Bệnh Lao Hồi Manh Tràng
Lao hồi manh tràng là một dạng của bệnh lao ruột - một loại lao đường tiêu hóa. Bệnh xảy ra do vi khuẩn lao xâm nhập và lây lan, thường gặp ở những người có độ tuổi từ 30 - 55 tuổi. Lao ruột có thể được chữa khỏi khi dùng thuốc.
Tổng quan
Lao hồi manh tràng là tình trạng tổn thương ruột do vi khuẩn lao (Mycobacterium tuberculosis) gây ra, được gọi là bệnh lao ngoài phổi. Bệnh lý này thường xảy ra sau khi vi khuẩn lao gây nhiễm trùng ở một vị trí khác (như phổi) và lây lan đến ruột.
Vi khuẩn lao lây truyền từ người sang người. Sau khi mắc bệnh lao hồi manh tràng, người bệnh có nhiều triệu chứng khó chịu nhưng được kiểm soát tốt bằng thuốc. Thông thường thuốc kháng lao sẽ được sử dụng để điều trị với liều lượng thích hợp.
Lao hồi manh tràng có thể ảnh hưởng đến mọi đối tượng. Tuy nhiên bệnh thường xảy ra ở những người có độ tuổi từ 30 - 50 tuổi.
Phân loại
Bệnh lao hồi manh tràng được phân thành 2 loại, bao gồm lao ruột nguyên phát và thứ phát. Cụ thể:
- Lao ruột nguyên phát: Bệnh xảy ra khi vi khuẩn lao xâm nhập và phát triển trong cơ thể thông qua đường tiêu hóa. Chúng khu trú ở ruột và gây ra những tổn thương. Nếu không được điều trị, vi khuẩn lao sẽ từ ruột lây lan đến nhưng cơ quan khác. So với lao ruột thứ phát, lao ruột nguyên phát ít xảy ra hơn.
- Lao ruột thứ phát: Bệnh xảy ra khi vi khuẩn lao xâm nhập và làm tổn thương những cơ quan khác (như phổi, thực quản, hầu họng, màng bụng...), sau đó lây lan đến ruột.
Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ
Nhiễm vi khuẩn lao (Mycobacterium tuberculosis) là nguyên nhân gây lao hồi manh tràng. Vi khuẩn này có tốc độ lây lan nhanh và xâm nhập vào cơ thể thông qua nhiều con đường, bao gồm:
- Nuốt phải chất nhầy, đờm hoặc dãi chứa vi khuẩn lao
- Hít phải giọt bắn nước bọt khi người bệnh nói chuyện, hắt hơi hoặc ho
- Tiêu thụ sữa bò tươi và những chế phẩm làm từ sữa có chứa trực khuẩn lao bò
- Tiêu thụ những loại thức ăn và nước uống có chứa vi khuẩn lao
- Lây nhiễm qua đường máu
- Lây qua đường bạch mạch, đường mật
- Do tiếp giáp với lao màng bụng.
Những yếu tố làm tăng nguy cơ:
- Tuổi từ 30 - 50 tuổi
- Hệ miễn dịch suy yếu
- Có người thân trong gia đình mắc bệnh lao
- Sinh sống và làm việc trong môi trường đông đúc.
Triệu chứng và chẩn đoán
Bệnh lao hồi manh tràng có diễn tiến âm thầm, dấu hiệu thường không đặc hiệu trong giai đoạn khởi phát. Trong giai đoạn toàn phát, bệnh gây ra nhiều triệu chứng nghiêm trọng, cần tiến hành điều trị sớm.
+ Triệu chứng trong thời kỳ khởi phát
- Gầy sút
- Xanh xao
- Mệt mỏi
- Sốt về chiều
- Ra mồ hôi trộm
- Buồn nôn
- Đau bụng
- Bệnh nhân bị đau bụng âm ỉ, không có vị trí cố định
- Thường mót đi ngoài khi đau bụng
- Đi ngoài được thì dịu đau
- Thường có soi bụng kèm theo
- Rối loạn đại tiện
- Đại tiện phân lỏng 2 - 3 lần/ngày
- Phân sền sệt và thối
- Đi lỏng kéo dài, không có hiệu quả khi dùng thuốc
- Tiêu chảy và táo bón có thể xen kẽ
- Rối loạn đại tiện có thể khỏi vài ngày nhưng lại tái phát.
