Bệnh Osgood-Schlatter

Bài viết được tham vấn chuyên môn bởi Lương Y Đỗ Minh Tuấn | Lĩnh vực khám chữa: Xương khớp Nơi công tác Phòng Chẩn Trị YHCT Đỗ Minh Đường – Hà Nội

Bệnh Osgood-Schlatter (OSD) xảy ra khi khu vực dưới đầu gối, ngay tại lồi củ xương chày bị viêm hoặc kích thích. Điều này dẫn đến sưng đau bên dưới đầu gối. OSD thường phát triển trong giai đoạn tăng trưởng nhanh của trẻ.

Tổng quan

Bệnh Osgood-Schlatter (OSD) là tình trạng viêm khu vực ngay dưới đầu gối, nơi gân bánh chè (từ xương bánh chè) bám vào xương chày. Tình trạng này gây đau đầu gối nghiêm trọng và nhiều triệu chứng khác.

Bệnh Osgood-Schlatter (OSD)
Bệnh Osgood-Schlatter là tình trạng viêm khu vực ngay dưới đầu gối, phổ biến ở thanh thiếu niên đang lớn

OSD chủ yếu xảy ra trong giai đoạn tăng trưởng nhanh, khi các cấu trúc (như gân, cơ và xương) đang thay đổi nhanh chóng. Đặc biệt bệnh phổ biến hơn ở những thanh thiếu niên đang lớn, thường xuyên tham gia các môn thể thao chạy hoặc nhảy. Nguyên nhân là do hoạt động thể chất tăng thêm căng thẳng cho cơ bắp và xương.

Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ

Trẻ em và thanh thiếu niên có các tấm tăng trưởng gần đầu xương. Đây là những vùng sụn linh hoạt và mềm hơn xương. Chúng hình thành ở phần cuối của xương, cho phép xương phát triển và hoàn thiện.

Ngoài ra những mảng tăng trưởng gần khớp còn giúp xác định hình dạng và chiều dài của xương trong tương lai. Khi trẻ đã trưởng thành hoàn toàn, chúng sẽ cứng lại, tạo thành xương rắn chắc.

Củ xương chày (vết sưng xương) ở đầu gối bao phủ mảng tăng trưởng ngay tại phần cuối xương chày. Vùng này có cơ tứ đầu gắn vào củ chày, giúp kéo gân bánh chè và củ chày khi trẻ hoạt động.

Đối với một số trẻ, căng thẳng lặp đi lặp lại khiến khu vực dưới đầu gối bị viêm, đau và sưng. Ngoài ra áp lực lên đĩa tăng trưởng có thể hình thành những vết nứt vi mô.

Bệnh Osgood-Schlatter thường gặp ở những trẻ tham gia vào các môn thể thao cần chạy và nhảy nhiều, chẳng hạn như:

  • Bóng đá
  • Bóng rổ
  • Bóng chuyền
  • Chạy nước rút
  • Thể dục dụng cụ
  • Trượt băng nghệ thuật.

Những yếu tố nguy cơ khác:

  • Giới tính: Bệnh Osgood-Schlatter ảnh hưởng bé trai nhiều hơn so với bé gái.
  • Độ tuổi: Bệnh xảy ra trong độ tuổi dậy thì, khi có sự tăng trưởng đột ngột về chiều cao. OSD thường phát triển ở bé trai có độ tuổi từ 13 đến 14 tuổi và bé gái có độ tuổi từ 11 đến 12 tuổi (do dậy thì sớm hơn bé trai).

Triệu chứng và chẩn đoán

Khi tiến triển, bệnh Osgood-Schlatter có những triệu chứng dưới đây:

  • Đau ngay dưới đầu gối
    • Đau xảy ra khi chạy, nhảy
    • Đau tồi tệ hơn khi hoạt động và đỡ hơn khi nghỉ ngơi
    • Cơn đau thường kéo dài từ vài tuần đến vài tháng
    • Đau thường thuyên giảm theo thời gian
  • Vết sưng ở củ chày ngay dưới đầu gối
  • Cảm thấy căng cơ bắp ở phía trước hoặc phía sau đùi.

Đau ngay dưới đầu gối
Vết sưng ở củ chày và đau ngay dưới đầu gối là đặc trưng của bệnh Osgood-Schlatter

Trong quá trình thăm khám, trẻ được hỏi về các triệu chứng, tần suất hoạt động thể chất, tiền sử chấn thương và bệnh lý. Bác sĩ cũng có thể tiến hành kiểm tra kỹ lưỡng đầu gối để xác định vị trí và nguyên nhân gây đau.

Nếu đau đầu gối do OSD, quan sát và ấn nhẹ đầu gối sẽ cảm thấy mềm hoặc đau. Bác sĩ cũng có thể phát hiện những dấu hiệu khác gồm sưng, đỏ hoặc bất thường khớp. Cơn đau ở lòi củ xương chày (ngay dưới đầu gối) có thể góp phần phát hiện bệnh Osgood-Schlatter.

Trong nhiều trường hợp, trẻ được yêu cầu di chuyển khớp chạy, nhảy và quỳ để xem liệu những hoạt động này có thể làm tăng thêm mức độ đau và khó chịu cho khớp hay không. Đồng thời đánh giá sự linh hoạt và phạm vi chuyển động khớp.

Để xác nhận chẩn đoán, chụp X-quang đầu gối và siêu âm có thể được chỉ định.

  • Chụp X-quang: Kỹ thuật này giúp kiểm tra xương và loại trừ nguyên nhân gây đau đầu gối khác.
  • Siêu âm: Siêu âm tạo ra hình ảnh chi tiết của các mô trong đầu gối bằng sóng âm. Kỹ thuật này có thể giúp phát hiện tình trạng sưng tấy ở xương chày hoặc sưng sụn, xem liệu có xương mới nào đang hình thành xung quanh lồi củ xương chày hay không. Từ đó xác định OSD trong giai đoạn đầu.

Biến chứng và tiên lượng

Bệnh Osgood-Schlatter có tiên lượng tốt. Bệnh thường tự giới hạn, hầu hết triệu chứng sẽ biến mất hoàn toàn sau khi kết thúc giai đoạn tăng trưởng nhanh ở tuổi thiếu niên, thường khoảng 16 tuổi đối với bé nam và 14 tuổi đối với bé gái.

Trong giai đoạn bùng phát của bệnh, tình trạng sưng đau chủ yếu được điều trị bằng các phương pháp không phẫu thuật. Hiếm khi phẫu thuật cần thiết.

Ở một số trẻ, bệnh Osgood-Schlatter có những triệu chứng rất nghiêm trọng. Khi không được điều trị, trẻ có thể gặp những biến chứng dưới đây:

  • Gãy xương chày
  • Hạn chế vận động.

Gãy xương chày
Gãy xương chày xảy ra khi bệnh Osgood-Schlatter không điều trị và căng thẳng lặp đi lặp lại

Điều trị

Điều trị bệnh Osgood-Schlatter thường gồm những phương pháp giảm đau và sưng tấy. Cụ thể:

1. Nghỉ ngơi và sửa đổi hoạt động

Trẻ được khuyến khích nghỉ ngơi, hạn chế hoạt động tập thể dục cho đến khi không còn cảm thấy đau và khó chịu khi vận động. Điều này có thể kéo dài vài tuần để giảm căng thẳng cho khớp ảnh hưởng. Sau đó luyện tập để điều hòa sức mạnh.

2. Đào tạo chéo

Trong khi tạm dừng một môn thể thao hoặc hoạt động, hãy thử thực hiện những hoạt động hoặc động tác ít tác động hơn, chẳng hạn như đạp xe đạp hoặc bơi lợi. Biện pháp này được gọi là đào tạo chéo.

3. Chườm đá

Chườm túi lạnh lên vùng ảnh hưởng để giảm sưng và đau. Biện pháp này nên được thực hiện 15 phút, vài lần mỗi ngày. Lưu ý không đặt trực tiếp đá lạnh lên da để không gây bỏng lạnh cho trẻ.

