Bệnh Polyp Đại Tràng Sigma
Polyp đại tràng sigma xảy ra khi có u lành tính phát triển tại đại tràng sigma. Những khối u này có tiến triển chậm, phần lớn không chuyển thành ác tính. Tuy nhiên cần xử lý sớm để đảm bảo an toàn.
Tổng quan
Polyp đại tràng sigma là sự phát triển của những khối u lành tính trên niêm mạc đại tràng sigma (vị trí thấp nhất của đại tràng, tiếp giáp với trực tràng). Chúng là những cụm tế bào nhỏ, hình thành do các tế bào phát triển quá mức.
Hầu hết polyp đại tràng sigma là vô hại. Tuy nhiên một số khối u có thể trở thành ác tính, dẫn đến ung thư đại tràng sigma. Bệnh lý này khiến bệnh nhân tử vong khi phát hiện ở giai đoạn muộn.
Polyp đại tràng sigma thường gặp ở những người trên 50 tuổi, có chế độ sinh hoạt không lành mạnh, thừa cân hoặc có tiền sử gia đình mắc bệnh. Hầu hết các trường hợp không có triệu chứng cho đến khi khối u có kích thước lớn.
Phân loại
Polyp đại tràng sigma có 2 loại gồm:
- Tăng sản (Hyperplastic): Loại này không có khả năng phát triển thành ung thư.
- U tuyến: Loại này thường trở thành ung thư, nhất là khi các u tuyến đã phát triển với kích thước lớn.
Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ
Polyp đại tràng sigma xảy ra khi có bất thường trong quá trình phát triển và phân chia của những tế bào. Thông thường những tế bào khỏe mạnh trong cơ thể sẽ phân chia một cách có trật tự.
Tuy nhiên các gen bất thường có thế khiến những tế bào tiếp tục phân chia và phát triển ngay cả khi không cần thiết. Chúng tích tụ lại và khiến khối u hình thành.
Những yếu tố làm tăng nguy cơ hình thành polyp đại tràng sigma:
- Có độ tuổi từ 50 tuổi trở lên
- Tiền sử gia đình hoặc bản nhân bị polyp đại tràng hoặc ung thư đại tràng sigma
- Hút thuốc lá
- Uống nhiều rượu
- Thừa cân béo phì
- Có một hoặc nhiều rối loạn di truyền dưới đây:
- Hội chứng Lynch
- Hội chứng đa polyp răng cưa
- Hội chứng Gardner
- Hội chứng Peutz-Jeghers
- Bệnh đa polyp liên quan đến MUTYH (MAP)
- Polyp tuyến thượng thận gia đình (FAP)
Triệu chứng và chẩn đoán
Polyp đại tràng sigma thường không gây triệu chứng. Nhưng nếu polyp kích thước quá lớn, người bệnh sẽ có những biểu hiện dưới đây:
- Có máu hoặc một lượng nhỏ chất nhầy trong phân
- Tiêu chảy hoặc táo bón
- Đau bụng
- Thiếu máu
- Chảy máu trực tràng
- Mệt mỏi
- Sụt cân không rõ nguyên nhân
Để tìm polyp đại tràng sigma, những xét nghiệm dưới đây sẽ được thực hiện:
- Nội soi đại tràng sigma: Xét nghiệm này sử dụng một ống dài (có camera và đèn) đưa qua hậu môn và vào 1/3 cuối cùng của ruột già (đại tràng sigma). Điều này giúp kiểm tra các bất thường của đại tràng sigma, bao gồm cả những khối u.
- Nội soi đại tràng: Ống nội soi được đặt qua trực tràng vào ruột già. Điều này giúp phát hiện những khối u khác trong ruột già. Nội soi đại tràng cho phép loại bỏ polyp có kích thước nhỏ.
- Sinh thiết: Một mẫu mô nhỏ hoặc polyp được lấy ra trong quá trình nội soi. Sau đó phân tích trong phòng thí nghiệm để xác định các tế bào lành tính hoặc ác tính.
- Chụp cắt lớp vi tính (CT): Chụp cắt lớp vi tính tạo ra hình ảnh chi tiết của ruột già. Điều này cho phép xác định nhanh những bất thường.
- Xét nghiệm phân và máu: Bệnh nhân được chỉ định xét nghiệm phân hoặc/ và máu để kiểm tra những thay đổi di truyền liên quan đến polyp hoặc ung thư. Nếu xét nghiệm dương tính, người bệnh sẽ được chỉ định nội soi.
Biến chứng và tiên lượng
Phần lớn polyp đại tràng sigma là vô hại và không phát triển thành ung thư. Tuy nhiên nó có thể lớn hơn và gây tắc ruột. Một số polyp chuyển thành u ác tính (ung thư) khi phát triển đến một giai đoạn nhất định. Những khối u này cần được loại bỏ sớm để ngăn ung thư di căn và tử vong.
Điều trị
Các polyp đại tràng sigma sẽ được phẫu thuật để cắt bỏ. Dựa vào kích thước của polyp, quá trình loại bỏ thường được thực hiện trong khi nội soi đại tràng nhưng cũng có thể qua nội soi bụng.
- Cắt polyp
Thông thường polyp đại tràng sigma sẽ được loại bỏ trong quá trình nội soi đại tràng sigma (ngay khi phát hiện khối u). Phương pháp này được chỉ định cho những bệnh nhân có polyp còn nhỏ, thực hiện ngay khi phát hiện khối u qua nội soi.
Trong quá trình nội soi, bác sĩ sẽ sử dụng vòng dây và kẹp để loại bỏ polyp. Khối u sau đó sẽ được phân tích trong phòng thí nghiệm để xem nó có thể là ung thư hay không.
- Nội soi bụng
Bệnh nhân được nội soi bụng để loại bỏ các polyp có kích thước quá lớn hoặc không thể cắt bỏ thông qua quá trình nội soi đại tràng. Trong quá trình này, dụng cụ nội soi được đưa vào bụng, sau đó tiếp cận và loại bỏ nhanh polyp.
- Cắt bỏ đại tràng sigma
Bác sĩ tiến hành cắt bỏ đại tràng sigma khi polyp đã trở thành ung thư hoặc có hội chứng di truyền hiếm gặp. Khi đại tràng sigma bị loại bỏ, những đoạn khỏe mạnh của ruột già sẽ được nối lại. Điều này giúp bạn tránh bị ung thư đe dọa đến tính mạng và duy trì đại tiện bình thường sau điều trị.
Phòng ngừa
Những bước dưới đây có thể giúp bạn giảm nguy cơ phát triển polyp đại tràng sigma:
- Tư vấn di truyền hoặc thường xuyên khám sàng lọc nếu có nguy cơ cao. Điều này giúp phát hiện polyp hoặc ung thư trong giai đoạn sớm và loại bỏ nhanh chóng.
- Tăng cường bổ sung vitamin D từ chế độ ăn uống. Loại vitamin này có khả năng giảm nguy cơ ung thư đại tràng, bao gồm cả đại tràng sigma.
- Hạn chế rượu. Bởi sử dụng rượu quá mức có thể kích thích sự phát triển bất thường của những tế bào và hình thành khối u trong đại tràng sigma.
- Ngừng hút thuốc lá để giảm nguy cơ phát triển các khối u.
- Hạn chế những loại thực phẩm chế biến sẵn, thực phẩm giàu chất béo và thịt đỏ.
- Ăn nhiều rau xanh, trái cây tươi, quả hạch, các loại đậu và ngũ cốc nguyên hạt. Một chế độ ăn uống lành mạnh có thể giúp bạn chống lại ung thư và giảm nguy cơ hình thành polyp. Ngoài ra các thành phần dinh dưỡng trong rau xanh và trái cây tươi (như chất xơ, các vitamin A, C, E, khoáng chất và những chất chống oxy hóa) đều có khả năng làm giảm nguy cơ hình thành polyp và ung thư ở đại tràng sigma.
- Hãy duy trì sức khỏe tổng thể và luôn giữ trọng lượng ở mức an toàn.
- Hoạt động thể chất và tập thể dục đều đặn mỗi ngày, tối thiểu 30 phút mỗi buổi. Điều này giúp giảm nguy cơ phát triển các bệnh ung thư và polyp đại tràng sigma.
Những câu hỏi quan trọng khi gặp bác sĩ
1. Nguyên nhân nào gây ra những triệu chứng của tôi?
2. Khối u của tôi có khả năng chuyển thành ung thư không?
3. Phương pháp nào hiệu quả cho trường hợp của tôi?
4. Phẫu thuật có thể giúp loại bỏ hoàn toàn polyp không?
5. Tôi nên làm gì để giảm nguy cơ tái phát?
6. Tôi có thể sinh hoạt và đi đại tiện bình thường sau điều trị không?
7. Tôi có cần thực hiện một chế độ ăn kiêng không?
Polyp đại tràng sigma thường vô hại nhưng một số loại có thể trở thành ung thư. Để đảm bảo an toàn, polyp cần được xử lý sớm, thường ngay sau khi phát hiện. Hãy tham khảo ý kiến bác sĩ về những rủi ro, lợi ích và quá trình loại bỏ khối u. Sau đó áp dụng theo chỉ định.
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!