Bệnh Nang Mào Tinh Hoàn
Nang mào tinh hoàn xảy ra khi có một túi bất thường, không phải ung thư phát triển ở mào tinh hoàn. Tình trạng này thường không ảnh hưởng đến khả năng sinh sản, không cần điều trị cho đến khi nó phát triển đủ lớn và gây ra những triệu chứng khó chịu.
Tổng quan
Nang mào tinh hoàn còn được gọi là nang tinh trùng. Đây là một túi bất thường (u nang) chứa đầy chất lỏng phát triển trên mào tinh hoàn - ống nhỏ có chức năng lưu trữ và vận chuyển tinh trùng từ tinh hoàn.
Bên trong mỗi u nang là chất lỏng trong suốt hoặc màu trắng đục, đôi khi chứa tinh trùng. Nang mào tinh hoàn không phải ung thư, thường không ảnh hưởng đến khả năng sinh sản và không gây đau đớn.
Hầu hết các trường hợp không cần điều trị cho đến khi u nang lớn hơn và gây ra những triệu chứng khó chịu. Thông thường phương pháp phẫu thuật sẽ được chỉ định.
Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ
Không rõ nguyên nhân chính xác của nang mào tinh hoàn. Tuy nhiên sự phát triển của u nang có thể là kết quả của quá trình tắc nghẽn một hoặc nhiều ống nhỏ trong mào tinh hoàn, nơi vận chuyển và lưu trữ tinh trùng từ tinh hoàn.
Những yếu tố làm tăng nguy cơ:
- Mẹ dùng thuốc diethylstilbestrol (DES) trong khi mang thai làm tăng nguy cơ phát triển u nang mào tinh hoàn ở trẻ em nam. Thuốc này thường được dùng để tránh những biến chứng thai kỳ, chẳng hạn như sảy thai.
- Tất cả những người có tinh hoàn đều có nguy cơ mắc bệnh. Tuy nhiên u nang tinh trùng thường gặp hơn ở những người độ tuổi từ 25 - 50 tuổi.
Triệu chứng và chẩn đoán
Hầu hết trường hợp không có triệu chứng. U nang mào tinh hoàn thường có kích thước quá nhỏ để sờ, nhìn thấy hoặc gây ra những triệu chứng cho nam giới. Những u nang này chỉ được phát hiện thông qua kết quả xét nghiệm hình ảnh.
U nang trông giống như một khối u nhỏ bằng hạt đậu, nằm ngay phía trên hoặc phía sau tinh hoàn. Tuy nhiên nó có thể phát triển lớn hơn, có kích thước đủ lớn hoặc gần bằng tinh hoàn và gây ra những triệu chứng.
Dưới đây là những triệu chứng thường gặp:
- Sưng bìu
- Có cảm giác nặng hoặc đau âm ỉ ở bìu
- Đau hoặc khó chịu trong tinh hoàn
- Cảm giác áp lực ở dưới cùng của dương vật
- Đau hoặc sưng ở mặt sau của tinh hoàn
- Đau ở lưng dưới và bụng hoặc đau ở háng (ít gặp).
Khi có triệu chứng, người bệnh sẽ được kiểm tra mức độ sưng ở tinh hoàn và được hỏi thêm về những triệu chứng lâm sàng (như đau rát và khó chịu).
Sau thăm khám, người bệnh được thực hiện các xét nghiệm để xác định u lành hay ác tính, đồng thời loại trừ các rối loạn tinh hoàn khác. Cụ thể:
- Phương pháp soi đèn (Transillumination): Không giống như những khối u đặc, việc chiếu ánh sáng vào u nang có thể giúp nhìn nhìn xuyên thấu một phần của nó.
- Siêu âm: Phương pháp này sử dụng sóng siêu âm để tạo ra hình ảnh chi tiết bên trong bìu và dương vật. Từ đó giúp quan sát và ghi lại những chi tiết nhỏ của nang mào tinh hoàn. Ngoài ra phương pháp này cũng giúp phân biệt u nang tinh trùng với những khối u khác trong bìu, chẳng hạn như ung thư tinh hoàn.
- Xét nghiệm máu: Bệnh nhân được yêu cầu xét nghiệm máu khi bị đau tinh hoàn. Xét nghiệm này có thể giúp phát hiện tình trạng viêm và nhiễm trùng dẫn đến sưng và đau tinh hoàn.
- Xét nghiệm nước tiểu: Đôi khi bệnh nhân được xét nghiệm nước tiểu để kiểm tra nhiễm trùng và viêm. Từ đó chẩn đoán phân biệt với u nang.
Biến chứng & Tiên lượng
U nang mào tinh hoàn là một tình trạng lành tính, thường không ảnh hưởng đến khả năng sinh sản, ít hoặc không gây ra triệu chứng khi có kích thước nhỏ.
Tuy nhiên u nang có thể lớn dần theo thời gian. Khi có kích thước đủ lớn, nó có thể gây đau, sưng bìu và nhiều khó chịu khác cho người bệnh. Những trường hợp này cần được phẫu thuật để điều trị.
Phẫu thuật cắt bỏ u nang mào tinh hoàn có thể làm hỏng ống dẫn tinh (ống vận chuyển tinh binh từ mào tinh hoàn đến dương vật) hoặc mào tinh hoàn. Điều này làm giảm khả năng sinh sản.
Mặc khác u nang tinh trùng có thể phát triển trở lại sau một thời gian điều trị. Tuy nhiên điều này rất ít gặp.
Điều trị
U nang mào tinh hoàn không tự biến mất. Tuy nhiên hầu hết các trường hợp có u nang nhỏ và không cần điều trị. Nếu bị đau hoặc có những triệu chứng khó chịu, người bệnh có thể được dùng thuốc để giảm bớt.
Những trường hợp có u nang mào tinh hoàn rất lớn và có các triệu chứng kéo dài, nam giới có thể được chỉ định phẫu thuật cắt bỏ u nang hoặc thực hiện một số thủ thuật khác.
1. Thuốc giảm đau
Nếu nang mào tinh hoàn gây đau hoặc khó chịu, người bệnh sẽ được hướng dẫn thuốc giảm đau không kê đơn. Chẳng hạn như Acetaminophen hoặc Ibprofen. Những loại thuốc này có tác dụng làm dịu nhanh cơn đau.
Nếu đau tái diễn nhiều lần, hãy liên hệ với bác sĩ để được hướng dẫn những phương pháp chuyên sâu hơn.
2. Phẫu thuật loại bỏ u nang
Nếu phải can thiệp ngoại khoa, người bệnh sẽ được chỉ định phẫu thuật. Trong đó phẫu thuật cắt bỏ u nang là phương pháp được ưu tiên.
Khi điều trị, bệnh nhân được dùng thuốc gây tê cục bộ hoặc toàn thân, bác sĩ tiến hành rạch một đường ở bìu, tách u nang ra khỏi mào tinh hoàn.
Sau khi thực hiện, bệnh nhân được khâu vết thương, dùng băng gạc và dụng cụ hỗ trợ. Điều này giúp bảo vệ vết mổ, tránh những yếu tố tác động từ bên ngoài.
Một số biện pháp giúp giảm đau sau mổ:
- Chườm túi nước đá lên vùng ảnh hưởng từ 2 - 3 ngày, mỗi ngày vài lần để giảm đau và sưng.
- Uống thuốc giảm đau theo chỉ định của bác sĩ chuyên khoa.
Tái khám đúng lịch hẹn của bác sĩ để kiểm tra tốc độ lành lại của vết thương, phát hiện và điều trị biến chứng sau phẫu thuật nếu có.
3. Chọc hút
Phương pháp chọc hút có thể được thực hiện trong điều trị u nang tinh trùng. Trong quá trình này, một cây kim đặc biệt sẽ được sử dụng để đưa vào u nang, sau đó hút chất lỏng ra ngoài.
Nếu u nang tinh trùng tái phát, bệnh nhân sẽ được hút chất lỏng một lần nữa và áp dụng liệu pháp tiêm xơ.
4. Liệu pháp tiêm xơ
Liệu pháp tiêm xơ được chỉ định cho những bệnh nhân có u nang tinh trùng tái phát sau chọc hút. Phương pháp này liên quan đến việc tiêm một chất hóa học có khả năng gây kích ứng vào u nang.
Sau khi tiêm, chất hóa học có thể gây sẹo tại túi tinh trùng, lắp đầy không gian bên trong. Từ đó làm giảm nguy cơ tái phát. Thông thường người bệnh được hút hết chất lỏng bên trong u nang trước khi tiêm chất hóa học.
Phòng ngừa
Không có cách để ngăn ngừa sự phát triển của u nang trên mào tinh hoàn. Tuy nhiên nam giới cần thường xuyên thực hành kiểm tra bìu tại nhà. Nếu có phát hiện bất thường hoặc khó chịu trong bìu, người bệnh cần tiến hành kiểm tra, kịp thời đánh giá và điều trị u nang mào tinh hoàn tại bệnh viện.
Kiểm tra tinh hoàn cần được thực hiện sau khi tắm nước ấm, trong hoặc sau khi tắm xong. Hơi nóng từ nước ấm có thể giúp làm giãn bìu, nam giới dễ dàng phát hiện u nang (nếu có).
Dưới đây là những bước kiểm tra tinh hoàn:
- Đứng trước gương để nhìn thất bất kỳ dấu hiệu nào liên quan đến khối u hoặc sưng bìu
- Dùng cả hai tay để kiểm tra từng tình hoàn. Khi kiểm tra, hãy đặt ngón tay cái lên trên, ngón giữa và ngón trỏ dưới tinh hoàn
- Nhẹ nhàng lăn tinh hoàn giữa những ngón tay có thể giúp phát hiện bất thường. Tinh hoàn thường nhẵn, hơi cứng, hình bầu dục, một bên có thể to hơn bên còn lại, có dây dẫn từ đỉnh tinh hoàn được gọi là mào tinh hoàn.
Do e ngại về việc tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư âm đạo ở phụ nữ, việc sử dụng thuốc diethylstilbestrol (DES) đã dừng lại vào năm 1971. Vì vậy nguy cơ này đã được loại bỏ.
Những câu hỏi quan trọng khi gặp bác sĩ
1. Tôi có cần điều trị nang mào tinh hoàn không?
2. Điều gì xảy ra nếu không phẫu thuật điều trị?
3. Rủi ro có thể gặp khi phẫu thuật điều trị là gì? Cách ngăn ngừa?
4. Tôi nên làm gì để ngăn u nang mào tinh hoàn phát triển?
5. Tôi có thể sinh con bình thường hay không?
6. Những điều cần tránh giúp ngăn u nang phát triển hoặc tái phát là gì?
7. Phương pháp điều trị tốt nhất và được đề nghị là gì?
Nang mào tinh hoàn là một túi bất thường phát triển trên mào tinh hoàn nhưng lành tính, thường nhỏ và không gây ra triệu chứng. Tuy nhiên u nang có thể phát triển lớn hơn và cần phẫu thuật điều trị. Để điều trị an toàn và đúng cách, hãy liên hệ với bác sĩ chuyên khoa để được hướng dẫn.
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!