Mụn Trứng Cá Đỏ
Mụn trứng cá đỏ (hay trứng cá đỏ) là một bệnh da mãn tính, liên quan đến những rối loạn của nang lông tuyến bã ở mặt. Bệnh gây ra những nốt hồng ban kèm theo đỏ bừng ở mặt, có thể ảnh hưởng đến cả nam và nữ.
Tổng quan
Mụn trứng cá đỏ là một bệnh da mãn tính, đặc trưng bởi tình trạng đỏ bừng mặt kèm theo hồng ban giãn mạch. Những tổn thương của bệnh thường tập trung ở vùng lồi của mặt, chẳng hạn như hai má, trán, mũi và cằm.
Mụn trứng cá đỏ thường ảnh hưởng đến nữ giới và những người có tiền sử gia đình bị trứng cá đỏ. Tuy nhiên các tổn thương da ở nam sẽ có mức độ nghiêm trọng hơn so với nữ giới.
Bệnh xảy ra khi những mao mạch trên da giãn ra. Trong giai đoạn tiến triển, mụn trứng cá đỏ được kiểm soát bằng nhiều phương pháp. Ở những trường hợp không điều trị, người bệnh sẽ bị biến dạng khuôn mặt và gặp nhiều biến chứng nghiêm trọng khác.
Phân loại
Mụn trứng cá đỏ được phân thành 4 loại, bao gồm:
- Trứng cá đỏ thể giãn mạch
Trứng cá đỏ thể giãn mạch (Erythematotelangiectatic rosacea) được đặc trưng bởi tình trạng đỏ bừng da ở mặt, bệnh nhân có da nhạy cảm và dễ tổn thương. Ngoài ra trứng cá đỏ thể giãn mạch còn tạo ra cảm giác châm chích, vùng da bệnh có biểu hiện tróc vảy và khô ráp.
- Trứng cá đỏ thể sẩn hoặc mụn mủ
Trứng cá đỏ thể sẩn / mụn mủ (Papulopustular or rosacea) thường gặp ở phụ nữ có độ tuổi từ 40 - 50 tuổi. Những người có bệnh lý này sẽ có da mặt ửng đỏ, da nhờn, lộ rõ mạch máu dưới da và tăng độ nhạy cảm.
- Trứng cá đỏ thể mũi to
Trứng cá đỏ thể mũi to (rhinophyma) hiếm gặp hơn so với những thể bệnh khác. Những người có bệnh lý này sẽ có những mạch máu giãn rộng, lỗ chân lông to, sần ở vùng mũi.
Phần lớn trường hợp có trứng cá đỏ thể mũi to là nam giới. Bệnh thường xuất hiện đồng thời với những thể bệnh khác.
- Trứng cá đỏ có biểu hiện ở mắt
Trứng cá đỏ có biểu hiện ở mắt (ocular rosacea) gồm những tổn thương da quanh mắt kèm theo những biểu hiện sau:
-
- Châm chích vùng mắt
- Khô nóng mắt
- Mắt đỏ kèm theo chấm xuất huyết
- Tăng độ nhạy cảm với ánh sáng
- Suy giảm thị lực
Trẻ em chiếm 50% trường hợp và thường khó chẩn đoán.
Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ
Nguyên nhân gây mụn trứng cá đỏ chưa được biết rõ. Tuy nhiên bệnh có thể liên quan đến những tổn thương mô liên kết ở lớp bì.
Tổn thương mô liên kết thường do bức xạ mặt trời làm giảm hoặc rối loạn chức năng mạch máu vùng mặt. Từ đó dẫn đến tổn thương nội mô mạch máu kèm theo viêm, phù và tăng tính thấm.
