Bệnh Nhiễm Trùng Tai
Nhiễm trùng tai thường do vi khuẩn hoặc virus. Đây là một bệnh nhiễm trùng tai giữa, xảy ra ở khoảng trống chứa đầy không khí phía sau màng nhĩ. Bệnh thường gây đau nhức dữ dội do tích tụ chất lỏng và viêm, xảy ra phổ biến hơn ở trẻ nhỏ.
Tổng quan
Nhiễm trùng tai còn được gọi là viêm tai giữa cấp tính. Đây là tình trạng nhiễm trùng ở tai giữa - không gian phía sau màng nhĩ, chứa đầy không khí và các xương rung nhỏ của tai. Bệnh thường liên quan đến vi khuẩn và virus.
So với người lớn, nhiễm trùng tai phổ biến hơn ở trẻ nhỏ. Bệnh chủ yếu được điều trị bằng thuốc kháng sinh. Trong nhiều trường hợp, nhiễm trùng tự khỏi, việc điều trị chỉ bao gồm thuốc kiểm soát cơn đau và những triệu chứng khác.
Hầu hết các trường hợp có nhiễm trùng khỏi hẳn sau một đợt điều trị tích cực. Tuy nhiên nhiễm trùng tai có thể lặp đi lặp lại nhiều lần và gây ra những biến chứng nghiêm trọng.
Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ
Vi khuẩn và virus là những nguyên nhân gây nhiễm trùng tai. Trong đó Haemophilus influenzae và phế cầu khuẩn là những loại thường gặp. Chúng chủ yếu lây lan đến tai giữa từ những vị trí khác, chẳng hạn như các ống eustachian (một cặp ống nhỏ chạy từ mỗi tai đến phía sau cổ họng), họng, mũi, amidan.
Đặc biệt, nhiễm trùng tai thường xảy ra sau khi có sự tắc nghẽn ống eustachia. Bệnh lý này thường do những nguyên nhân dưới đây:
- Cảm lạnh
- Dị ứng
- Viêm xoang
- Thay đổi áp suất không khí
- Chất nhầy dư thừa
- Hút thuốc
Nhiễm trùng tai cũng phát triển từ những bệnh lý liên quan đến VA (adenoids). Đây là những tuyến trên vòm miệng phía sau mũi. VA có khả năng bảo vệ cơ thể khỏi những tác nhân gây nhiễm trùng. Tuy nhiên VA có thể bị nhiễm và lây lan đến ống eustachian và tai giữa.
Nguy cơ mắc bệnh tăng lên khi có những yếu tố dưới đây:
- Trẻ nhỏ: Nhiễm trùng tai thường phổ biến hơn ở trẻ nhỏ (chiếm 80%). Đặc biệt là những trẻ có độ tuổi từ 6 tháng đến 2 tuổi. Nguyên nhân là do trẻ có ống eustachian ngắn và hẹp. Tuy nhiên bệnh cũng có thể làm ảnh hưởng đến người lớn.
- Trẻ sơ sinh bú bình: So với trẻ sơ sinh bú sữa mẹ, những trẻ bú bình sẽ có nguy cơ nhiễm trùng cao hơn. Tình trạng này liên quan đến sự suy yếu của hệ miễn dịch.
- Yếu tố môi trường: Bệnh phổ biến nhất trong mùa thu và mùa đông. Đặc biệt nguy cơ mắc bệnh cao hơn ở những người bị dị ứng theo mùa, xảy ra vào những thời điểm có lượng phấn hoa cao.
- Chất lượng không khí kém: Những người sinh sống và làm việc trong môi trường ô nhiễm, nhiều khói thuốc lá sẽ có nguy cơ cao hơn.
- Hở hàm ếch: Những trẻ bị hở hàm ếch thường có ống eustachian khó thoát ra ngoài hơn. Từ đó làm tăng nguy cơ nhiễm trùng.
- Một số yếu tố khác: Cân nặng khi sinh thấp, ở nhà trẻ (vì có nguy cơ lây nhiễm cao), sử dụng núm vú giả, những trẻ em nam.
Triệu chứng và chẩn đoán
Những triệu chứng của nhiễm trùng tai gồm:
+ Triệu chứng ở trẻ em và trẻ sơ sinh
- Sốt từ 38 độ trở lên
- Khóc nhiều hơn bình thường
- Khó ngủ
- Kén chọn
- Có dịch tiết từ tai
- Thường xuyên xoa hoặc kéo tai
- Đau đầu
- Không phản ứng với một số âm thanh
- Thường xuyên mất thăng bằng
- Ăn mất ngon
- Bồn chồn hoặc quấy khóc
- Đau tai
+ Triệu chứng ở người lớn
- Đau tai
- Có dịch tiết từ tai
- Khó nghe
Thông thường những triệu chứng của nhiễm trùng tai sẽ kéo dài trong vòng 3 ngày. Tuy các triệu chứng có thể kéo dài đến 1 tuần nếu bị nhiễm trùng nặng.
Người bệnh sẽ được hỏi về triệu chứng và tiền sử bệnh khi thăm khám. Ngoài ra bác sĩ có thể sử dụng ống soi tai (ống soi có đèn) để quan sát tai, mũi và miệng. Điều này giúp phát hiện những bất thường.
Một số bài kiểm tra và xét nghiệm khác cũng được thực hiện để xác định chẩn đoán:
- Dùng ống soi tai bằng khí nén: Thiết bị này giúp bác sĩ nhìn sâu vào trong tai, phát hiện và đánh giá lượng chất lỏng phía sau màng nhĩ. Sau đó nhẹ nhàng thổi không khí vào màng nhĩ để quan sát chuyển động của màng nhĩ. Sự tích tụ chất lỏng có thể khiến màng nhĩ ít hoặc không chuyển động.
- Đo nhĩ lượng: Bệnh nhân được đo nhĩ lượng để đo sự chuyển động của màng nhĩ. Thử nghiệm này được thực hiện bằng cách sử dụng thiết bị bịt kín ống tai và điều chỉnh áp suất khiến màng nhĩ di chuyển.
- Đo phản xạ âm thanh: Thử nghiệm này cho phép đo lượng âm thanh phản xạ lại từ màng nhĩ.
- Chọc màng nhĩ: Một ống nhỏ được dùng để xuyên qua màng nhĩ. Từ đó dẫn lưu chất lỏng từ tai giữa. Chất lỏng được lấy ra và phân tích để xác định nguyên nhân gây nhiễm trùng.
- Xét nghiệm máu: Đôi khi xét nghiệm máu được thực hiện để kiểm tra chức năng miễn dịch.
Biến chứng và tiên lượng
Hầu hết các trường hợp nhiễm trùng tai có thể khỏi sau một đợt điều trị. Tuy nhiên tình trạng này có thể tái phát. Khi nhiễm trùng tái phát nhiều lần, người bệnh có thể gặp những biến chứng dưới đây:
- Mất thính lực. Biến chứng này thường nhẹ và thuyên giảm sau khi hết nhiễm trùng. Tuy nhiên mất thính giác vĩnh viễn có thể xảy ra khi có tổn thương vĩnh viễn ở những cấu trúc tai giữa hoặc màng nhĩ, nhiễm trùng tái phát nhiều lần
- Viêm xương chũm
- Viêm màng não
- Thủng màng nhĩ
- Chậm nói ở trẻ em. Điều này phổ biến hơn ở những trẻ có chất lỏng tích tụ lâu dài ở tai giữa
Điều trị
Nhiễm trùng tai chủ yếu được dùng thuốc để điều trị nhiễm trùng và giảm những triệu chứng liên quan. Đôi khi bệnh nhân được chỉ định thủ thuật dẫn lưu mủ nếu cần thiết.
1. Thuốc
Bệnh nhân có thể được kê đơn với những loại thuốc dưới đây:
- Thuốc kháng sinh
Thuốc kháng sinh được dùng cho những trường hợp sau:
-
- Trẻ em dưới 6 tháng tuổi bị viêm tai giữa cấp tính không cần thời gian chờ đời theo dõi ban đầu.
- Trẻ em từ 6 tháng tuổi bị đau tai từ vừa đến nặng, xảy ra ở một hoặc cả hai bên tai trong ít nhất 48 giờ hoặc sốt từ 39 độ C trở lên.
- Trẻ em từ 6 - 23 tháng tuổi bị đau tai giữa nhẹ, xảy ra ở một hoặc cả hai bên tai chưa đầy 48 giờ và sốt dưới 39 độ C.
- Trẻ em từ 24 tháng tuổi trở lên bị đau tai giữa nhẹ, xảy ra ở một hoặc cả hai bên tai trong vòng chưa đầy 48 giờ và bị sốt dưới 39 độ C.
