi tế bào phôi: Những kích thích tố như estrogen là yếu tố nguy cơ của bệnh. Estrogen có thể khiến những tế bào phôi biến đổi thành những tế bào cấy ghép. Chúng hoạt động như nội mạc tử cung của tuổi dậy thì. Chính vì thế nguy cơ lạc nội mạc tử cung sẽ tăng lên ở những người có nồng độ hormone estrogen tăng cao.
- Biến đổi tế bào phúc mạc: Một số nghiên cứu cho thấy yếu tố miễn dịch hoặc hormone có thể khiến những tế bào phúc mạc biến đổi thành những tế bào tương tự như nội mạc tử cung.
- Phẫu thuật: Những tế bào nội mạc tử cung có thể dính vào vết rách từ phẫu thuật, chẳng hạn như cắt bỏ tử cung.
- Rối loạn hệ thống miễn dịch: Khi bị rối loạn, hệ thống miễn dịch không thể nhận biết và tiêu diệt những mô bất thường. Điều này khiến những tế bào nội mạc tử cung tiếp tục phát triển ngoài tử cung.
- Vận chuyển tế bào nội mạc tử cung: Những tế bào nội mạc tử cung có thể được vận chuyển đến những bộ phận khác của cơ thể thông qua bạch huyết (hệ thống dịch mô) hoặc những mạch máu.
Nguy cơ lạc nội mạc tử cung tăng cao khi có những yếu tố sau:
- Di truyền.Những người có tiền sử gia đình bị lạc nội mạc tử cung sẽ có nguy cơ mắc bệnh cao hơn
- Có chu kỳ kinh nguyệt ngắn (dưới 27 ngày)
- Kinh nguyệt kéo dài hơn 7 ngày
- Chưa bao giờ có con
- Những người có chu kỳ kinh nguyệt bắt đầu trước 11 tuổi
- Có khiếm khuyết trong ống dẫn trứng hoặc tử cung.
- Những tình trạng sức khỏe ngăn máu chảy ra khỏi cơ thể trong chu kỳ kinh nguyệt
- Trải qua thời kỳ mãn kinh ở độ tuổi lớn hơn
- Tiếp xúc nhiều hơn với estrogen hoặc cơ thể có lượng estrogen cao hơn bình thường
- Chỉ số khối cơ thể thấp
- Rối loạn đường sinh sản.
Triệu chứng và chẩn đoán
Để nhận biết bệnh lạc nội mạc tử cung, người bệnh có thể dựa vào những triệu chứng dưới đây:
- Đau (triệu chứng chính của bệnh)
- Cơn đau có thể nhẹ hoặc dữ dội ở vùng bụng, lưng dưới và vùng xương chậu
- Đau bụng kinh dữ dội
- Đau khi quan hệ tình dục
- Đau lưng hoặc đau bụng giữa những kỳ kinh hoặc trong chu kỳ kinh nguyệt
- Kinh nguyệt nặng (chảy nhiều máu)
- Xuất huyết bất thường giữa những kỳ kinh
- Đi tiểu đau
- Vô sinh
Mức độ nghiêm trọng của triệu chứng không phụ thuộc vào mức độ nghiêm trọng của bệnh. Nhiều người bị lạc nội mạc tử cung nghiêm trọng nhưng không đau đớn nhiều. Trong khi đó cơn đau có thể dữ dội ở những người có ít mảng lạc nội mạc tử cung.
Trong một số trường hợp, lạc nội mạc tử cung không có triệu chứng. Bệnh nhân không thể phát hiện bệnh cho đến khi kiểm tra vô sinh hoặc thực hiện một thủ thuật khác.
Trong lần đầu thăm khám, bệnh nhân được kiểm tra triệu chứng (thời điểm, mức độ và thời gian đau), tiền sử mang thai và bệnh lý. Ngoài ra bệnh nhân sẽ được thực hiện một số xét nghiệm giúp xác định bệnh. Cụ thể:
- Khám vùng chậu: Bác sĩ có thể ấn nhẹ vào bụng hoặc những khu vực trong khung xương chậu. Điều này có thể tìm thấy những bất thường.
- Siêu âm: Hình ảnh siêu âm vùng chậu có thể phát hiện được những tế bào lạc nội mạc tử cung.
- Chụp cộng hưởng từ (MRI): Hình ảnh chi tiết từ MRI cho phép xác định vị trí, số lượng và đặc điểm của những tế bào lạc nội mạc tử cung. Đồng thời phân biệt những tế bào nội mạc tử cung với những tế bào ác tính.