4. Thuốc

Nếu triệu chứng không giảm, thuốc chống viêm không sterod (NSAID) sẽ được sử dụng, chẳng hạn như Ibuprofen, Aspirin và Naproxen. Thuốc này có khả năng giảm đau và sưng nhanh chóng.

Thuốc chống viêm không sterod (NSAID)
Sử dụng thuốc chống viêm không sterod (NSAID) đẻ giảm đau và sưng bên dưới đầu gối

5. Vật lý trị liệu

Những trẻ mắc chứng OSD thường được hướng dẫn các bài tập kéo giãn cơ tứ đầu và cơ gân kheo (các cơ ở mặt trước và mặt sau của đùi). Những bài tập này có thể giúp giảm căng thẳng cho vùng tổn thương, giảm đau, phục hồi vận động linh hoạt và ngăn ngừa bệnh quay trở lại.

6. Thiết bị hỗ trợ

Khi trở lại hoạt động thể thao, chuyên gia vật lý trị liệu có thể hướng dẫn mang miếng đệm bảo vệ ở vùng ảnh hưởng. Điều này giúp hỗ trợ và bảo vệ khớp, ngăn ngừa sự hư hại thêm.

Một số trường hợp được hướng dẫn sử dụng dây đeo gân bánh chè. Thiết bị này có thể giúp cố định gân tại chỗ trong khi hoạt động và phân tán lực tác động lên xương ống chân.

Phòng ngừa

Để giảm nguy cơ phát triển bệnh Osgood-Schlatter, cần tránh lặp đi lặp lại căng thẳng cho đầu gối và sụn tăng trưởng bên dưới. Dưới đây là những biện pháp hữu hiệu, bao gồm:

  • Tránh luyện tập gắng sức.
  • Nên lựa chọn các hoạt động và môn thể thao phù hợp với độ tuổi và sức khỏe tổng thể.
  • Nếu chơi các môn thể thao đòi hỏi chạy và nhảy thường xuyên, hãy dành nhiều thời gian nghỉ ngơi và phục hồi.
  • Khởi động và giãn cơ trước khi chơi thể thao.
  • Thường xuyên thực hiện những bài tập kép giãn, làm mạnh gân cơ và tăng cường cơ bắp, đặc biệt là các cơ ở đùi. Điều này giúp tăng sự ổn định cho đầu gối và giảm nguy cơ chấn thương.
  • Nếu cảm thấy khó chịu hoặc đau đầu gối, nên dừng các hoạt động thể chất có thể gây ra cơn đau. Tốt nhất nên dành thời gian nghỉ ngơi và thư giãn cho đến khi đầu gối ổn định và không còn đau. Khi đau giảm bớt, trẻ có thể thực hiện những hoạt động có tác động thấp chẳng hạn như bơi lội.

Tránh luyện tập gắng sức
Tránh luyện tập gắng sức, dành nhiều thời gian nghỉ ngơi và phục hồi để giảm nguy cơ phát triển OSD

Những câu hỏi quan trọng khi gặp bác sĩ

1. Điều gì khiến con của tôi bị đau đầu gối?

2. Bệnh Osgood-Schlatter có tự khỏi không?

3. Những phương pháp điều trị nào sẽ được chỉ định?

4. Cách tốt nhất để ngăn ngừa sưng đau tái phát là gì?

5. Trẻ có thể cần phải dừng việc luyện tập hay không?

6. Quá trình điều trị sẽ kéo dài trong bao lâu?

7. Hoạt động và bài tập nào được khuyến khích trong quá trình điều trị?

Bệnh Osgood-Schlatter xảy ra trong giai đoạn tăng trưởng nhanh của trẻ. Bệnh có tiên lượng tốt, đau giảm dần và biến mất sau khi kết thúc giai đoạn tăng trưởng nhanh. Chính vì thế mà hầu hết trẻ có thể hoạt động thể chất bình thường sau một thời gian nghỉ ngơi, không cần phẫu thuật.

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *