Bệnh Nấm Da Chân

Bài viết được tham vấn chuyên môn bởi Lương Y Đỗ Minh Tuấn | Lĩnh vực khám chữa: Da liễu Nơi công tác Phòng Chẩn Trị YHCT Đỗ Minh Đường – Hà Nội

Nấm da chân là một bệnh nhiễm trùng da phổ biến. Bệnh được gây ra bởi một loại nấm, thường gặp ở những người đổ nhiều mồ hôi chân khi đi giày chật. Tình trạng nhiễm nấm thường phát triển nhanh, gây ra những triệu chứng khó chịu làm ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống.

Tổng quan

Bệnh nấm da chân (tinea pedis) là căn bệnh thường gặp, thể hiện cho tình trạng nhiễm trùng da do nấm. Bệnh thường có những triệu chứng bắt đầu ở giữa những ngón chân, sau đó lan rộng đến bàn chân.

Bệnh nấm da chân
Nấm da chân là tình trạng nhiễm trùng da do nấm dẫn đến da khô, ngứa ngáy giữa các ngón chân, bàn chân

Nấm da chân gây ngứa ngáy, nổi mẩn đỏ, nứt và đóng vảy. Nhiều trường hợp khác còn có dấu hiệu da phồng rộp. Tùy thuộc vào tình trạng, bệnh có thể xuất hiện đồng thời với những bệnh nhiễm nấm khác và được điều trị bằng thuốc kháng nấm.

Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ

Bệnh nấm da chân được gây ra bởi dermatophytes - tên gọi chung của một nhóm nấm thuộc họ Arthrodermataceae, cùng một loại nấm gây ra ngứa ngáy và nấm ngoài da.

Trong đó Trichophyton rubrum và T. mentagrophytes là những loại gây bệnh nấm da chân phổ biến nhất. Tuy nhiên bệnh cũng có thể xảy ra do sự xâm nhập của Epidermophyton floccosum.

Thông thường dermatophytes tiêu hóa chất sừng và cư trú trong những lớp da chết. Trong điều kiện ấm áp và ẩm ướt (tất và giày ẩm), nấm sẽ nhanh chóng phát triển dẫn đến viêm.

Bệnh nấm da chân có thể lây lan từ người qua người thông qua tiếp xúc với người nhiễm bệnh hoặc những bề mặt ô nhiễm, chẳng hạn như sử dụng chung vật dụng cá nhân, sàn nhà và giày dép.

Nguy nhân nhiễm nấm:

  • Đổ nhiều mồ hôi
  • Thường xuyên mang giày dép kín
  • Tiếp xúc trực tiếp với vết thương do nhiễm nấm của người bệnh
  • Sử dụng chung vật dụng cá nhân, khăn trải giường, khăn tắm, chăn, chiếu, giày dép và quần áo với người bệnh
  • Đi chân trần ở những nơi có nhiễm trùng lây lan

Trichophyton rubrum và T. mentagrophytes
Phần lớn bệnh nhân bị nấm da chân do nhiễm nấm Trichophyton rubrum và T. mentagrophytes

Nguy cơ mắc bệnh nấm da chân tăng cao khi có những yếu tố dưới đây:

  • Bị thương nhẹ trên da
  • Bị nhiễm nấm da chân trước đó có nhiều khả năng bị nặng hơn những người khác
  • Người lớn. Kết quả nghiên cứu cho thấy người lớn dễ bị nấm da chân hơn trẻ em
  • Nam giới có nguy cơ cao hơn so với phụ nữ
  • Có hệ miễn dịch suy yếu
  • Người mắc bệnh tiểu đường
  • Hyperhidrosis (tăng tiết mồ hôi bất thường)
  • Bệnh nhân bị HIV/AIDS. HIV/AIDS làm suy yếu và cản trở hoạt động của hệ thống miễn dịch. Từ đó làm tăng nguy cơ mắc bệnh nấm da chân.

Triệu chứng và chẩn đoán

Tùy thuộc vào tình trạng, bệnh nấm da chân có thể ảnh hưởng đến một hoặc cả hai bàn chân. Khi bệnh khởi phát, người bệnh sẽ có những triệu chứng dưới đây:

  • Viêm ngứa, tiết dịch và đóng vảy giữa những ngón chân
  • Hồng và đỏ da ở lòng bàn chân
  • Da nứt nẻ và bong tróc ở bàn chân, nhiều hơn ở những ngón chân và lòng bàn chân
  • Ngứa ngáy, đóng vảy sừng, đỏ da, hình tròn và có mụn nước ở mu bàn chân
  • Ngứa ngáy nhiều hơn khi cởi giày và tất
  • Có cảm giác châm chích hoặc nóng rát ở lòng bàn chân
  • Da bị viêm chuyển sang màu đỏ, màu xám hoặc màu tía
  • Rộp, nổi mụn nước kèm theo đau và ngứa
  • Móng chân đổi màu, dày và dễ nứt gãy
  • Lở loét bàn chân do mụn mủ tiết dịch. Vết loét khô lại, đóng vảy dày sừng kèm theo nứt nẻ và đau đớn.

