Bệnh Lao Tinh Hoàn

Bài viết được tham vấn chuyên môn bởi Lương Y Đỗ Minh Tuấn | Lĩnh vực khám chữa: Nam khoa Nơi công tác Phòng Chẩn Trị YHCT Đỗ Minh Đường – Hà Nội

Lao tinh hoàn xảy ra do vi khuẩn lao, lây lan từ người sang người qua đường hô hấp và đến phổi. Theo đường máu, vi khuẩn di chuyển đến bất kỳ bộ phận nào của cơ thể, bao gồm cả tinh hoàn. Từ đó gây ra nhiều triệu chứng khó chịu.

Tổng quan

Lao tinh hoàn là bệnh viêm tinh hoàn do vi khuẩn lao (Mycobacterium tuberculosis). Đây là một loại trực khuẩn gram dương hiếu khí kháng acid. Bệnh xảy ra khi loại vi khuẩn này lây lan và xâm nhập vào cơ thể qua tiếp xúc giọt bắn của người bệnh.

Lao tinh hoàn
Lao tinh hoàn là tình trạng viêm tinh hoàn do vi khuẩn lao, thường gặp ở nam giới trưởng thành

Từ phổi, vi khuẩn lao có thể lây lan đến những cơ quan khác trong cơ thể, gây viêm ở tinh hoàn bằng cách di chuyển theo đường máu bộ phận này. Thống kê cho thấy lao tinh hoàn chiếm 7% trường hợp bị nhiễm trùng do vi khuẩn lao.

Vi khuẩn lao có tốc độ sinh sản chậm và có thể không hoạt động trong nhiều năm. Chính vì thế mà viêm tinh hoàn do loại vi khuẩn này thường có những biểu hiện lâm sàng âm thầm hoặc những triệu chứng không xảy ra trong thời gian dài.

Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ

Vi khuẩn lao (Mycobacterium tuberculosis) là nguyên nhân gây viêm tinh hoàn. Bệnh xảy ra khi loại vi khuẩn này xâm nhập vào cơ thể, di chuyển theo đường máu đến tinh hoàn và gây viêm.

Sau khi lây nhiễm ban đầu, vi khuẩn lao nhanh chóng nhân lên cục bộ trong các mô, đồng thời kích thích và tạo ra một loạt những phản ứng miễn dịch phức tạp. Thông thường lao tinh hoàn sẽ xảy ra vào thời điểm tái hoạt của trực khuẩn lao tiềm ẩn trong tinh hoàn ở những bệnh nhân bị nhiễm lao trước đó.

Vi khuẩn lao (Mycobacterium tuberculosis) là nguyên nhân gây viêm tinh hoàn
Sự xâm nhập và phát triển của vi khuẩn lao (Mycobacterium tuberculosis) là nguyên nhân gây viêm tinh hoàn

Những con đường xâm nhập vào cơ thể của vi khuẩn lao gồm:

  • Qua đường hô hấp: Vi khuẩn lao chủ yếu lây lan qua đường hô hấp, khi hít phải những giọt bắn do người lao phổi (có vi khuẩn lao đang hoạt động) ho, hắt hơi, nói chuyện.
  • Qua đường tiêu hóa: Vi khuẩn lây lan khi sử dụng sữa có nhiễm vi khuẩn lao bò (Mycobacterium bovis).
  • Qua đường tình dục: Vi khuẩn lây lan khi quan hệ tình dục bằng miệng với những người đang mắc bệnh lao sinh dục hoặc lây lan thông qua tiếp xúc với vị trí xây xát đường sinh dục. Vi khuẩn sẽ có trong máu và trong tinh dịch.
  • Lây từ mẹ sang con: Những cách thức lây truyền vi khuẩn lao từ mẹ sang con gồm:
    • Uống nước ối nhiễm vi khuẩn lao trong khi sinh.
    • Truyền nhau thai qua máu hoặc bạch huyết cho trẻ từ mẹ có bệnh lao đang hoạt động.
  • Tiêm phòng bằng vaccine BCG sống: Những người bị suy giảm hệ miễn dịch và nhiễm HIV sẽ có nguy cơ nhiễm trùng vi khuẩn lao sau khi tiêm phòng bằng vaccine BCG sống. Tình trạng này cũng có thể xảy ra sau khi sử dụng vaccine BCG sống trong quá trình điều trị ung thư bàng quang nông.