Những yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh:
- Sau tuổi 30. Tuy nhiên bệnh cũng có thể xảy ra ở những người trẻ, thanh thiếu niên và trẻ em
- Nữ giới. Tỉ lệ mắc bệnh của nữ và nam 3:1
- Rối loạn chức năng lớp thượng bì
- Yếu tố thần kinh
- Rối loạn cấu trúc mô liên kết ở bì, cấu trúc nang lông tuyến bã và những thành phần của chất nền
- Tiếp xúc tia cực tím
- Nhiễm vi khuẩn Helicobacter pylori, ký sinh trùng nang lông Demodex folliculorum và Demodex brevis
- Thói quen ăn uống thiếu khoa học
- Uống nhiều cà phê hoặc trà nóng
- Thường xuyên ăn những loại thực phẩm cay nóng
- Tiêu thụ những loại thức ăn có chứa chất cinnamaldehyde
Những yếu tố kích thích đợt bùng phát:
- Nhiệt độ nóng hoặc lạnh
- Uống nước nóng hoặc uống rượu
- Tiếp xúc với ánh nắng mặt trời và gió
- Căng thẳng, stress
- Tiêu thụ thức ăn có nhiều gia vị
- Sử dụng những loại thuốc giãn mạch
- Mãn kinh
- Sử dụng những loại thuốc bôi tại chỗ hoặc mỹ phẩm.
Triệu chứng và chẩn đoán
Mụn trứng cá đỏ có 4 giai đoạn tiến triển từ nhẹ đến nặng. Ở mỗi giai đoạn sẽ có triệu chứng và mức độ nghiêm trọng khác nhau, bao gồm:
+ Giai đoạn đầu (giai đoạn tiền trứng cá đỏ)
Mụn trứng cá đỏ thường khởi phát khi có tâm lý căng thẳng, thời tiết nắng nóng và nhiều gió.
- Bắt đầu giãn mạch vùng da giữa mặt. Thường không kèm theo tăng tiết mồ hôi
- Nóng bừng, đỏ và châm chích khó chịu ở những vùng ảnh hưởng trên gương mặt
- Cơn bốc hỏa kéo dài từ 5 - 10 phút.
Cơn bốc hỏa thường xảy ra sau khi uống nước nóng, ăn gia vị cay hoặc sử dụng những chất kích thích như rượu bia.
+ Giai đoạn 2 (giai đoạn mạch máu)
- Xuất hiện những mảng da đỏ trên mặt kèm theo phù nề
- Mảng da đỏ thường ở má, mũi và mặt. Đôi khi lan xuống cằm và xuất hiện ở trán nhưng không bị thâm nhiễm và chảy máu
- Giãn mao mạch nhỏ trên da do rối loạn quá trình vận mạch
- Trong giai đoạn đầu, hiện tượng giãn mạch rất nhỏ, thường khó phát hiện
- Trong giai đoạn phát triển, những mạch máu giãn ra to hơn, tụ lại tạo thành những đám đỏ rực, thường tập trung ở hai cánh mũi)
- Ngứa hoặc có cảm giác râm ran và bỏng rát
- Da khô ráp khi bôi mỹ phẩm.
+ Giai đoạn 3 (giai đoạn viêm)
- Tổn thương dạ sẩn
- Những nốt mẩn đỏ có kích thước từ 2 - 5mm ở ngoài nang lông, không có nhân, xuất hiện độc lập hoặc tập trung thành từng đám và đối xứng hai bên, không bã nhờn. Tổn thương này chủ yếu phân bố ở má, cằm, mũi và trán
- Xuất hiện những nốt mụn mủ vô khuẩn
Giai đoạn viêm thường kéo dài trong nhiều năm,dễ bị chẩn đoán nhầm với mụn trứng cá ở người lớn. Những tổn thương thường không tự biến mất, cần được điều trị tích cực để tránh ngày càng sưng xấu.
+ Giai đoạn 4 (giai đoạn muộn)
- Tăng sinh tuyến bã
- Xuất hiện những u xơ phì đại, viêm mô ở má và mũi dẫn đến hiện tượng mũi sư tử. Biểu hiện này thường xuất hiện ở nam giới trên 50 tuổi, ít khi ảnh hửng đến nữ
- Mụn trứng cá đỏ xuất hiện ở vùng quanh mắt và mặt thường kèm theo viêm mống mắt, viêm kết mạc màng mắt, phù mắt, viêm kết mạc và giác mạc, khô mắt. Kiểm tra thấy có kết mạch đỏ hoặc xuất hiện những hạt xơ trong kết mạc.
Mụn trứng cá đỏ được chẩn đoán bằng cách kiểm tra lâm sàng kết hợp xét nghiệm. Trong quá trình kiểm tra, những tổn thương da được quan sát kỹ lưỡng nhằm phân loại và xác định mức độ của bệnh.
Sau kiểm tra lâm sàng, bệnh nhân có thể được chỉ định cấy vi trùng. Trong đó vảy hoặc tế bào da được lấy ra để xác định sự có mặt của Demodex folliculorum hoặc S.aureus.
Biến chứng và tiên lượng
Mụn trứng cá đỏ là một dạng tổn thương da mãn tính, triệu chứng đa dạng và dai dẳng kéo dài. Bệnh lý này cần được phát hiện và điều trị trong giai đoạn sớm để thúc đẩy quá trình chữa lành, giảm nguy cơ phát triển biến chứng.
Nếu không được điều trị, tổn thương da do mụn trứng cá đỏ có xu hướng tiến triển, những triệu chứng nặng nề và lan rộng làm mất tính thẩm mỹ. Hơn nữa người bệnh sẽ gặp những biến chứng dưới đây:
- Biến chứng ở mắt
- Khô nóng mắt
- Mắt đỏ và xuất huyết
- Tăng độ nhạy cảm với ánh sáng
- Suy giảm thị lực
- Viêm mống mắt
- Viêm kết mạc
- Tăng sản mô làm da dày
- Phì đại các tuyến
- Tăng sinh tuyến bã với những nốt cục, thường gặp ở nam
- Sưng tấy và biến dạng khuôn mặt.
Điều trị
Nguyên tắc điều trị:
- Điều trị tại chỗ
- Điều trị toàn thân
- Chăm sóc da đúng phương pháp
- Laser hay phẫu thuật
- Loại bỏ những yếu tố thúc đẩy quá trình phát triển bệnh.
Những phương pháp điều trị cụ thể:
1. Điều trị tại chỗ
Đối với mụn trứng cá đỏ, người bệnh thường được điều trị tại chỗ bằng Metronidazole (dạng thuốc bôi). Đây là một loại thuốc kháng sinh. Thuốc giúp điều trị trứng cá đỏ bằng cách ngăn hoạt động và sự phát triển của vi khuẩn, ký sinh trùng.
Ngoài Metronidazole, một trong những loại thuốc dưới đây cũng có thể được sử dụng:
- Benzoyl pezoxyde
- Kem permethrine 5%
Trong quá trình điều trị tại chỗ, người bệnh cần chăm sóc da đúng cách. Dưới đây là những hướng dẫn cụ thể:
- Sử dụng thuốc bôi đúng với hướng dẫn và chỉ định của bác sĩ.
- Rửa mặt sạch sẽ mỗi ngày với sữa rửa mặt có độ pH trung tính. Ngoài ra cần sử dụng những loại dung dịch xịt khoáng.
- Nên rửa mặt bằng nức ấm và massage nhẹ nhàng.
- Sử dụng kem chống nắng hàng ngày nếu phải thường xuyên tiếp xúc với ánh nắng mặt trời. Ưu tiên sử dụng những loại kem chống nắng có khả năng chống tia UVA và UVB với SPF ≥ 15
Tránh sử dụng những sản phẩm sau:
- Những sản phẩm dưỡng da có chứa chất tạo mùi, thành phần nhân tạo hoặc những hoạt chất có thể gây kích ứng da
- Những sản phẩm làm sáng da có chứa acid palmelic, acid oleic, bột kim loại...
- Mỹ phẩm khó tan trong nước hoặc khó tẩy rửa
- Mỹ phẩm chứa cồn, cam thảo, bạc hà và chất tạo mùi thơm
- Những sản phẩm lột da chứa hóa chất hoặc có những tiến trình siêu mài mòn.
2. Điều trị toàn thân
Nếu điều trị tại chỗ không đạt hiệu quả, bác sĩ có thể chỉ định thuốc kháng sinh / kháng ký sinh trùng đường uống hoặc trị liệu.
- Kháng sinh đường uống
Kháng sinh toàn thân để điều trị mụn trứng cá đỏ. Thông thường những loại kháng sinh nhóm cycline, macrolides và metronidaziole sẽ được sử dụng.
Đối với những bệnh nhân bị mụn trứng cá do nhiễm nhiều demodex, Ivermectine sẽ được cân nhắc sử dụng. Thuốc này có khả năng loại trừ nhanh ký sinh trùng hoặc ức chế hoạt động của chúng.
- Trị liệu bằng laser
Đối với những trường hợp giãn mạch và có nhiều u xơ, những phương pháp trị liệu bằng laser sẽ được áp dụng. Chẳng hạn như argon, Vbeam, KTP hoặc phục hồi lạnh... Những phương pháp này có khả năng tăng tốc độ phục hồi cho bệnh nhân.
Phòng ngừa
Lối sống lành mạnh và chăm sóc da đúng cách có thể giúp giảm nguy cơ phát triển những triệu chứng của mụn trứng cá đỏ. Cụ thể:
- Hạn chế uống rượu bia.
- Sử dụng kem chống nắng mỗi ngày. Đặc biệt là những người phải thường xuyên tiếp xúc với ánh nắng.
- Tham khảo ý kiến và sử dụng thuốc theo chỉ định của bác sĩ chuyên khoa, đặc biệt là thuốc giãn mạch.
- Hạn chế ăn những loại thực phẩm cay nóng, có nhiều gia vị, thức ăn có chứa chất cinnamaldehyde, cà phê hoặc trà nóng.
- Tránh nhiệt độ nóng hoặc lạnh. Giữ môi trường sống thoáng mát và sạch sẽ, tránh sử dụng nước quá mạnh hoặc quá nóng.
- Những người có nguy cơ mắc bệnh nên tránh tiếp xúc với ánh nắng mặt trời và gió.
- Tránh căng thẳng, stress và lo lắng quá mức.
- Thận trọng khi sử dụng những loại thuốc bôi tại chỗ hoặc mỹ phẩm.
- Làm sạch da mỗi ngày với sữa rửa mặt có độ pH phù hợp, thành phần chủ yếu là nước, có khả năng làm sạch dịu nhẹ và dưỡng ẩm da. Tránh dùng những sản phẩm có chất tạo mùi hương hoặc có tính tẩy rửa mạnh.
Những câu hỏi quan trọng khi gặp bác sĩ
1. Phác đồ điều trị như thế nào?
2. Phương pháp nào tốt nhất cho tình trạng của tôi?
3. Điều trị mụn trứng cá đỏ trong bao lâu?
4. Tôi nên làm gì để hạn chế triệu chứng?
5. Có điều gì cần kiêng trong quá trình điều trị không?
6. Tôi có cần một chế độ ăn kiêng đặc biệt không?
7. Rủi ro khi điều trị là gì?
Mụn trứng cá đỏ là tình trạng mãn tính, triệu chứng phức tạp, tiến triển nhanh và dai dẳng kéo dài. Bệnh lý này cần được phát hiện và điều trị trong giai đoạn sớm. Lưu ý chăm sóc da đúng cách và tuần thủ phác đồ điều trị của bác sĩ để đạt hiệu quả cao nhất.
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!