Bệnh Polyp Dây Thanh Quản
Polyp dây thanh quản là bệnh lành tính và có thể điều trị được nếu phát hiện sớm, áp dụng đúng biện pháp. Ngược lại, nếu không điều trị kịp thời, khối polyp phát triển ngày càng lớn gây ảnh hưởng đến giọng nói, kéo theo suy giảm sức khỏe, chất lượng cuộc sống của người bệnh.
Tổng quan
Thanh quản là bộ phận giúp con người phát ra âm thanh, tiếng nói nhờ vào cơ chế đẩy hơi ra vào và sự rung động của 2 dây âm thanh. Polyp dây thanh quản (vocal cord polyps) là những khối u xuất hiện tại dây thanh quản. Vị trí phổ biến nhất là 1/3 giữa dây và bờ trong lòng thanh quản. Chúng có thể mọc ở 1 hoặc ở cả 2 bên tùy từng trường hợp cụ thể.
Khối polyp (không phải khối u ung thư) thực chất là những đốm mụn nước, có mạch máu, bề mặt nhẵn bóng, màu hồng nhạt hoặc trắng, chuyển màu đỏ nếu viêm nhiễm.
Hầu hết các trường hợp phát hiện polyp dây thanh quản đều là khối u lành tính. Chúng không có khả năng chuyển hóa thành u ác tính gây bệnh ung thư. Tuy nhiên, để phục vụ công tác chẩn đoán và điều trị, sinh thiết khối u vẫn được tiến hành để tìm nguyên nhân.
Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ
Polyp dây thanh quản xảy ra phổ biến ở người trưởng thành, có thể xảy ra ở trẻ em nhưng rất ít. Sự hình thành của khối polyp là do tình trạng tổn thương niêm mạc dây thanh quản gây viêm nhiễm, các tổ chức biểu mô niêm mạc tăng sinh dẫn đến phù nề, chúng dần thoái hóa và hình thành khối polyp.
Có nhiều nguyên nhân gây bệnh như:
- Mắc các bệnh viêm nhiễm tại vùng cổ họng thanh quản hoặc các bệnh đường hô hấp khác như viêm amidan, viêm họng cấp, viêm thanh quản...;
- Tính chất công việc yêu cầu phải nói nhiều, nói to như ca sĩ, hướng dẫn viên du lịch, giáo viên, cổ động viên...;
- Hút thuốc lá và nghiện rượu bia;
- Các tổn thương cơ học tại thanh quản như va chạm, chấn thương, té ngã, tai nạn giao thông, tai nạn lao động...;
- Rối loạn nội tiết tố ở phụ nữ mang thai và trong chu kỳ kinh nguyệt khiến dây thanh quản bị căng quá mức, dễ hình thành polyp và gây xuất huyết;
Triệu chứng và chẩn đoán
Các triệu chứng thường gặp ở bệnh nhân bị polyp dây thanh quản như:
- Rối loạn giọng: Đây là triệu chứng đầu tiên của xảy ra khi trong dây thanh quản xuất hiện khối polyp. Nguyên nhân là do 2 dây thanh âm không thể khép kín lại, âm thanh rung động tần số không đều làm thay đổi giọng nói. Tùy vào kích thước khối polyp to hay nhỏ mà mức độ đổi giọng nhiều hay ít.
- Khàn giọng: Xảy ra khi cột không khí bên trong dây thanh quản bị ức chế bởi các khối polyp.
- Có cảm giác vướng nghẹn trong cổ: Những khối polyp có cuống có khả năng di chuyển gây cảm giác vướng nghẹn. Lúc này người bệnh có xu hướng khạc mạnh để loại bỏ cảm giác này, nhưng thực tế hành động này chỉ càng làm kích ứng dây thanh quản, tăng mức độ phù nề.
- Nói chuyện dễ mệt, hụt hơi: Do bị khàn tiếng liên tục nên người bệnh khó có thể nói chuyện được lâu, dễ mệt và hụt hơi, nói xong hay ho khan.
Chẩn đoán là bước quan trọng cần được thực hiện ngay từ sớm để xây dựng phác đồ điều trị phù hợp. Chẩn đoán polyp dây thanh quản thường dựa trên thăm khám đánh giá các triệu chứng lâm sàng và xét nghiệm cận lâm sàng. Thường dùng nhất là:
- Nội soi truyền thống: sử dụng hệ thống ống nội soi có gắn camera đưa vào trong cổ họng để quan sát mức độ tổn thương của dây thanh quản;
- Nội soi hoạt nghiệm: dùng nguồn sáng từ sợi quang học để thu hình ảnh di chuyển của dây thanh quản, giúp đánh giá các tổn thương thực thể, chức năng, nhất là khả năng phát ra âm thanh;
Biến chứng và tiên lượng
Polyp dây thanh quản là bệnh lý tai mũi họng lành tính và không gây nguy hiểm đến tính mạng. Nhiều người thường nhầm lẫn giữa khối u polyp và ung thư nên gây ra sự hoang mang, lo lắng không đáng có, ảnh hưởng đến tinh thần và mong muốn điều trị bệnh.
Thực chất, khối u polyp dây thanh quản chỉ ảnh hưởng đến giọng nói hoặc làm giảm sức khỏe thể chất trong trường hợp có kèm theo viêm nhiễm. Tuy không nguy hiểm nhưng nếu khối polyp không được điều trị, xử lý kịp thời sẽ làm thay đổi giọng nói, ảnh hưởng đến chất lượng công việc, nhất là với những công việc có tính chất đặc thù sử dụng giọng nhiều như ca sĩ, phát thanh viên, người dẫn chương trình, hướng dẫn viên du lịch...
Khối polyp dây thanh quản không có khả năng tự khỏi hay thu nhỏ lại. Do đó, ngay khi phát hiện các triệu chứng bệnh bất thường, hãy đến bệnh viện chuyên khoa để được thăm khám. Tiên lượng điều trị bệnh khá tốt nếu được phát hiện sớm và điều trị kịp thời, đúng cách.
Điều trị
Tùy theo mức độ polyp dây thanh quản tại thời điểm được phát hiện và điều trị, mỗi bệnh nhân sẽ được chỉ định áp dụng phương pháp điều trị phù hợp.
Điều trị nội khoa
Trong trường hợp bệnh nhẹ, kích thước khối polyp chưa quá lớn, bác sĩ thường chỉ định điều trị nội khoa nhằm cải thiện triệu chứng và loại trừ nguyên nhân gây áp lực cho dây thanh quản.
- Tạm ngưng công việc đòi hỏi phải dùng giọng nói;
- Súc miệng bằng nước muối sinh lý hoặc dung dịch sát khuẩn để loại bỏ tác nhân gây viêm nhiễm;
- Uống nhiều nước hơn để tránh khô họng;
- Tuân thủ dùng thuốc kháng sinh, thuốc chống viêm hoặc thuốc chống phù nề theo toa thuốc của bác sĩ;
- Trường hợp bị polyp dây thanh quản do mắc các bệnh viêm đường hô hấp khác như viêm thanh quản, viêm họng, viêm amidan... nên thăm khám và điều trị dứt điểm;
Điều trị ngoại khoa
Trường hợp polyp dây thanh quản được phát hiện khi đã ở mức độ nặng, kích thước lớn và không đáp ứng với dùng thuốc sẽ được chỉ định phẫu để xử lý loại bỏ khối polyp.
Phẫu thuật cắt polyp dây thanh quản là thủ thuật đơn giản, thực hiện nhanh chóng trong thời gian ngắn và ít khi để lại biến chứng. Có nhiều phương pháp cắt polyp dây thanh quản, nhưng được áp dụng phổ biến nhất là mổ nội soi thanh quản và nội soi vi phẫu. Tùy vào tình trạng bệnh và điều kiện kinh tế sẽ được áp dụng phương pháp phù hợp.
Khoảng 3 tuần sau phẫu thuật, vết mổ đã lành hẳn, giọng nói của người bệnh cũng sẽ hồi phục trở lại bình thường. Bác sĩ sẽ chỉ định dùng thuốc chống viêm, kháng khuẩn hoặc giảm đau với liều dùng phù hợp.
Trong quá trình hồi phục, bệnh nhân cần được chăm sóc tích cực để rút ngắn thời gian phục hồi:
- Không được la hét, nói nhiều, nói to, hát hò, ho khạc, hắng giọng... ít nhất trong vòng 3-5 ngày đầu sau phẫu thuật;
- Dành nhiều thời gian nghỉ ngơi;
- Ăn những món thanh đạm, chế biến chín kỹ, hầm nhừ dễ nuốt và dễ tiêu hóa;
- Tránh những món cay nóng, dầu mỡ, thô cứng và các loại thực phẩm dễ gây dị ứng;
- Uống nước ấm, uống đủ lượng nước cần thiết để tránh gây khô họng, ảnh hưởng vết mổ trên thanh quản;
Những câu hỏi quan trọng khi gặp bác sĩ
1. Bệnh polyp dây thanh quản có nguy hiểm không?
2. Lý do tại sao tôi bị polyp dây thanh quản?
3. Tiên lượng điều trị polyp dây thanh quản của tôi?
4. Chẩn đoán polyp dây thanh quản bằng phương pháp nào chính xác nhất?
5. Điều trị polyp dây thanh quản bằng cách nào tốt nhất?
6. Nếu không điều trị polyp dây thanh quản sẽ gây biến chứng gì?
7. Bị polyp dây thanh quản có nhất thiết phải phẫu thuật không?
8. Phẫu thuật xong polyp dây thanh quản có tái phát không?
9. Những kỹ thuật phẫu thuật tốt nhất? Chi phí phẫu thuật polyp dây thanh quản?
10. Tôi cần làm gì để chăm sóc hậu phẫu tốt nhất?
Polyp dây thanh quản không nguy hiểm đến tính mạng, nhưng nó lại là nguyên nhân khiến giọng nói của bạn bị thay đổi và nhiều vấn đề sức khỏe khác. Do đó, hãy chủ động thăm khám chuyên khoa sớm để được chẩn đoán và điều trị bằng phương pháp phù hợp, ngăn chặn biến chứng.
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!