Bệnh Meniere (Rối Loạn Thính Lực)
Bệnh Meniere (rối loạn thính lực) là một dạng rối loạn tai trong hiếm gặp, ảnh hưởng đến thăng bằng và thính giác. Bệnh có xu hướng nặng hơn theo thời gian, thường gây ra những vấn đề về thăng bằng và mất thính lực vĩnh viễn. Chính vì vậy việc điều trị sớm là điều cần thiết.
Tổng quan
Bệnh Meniere (hay rối loạn thính lực) là một dạng rối loạn làm ảnh hưởng đến tai trong (chịu trách nhiệm nghe và giữ thăng bằng). Tình trạng này được đặc trưng bởi những đợt chóng mặt, mất thính giác nghiêm trọng, ù tai và cảm giác đầy tai.
Bệnh thường chỉ ảnh hưởng đến một bên tai. Tuy nhiên các triệu chứng có thể tiến triển theo thời gian và làm ảnh hưởng đến hai tai. Đặc biệt suy giảm thính lực và ù tai ngày càng dai dẳng, các đợt bùng phát thường kéo dài từ 20 phút đến vài giờ hoặc lâu hơn.
Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ
Nguyên nhân của bệnh Meniere vẫn chưa được biết rõ. Tuy nhiên thay đổi lượng chất lỏng ở tai trong (nội dịch) có thể làm khởi phát các triệu chứng.
Sự thay đổi chất lỏng trong các ống của tai trong thường liên quan đến một số vấn đề dưới đây:
- Bệnh tự miễn
- Dị ứng
- Di truyền
- Dẫn lưu chất lỏng kém. Tình trạng này thường gặp ở những người có hình dạng tai không đều hoặc tắc nghẽn
- Nhiễm virus.
Bệnh Meniere có thể ảnh hưởng đến bắt kỳ nhóm tuổi và giới tính nào. Tuy nhiên phần lớn trường hợp có độ tuổi từ 40 - 60 tuổi. Trong đó 7 - 10% trường hợp có tiền sử gia đình mắc bệnh Meniere.
Triệu chứng và chẩn đoán
Bệnh Meniere có những triệu chứng xuất hiện dưới đợt bùng phát. Trong đó bệnh nhân sẽ có ít nhất 2 đến 3 triệu chứng chính dưới đây xuất hiện đồng thời:
- Chóng mặt
- Mất thính lực
- Cảm thấy đầy tai
- Ù tai
Những triệu chứng thường gặp của bệnh:
- Chóng mặt. Những đợt bùng phát có thể kéo dài từ vài phút đến 24 giờ
- Mất thính giác ở tai bị ảnh hưởng
- Có cảm giác ù tai
- Đầy tai, có cảm giác tai đầy hoặc bịt kín
- Nhức đầu
- Mất thăng bằng
- Buồn nôn và nôn mửa
- Đổ nhiều mồ hôi do chóng mặt nghiêm trọng.
Trong quá trình thăm khám, người bệnh sẽ được kiểm tra tai và đặt một số câu hỏi liên quan đến triệu chứng, tiền sử bản thân và gia đình. Nếu có 2 trong số 4 triệu chứng chính xuất hiện đồng thời (ù tai, mất thính lực, chóng mặt và cảm giác đầy tai), bệnh Meniere có thể được chẩn đoán.
Để xác định chẩn đoán, người bệnh sẽ được thực hiện thêm những xét nghiệm dưới đây:
- Kiểm tra thính giác: Bệnh nhân được đo thính lực đồ để kiểm tra thính giác.
- Pin kiểm tra tiền đình: Bệnh nhân được kiểm tra cơ mắt và phản xạ của hệ thống cân bằng tai trong (tiền đình) bằng một loạt bài kiểm tra.
- Điện não đồ (ECoG): Xét nghiệm này cho phép kiểm tra cách tai phản ứng với âm thanh. Từ đó giúp phát hiện tình trạng tích tụ chất lỏng trong tai.
- Kiểm tra ghế quay: Xét nghiệm này giúp đo mức độ hoạt động của tai trong dựa vào chuyển động mắt. Trong đó người bệnh sẽ được ngồi trên một chiếc ghế quay từ bên này sang bên kia để kích hoạt hoạt động của tai trong.
- Chụp cộng hưởng từ não (MRI): Hình ảnh MRI giúp phát hiện khối u tiềm ẩn trong não và những vấn đề tương tự làm ảnh hưởng đến khả năng giữ thăng bằng và thính lực.
Biến chứng và tiên lượng
Bệnh Meniere là một bệnh mãn tính, không có cách chữa khỏi hoàn toàn. Những phương pháp như thuốc chỉ giúp làm giảm các triệu chứng.
Thông thường các triệu chứng sẽ khỏi trong vòng vài tháng khi điều trị tích cực, đôi khi vài năm. Tuy nhiên việc không chú ý chăm sóc có thể khiến những triệu chứng bùng phát trở lại.
Ngoài ra rối loạn thính giác kéo dài hoặc tái đi tái lại nhiều lần có thể dẫn đến những biến chứng sau:
- Mất thính giác lâu dài
- Đột ngột chóng mặt dẫn đến mất thăng bằng, té ngã và tai nạn
- Lo lắng và căng thẳng.
Điều trị
Không thể chữa khỏi vĩnh viễn cho bệnh Meniere. Các thuốc và phương pháp điều trị khác chỉ có tác dụng giảm bớt triệu chứng, rút ngắn những cơn chóng mặt và mất thính giác trở nên tồi tệ hơn.
Dựa trên tình trạng, những phương pháp điều trị dưới đây sẽ được áp dụng:
1. Sử dụng thuốc
Những loại thuốc thường được kê đơn khi điều trị bệnh Meniere gồm:
- Thuốc trị chóng mặt: Nhóm thuốc này được dùng để giảm mức độ chóng mặt và các triệu chứng đi kèm. Những loại thuốc điều trị chóng mặt thường được sử dụng gồm:
- Thuốc say tàu xe: Diazepam (Valium) và Meclizine (Antivert) là những loại thuốc say tàu xe thường được sử dụng. Thuốc này có tác dụng kiểm soát buồn nôn và nôn. Đồng thời giúp giảm cảm giác quay cuồng.
- Thuốc chống buồn nôn: Một loại thuốc chống buồn nôn như Promethazine sẽ được sử dụng. Thuốc có tác dụng làm giảm cảm giác buồn nôn và nôn trong khi bị chóng mặt.
- Thuốc lợi tiểu và betahistine: Thuốc lợi tiểu thường được dùng kết hợp với Betahistine để giảm bớt triệu chứng chóng mặt. Thuốc lợi tiểu giúp giảm chất lỏng dư thừa ở tai trong bằng cách giảm lượng chất lỏng trong cơ thể. Trong khi đó thuốc Betahistine có tác dụng cải thiện lưu lượng máu đến tai trong, từ đó giảm triệu chứng chóng mặt.
- Thuốc kháng histamine: Đôi khi thuốc kháng histamine được dùng để giảm những cơn chóng mặt.
- Tiêm steroid trong màng nhĩ: Bệnh nhân được tiêm steroid trong màng nhĩ để kiểm soát các đợt bệnh Meniere. Thuốc này có tác dụng kháng viêm, giảm đau và giảm bớt phản ứng miễn dịch.
- Gentamicin: Thuốc Gentamicin là một loại kháng sinh gây độc cho tai trong. Khi sử dụng, thuốc giúp làm hỏng phần bị bệnh của tai gây chóng mặt. Trong khi đó phần tai khỏe mạnh còn lại vẫn duy trì chức năng giữ thăng bằng. Tuy nhiên quá trình này có thể làm tăng nguy cơ mất thính giác của bạn.
2. Các liệu pháp
Có nhiều liệu pháp và thủ thuật không xâm lấn có thể được chỉ định trong điều trị bệnh Meniere. Cụ thể như:
- Phục hồi chức năng: Nếu thường xuyên mất thăng bằng giữa những cơn chóng mặt, người bệnh sẽ được phục hồi chức năng tiền đình. Liệu pháp này có tác dụng cải thiện khả năng giữ thăng bằng của bạn.