- Sinh thiết: Một mẫu mô nhỏ sẽ được lấy ra và đánh giá trong phòng thí nghiệm. Kỹ thuật này cho phép phân biệt những tế bào lành tính và ác tính.
Biến chứng và tiên lượng
Bệnh lạc nội mạc tử cung có tiên lượng tốt ở những người phát hiện và điều trị sớm. Tiên lượng giảm dần và biến chứng xảy ra ở những người trì hoãn điều trị.
Bệnh có thể gây hai biến chứng bao gồm:
- Vô sinh: Biến chứng này gặp ở 1/3 phụ nữ mắc bệnh. Vô sinh xảy ra khi những tế bào lạc nội mạc tử cung ngăn cản tinh trùng gặp trứng và thụ tinh. Trong nhiều trường hợp, những tế bào này làm tổn thương ống dẫn trứng và vòi trứng, phá hủy trứng và tinh trùng. Đây đều là những yếu tố khiến nữ giới khó mang thai.
- Ung thư: Bệnh lạc nội mạc tử cung không được điều trị có thể gây ung thư buồng trứng. Bệnh lý này khiến bệnh nhân có nguy cơ tử vong cao.
Điều trị
Phương pháp điều trị được chỉ định dựa trên tình trạng (mức độ nghiêm trọng, triệu chứng và khả năng mang thai). Bệnh nhân có thể được điều trị bảo tồn hoặc phẫu thuật.
1. Liệu pháp hormone
Liệu pháp hormone được áp dụng để cắt giảm cơn đau do lạc nội mạc tử cung. Phương pháp này giúp ổn định nồng độ hormone trong chu kỳ kinh nguyệt, giảm đau. Đồng thời làm chậm sự phát triển của mô nội mạc tử cung và ngăn của hình thành các mô mới bên ngoài tử cung.
Tuy nhiên liệu pháp hormone chỉ có tác dụng tạm thời. Việc ngừng điều trị có thể khiến những triệu chứng trở lại.
Dưới đây là một số lựa chọn:
- Thuốc tránh thai nội tiết tố: Cắt giảm cơn đau.
- Liệu pháp progestin: Làm ngừng chu kỳ kinh nguyệt, giảm đau và ngừng sự phát triển của những mô cấy nội mạc tử cung.
- Dùng chất ức chế aromatase: Làm giảm lượng estrogen trong cơ thể. Dùng kết hợp với progestin hoặc thuốc tránh thai có thể điều trị lạc nội mạc tử cung.
- Thuốc giải phóng hormone sinh dục (GnRH): Thuốc có tác dụng ngăn cản quá trình sản sinh của những hormone gây chu kỳ kinh nguyệt. Điều này giúp giảm hoạt động của hệ thống sinh sản dẫn đến giảm đau.
2. Thuốc giảm đau
Một loại thuốc giảm đau chống viêm không steroid như Ibuprofen hoặc thuốc giảm đau Acetaminophen có thể được dùng để giảm đau bụng kinh.
3. Kích thích buồng trứng
Kích thích buồng trứng được chỉ định cho những bệnh nhân bị lạc nội mạc tử cung dẫn đến khó mang thai. Phương pháp này có tác dụng tạo ra nhiều trứng hơn nhằm thực hiện thụ tinh trong ống nghiệm. Từ đó cải thiện khả năng mang thai và sinh nở.
4. Phẫu thuật
Có 2 phương pháp phẫu thuật trong điều trị lạc nội mạc tử cung, bao gồm:
- Phẫu thuật bảo tồn
Phẫu thuật bảo tồn được chỉ định cho những bệnh nhân bị lạc nội mạc tử cung đang cố gắng mang thai. Phương pháp này giúp bóc tách và loại bỏ lạc nội mạc tử cung mà không làm ảnh hưởng đến tử cung và buồng trứng.
Thông thường phẫu thuật bảo tồn sẽ được thực hiện thông qua kỹ thuật nội soi. Trong đó các dụng cụ sẽ được đưa vào hai vết rạch nhỏ gần rốn, sau đó loại bỏ mô nội mạc tử cung.
So với kỹ thuật khác, phẫu thuật bảo tồn có ít tổn thương và chảy máu hơn, thời gian lành thương nhanh. Ngoài ra nữ giới sẽ có cơ hội mang thai sau điều trị. Tuy nhiên những tế bào nội mạc tử cung có thể phát triển ở những vị trí khác và khiến các triệu chứng quay trở lại.
- Phẫu thuật cắt bỏ tử cung và buồng trứng
Phương pháp này có thể giúp điều trị triệt để, ngăn lạc nội mạc tử cung và các triệu chứng tái diễn. Tuy nhiên việc cắt bỏ tử cung và buồng trứng dẫn đến một số vấn đề nghiêm trọng, cần được cân nhắc trước khi áp dụng.
-
- Cắt bỏ buồng trứng: Buồng trứng bị cắt bỏ giúp giải quyết những tế bào lạc nội mạc tử cung trong khu vực này, giảm đau do giảm hormone do buồng trứng sản xuất. Tuy nhiên cắt bỏ buồng trứng có thể dẫn đến mãn kinh sớm, phụ nữ không thể mang thai, gây ra một số vấn đề về tim, mạch máu và quá trình trao đổi chất. Cơn đau cũng có thể tái diễn nếu những tế bào nội mạc tử cung còn sót.
- Cắt bỏ tử cung: Phương pháp này giúp loại bỏ lạc nội mạc tử cung, điều trị đau và những triệu chứng liên quan đến chu kỳ kinh nguyệt. Cắt bỏ tử cung sẽ được chỉ định cho những người không muốn mang thai.
Dựa vào tình trạng cụ thể, người bệnh được hướng dẫn phương pháp phẫu thuật tốt nhất. Nên cân nhắc về lợi ích và rủi ro trước khi thực hiện.
5. Lối sống và biện pháp chăm sóc
Nếu lạc nội mạc tử cung gây khó chịu, người bệnh có thể thử một số biện pháp chăm sóc sau:
- Tắm nước ấm: Tắm nước ấm giúp thư giãn toàn thân, giảm đau, giảm chuột rút. Biện pháp này cũng giúp cải thiện tâm trạng và giấc ngủ.
- Chườm ấm: Dùng chai nước ấm hoặc đệm sưởi ấm đặt lên vùng bụng dưới hoặc lưng dưới. Biện pháp này giúp giãn cơ vùng chậu, giảm đau và cảm giác khó chịu.
Phòng ngừa
Bệnh lạc nội mạc tử cung không được phòng ngừa hoàn toàn. Tuy nhiên ngăn một số yếu tố có thể giúp giảm nguy cơ mắc bệnh. Bao gồm:
- Mang thai và cho con bú.
- Khám phụ khoa định kỳ 6 tháng/ lần, đặc biệt là những người có tiền sử gia đình lạc nội mạc tử cung. Điều này giúp phát hiện sớm và chữa bệnh trong giai đoạn đầu.
- Duy trì cân nặng khỏe mạnh.
- Thường xuyên tập thể dục để duy trì cân nặng, giảm mỡ, cải thiện sức khỏe tổng thể và sinh sản.
- Tránh đồ uống có cồn.
- Không lạm dụng đồ uống chứa caffein, trà xanh và soda bởi những thức uống này có thể làm tăng nồng độ estrogen.
- Thực hiện chế độ ăn uống lành mạnh, cân bằng, bổ sung đầy đủ dinh dưỡng cho cơ thể.
- Không lạm dụng những loại thuốc làm tăng nồng độ estrogen trong cơ thể.
- Điều trị rối loạn kinh nguyệt, chảy máu kinh nguyệt trên 7 ngày và những bệnh lý có thể gây lạc nội mạc tử cung.
Những câu hỏi quan trọng khi gặp bác sĩ
1. Bệnh lạc nội mạc tử cung của tôi ở giai đoạn nào? Vị trí?
2. Những phương pháp điều trị nào tốt nhất cho tình trạng hiện tại?
3. Điều trị xảy ra nếu tôi không điều trị?
4. Những lựa chọn nào giúp giảm nhanh triệu chứng?
5. Vì sao cần phẫu thuật lạc nội mạc tử cung?
6. Có bao nhiêu lựa chọn phẫu thuật? Chi phí?
7. Lợi ích và rủi ro khi phẫu thuật lạc nội mạc tử cung là gì?
Bệnh lạc nội mạc tử cung có mức độ nguy hiểm cao, dễ gây biến chứng vô sinh và ung thư nếu không được điều trị tốt. Để cải thiện tiên lượng, người bệnh cần khám và đánh giá tình trạng. Đồng thời tuân thủ điều trị theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa.
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!