Bệnh nấm da chân gây viêm ngứa, tiết dịch và đóng vảy ở giữa ngón chân
Bệnh nấm da chân gây viêm ngứa, tiết dịch, đóng vảy, nổi mụn nước kèm theo đau và ngứa ở chân

Bệnh nấm da chân được chẩn đoán bằng cách kiểm tra các triệu chứng. Nếu không chắc chắn về chẩn đoán, người bệnh có thể được yêu cầu xét nghiệm kali hydroxit tổn thương da (xét nghiệm KOH)

Trong xét nghiệm, tế bào da bị nhiễm trùng được lấy ra và đặt trong kali hydroxit. KOH nhanh chóng phá hủy những tế bào bình thường, còn lại những tế bào nấm. Điều này giúp những tế bào nấm dễ dàng được nhìn thấy dưới kính hiển vi.

Biến chứng và tiên lượng

Bệnh nấm da chân không phải là bệnh lý nguy hiểm. Tuy nhiên những triệu chứng của bệnh gây ra nhiều phiền toái, ảnh hưởng đến cuộc sống, có thể lây lan sang vùng da cận kề hoặc lây cho người khác.

Hơn nữa việc không điều trị nấm da chân có thể dẫn đến nhiều biến chứng dưới đây:

  • Lở loét
  • Nhiễm trùng da do vi khuẩn
  • Viêm mạch bạch huyết
  • Bệnh nấm móng (bệnh nấm da chân lây lan sang móng chân và ăn chất sừng)
  • Phản xạ gãi (do triệu chứng ngứa) khiến người bệnh gãi vào vùng nhiễm bệnh trước đó
  • Các vết trầy xước do gãi mạnh, tăng nguy cơ nhiễm vi khuẩn
  • Lây nhiễm sang ngón tay và móng tay (nám phát triển trên da và trong móng tay)
  • Nấm lây lan đến nhiều bộ phận khác của cơ thể và trong môi trường sống
  • Phản ứng dị ứng với nấm (phản ứng id)

Điều trị

Bệnh nấm da chân dễ dàng được chữa khỏi bằng thuốc chống nấm và một số loại thuốc theo đơn. Ngoài ra những biện pháp chăm sóc tại nhà cũng được hướng dẫn để tăng tốc độ chữa lành.

1. Thuốc

Những loại thuốc được chỉ định trong điều trị bệnh nấm da chân gồm:

  • Thuốc chống nấm

Thuốc chống nấm tại chỗ không kê đơn như Miconazole (Desenex), Terbinafine (Lamisil AT)... có thể mang đến nhiều lợi ích. Thuốc có tác dụng ức chế hoạt động gây bệnh và lây lan của nấm, giảm nhẹ các triệu chứng và thúc đẩy quá trình lành lại của vết thương.

Đối với những trường hợp nặng, bác sĩ có thể chỉ định thuốc chống nấm tại chỗ theo đơn (như Miconazole hoặc Clotrimazole) hoặc một loại thuốc kháng nấm đường uống (như Itraconazole)

Thuốc chống nấm tại chỗ
Sử dụng thuốc chống nấm tại chỗ giúp diệt nấm, viết thương lành nhanh và giảm triệu chứng

  • Thuốc steroid tại chỗ

Thuốc steroid tại chỗ (như corticosteroid) thường được sử dụng để giảm nhẹ triệu chứng cho những trường hợp nặng. Thuốc có tác dụng giảm viêm đau, mang đến hiệu quả cao và nhanh chóng.

Tuy nhiên dùng corticosteroid tại chỗ kéo dài có thể gây mỏng da, tăng nguy cơ nhiễm khuẩn và một số tác dụng phụ khác. Vì vậy thuốc cần được dùng dưới hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa, dùng liều thích hợp.

  • Thuốc kháng sinh

Da khộ và mụn nước có thể tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển dẫn đến nhiễm trùng. Những trường hợp này được sử dụng thuốc kháng sinh được uống để tiêu diệt vi khuẩn.

2. Biện pháp chăm sóc tại nhà

Những biện pháp chăm sóc tại nhà có thể giúp giảm những triệu chứng của bệnh, cụ thể:

Ngâm chân trong nước muối
Ngâm chân trong nước muối giúp vết thương lành nhanh, giảm đau và ngứa ngáy khó chịu

  • Ngâm chân trong nước muối: Nước muối có đặc tính sát khuẩn và chống viêm. Ngâm chân trong nước muối giúp làm sạch vùng da bệnh, giảm đau và ngứa ngáy. Đồng thời tăng tốc độ chữa lành da bệnh.
  • Ngâm chân trong giấm pha loãng: Dùng giấm pha loãng ngâm chân giúp làm khô vết phồng rộp, kháng viêm, giảm đau và ngứa hiệu quả.
  • Giữ cho chân sạch sẽ và khô ráo: Mỗi ngày rửa chân 2 lần. Dùng khăn khô nhẹ nhàng lau khô bàn chân và những ngón chân. Biện pháp này giúp giảm nhẹ các triệu chứng và ngăn nấm lây lan.
  • Dùng sản phẩm chống nấm: Sau khi rửa chân sạch sẽ và lau khô, lấy một lượng sản phẩm chống nấm như Terbinafine kháng nấm (Lamisil AT) thoa đều lên những khu vực bị tôn thương. Thuốc này thường được sử dụng từ 1 - 2 lần/ ngày, điều trị kéo dài trong vòng 2 - 4 tuần sẽ mang đến hiệu quả tốt.
  • Thường xuyên thay vớ: Nếu cần mang vớ thường xuyên, hãy thay vớ ít nhất 1 lần/ ngày, đặc biệt là những người có chân ra nhiều mồi hôi. Tốt nhất nên giữ cho chân luôn khô thoáng và sạch sẽ.
  • Bảo vệ chân: Mang giày khô ráo hoặc dép ở những nơi công cộng, không sử dụng chung giày với người khác. Điều này giúp hạn chế tối đa tình trạng lây nhiễm nấm da chân.
  • Tránh gãi: Cố gắng không gãi vết phát ban. Nếu ngứa ngáy dữ dội, hãy ngâm chân trong nước mát hoặc nước muối pha loãng để làm dịu cảm giác khó chịu.

Phòng ngừa

Có nhiều biện pháp giúp ngăn ngừa bệnh nấm da chân hiệu quả, dưới đây là những biện pháp tốt nhất:

  • Luôn giữ cho chân khô thoáng, sạch sẽ và để chân trong không khí. Tốt nhất nên đi dép, hạn chế mang vớ.
  • Rửa chân hàng ngày với xà phòng, đảm bảo chân được vệ sinh sạch sẽ.
  • Lau khô bàn chân và giữa những ngón chân sau khi vệ sinh xong.
  • Nếu có nguy cơ bị nấm da chân, hãy thoa bột thuốc trị nấm da hoặc một loại bột thuốc khác.
  • Nên sử dụng những đôi giày khác nhau từ ngày này sang ngày khác. Điều này giúp đôi giày được khô và thoáng sau mỗi lần dùng.
  • Mang dép hoặc giày không thấm nước ở những nơi công cộng để bảo vệ chân (chẳng hạn như hồ bơi, phòng thay đồ...). Tránh đi chân đất để phòng ngừa bị lây nhiễm nấm.
  • Không tiếp xúc với vùng da nhiễm nấm, không dùng chung giày, khăn tắm, khăn trải giường hoặc những vật dụng khác của người bị nhiễm nấm.
  • Nếu phải mang vớ thường xuyên, hãy thay vớ ít nhất 1 lần mỗi ngày. Ngoài ra nên sử dụng những loại vớ được làm từ vải có khả năng hút ẩm, chẳng hạn như cotton.

Cần thay vớ ít nhất 1 lần mỗi ngày
Cần thay vớ ít nhất 1 lần mỗi ngày nếu phải mang vớ thường xuyên để phòng ngừa nấm da chân

Những câu hỏi quan trọng khi gặp bác sĩ

1. Những phương pháp điều trị tốt nhất là gì?

2. Bệnh nấm da chân là tình trạng tạm thời hay lâu dài?

3. Bệnh lý của tôi có tự biến mất không?

4. Tôi nên làm gì để ngăn nhiễm nấm lây lan?

5. Những lợi ích và rủi ro khi dùng thuốc điều trị?

6. Cách chăm sóc da nào được đề nghị trong khi lành lại?

7. Điều trị bao lâu có hiệu quả?

Bệnh nấm da chân không ảnh hưởng đến sức khỏe tổng thể. Tuy nhiên cảm giác ngứa ngáy, đau, bong tróc, mụn nước và tiết dịch có thể gây khó chịu, tăng nguy cơ nhiễm trùng vi khuẩn. Vì vậy người bênh nên điều trị theo chỉ định của bác sĩ để tránh nấm lây lan và sớm khắc phục bệnh lý.

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *