Bệnh Nấm Tinh Hoàn
Nấm tinh hoàn là một trong những nguyên nhân gây ngứa tinh hoàn thường gặp. Tình trạng này thường do vệ sinh kém và quan hệ tình dục không an toàn với người bị nhiễm trùng nấm men.
Tổng quan
Nấm tinh hoàn là tình trạng nhiễm trùng nấm ở tinh hoàn và xung quanh vùng sinh dục. Bệnh thường gặp ở thanh thiếu nam và nam giới trưởng thành (trong độ tuổi sinh sản và có hoạt động tình dục).
Nhiễm trùng nấm ở tinh hoàn thường do nam giới vệ sinh vùng kín không sạch sẽ, tạo điều kiện cho nấm phát triển. Điều này cũng xảy ra ở những nam giới quan hệ tình dục không an toàn với người nhiễm nấm.
Sau khi bị nấm tinh hoàn, nam giới sẽ có cảm giác ngứa ngáy ở tinh hoàn và xung quanh vùng sinh dục, kèm theo nhiều triệu chứng khó chịu khác. Để điều trị, người bệnh chủ yếu được dùng thuốc trị nấm.
Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ
Bệnh nấm tinh hoàn xảy ra khi có sự lây lan hoặc phát triển quá mức của nấm ở bộ phận sinh dục. Trong đó nhiễm nấm candida ở bộ phận sinh dục là một trong những bệnh nhiễm nấm phổ biến nhất.
Nấm candida sống ở trong hoặc trên cơ thể, trên da và ruột. Khi có điều kiện thuận lợi, chúng sẽ phát triển ngoài tầm kiểm soát dẫn đến nhiễm trùng. Từ đó khiến tinh hoàn bị ngứa. Tình trạng này còn được gọi là nhiễm trùng nấm men.
Ngoài nấm candida, nhiễm trùng nấm dermatophyte cũng có thể gây nhiễm nấm tinh hoàn dẫn đến ngứa ngáy khó chịu.
Dưới đây là những nguyên nhân khiến nhiễm trùng nấm xảy ra ở tinh hoàn:
- Giữ gìn vệ sinh kém: Mặc quần lót quá chật, bẩn hoặc ẩm ướt, không vệ sinh vùng kín sạch sẽ... sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của nấm. Từ đó dẫn đến nhiễm trùng ở tinh hoàn và vùng xung quanh bộ phận sinh dục.
- Quan hệ tình dục không an toàn: Quan hệ tình dục không có bao cao su hoặc quan hệ với bạn tình bị nhiễm nấm âm đạo sẽ dẫn đến lây nhiễm.
- Kích ứng: Quá nhạy cảm hoặc lạm dụng chất khử trùng mạnh, tiếp xúc với hóa chất... có thể khiến da bị tổn thương hoặc kích ứng. Từ đó tạo điều kiện cho nấm sinh sôi nhanh chóng hơn, gây ra tình trạng nhiễm trùng ở dương vật và tinh hoàn.
- Nguyên nhân khác: Mặc dù ít gặp hơn nhưng những nguyên nhân dưới đây có thể khiến bạn bị nấm tinh hoàn.
- Sử dụng xà phòng diệt khuẩn chứa hoạt chất mạnh
- Không làm khô vùng kín hoàn toàn trước khi mặc quần áo
- Không rửa sạch hoàn toàn xà phòng khỏi tinh hoàn và bao quy đầu.
Bệnh nấm tinh hoàn phổ biến hơn ở những người có các tình trạng sau:
- Mắc bệnh lây truyền qua đường tình dục (STI)
- Không tắm rửa thường xuyên
- Sử dụng bao cao su bôi trơn
- Sử dụng xà phòng hoặc những sản phẩm có khả năng gây kích ứng da
- Không cắt bao quy đầu. Điều này khiến nam giới khó làm sạch hơn, tạo điều kiện cho nấm phát triển và lây lan
- Thừa cân hoặc béo phì
- Có một hoặc nhiều tình trạng làm suy yếu hệ thống miễn dịch, chẳng hạn như HIV, ung thư và bệnh tiểu đường
- Đang dùng những loại thuốc ức chế miễn dịch
- Đang dùng thuốc kháng sinh. Dùng kháng sinh lâu ngày làm tiêu diệt những loại vi khuẩn thường sống trên cơ thể, tạo điều kiện cho nấm phát triển.
Triệu chứng và chẩn đoán
Những triệu chứng của bệnh nấm tinh hoàn gồm:
- Ngứa ngáy ở tinh hoàn và vùng da quanh bộ phận sinh dục
- Có cảm giác rát bỏng quanh bìu hoặc dương vật
- Vùng da ảnh hưởng bị khô, bong tróc và dễ bị tổn thương hơn
- Sưng bìu
- Sưng da dương vật
- Sưng, đỏ và đau ở vùng bẹn, vết đỏ thường xuất hiện ở dạng mảng
- Kích ứng xung quanh tinh hoàn, dưới bao quy đầu và đầu dương vật
- Có dịch tiết bất thường từ dương vật, dịch tiết có mùi hôi
- Dịch tiết đặc và màu trắng như phô mai
- Xuất hiện vết loét hoặc mụn nước ở những vùng da bị ảnh hưởng
- Khó kéo bao quy đầu trở lại khi đi tiểu (nếu dương vật cũng bị ảnh hưởng)
- Có cảm giác khó chịu hoặc nóng rát
- Khó chịu hoặc có cảm giác đau khi quan hệ tình dục.
Để chẩn đoán nấm tinh hoàn, bác sĩ sẽ nhìn vào dương vật, bao quy đầu và bìu. Đồng thời hỏi thêm về những triệu chứng cơ năng (như đau, cảm giác rát bỏng, ngứa...). Quá trình thăm khám lâm sàng có thể giúp xác định tình trạng nhiễm trùng nấm men.
Để chắc chắn hơn về kết quả, bác sĩ cạo lấy một mẫu mô ở vùng da bị nhiễm bệnh. Sau đó tiến hành quan sát dưới kính hiển vi có thể giúp phát hiện ra nấm.
Biến chứng & Tiên lượng
Nam giới bị nấm tinh hoàn có tiên lượng cao nếu được chữa trị sớm và đúng cách. Hầu hết các trường hợp đều có đáp ứng tốt với thuốc kháng nấm, không để lại tổn thương lâu dài sau điều trị. Bệnh thường khỏi sau 7 - 14 ngày dùng thuốc.
Nếu không được điều trị sớm, nhiễm nấm có thể lây lan sang dương vậy, vùng bẹn và nhiều vị trí khác. Đồng thời gây ra những biến chứng và vấn đề dưới đây:
- Mất thẩm mỹ
- Nhiễm trùng lan rộng làm tăng nguy cơ mắc các bệnh nam khoa
- Viêm quy đầu
- Nhiễm nấm candida xâm lấn (nhiễm nấm máu)
- Ảnh hưởng đến đời sống tình dục
- Tăng nguy cơ mắc những bệnh lý xã hội
- Suy giảm khả năng sinh sản hoặc vô sinh hiếm muộn.
Điều trị
Nấm tinh hoàn chủ yếu được điều trị bằng thuốc kháng nấm. Tuy nhiên người bệnh sẽ được hướng dẫn thêm những cách chăm sóc giúp tăng hiệu quả chữa bệnh và giảm nguy cơ tái phát.
Nếu đang hoạt động tình dục, bạn tình của người bệnh cần được điều trị đồng thời để tránh lây nhiễm cho họ hoặc lây lan trở lại cho nam giới.
1. Thuốc
Thuốc kháng nấm và kem steroid là hai loại thuốc thường được sử dụng trong điều trị nấm tinh hoàn.
- Thuốc kháng nấm
Thông thường người bệnh sẽ được đề nghị một loại thuốc mỡ hoặc kem bôi chống nấm. Thuốc này được dùng bằng cách bôi một lớp mỏng lên những vùng da bị nhiễm bệnh.
Kem bôi chống nấm điều trị nấm tinh hoàn bằng cách loại bỏ nấm trên da, ngăn cản sự sinh sôi và lây lan của chúng. Từ đó giúp làm dịu các triệu chứng và thúc đẩy quá trình chữa lành.
Thuốc chống nấm tại chỗ thường được sử dụng gồm:
-
- Nystatin (Mycostatin®)
- Clotrimazol (Lotrimin®)
- Miconazole (Monistat 7®)
- Nystafar
Khi bị nhiễm nấm nghiêm trọng, người bệnh có thể được đề nghị sử dụng thuốc chống nấm đường uống. Chẳng hạn như fluconazole (Diflucan®). Thuốc này có tác dụng kháng nấm toàn thân.
- Kem steroid
Kem steroid thường được dùng ngắn hạn để điều trị những triệu chứng của nấm tinh hoàn. Đây là một nhóm thuốc kháng viêm, tác dụng điều trị viêm nhiễm, giảm sưng, đau và những triệu chứng liên quan.
2. Biện pháp chăm sóc tại nhà
Trong quá trình điều trị nhiễm nấm tinh hoàn, người bệnh cần giữ cho vùng bẹn sạch sẽ và khô ráo. Điều này giúp loại bỏ nhiễm trùng nấm men và ngăn tái phát.
Ngoài ra người bệnh cần áp dụng thêm những biện pháp dưới đây để làm sạch nhiễm trùng:
- Kiểm soát bệnh tiểu đường. Lượng đường trong máu quá cao có thể tăng mức độ nhiễm trùng và ảnh hưởng đến quá trình điều trị.
- Giảm cân nếu bị béo phì.
- Tránh bất kỳ loại xà phòng, hóa chất hoặc sản phẩm nào khác có khả năng gây kích ứng.
3. Cắt bao quy đầu
Nếu nhiễm trùng nấm men tái phát nhiều lần, nam giới có thể được đề nghị cắt bao quy đầu, đặc biệt là những người bị hẹp bao quy đầu (bao quy đầu quá chật). Biện pháp này giúp nam giới vệ sinh dương vật dễ dàng hơn, loại bỏ môi trường phát triển của nấm. Từ đó ngăn chặn nhiễm trùng tái phát lây nhiễm cho tinh hoàn.
Phòng ngừa
Nam giới có thể ngăn ngừa nấm tinh hoàn bằng những biện pháp hữu hiệu dưới đây:
- Giữ cho vùng bẹn sạch sẽ và khô ráo bằng cách vệ sinh thân thể vài lần mỗi ngày và lau khô, thường xuyên thay quần lót và mặc quần lót sạch. Đây là cách tốt nhất để ngăn chặn sự phát triển của nấm men dẫn đến nhiễm trùng.
- Luôn làm khô vùng kín hoàn toàn trước khi mặc quần áo.
- Không mặc quần lót ẩm ướt, quần lót chật và không thoáng khí.
- Không sử dụng xà phòng diệt khuẩn mạnh trên bộ phận sinh dục. Ngoài ra cần tránh hóa chất và những sản phẩm có khả năng gây kích ứng.
- Kéo bao quy đầu lại khi tắm để đảm bảo làm sạch, sau đó lau khô.
- Cắt bao quy đầu nếu bạn có bao quy đầu hẹp hoặc quá dài.
- Nếu chưa cắt bao quy đầu, hãy dùng xà phòng dịu nhẹ và nước để rửa sạch bên dưới bao quy đầu sau khi quan hệ tình dục. Cuối cùng đưa bao quy đầu trở lại vị trí bình thường.
- Tránh thừa cân hoặc béo phì, kiểm soát bệnh tiểu đường và điều trị tốt những tình trạng có thể gây suy giảm hệ thống miễn dịch. Điều này giúp giảm nguy cơ phát triển bệnh nấm tinh hoàn.
- Không sử dụng kháng sinh bừa bãi hoặc kéo dài trừ khi có chỉ định của bác sĩ chuyên khoa.
- Không quan hệ tình dục với bạn tình bị nhiễm trùng nấm men. Đồng thời không quan hệ với bất kỳ ai nếu bạn đang bị nhiễm nấm. Điều này giúp ngăn sự lây nhiễm qua lại.
- Nên sử dụng bao cao su khi quan hệ tình dục để phòng ngừa các bệnh lây truyền qua đường tình dục và nhiễm trùng nấm men.
Những câu hỏi quan trọng khi gặp bác sĩ
1. Phác đồ điều trị của tôi là gì?
2. Tôi cần dùng thuốc trong bao lâu?
3. Tôi có thể gặp tác dụng phụ không nếu phải dùng thuốc kéo dài?
4. Cần tránh những gì khi điều trị nấm tinh hoàn?
5. Tôi cần kiêng hoạt động trong bao lâu?
6. Biện pháp chăm sóc nào được để nghị để nhanh khỏi bệnh?
7. Tôi cần làm gì để ngăn nhiễm trùng nấm men tái phát?
Bệnh nấm tinh hoàn xảy ra khi có sự phát triển quá mức của nấm hoặc lây nhiễm từ bạn tình bị nhiễm nấm. Tình trạng này thường không nghiêm trọng, có thể chữa khỏi trong vòng 14 ngày với thuốc kháng nấm. Những trường hợp khác có thể bị nhiễm trùng nấm tái phát hoặc gặp biến chứng khi không điều trị.
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!