+ Triệu chứng trong thời kỳ toàn phát
Trong thời kỳ toàn phát, những triệu chứng của bệnh thường nghiêm trọng và đa dạng, bệnh nhân có thể có những triệu chứng khác nhau ở những thể bệnh khác nhau.
Thể loét tiểu tràng, đại tràng
- Đau bụng nhiều
- Sốt cao
- Đại tiện lỏng kéo dài
- Bụng hơi to và có nhiều hơi. Tuy nhiên sờ bụng thì không cảm thấy có gì đặc biệt
- Phân loãng, màu vàng, mùi hôi thối, có lẫn ít máu, mủ và nhầy
- Suy kiệt nhanh
- Cơ thể gầy sút và xanh xao
- Biếng ăn
- Ăn vào đau bụng và đi ngoài phân lỏng
Thể hẹp ruột
- Đau bụng tăng lên sau khi ăn xong
- Bụng nổi lên những u cục, có dấu hiệu rắn bò
- Nghe thấy tiếng hơi di động trong ruột, cảm thấy hơi qua chỗ hẹp
- Khám bụng không thấy dấu hiệu gì ngoài cơn đau.
Thể to - hồi manh tràng
- Tiêu chảy, sau đó táo bón
- Phân lẫn máu nhầy mủ
- Nôn mửa
- Đau bụng
- Xuất hiện u mềm ở hố chậu phải, ấn đau di động ít.
+ Triệu chứng cấp cứu
- Bụng đau và co thắt dữ dội
- Chân đi không vững
- Bụng sưng to và có phản ứng co cứng
- Sốt
- Chán ăn
- Sụt cân.
Trong lần thăm khám đầu tiên, người bệnh được kiểm tra triệu chứng lâm sàng, bao gồm: Vị trí và mức độ đau bụng, đặc điểm của phân, tần suất đi ngoài trong những ngày gần đây. Ngoài ra bác sĩ sẽ hỏi về tiền sử bệnh, ấn vào bụng để tìm khối u hay bất kỳ dấu hiệu nào khác.
Nếu nghi ngờ lao ruột hoặc không rõ nguyên nhân, bác sĩ có thể chỉ định những xét nghiệm dưới đây:
- Xét nghiệm máu: Xét nghiệm này có thể giúp phát hiện nhiễm trùng ruột do vi khuẩn lao. Ở những trường hợp bị lao ruột hay lao hồi manh tràng, xét nghiệm máu có thể cho thấy tốc độ lắng máu tăng và bạch cầu lympho tăng.
- Thử nghiệm Mantoux: Thử nghiệm Mantoux còn được gọi là xét nghiệm tiêm dưới da xác định lao. Xét nghiệm này giúp đo phản ứng của hệ miễn dịch với tác nhân là vi khuẩn lao (Mycobacterium tuberculosis). Từ đó xác định bệnh lao hồi manh tràng. Để thực hiện thử nghiệm, bệnh nhân sẽ được tiêm vào cánh tay Tuberculin của vi khuẩn lao với liều lượng nhỏ. Những trường hợp đã tiếp xúc với vi khuẩn lao sẽ có phản ứng với kháng nguyên, cụ thể như xuất hiện vết sưng đỏ tại vị trí tiêm trong vòng 2 ngày.
- Phản ứng mantoux: Nếu có lao ruột, người bệnh sẽ có phản ứng mantoux dương tính mạnh.
- Xét nghiệm phân: Kiểm tra phân của người bệnh có thể tìm thấy trực khuẩn lao trong phân.
- Xét nghiệm hình ảnh: Để xác định vị trí tổn thương và đánh giá mức độ nghiêm trọng, người bệnh có thể được chụp khung đại tràng có cản quang và chụp transit ruột (bệnh nhân có uống geobarin). Hình ảnh thu được có thể cho thấy đại tràng không đều, chỗ to, chỗ nhỏ; vùng hồi - manh - đại tràng có hình đọng thuốc nhỏ hoặc ngấm thuốc không đều; những ổ loét của ruột non là những hình đọng thuốc, tròn hoặc có hình bầu dục, cố định; tiểu tràng biến dạng chỗ to chỗ nhỏ.
- Nội soi: Xét nghiệm này sử dụng ống mềm có camera và đèn để đưa vào trong và quan sát. Nội soi giúp bác sĩ quan sát môi trường bên trong ruột và đánh giá nhanh những tổn thương. Ở những người bị lao ruột, bác sĩ có thể nhìn thấy những vấn đề sau:
- Các hạt lao có kích thước nhỏ, màu trắng, rải rác trên niêm mạc
- Những ổ loét nông, bờ mỏng, chảy máu ở đáy ổ loét hoặc ở bờ, tổn thương có màu tím bầm
- Nhìn thấy khối u với nhiều vết thâm nhiễm hết vùng manh tràng. Đôi khi không thể đưa ống soi qua được do làm hẹp lòng manh tràng.
- Sinh thiết: Trong quá trình nội soi đường ruột, bác sĩ có thể lấy mẫu mô ở nơi có bệnh tích để kiểm tra. Xét nghiệm này giúp đánh giá nhanh những tổn thương lao ở thành ruột.
Biến chứng và tiên lượng
Bệnh lao hồi manh tràng là một bệnh lý nguy hiểm. Bệnh có những triệu chứng nghiêm trọng và kéo dài, ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt và sức khỏe tổng thể.
Hơn nữa bệnh lao hồi manh tràng có thể gây ra nhiều biến chứng nếu không được phát hiện và điều trị sớm. Cụ thể:
- Hẹp ruột, có thể bán tắc hoặc tắc ruột
- Thủng ổ loét
- Xuất huyết tiêu hóa
- Viêm phúc mạc
- Lồng ruột
- Nhiễm trùng lây lan dẫn đến lao màng bụng, lao hầu họng, lao thực quản...
Điều trị
Bệnh lao hồi manh tràng được điều trị bằng thuốc kết hợp chế độ ăn uống và sinh hoạt lành mạnh. Ngoài ra phẫu thuật sẽ được thực hiện cho những trường hợp nặng và có biến chứng.
1. Thuốc
Các loại thuốc thường được sử dụng trong điều trị lao hồi manh tràng:
- Thuốc kháng lao: Cần dùng thuốc kháng lao để điều trị lao ruột. Thuốc này hoạt động bằng cách tiêu diệt vi khuẩn lao, điều trị và ngăn nhiễm trùng lao tái phát. Thuốc kháng lao được dùng kéo dài từ 2 - 5 tháng khi điều trị tấn công và 12 - 18 tháng khi điều trị củng cố. Thông thường 2 hoặc 3 trong số những loại thuốc kháng lao gồm Rifamixin, Ethambutol, INH, Streptomyxin sẽ được sử dụng.
- Thuốc giảm đau bụng: Bệnh nhân được kê đơn thuốc giảm đau như Atropin để điều trị triệu chứng đau bụng. Khi dùng thuốc này có thể giúp làm dịu nhanh hơn đau. Liều khuyến cáo như sau:
- Atropin: Tiêm dưới da 1 ống tiêm 1/2mg.
- Thuốc điều trị tiêu chảy: Thuốc này được dùng để giảm bớt cảm giác đau bụng và tiêu chảy.
2. Biện pháp khắc phục tại nhà
Trong quá trình điều trị lao hồi manh tràng, người bệnh được yêu cầu thay đổi lối sống và chế độ ăn uống để tăng hiệu quả chữa bệnh. Cụ thể:
- Uống nhiều nước để phòng ngừa mất nước do tiêu chảy.
- Ăn uống đủ chất. Đặc biệt nên ăn nhiều thực phẩm giàu đạm, vitamin và khoáng chất để nâng cao sức đề kháng, chống mệt mỏi và tăng khả năng chống lại vi khuẩn lao.
- Không nên ăn nhiều thức ăn dạng bột để tránh làm tăng mức độ nghiêm trọng của những triệu chứng.
- Nghỉ ngơi và ngủ đủ giấc. Điều này giúp cơ thể có thời gian phục hồi và chống bệnh. Tránh làm việc và vận động gắng sức.
- Chườm ấm thường xuyên có thể giúp giảm đau bụng và thư giãn.
3. Điều trị ngoại khoa
Phẫu thuật được thực hiện khi:
- Có biến chứng tắc ruột hoặc thủng ruột
- Điều trị nội khoa (bảo tồn) không có tiến triển tốt.
- Xuất huyết ồ ạt không đáp ứng với điều trị thông thường.
Phẫu thuật có thể bao gồm:
- Phẫu thuật cắt bỏ đoạn ruột hoặc cắt chỗ hẹp trong điều trị thắt hẹp ruột.
- Phẫu thuật cắt bỏ và khâu nối trong điều trị thủng ruột.
Phòng ngừa
Để phòng ngừa lao hồi manh tràng, hãy áp dụng những biện pháp giúp giảm nguy cơ lây nhiễm vi khuẩn lao, bao gồm:
- Giữ gìn vệ sinh trong ăn uống và sinh hoạt. Đảm bảo tiêu thụ những loại thực phẩm sạch, được rửa kỹ và nấu chín.
- Không sử dụng sữa bò tươi chưa qua xử lý.
- Không tự ý sử dụng những loại thuốc có khả năng làm suy giảm hệ miễn dịch, chẳng hạn như corticoid. Khi dùng thuốc điều trị bệnh, cần điều trị theo chỉ định của bác sĩ, dùng thuốc đúng liều và nên thường xuyên theo dõi tình trạng miễn dịch.
- Tránh tiếp xúc gần với những người mắc bệnh lao. Nếu cần phải tiếp xúc, hãy mang khẩu trang và găng tay, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng diệt khuẩn hoặc chất sát trùng để phòng ngừa lây nhiễm.
- Tránh sinh sống ở những nơi thiếu vệ sinh, đông đúc và ngột ngạt.
- Duy trì khẩu phần ăn giàu protein để hình thành và tái tạo những khối tế bào.
- Tăng cường hệ miễn dịch bằng cách duy trì hoạt động thể chất, ăn nhiều thực phẩm giàu vitamin và các chất chống oxy hóa. Mỗi ngày nên ăn từ 4 đến 6 phần hoa quả và rau xanh.
- Ăn uống đầy đủ dinh dưỡng bằng những khẩu phần ăn cân bằng và lành mạnh.
- Tập thể dục đều đặn mỗi ngày, ít nhất 30 phút để nâng cao hệ miễn dịch và cải thiện tuần hoàn máu. Từ đó giúp tăng khả năng chống bệnh.
- Ngồi thiền mỗi ngày và ngủ đủ giấc để giảm căng thẳng, nâng cao sức khỏe và hệ miễn dịch.
- Thường xuyên rửa tay sạch sẽ và tắm rửa mỗi ngày. Đặc biệt nên rửa tay trước và sau khi ăn xong.
- Tiêm vắc xin Bacillus Calmette-Guerin (BCG) để phòng ngừa bệnh lao cho trẻ sơ sinh, giảm nguy cơ mắc bệnh lao phổi, lao hồi manh tràng và những tổn thương khác.
Những câu hỏi quan trọng khi gặp bác sĩ
1. Phác đồ điều trị như thế nào?
2. Cần điều trị trong bao lâu để khắc phục bệnh?
3. Mất bao lâu để những triệu chứng và dấu hiệu thuyên giảm?
4. Tôi có cần phải cách ly y tế để ngăn ngừa lây lan không?
5. Những điều cần làm và nên tránh khi điều trị là gì?
6. Tôi có đang gặp phải những biến chứng của lao hồi manh tràng không?
7. Những tác dụng phu của thuốc khi dùng kéo dài là gì?
Bệnh lao hồi manh tràng xảy ra khi có sự xâm nhập của vi khuẩn lao. Bệnh gây ra nhiều triệu chứng và biến chứng nghiêm trọng. Tuy nhiên dùng thuốc điều trị theo phác đồ của bác sĩ có thể giúp khắc phục nhanh.
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!