Lệch Vách Ngăn Mũi
Lệch vách ngăn mũi xảy ra khi vách ngăn mũi dịch chuyển làm mất cân bằng giữa hai đường dẫn không khí, mũi xiêu vẹo và bị biến dạng. Việc không được điều trị có thể gây biến chứng tắc lỗ mũi hoặc khó thở.
Tổng quan
Lệch vách ngăn mũi là tình trạng lệch tâm của vách ngăn mũi. Bệnh xảy ra khi vách ngăn di chuyển sang một bên khiến đường dẫn không khí và một bên mũi nhỏ hơn bên còn lại.
Phần lớn bệnh nhân bị lệch vách ngăn mũi do biến dạng bẩm sinh, nhiều trường hợp khác do chấn thương mạnh. Vách ngăn mũi bị lệch nhẹ làm giảm luồng không khí hoặc lệch nghiêm trọng dẫn đến tắc nghẽn, chảy máu và những vấn đề về hô hấp.
Thông thường người bệnh được yêu cầu dùng thuốc giảm sưng và phẫu thuật sửa chữa vách ngăn bị lệch.
Phân loại
Tùy thuộc vào sự biến dạng của vách ngăn, lệch vách ngăn mũi được phân thành nhiều dạng, bao gồm:
- Lệch vách ngăn một bên mũi: Vách ngăn mũi bị lệch hình chữ C khiến đường dẫn khí một bên bị thu hẹp hay tắc nghẽn, bệnh nhân thường xuyên bị nghẹt mũi ở bên vách ngăn vẹo.
- Lệch vách ngăn hai bên mũi: Vách ngăn mũi bị lệch hình chữ S với biểu hiện cong vẹo sang hai bên. Đây là một tình trạng phức tạp, người bệnh thường bị nghẹt mũi cả hai bên.
- Dày chân vách ngăn: Tình trạng này xảy ra khi xương ở phần thấp của vách ngăn dày lên bất thường.
- Gai hoặc mào vách ngăn mũi: Mào hoặc gai vách ngăn mũi có xu hướng chạm vào niêm mạc mũi dẫn đến chảy máu và đau nhức. Tình trạng này thường xảy ra ở phần tiếp giáp của sụn vách ngăn và xương.
Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ
Có hai nguyên nhân gây lệch vách ngăn mũi, bao gồm:
- Rối loạn bẩm sinh: Trẻ được sinh ra với vách ngăn mũi bị lệch sang một bên hoặc hai bên. Đối với trường hợp này, biến dạng xuất hiện trong giai đoạn phát triển của thai nhi. Vách ngăn mũi bị lệch thường do những rối loạn mô liên kết di truyền. Cụ thể như:
- Hội chứng Ehlers–Danlos
- Hội chứng Marfan
- Homocystinuria
- Chấn thương ở mũi: Một chấn thương mạnh và trực tiếp có thể khiến vách ngăn mũi dịch chuyển ra khỏi vị trí trung tâm và lệch sang một bên. Điều này thường gặp trong một vụ tai nạn giao thông, va đập mạnh, đấu vật... Ở trẻ nhỏ lệch vách ngăn mũi có thể xảy ra do chấn thương trong khi sinh với chiếc mũi bị chèn ép.
- Lão hóa: Ở những người bị lệch vách ngăn mũi, quá trình lão hóa ảnh hưởng đến cấu trúc mũi khiến tình trạng này thêm nghiêm trọng. Đôi khi sự lão hóa theo thời gian chính là nguyên nhân khiến vách ngăn mũi bắt đầu di lệch.
- Nhiễm trùng: khoang mũi / xoang bị sưng hoặc bị kích thích do nhiễm trùng có thể làm nặng hơn mức độ nghiêm trọng của bệnh. Từ đó làm hẹp thêm đường mũi và gây ra tình trạng tắc nghẽn. Mặt khác những động tác như quẹt mũi thường xuyên có thể là nguyên nhân làm thay đổi cấu trúc của vách ngăn.
Những yếu tố làm tăng nguy cơ lệch vách ngăn mũi:
- Chấn thương trong khi sinh
- Chơi những môn thể thao tiếp xúc
- Không thắt dây an toàn khi lái xe
Triệu chứng và chẩn đoán
Phần lớn bệnh nhân bị lệch vách ngăn mũi không có triệu chứng. Những trường hợp nặng hơn có thể thấy vách ngăn mũi lệch rõ rệt kèm theo những biểu hiện khác.
Những triệu chứng thường gặp gồm:
- Khó thở
- Mũi lệch, một bên của mũi nhỏ hơn so với bên còn lại
- Mũi xiêu vẹo và bị biến dạng
- Tắc nghẽn một hoặc cả hai lỗ mũi
- Mũi luân phiên bị tắc nghẽn một bên sau đó chuyển sang bên còn lại (chu kỳ mũi)
- Đau mặt
- Chảy máu cam
- Có sở thích ngủ nghiêng sang một bên để tối ưu hóa quá trình thở bằng mũi vào ban đêm
- Thường xuyên viêm mũi hoặc viêm xoang
- Ngủ ngáy
- Chảy máu mũi thường xuyên
- Có tiếng ồn khi hít vào hoặc thở ra bằng mũi
- Chảy nước mũi sau
- Khô ở một bên mũi
- Giảm tính nhạy cảm của khứu giác
- Ngưng thở khi ngủ ở trường hợp nặng.
Để chẩn đoán lệch vách ngăn mũi, người bệnh được kiểm tra triệu chứng, kiểm tra cấu trúc của mũi bằng mắt. Điều này giúp xác định vị trí của vách ngăn, tình trạng di lệch tác động đến kích thước của lỗ mũi.
Đôi khi bác sĩ có thể kiểm tra lỗ mũi hoặc sâu hơn trong mũi bằng mỏ vịt hay ống nội soi. Quá trình kiểm tra giúp xem xét mô mũi, biểu hiện trước và sau khi xịt thuốc thông mũi.
Một số xét nghiệm khác:
- Chụp CT mũi xoang
- Chụp X-quang vùng mặt
Biến chứng và tiên lượng
Những người bị lệch vách ngăn mũi có tiên lượng khá tốt, các triệu chứng thường nhẹ và được điều trị bằng thuốc. Tuy nhiên ở những trường hợp nặng và không chữa trị, tình trạng tắc nghẽn mũi có thể gây ra những biến chứng sau:
- Thở bằng miệng mãn tính dẫn đến khô miệng
- Rối loạn giấc ngủ
- Ngưng thở khi ngủ
- Nghẹt mũi thường xuyên hoặc cảm thấy áp lực ở mũi
- Chảy máu mũi
- Tăng nguy cơ mắc các bệnh lý ở đường hô hấp như viêm họng, viêm mũi xoang...
Điều trị
Những trường hợp nhẹ có thể chỉ cần dùng thuốc để cắt giảm triệu chứng. Những trường hợp nặng hơn thường được yêu cầu phẫu thuật tạo hình vách ngăn hoặc/ và tạo hình mũi.
1. Điều trị bằng thuốc
Các thuốc thường được dùng trong điều trị lệch vách ngăn mũi:
- Thuốc thông mũi: Thuốc này được dùng để điều trị tắc nghẽn/ nghẹt mũi do biến dạng ở vách ngăn mũi. Thuốc có tác dụng giảm sưng mô mũi, giữ cho đường thở luôn thông thoáng. Tùy thuộc vào tình trạng, thuốc thông mũi có thể được dùng ở dạng thuốc xịt mũi hoặc thuốc viên.
- Thuốc kháng histamin: Nếu lệch vách ngăn mũi kèm theo biểu hiện dị ứng (nghẹt mũi, sổ mũi, ho khan, hắt hơi...) hoặc cảm lạnh, thuốc kháng histamin sẽ được chỉ định. Thuốc có tác dụng điều trị dị ứng và giảm nhanh những triệu chứng liên quan.
- Thuốc xịt mũi steroid: Nếu lệch vách ngăn mũi gây sưng nghiêm trọng, người bệnh sẽ được sử dụng thuốc xịt mũi corticosteroid. Đây là một loại thuốc kháng viêm mạnh, thuốc giúp điều trị viêm, giảm sưng đau, chống dị ứng và ức chế miễn dịch. Thông thường corticosteroid sẽ được sử dụng liên tục trong vòng 1 - 3 tuần để đạt hiệu quả tối đa.
Các thuốc chỉ có tác dụng cắt giảm triệu chứng do lệch vách ngăn mũi. Thuốc cần được dùng theo chỉ định của bác sĩ để giảm triệu chứng và tránh tác dụng phụ.
2. Phẫu thuật
Phẫu thuật là phương pháp chính trong điều trị lệch vách ngăn mũi. Phương pháp này giúp điều chỉnh vách ngăn, cân bằng hai bên lỗ mũi và hai đường dẫn khí. Từ đó khắc phục và ngăn các triệu chứng tái diễn.
Có hai lựa chọn phẫu thuật, bao gồm:
- Phẫu thuật tạo hình vách ngăn
Phẫu thuật tạo hình vách ngăn được chỉ định cho những trường hợp có vách ngăn mũi bị lệch nghiêm trọng và điều trị bảo tồn không hiệu quả. Phương pháp này giúp vách ngăn mũi được làm thẳng và trở lại vị trí trung tâm.
Khi thực hiện, bác sĩ tiến hành cắt và loại bỏ các phần của vách ngăn, sau đó lắp chúng vào vị trí thích hợp. Hầu hết bệnh nhân đạt được hiệu quả như mong đợi, những triệu chứng do lệch vách ngăn hoàn toàn biến mất.
Cần dùng thêm thuốc cho những trường hợp dị ứng, có các tình trạng mũi hoặc xoang làm ảnh hưởng đến mô lót trong mũi. Bởi phẫu thuật không thể chữa khỏi những tình trạng này.
- Phẫu thuật tạo hình mũi
Trong một số trường hợp, bệnh nhân được yêu cầu phẫu thuật tạo hình vách ngăn kết hợp tạo hình mũi. Phương pháp này giúp chỉnh sửa sụn mũi và xương để thay đổi hình dạng và kích thước của mũi.
Phòng ngừa
Lệch vách ngăn mũi không được ngăn ngừa hoàn toàn. Tuy nhiên những biện pháp phòng ngừa chấn thương có thể giúp giảm nguy cơ. Cụ thể:
- Thận trọng trong các hoạt động, tránh những tác động trực tiếp lên mũi.
- Dùng dụng cụ can thiệp đúng cách trong khi sinh nở để không gây chấn thương cho em bé trong bụng.
- Thắt dây an toàn khi ngồi trên xe hơi.
- Đội mũ bảo hiểm hoặc mang mặt nạ bảo hiểm khi chơi những môn thể thao tiếp xúc.
Những câu hỏi quan trọng khi gặp bác sĩ
1. Tình trạng của tôi là gì? Nghiêm trọng như thế nào?
2. Phương pháp tốt nhất trong điều trị lệch vách ngăn mũi là gì?
3. Tôi có những bệnh lý khác ngoài lệch vách ngăn hay không?
4. Chi phí điều trị là bao nhiêu?
5. Chỉ dùng thuốc điều trị có được không?
6. Những rủi ro và lợi ích khi điều trị là gì?
7. Nên làm gì khi dùng thuốc gây tác dụng phụ?
Nhìn chung lệch vách ngăn mũi không quá nghiêm trọng. Việc điều trị có thể sửa chữa vách ngăn mũi và khắc phục các triệu chứng. Chính vì thế người bệnh cần sớm thăm khám và tham vấn y khoa để có giải pháp tốt nhất.
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!