Polyp Cổ Tử Cung
Polyp cổ tử cung là khối u hình thành trên cổ tử cung, thường do viêm mãn tính hoặc những tình trạng nhiễm trùng. Hầu hết những khối u này là lành tính, có kích thước nhỏ và không đều. Tuy nhiên chúng có thể gây chảy máu âm đạo thường xuyên.
Tổng quan
Polyp cổ tử cung là những khối u nhỏ phát triển trên cổ tử cung - ống hẹp dài nối tử cung với phần trên âm đạo. Những khối u này có kích thước không đều nhau (khoảng 1 - 2 cm), mềm, màu đỏ anh đào hoặc đỏ tía.
Hầu hết polyp cổ tử cung lành tính, không phải ung thư. Tuy nhiên một số polyp có thể tăng nhanh kích thước, dễ chảy máu khi chạm vào và chuyển thành tiền ung thư.
Thông thường bệnh nhân có polyp cổ tử cung được yêu cầu theo dõi. Khi có triệu chứng, phẫu thuật cắt bỏ polyp sẽ được chỉ định.
Phân loại
Bệnh polyp cổ tử cung được phân thành 2 loại dựa vào vị trí phát triển của polyp, bao gồm:
- Polyp ngoài cổ tử cung: Đây là những khối u phát triển từ lớp ngoài cùng của những tế bào trên cổ tử cung.
- Polyp trong cổ tử cung: Đây là loại phổ biến nhất, gồm những khối u hình thành từ những tuyến cổ tử cung. Chúng phát triển trong ống cổ tử cung.
Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ
Nguyên nhân gây polyp cổ tử cung vẫn chưa được xác định rõ. Tuy nhiên bệnh thường liên quan đến những yếu tố dưới đây:
- Tăng mức độ estrogen
Mức độ estrogen dao động tự nhiên, cao nhất trong thời kỳ mang thai, sinh nở và trước khi mãn kinh. Tuy nhiên việc dùng thuốc tránh thai và một số yếu tố khác có thể khiến estrogen tăng đột biến. Điều này làm tăng nguy cơ hình thành một vài khối u lành tính trong cổ tử cung.
- Viêm cổ tử cung mãn tính
Viêm cổ tử cung mãn tính khiến cổ tử cung tấy đỏ, bị kích thích và ăn mòn hoặc không đạt được độ dày nhất định. Điều này làm tăng nguy cơ hình thành và phát triển polyp cổ tử cung.
- Lạc nội mạc tử cung
Các mô hoạt động như các tế bào nội mạc tử cung bám vào cổ tử cung và nhiều vị trí khác. Từ đó làm phát triển những khối u lành tính ở khu vực này.
- Tắc mạch máu gần cổ tử cung
Tắc mạch máu có thể làm tăng nguy cơ phát triển polyp cổ tử cung. Khi bị tắc nghẽn, máu dồn ứ khiến tĩnh mạch căng phồng. Điều này khiến những khối u mềm và lành tính ở cổ tử cung bắt đầu phát triển.
- Thủ thuật phụ khoa không an toàn
Polyp cổ tử cung thường gặp ở những người có tiền sử nạo phá thai hoặc đặt vòng tránh thai không an toàn. Trong đó nhau thai tồn dư sau nạo phá thai có thể bám vào bề mặt của cổ tử cung và hình thành khối u.
- Tác dụng phụ của thuốc
Một số nghiên cứu cho thấy, nguy cơ hình thành polyp cổ tử cung tăng cao ở những bệnh nhân sử dụng dài ngày các loại thuốc dưới đây:
-
- Thuốc kháng sinh
- Thuốc điều trị ung thư
- Thuốc huyết áp...
- Nhiễm trùng
Nhiễm trùng nấm men, nhiễm trùng do vi khuẩn hoặc nhiễm trùng lây truyền qua đường tình dục (STIs) làm tăng nguy cơ hình thành và phát triển polyp cổ tử cung.
- Thói quen sinh hoạt
Quan hệ tình dục không an toàn, sinh hoạt và ăn uống kém khoa học làm tăng nguy cơ viêm và hình thành khối u lành tính ở cổ tử cung.
Triệu chứng và chẩn đoán
Phần lớn bệnh nhân có polyp cổ tử cung không gặp triệu chứng. Trong nhiều trường hợp khác, các khối u có thể gây triệu chứng khi nó phát triển lớn hơn.
Những dấu hiệu và triệu chứng thường gặp gồm:
- Xuất huyết âm đạo bất thường
- Chảy máu sau khi quan hệ tình dục
- Chảy máu sau mãn kinh
- Chảy máu bất thường giữa những chu kỳ kinh nguyệt
- Chảy máu sau khi thụt rửa
- Tiết dịch âm đạo kèm theo mùi hôi do nhiễm trùng
- Kinh nguyệt ra nhiều bất thường
- Âm đạo tiết dịch nhầy có màu vàng hoặc màu trắng
Trong một số trường hợp, polyp cổ tử cung là giai đoạn đầu của ung thư cổ tử cung và một số triệu chứng là dấu hiện cảnh báo ung thư. Chính vì vậy người bệnh cần thăm khám sớm để có những phương án giải quyết phù hợp.
Thông thường polyp cổ tử cung dễ dàng được nhìn thấy thông qua khám phụ khoa định kỳ. Trong khi thăm khám, mỏ vịt được sử dụng để hỗ trợ kiểm tra. Bác sĩ có thể nhìn thấy những khối u mịn có màu đỏ hoặc tím, hình dáng tương tự như ngón tay trên cổ tử cung.
Trong nhiều trường hợp, mẫu mô của polyp được loại bỏ và kiểm tra trong phòng thí nghiệm. Kết quả kiểm tra có thể giúp xác định những tế bào lành tính, tế bào ác tính hoặc tiền ung thư. Quá trình này được gọi là sinh thiết.
Biến chứng và tiên lượng
Nhìn chung bệnh nhân bị polyp cổ tử cung có tiên lượng tốt. Những khối u này thường lành tính, có kích thước nhỏ và không gây nguy hiểm.
Tuy nhiên một số trường hợp có khối u chuyển sang tiền ung thư hoặc ung thư cổ tử cung. Chính vì thế việc theo dõi và điều trị là điều cần thiết.
Điều trị
Nếu không có triệu chứng, bệnh nhân có thể không cần can thiệp loại bỏ khối u. Ở một số trường hợp, chúng có thể tự rụng khi quan hệ tình dục hoặc trong chu kỳ kinh nguyệt.
Đối với những trường hợp có polyp cổ tử cung phát triển và gây triệu chứng, bệnh nhân có thể được yêu cầu loại bỏ khối u bằng nhiều phương pháp. Cụ thể:
- Xoắn polyp ở gốc
- Sử dụng kẹp vòng loại bỏ polyp cổ tử cung
- Buộc dây phẫu thuật quanh gốc polyp và cắt bỏ
Các phương pháp loại bỏ chân polyp:
- Dùng dao điện đốt chân
- Dùng nitơ lỏng
- Dùng tia laser
Thông thường cắt bỏ polyp cổ tử cung và đốt chân sẽ được thực hiện trong phòng mổ. Sau phẫu thuật, người bệnh được hướng dẫn sử dụng thuốc kháng sinh và chăm sóc vết thương để phòng ngừa nhiễm trùng.
Ngoài ra bệnh nhân cần kiêng quan hệ tình dục ít nhất 4 tuần, polyp sẽ được kiểm tra trong phòng thí nghiệm để đánh giá tế bào.
Polyp cổ tử cung dễ dàng được loại bỏ. Tuy nhiên chúng có thể tái phát. Điều này thường do gốc polyp chưa được loại bỏ triệt để, viêm nhiễm mãn tính hoặc sót polyp.
Ngoài ra người bệnh có thể gặp một số biến chứng sau mổ như:
- Nhiễm trùng
- Thủng tử cung
- Chảy máu
Do đó người bệnh cần đến cơ sở uy tín để được khám và điều trị hiệu quả hơn.
Phòng ngừa
Rất khó để ngăn ngừa polyp cổ tử cung. Tuy nhiên nguy cơ có thể giảm khi áp dụng những biện pháp sau:
- Loại bỏ nguy cơ nhiễm trùng để ngăn ngừa polyp cổ tử cung. Cụ thể:
- Quan hệ tình dục an toàn, luôn sử dụng bao cao su
- Giữ gìn vệ sinh vùng kín
- Điều trị các tình trạng nhiễm trùng hoặc bệnh lý có thể gây polyp cổ tử cung
- Không lạm dụng thuốc tránh thai và những loại thuốc chữa bệnh.
- Thường xuyên khám vùng chậu, đặc biệt là những người có polyp cổ tử cung trước đó hoặc có nguy cơ cao. Điều này giúp sớm phát hiện và loại bỏ khối u.
Những câu hỏi quan trọng khi gặp bác sĩ
1. Khi nào cần loại bỏ polyp cổ tử cung?
2. Điều gì xảy ra nếu tôi trì hoãn hoặc không điều trị?
3. Có những lựa chọn phẫu thuật nào? Chi phí phẫu thuật?
4. Khối u của tôi là lành tính hay ác tính?
5. Tôi nên làm gì để ngăn polyp cổ tử cung phát triển?
6. Dấu hiệu nào giúp nhận biết khối u đang phát triển?
7. Cần tránh những gì khi bị polyp cổ tử cung?
Polyp cổ tử cung là những khối u nhỏ và lành tính phát triển trên cổ tử cung. Chúng thường không gây triệu chứng và dễ loại bỏ. Tuy nhiên việc không điều trị có thể làm tăng nguy cơ phát triển ung thư. Do vậy, cần tham khảo ý kiến bác sĩ để được hướng dẫn những cách xử lý tốt nhất.
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!