- Dùng máy trợ thính: Nếu bệnh Meniere làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến khả năng nghe, người bệnh sẽ được sử dụng máy trợ thính. Thiết bị này giúp cải thiện thính lực cho tai bị hỏng của bạn.
3. Phẫu thuật
Đôi khi phẫu thuật sẽ được chỉ định. Phương pháp này phù hợp với những nhóm đối tượng sau:
- Bệnh Meniere gây ra những cơn chóng mặt nghiêm trọng và không thể chịu đựng
- Điều trị bảo tồn không đạt hiệu quả như mong đợi.
Dựa vào tình trạng, bác sĩ có thể cân nhắc lựa chọn một trong những kỹ thuật dưới đây:
- Phẫu thuật túi nội dịch: Phương pháp này được chỉ định để kiểm soát lượng chất lỏng trong tai. Khi thực hiện, bác sĩ có thể đặt một ống bên trong tai, sau đó hút hết chất lỏng dư thừa. Đôi khi bệnh nhân sẽ được làm giảm áp lực xung quanh túi nội dịch. Từ đó làm giảm mức chất lỏng tích tụ bên trong.
- Phẫu thuật cắt dây thần kinh tiền đình: Dây thần kinh tiền đình có chức năng điều chỉnh sự cân bằng và thính giác. Vì vậy nó làm tăng mức độ chóng mặt và mất thăng bằng khi có tổn thương. Nếu cắt dây thần kinh tiền đình, quá trình truyền thông tin đến não sẽ bị ngăn chặn, giúp giảm chóng mặt và giảm thính lực. Phương pháp này sẽ được thực hiện trong khi gây mê toàn thân.
- Phẫu thuật cắt bỏ mê cung: Đây là kỹ thuật loại bỏ một phần của tai trong kiểm soát sự cân bằng. Kỹ thuật này chỉ định cho những bệnh nhân nghe kém hoàn toàn hoặc rất nặng ở bên tai bị bệnh. Sau phẫu thuật cắt bỏ mê cung, tai khỏe mạnh sẽ duy trì chức năng gửi thông tin về sự cân bằng và thính giác đến não.
4. Biện pháp khắc phục tại nhà
Những biện pháp chăm sóc và khắc phục tại nhà có thể giúp cải thiện một số triệu chứng của bệnh Meniere, bao gồm cả những cơn chóng mặt.
- Nghỉ ngơi
Khi bị chóng mặt, hãy ngồi hoặc nằm xuống. Đồng thời tập trung vào một đối tượng không di chuyển. Điều này giúp cơn chóng mặt có thể nhanh chóng qua đi và ngăn ngừa té ngã.
Tránh cố gắng di chuyển, chuyển động đột ngột, xem tivi, đọc sách... Bởi những hoạt động này có thể khiến tình trạng của bạn trở nên nghiêm trọng hơn.
- Di chuyển nhẹ nhàng
Hãy nghỉ ngơi trên giường đến khi cơn chóng mặt qua đi, không nên vội trở lại các hoạt động. Sau đó hãy từ từ đứng dậy và di chuyển nhẹ nhàng. Điều này giúp não ổn định trở lại và điều chỉnh những tín hiệu cân bằng.
- Ăn kiêng
Thực hiện một chế độ ăn kiêng khi bị Meniere. Điều này giúp giảm nguy cơ giữ nước, giảm mức độ nghiêm trọng và tần suất của những triệu chứng.
-
- Hạn chế muối: Tránh những loại thực phẩm mặn, thức uống chứa nhiều muối. Bởi việc tiêu thụ có thể làm tăng lượng nước trong cơ thể của bạn. Tốt nhất chỉ nên ăn 2,3 gram muối/ ngày hoặc ít hơn tùy thuộc vào tình trạng cụ thể của người bệnh.
- Tránh caffein và thuốc lá: Những người mắc bệnh Meniere cần tránh tiêu thụ caffein thuốc lá. Bởi những chất này có khả năng làm bùng phát cơn chóng mặt và tăng mức độ nghiêm trọng của triệu chứng.
- Hạn chế uống rượu: Rượu có thể làm ảnh hưởng đến thể tích và thành phần của dịch bên trong tai. Từ đó làm nặng hơn các triệu chứng.
- Tránh Tyramine: Loại axit amin này có thể gây ra chứng đau nửa đầu. Vì vậy những người mắc bệnh Meniere cần tránh tiêu thụ những loại thực phẩm chứa Tyramine, chẳng hạn như: Thịt hun khói, rượu vang đỏ, gan gà, pho mát chín, sữa chua và các loại hạt.
- Thường xuyên uống nước: Uống nhiều nước mỗi ngày khi thời tiết nóng và tập thể dục với cường độ cao.
- Chia nhỏ bữa ăn và ăn thường xuyên hơn: Hãy chia nhỏ khẩu phần ăn trong ngày và ăn thường xuyên hơn. Điều này giúp điều hòa lượng chất lỏng trong cơ thể, tăng hấp thụ chất dinh dưỡng cần thiết.
- Cố gắng nghỉ ngơi thêm
Nếu cảm thấy mệt mỏi hãy cố gắng nghỉ ngơi thêm. Bởi quá mệt mỏi có thể gây ra những triệu chứng của bệnh.
- Kiểm soát căng thẳng
Một số nghiên cứu cho thấy căng thẳng và lo lắng có thể gây ra những triệu chứng của bệnh Meniere. Vì vậy cần duy trì tâm trạng vui vẻ, thư giãn thường xuyên, ngồi thiền và tập yoga nếu có căng thẳng.
Phòng ngừa
Không có cách ngăn ngừa hoàn toàn cho bệnh Meniere. Tuy nhiên một số biện pháp có thể ngăn những đợt chóng mặt và tránh bệnh trở nên trầm trọng hơn. Cụ thể:
- Kiểm soát những bệnh lý có thể làm trầm trọng hơn hoặc gây ra các triệu chứng của bệnh Meniere. Chẳng hạn như nhiễm trùng do virus.
- Ăn 6 bữa ăn nhỏ thay vì ăn 3 bữa ăn lớn trong ngày. Ngoài ra nên thêm vào khẩu phần ăn những loại thực phẩm lành mạnh và nhiều dinh dưỡng (đặc biệt là các loại vitamin và khoáng chất).
- Thực hiện chế độ ăn ít muối.
- Tránh rượu bia và caffein.
- Không hút thuốc lá.
- Uống đủ nước mỗi ngày. Uống nhiều nước hơn khi hoạt động thể chất hoặc có thời tiết nắng nóng.
- Tránh căng thẳng và lo lắng. Nên làm việc vừa sức, thường xuyên nghỉ ngơi, thư giãn, ngồi thiền và tập yoga để cải thiện tâm trạng.
- Nghỉ ngơi đầy đủ và ngủ đủ giấc. Nghỉ ngơi nhiều hơn khi có những cơn chóng mặt.
- Thường xuyên tập thể dục thể thao, thực hiện những bài tập cải thiện sự tập trung và thăng bằng. Điều này có thể giúp ít cho bạn trong quá trình kiểm soát và ngăn ngừa cơn chóng mặt do bệnh Meniere.
Những câu hỏi quan trọng khi gặp bác sĩ
1. Những triệu chứng của tôi bắt đầu từ đâu?
2. Phương pháp nào phù hợp và mang đến hiệu quả điều trị cao?
3. Tôi nên làm gì để giảm chóng mặt và cải thiện thính lực?
4. Chăm sóc tại nhà như thế nào để giảm nhẹ triệu chứng?
5. Tôi cần điều trị trong bao lâu?
6. Có những hạn chế nào cần thực hiện không?
7. Vì sao cần phẫu thuật? Lựa chọn nào phù hợp nhất cho tình trạng của tôi?
Bệnh Meniere là một bệnh mãn tính làm ảnh hưởng đến thính giác và khả năng giữ thăng bằng. Bệnh không được chữa khỏi hoàn toàn nhưng các phương pháp có thể giúp giảm nhẹ triệu chứng. Hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để được hướng dẫn chi tiết, điều trị hiệu quả và an toàn.
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!