Khi điều trị, kháng sinh phổ rộng sẽ được chỉ định. Nếu xác định vi khuẩn gây nhiễm trùng, loại kháng sinh phù hợp, được thiết kế dành riêng cho vi khuẩn này sẽ được sử dụng.
Thuốc kháng sinh cần được dùng theo chỉ dẫn, liệu trình thường từ 7 - 10 ngày. Nên dùng thuốc đúng với thời gian quy định. Tuyệt đối không tự ý ngừng sử dụng kháng sinh. Bởi điều này có thể gây ra tình trạng kháng thuốc kháng sinh và nhiễm trùng tái phát.
- Thuốc giảm đau
Bệnh nhân thường được dùng thuốc giảm đau không kê đơn như Acetaminophen để điều trị. Thuốc này giúp giảm đau do nhiễm trùng tai và hạ sốt. Đôi khi Ibuprofen cũng được chỉ định.
- Thuốc nhỏ tai
Nếu màng nhĩ không bị thủng hoặc rách, bác sĩ có thể kê đơn thuốc nhỏ tai để giảm đau.
2. Thủ thuật dẫn lưu chất lỏng
Nhiễm trùng tai lâu dài hoặc tái phát nhiều lần có thể khiến chất lỏng tích tụ trong tai. Để điều trị, bác sĩ có thể tiến hành phẫu thuật dẫn lưu chất lỏng từ tai giữa.
Khi thực hiện bác sĩ tạo một lỗ nhỏ trên màng nhĩ, sau đó đặt một ống nhỏ để xuyên qua màng nhĩ. Điều này giúp chất lỏng bên trong được hút hoặc đưa hết ra ngoài.
Đôi khi ống thông có thể được đặt vào lỗ mở để thông khí cho tai giữa. Từ đó ngăn sự tích tụ nhiều chất lỏng hơn.
Sau khi ống thông được lấy ra, màng nhĩ sẽ tự đóng lại. Tuy nhiên một số trường hợp cần được phẫu thuật để đóng những lỗ này.
Phòng ngừa
Nhiễm trùng tai có thể được phòng ngừa khi áp dụng những biện pháp điều trị dưới đây:
- Phòng ngừa cảm lạnh và những bệnh nhiễm trùng khác. Tốt nhất nên giữ gìn vệ sinh cá nhân, tránh tiếp xúc với những người bị nhiễm bệnh.
- Tránh cho trẻ đến những khu vực quá đông đúc.
- Hạn chế cho trẻ sử dụng núm vú giả.
- Thường xuyên rửa tay sạch sẽ với xà phòng diệt khuẩn. Tránh dùng chung dụng cụ ăn uống với người khác, đặc biệt là những người đang có các bệnh lý nhiễm trùng.
- Không hít khói thuốc lá.
- Nên bế trẻ ở tư thế thẳng đứng khi bú bình. Tránh cho trẻ bú sữa khi đang nằm.
- Cho trẻ sơ sinh bú sữa mẹ ít nhất 6 tháng. Bởi những kháng thể trong sữa mẹ có thể giúp bảo vệ trẻ khỏi nhiễm trùng.
- Tiêm phòng cúm theo mùa, phế cầu khuẩn và những loại vắc xin khác. Điều này giúp giảm nguy cơ nhiễm trùng tai.
Những câu hỏi quan trọng khi gặp bác sĩ
1. Nhiễm trùng xảy ra do nguyên nhân nào?
2. Phác đồ điều trị cụ thể như thế nào?
3. Nhiễm trùng có thể khỏi nếu không điều trị?
4. Loại thuốc nào an toàn và điều trị nhiễm trùng tai hiệu quả cho trẻ?
5. Những lợi ích và rủi ro từ phương pháp điều trị cho trẻ?
6. Những tác dụng phụ nào có thể gặp khi dùng thuốc?
7. Có những hạn chế nào cần được tuân thủ?
8. Cách ngăn ngừa nhiễm trùng tái phát là gì?
Nhiễm trùng tai chủ yếu xảy ra ở trẻ nhỏ nhưng cũng có thể ảnh hưởng ở người lớn. Bệnh thường được điều trị tốt bằng thuốc và thủ thuật dẫn lưu chất lỏng. Tuy nhiên nhiễm trùng có thể tái phát và gây biến chứng. Tham khảo ý kiến bác sĩ để tìm cách ngăn ngừa và điều trị hiệu quả nhất.
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!