Nhiễm Khuẩn HP Dạ Dày
Nhiễm khuẩn HP dạ dày là tình trạng nhiễm trùng do vi khuẩn Helicobacter pylori (HP) gây ra. Tình trạng này xảy ra trong thời thơ ấu và hầu hết các trường hợp không thể phát hiện. Nhiễm trùng lâu dài có thể gây loét dạ dày tá tràng và phát triển nhiều triệu chứng.
Tổng quan
Nhiễm khuẩn HP dạ dày là thuật ngữ chỉ tình trạng vi khuẩn Helicobacter pylori (H. pylori) lây nhiễm vào dạ dày. Đây là nguyên nhân gây loét dạ dày tá tràng phổ biến. Nhiễm trùng thường không phát triển các triệu chứng cho đến khi xuất hiện vết loét.
Phần lớn các trường hợp bị nhiễm khuẩn HP dạ dày trong thời thơ ấu. Khi có dấu hiệu loét dạ dày, những xét nghiệm sẽ được thực hiện để kiểm tra tình trạng nhiễm trùng.
Nhiễm trùng HP dạ dày sẽ được chữa khỏi bằng thuốc kháng sinh, bệnh nhân không gặp biến chứng nếu được điều trị sớm.
Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ
Nhiễm khuẩn HP dạ dày xảy ra khi một loại vi khuẩn có tên Helicobacter pylori lây nhiễm vào dạ dày. Đây là một xoắn khuẩn có roi gram-âm, có khả năng tồn tại trong môi trường axit dạ dày. Chúng thường được tìm thấy ở dưới hoặc ở trong lớp niêm mạc của thượng bị dạ dày.
Vi khuẩn HP tiết ra enzyme urease - một chất giúp trung hòa độ acid trong dạ dày. Tuy nhiên nó thường gây viêm loét dạ dày mãn tính mà không có dấu hiệu trước đó.
Vi khuẩn HP có thể lây lan từ người qua người thông qua nhiều đường truyền khác nhau, bao gồm:
- Tiếp xúc trực tiếp với nước bọt, phân hoặc chất nôn của người bệnh
- Sử dung nguồn nước hoặc những loại thực phẩm ô nhiễm
- Dùng chung đồ dùng cá nhân như bát đũa với người bệnh
- Dùng thiết bị nội soi dạ dày không được đảm bảo yếu tố vô trùng.
Nguy cơ nhiễm trùng tăng cao khi có những yếu tố dưới đây:
- Sống trong điều kiện đông đúc
- Sinh sống ở những nơi không có nguồn cung cấp nước sạch hoặc ô nhiễm
- Sống chung với bệnh nhân bị nhiễm H. pylori
- Trẻ em thường có nguy cơ cao hơn
- Bệnh phổ biến hơn ở những nước đang phát triển.
Triệu chứng và chẩn đoán
Nhiễm khuẩn HP dạ dày thường không gây ra bất kỳ dấu hiệu hay triệu chứng nào. Điều này có thể do sức đề kháng của người nhiễm bệnh tốt hơn so với tác hại của vi khuẩn.
Khi vi khuẩn HP gây bệnh (viêm dạ dày, loét dạ dày hoặc ung thư dạ dày), người bệnh sẽ gặp nhiều triệu chứng khác nhau, bao gồm:
- Thường xuyên ợ hơi
- Chán ăn
- Ăn mất ngon
- Buồn nôn và nôn
- Nôn ra máu
- Đau dạ dày nghiêm trọng hơn khi đói
- Đau hoặc nóng rát ở dạ dày
- Đầy hơi
- Giảm cân ngoài ý muốn
- Thường xuyên cảm thấy no mà không ăn nhiều
- Phân sẫm màu.
Nếu nghi ngờ nhiễm vi khuẩn Helicobacter pylori, người bệnh sẽ được thực hiện một số xét nghiệm dưới đây để xác định chẩn đoán:
- Kiểm tra hơi thở: Đây là một trong những xét nghiệm vi khuẩn Helicobacter pylori được áp dụng phổ biến nhất. Trong xét nghiệm này, người bệnh sẽ được đo lượng carbon dioxide thải ra trong hơi thở trước và sau khi uống một loại dung dịch. Nếu bị nhiễm carbon dioxide, người bệnh sẽ có mức độ carbon dioxide cao hơn bình thường.
- Nội soi: Ống nội soi được đưa vào dạ dày thông qua cổ họng. Đầu ống có gắn camera giúp quan sát bên trong dạ dày và ruột. Trong nhiều trường hợp, mô từ niêm mạc dạ dày hoặc ruột được lấy ra và phân tích trong phòng thí nghiệm. Điều này giúp xác định tình trạng nhiễm khuẩn HP dạ dày.
- Xét nghiệm phân: Những bằng chứng về vi khuẩn HP được tìm thấy trong mẫu phân có thể giúp phát hiện tình trạng nhiễm trùng. Có hai kỹ thuật xét nghiệm phân, bao gồm:
- Xét nghiệm kháng nguyên phân: Tăng protein (kháng nguyên) liên quan đến nhiễm trùng.
- Xét nghiệm PCR phân (xét nghiệm phản ứng chuỗi polymerase phân): Xét nghiệm này cho phép phát hiện những đột biến có thể kháng thuốc kháng sinh dùng để điều trị vi khuẩn HP.
Biến chứng và tiên lượng
Nhiễm khuẩn HP dạ dày không được phát hiện sớm và điều trị có thể gây ra những biến chứng dưới đây:
- Viêm niêm mạc dạ dày: Vi khuẩn Helicobacter pylori làm ảnh hưởng trực tiếp đến dạ dày dẫn đến kích ứng và sưng tấy ở nêm mạc dạ dày.
- Loét dạ dày và ruột non: Vi khuẩn Helicobacter pylori phát triển làm hỏng lớp bảo vệ của ruột non và dạ dày. Điều này tạo điều kiện thuận lợi cho axit dạ dày tạo ra vết loét hở.
- Xuất huyết dạ dày: Khi vết loét dạ dày do nhiễm khuẩn HP làm vỡ mạch máu, người bệnh sẽ bị xuất huyết tiêu hóa.
- Thủng dạ dày: Thủng dạ dày thường liên quan đến biến chứng viêm loét dạ dày do vi khuẩn.
- Ung thư dạ dày: Nếu nhiễm trùng do vi khuẩn Helicobacter pylori không được điều trị, người bệnh sẽ có nguy cơ cao bị ung thư dạ dày. Đây là một bệnh lý ác tính, có khả năng đe dọa trực tiếp đến tính mạng của người bệnh. Phần lớn bệnh nhân phát hiện ung thư dạ dày trong giai đoạn tiến triển.
Nếu điều trị tích cực, nhiễm trùng sẽ được khắc phục nhanh chóng, triệu chứng biến mất hoàn toàn trong vòng vài tuần đến vài tháng. Khả năng nhiễm trùng tái phát là dưới 10% trong vòng 3 năm.
Điều trị
Những trường hợp bị nhiễm khuẩn HP dạ dày được điều trị bằng thuốc. Những loại thuốc được chỉ định có khả năng điều trị nhiễm trùng và chữa lành dạ dày. Từ đó ngăn ngừa các biến chứng.
Những loại thuốc thường được dùng:
- Thuốc kháng sinh: Một loại thuốc kháng sinh như clarithromycin, amoxicillin, metronidazole hoặc tetracycline được dùng để điều trị nhiễm khuẩn HP dạ dày. Thuốc giúp tiêu diệt nhanh loại vi khuẩn gây bệnh.
- Thuốc ức chế bơm proton: Thuốc kháng sinh thường được dùng đồng thời với thuốc ức chế bơm proton trong tối đa 14 ngày. Đây là một loại thuốc làm giảm axit dạ dày bằng cách ức chế số lượng thụ thể tạo axit. Từ đó giảm nhanh các triệu chứng, phòng ngừa và điều trị loét dạ dày. Những loại thuốc ức chế bơm proton thường được sử dụng gồm lansoprazole, rabeprazole, pantoprazole và esomeprazole.
- Thuốc Bismuth subsalicylate: Một loại thuốc có tên Bismuth subsalicylate thường được dùng đồng thời với thuốc kháng sinh để tiêu diệt vi khuẩn HP. Thuốc này có tác dụng bảo vệ niêm mạc dạ dày. Đồng thời giúp điều trị những triệu chứng khó chịu ở dạ dày như buồn nôn và ợ nóng.
- Thuốc chẹn histamin (H-2): Thuốc chẹn histamin (H-2) được dùng để ngăn chặn hoạt động kích hoạt sản xuất axit của histamin. Thuốc này chỉ được chỉ định khi bệnh nhân không thể sử dụng thuốc ức chế bơm proton.
Sau ít nhất 4 tuần dùng thuốc điều trị nhiễm khuẩn HP dạ dày, người bệnh sẽ được thực hiện các xét nghiệm tìm kiếm vi khuẩn. Nếu nhiễm trùng chưa được loại bỏ, người bệnh sẽ được chỉ định thêm những loại kháng sinh khác.
Phòng ngừa
Để giảm nguy cơ nhiễm khuẩn HP dạ dày, người bệnh cần chú ý loại bỏ nguồn lây nhiễm bằng cách áp dụng những biện pháp dưới đây:
- Thường xuyên rửa tay thật kỹ bằng xà phòng diệt khuẩn và nước sạch. Đặc biệt là sau khi đi vệ sinh, trước và sau khi ăn.
- Đảm bảo dùng nước sạch trong quá trình chế biến thức ăn và uống nước sạch. Đặc biệt là những người đang sinh sống ở những vùng có nguồn nước ô nhiễm.
- Không tiếp xúc với chất nôn, phân và nước bọt của người bệnh.
- Không ăn chung bát đũa với bệnh nhân bị nhiễm H. pylori.
- Thường xuyên xét nghiệm tìm kiếm vi khuẩn H. pylori. Sau đó điều trị tích cực trước khi những biến chứng xuất hiện.
Những câu hỏi quan trọng khi gặp bác sĩ
1. Tôi đang gặp những biến chứng nào từ nhiễm trùng HP?
2. Tôi có nguy cơ gặp phải những biến chứng khác không?
3. Phác đồ chữa bệnh của tôi như thế nào?
4. Phương pháp điều trị được đề nghị là gì?
5. Tôi có cần kiêng điều gì khi điều trị hay không?
6. Những cách ngăn ngừa lây nhiễm cho người khác là gì?
7. Làm sao nhận biết thuốc điều trị có hiệu quả hay không?
Nhiễm khuẩn HP dạ dày là một tình trạng phổ biến, thường không gây triệu chứng nhưng có thể làm khởi phát những biến chứng nguy hiểm. Tốt nhất nên khám thường xuyên, điều trị theo hướng dẫn của bác sĩ nếu có nhiễm trùng.
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!