Những yếu tố làm tăng nguy cơ:

  • Quan hệ tình dục bừa bãi, nhiều bạn tình
  • Quan hệ tình dục không sử dụng bao cao su
  • Bất thường ở đường tiết niệu bẩm sinh
  • Bị nhiễm trùng đường tiết niệu tái phát.

Triệu chứng và chẩn đoán

Khi bị lao tinh hoàn, người bệnh sẽ có những triệu chứng dưới đây:

  • Sưng bìu
  • Đau từ nhẹ đến nặng
  • Có lỗ rò vùng bìu
  • Dày da bìu
  • Tràn dịch màng tinh hoàn với biểu hiện bìu sưng to và căng tức
  • Có cảm giác khó chịu hoặc không khỏe
  • Sốt
  • Đổ nhiều mô hôi
  • Sụt cân
  • Xuất tinh ra máu (có máu trong tinh dịch)
  • Đi tiểu đau
  • Phì đại tuyến tiền liệt.

Bệnh lao tinh hoàn khiến người bệnh bị sưng bìu, đau từ nhẹ đến nặng
Bệnh lao tinh hoàn khiến người bệnh bị sưng bìu, đau từ nhẹ đến nặng, có lỗ rò vùng bìu

Viêm tinh hoàn do nhiễm khuẩn thường được phát hiện khi thăm khám lâm sàng, bệnh nhân được hỏi về tiền sử bệnh, những dấu hiệu và triệu chứng. Để xác định vi khuẩn lao, những xét nghiệm sau đây sẽ được thực hiện:

  • Soi phết kính hiển vi: Bệnh nhân được lấy mẫu nước tiểu, dịch niệu đạo, dịch tuyến tiền liệt, dịch qua lỗ rò hoặc/ và mô sinh thiết để tiến hành soi phết kính hiển vi. Xét nghiệm này có thể cho biết viêm tinh hoàn có phải do nhiễm vi khuẩn lao hay không.
  • Nuôi cấy định danh vi khuẩn: Để chẩn đoán lao hoạt động, người bệnh sẽ được nuôi cấy định danh vi khuẩn để tìm trực khuẩn lao. Xét nghiệm này có độ đặc hiệu là 100% và độ nhạy là 65%.
  • Xét nghiệm GeneXpert MTB/RIF: Để chẩn đoán lao tinh hoàn, người bệnh sẽ được thực hiện xét nghiệm GeneXpert MTB/RIF. Đây là một loại xét nghiệm PCR định lượng để khuếch đại DNA của vi khuẩn lao và gen rpoB mã hóa tính kháng rifampicin. Điều này giúp phát hiện sớm tình trạng nhiễm lao và HIV (kháng rifampicin).
  • Sinh thiết: Nếu viêm tái phát nhiều lần hoặc có khối lạ, người bệnh sẽ được sinh thiết mô bệnh học. Trong đó một mẫu mô từ vị trí ảnh hưởng được lấy ra ngoài và phân tích. Điều này có thể giúp phát hiện nhanh đặc điểm của u hạt do nhiễm khuẩn lao.

Biến chứng & Tiên lượng

So với viêm tinh hoàn do vi khuẩn thông thường, lao tinh hoàn có mức độ nghiêm trọng và khó điều trị hơn, phác đồ điều trị thông thường không thể chữa khỏi được. Tuy nhiên điều tri tích cực có thể giúp giảm các triệu chứng, ngăn biến chứng và kiểm soát bệnh hiệu quả.

Nếu không được điều trị, lao tinh hoàn có thể gây ra nhiều biến chứng nghiêm trọng dưới đây:

  • Nhiễm trùng lan rộng
  • Tổn thương chức năng phổi
  • Viêm màng não
  • Tổn thương gan và thận
  • Rối loạn thị giác
  • Chèn ép tim
  • Lao cột sống hoặc đau xương khớp
  • Xơ hóa tổ chức ở cơ quan sinh dục
  • Vô sinh do lao (chiếm khoảng 10% trường hợp)
  • Vô sinh không tinh trùng tắc nghẽn (chiếm 4 - 9% trường hợp).

Điều trị

Bệnh nhân bị lao tinh hoàn được điều trị bằng thuốc kháng sinh. Ở những trường hợp lao nhạy cảm với thuốc, quá trình điều trị thường kéo dài trong vòng 6 tháng.

Đối với lao kháng thuốc, quá trình điều trị thường kéo dài đến 2 năm, trong đó chỉ có 50 - 70% trường hợp điều trị thành công.

Dùng kháng sinh đồ từ 6 tháng đến 2 năm để điều trị
Người bệnh được sử dụng kháng sinh đồ từ 6 tháng đến 2 năm để điều trị lao tinh hoàn

+ Điều trị lao nhạy cảm với thuốc

  • Sử dụng phối hợp 4 loại thuốc gồm Ethambutot, Pyrazinamide, Rifampicin và Isoniazid trong 2 tháng đầu tiên.
  • Sử dụng kết hợp 2 loại thuốc gồm Rifampicin và Isoniazid trong 4 tháng tiếp theo.

+ Điều trị lao đa kháng thuốc

Những loại thuốc chính được dùng ở dạng tiêm, bao gồm:

  • Amikacin, Kanamycin hoặc Capreomycin
  • Fluoroquinolon
  • Ethionamide hoặc prothionamide
  • Axit para-aminosalicylic
  • Cycloserine

Phòng ngừa

Nguy cơ mắc bệnh lao và lao tinh hoàn giảm khi áp dụng những biện pháp dưới đây:

  • Không tiếp xúc gần với những người bị nhiễm lao. Nên mang khẩu trang khi giao tiếp để phòng ngừa hít phải giọt bắn.
  • Thường xuyên rửa tay bằng dung dịch chứa ít nhất 60% cồn hoặc xà phòng diệt khuẩn và nước.
  • Thường xuyên vệ sinh nhà cửa và làm sạch các bề mặt nếu gia đình có người bị nhiễm khuẩn lao.
  • Không quan hệ tình dục với người mắc bệnh lao tinh hoàn hoặc nhiễm trùng lao. Đặc biệt là quan hệ qua đường miệng.
  • Sử dụng bao cao su mỗi khi quan hệ.
  • Duy trì đời sống tình dục an toàn, chung thủy với bạn tình không bị nhiễm bệnh.
  • Tham vấn chuyên khoa trước khi tiêm phòng vaccine BCG sống cho bệnh nhân bị nhiễm HIV, có hệ miễn dịch suy yếu hoặc bị ức chế, ung thư.
  • Khám sức khỏe định kỳ và điều trị tích cực nếu có viêm hoặc bệnh lao phổi. Điều này giúp ngăn vi khuẩn lao lây lan dẫn đến lao tinh hoàn.

Điều trị tích cực nếu có viêm hoặc bệnh lao phổi
Điều trị tích cực nếu có viêm hoặc bệnh lao phổi để ngăn ngừa vi khuẩn lây lan gây viêm tinh hoàn

Những câu hỏi quan trọng khi gặp bác sĩ 

1. Phác đồ điều trị của tôi như thế nào?

2. Loại thuốc nào được chỉ định?

3. Quy trình điều trị diễn ra trong bao lâu?

4. Khả năng sinh con có bị ảnh hưởng không?

5. Mất bao lâu để tôi có thể giao tiếp và hoạt động tình dục bình thường?

6. Cần thực hiện những biện pháp nào để ngăn ngừa lây lan cho người khác?

7. Tình trạng của tôi có được chữa khỏi hoàn toàn hay không?

Lao tinh hoàn là một tình trạng phức tạp, quá trình điều trị kéo dài và khó khăn. Để sớm kiểm soát, người bệnh cần khám và tích cực điều trị bằng kháng sinh theo chỉ định của bác sĩ. Ngoài ra nên áp dụng những biện pháp ngăn ngừa lây nhiễm cho người khác.

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *