Bệnh Polyp Mũi

Bài viết được tham vấn chuyên môn bởi Lương Y Nguyễn Tùng Lâm | Lĩnh vực khám chữa: Tai – Mũi – Họng Nơi công tác Phòng Chẩn Trị YHCT Đỗ Minh Đường – Hồ Chí Minh

Polyp mũi là một khối u lành tính phát triển trong mũi hoặc xoang. Bệnh thường gặp ở những người bị dị ứng, hen suyễn, nhiễm trùng hoặc viêm đường mũi lặp lại nhiều lần. Tuy nhiên thuốc và phẫu thuật có thể giúp chữa khỏi.

Tổng quan

Polyp mũi là những khối u mềm, không phải ung thư phát triển trong niêm mạc mũi hoặc trong các xoang cạnh mũi. Khối u có kích thước khác nhau, thường có hình giọt nước, màu hồng hoặc màu vàng.

Polyp mũi
Polyp mũi là những khối u mềm và lành tính phát triển trong niêm mạc mũi hoặc xoang cạnh mũi

Một người có thể có polyp ở cả hai lỗ mũi cùng lúc hoặc chỉ ảnh hưởng ở một mũi. Những khối u này thường mọc riêng lẻ nhưng cũng có thể mọc thành cụm.

Polyp mũi không đau. Tuy nhiên những khối polyp lớn hoặc mọc thành cụm có thể ảnh hưởng đến khứu giác và gây khó thở. Ngoài ra những khối u này có thể chặn các xoang và tăng nguy cơ nhiễm trùng.

Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ

Chưa thể xác định nguyên nhân chính xác của bệnh polyp mũi. Tuy nhiên khối u mềm có thể là kết quả của tình trạng sưng viêm trong xoang hoặc mũi.

Tình trạng sưng viêm làm tăng tiết dịch nhầy trong mũi và họng, gây tích tụ chất lỏng trong khoảng kẽ của xoang và mũi. Trong đó những tế bào nặng nề bị kéo xuống do trọng lực. Từ đó tạo thành polyp.

Những tác nhân gây sưng viêm và làm tăng nguy cơ hình thành polyp mũi gồm:

  • Nhiễm vi khuẩn hoặc virus
  • Dị ứng hoặc phản ứng của hệ miễn dịch đối với nấm
  • Hen suyễn
  • Viêm mũi dị ứng (sốt cỏ khô)
  • Nhạy cảm với Aspirin hoặc các loại thuốc kháng viêm không steroid khác
  • Viêm xoang dị ứng do nấm
  • Viêm mũi hoặc viêm xoang mũi
  • Viêm mũi xoang mãn tính (CRS)
  • Xơ nang
  • Hội chứng Churg-Strauss. Hội chứng này có thể dẫn đến viêm mạch máu
  • Thiếu vitamin D
  • Thanh thiếu niên và trung niên là những người có nguy cơ cao hơn
  • Di truyền. Nguy cơ tăng cao nếu được sinh ra trong một gia đình có ba mẹ bị polyp mũi.

Triệu chứng và chẩn đoán

Polyp mũi có thể phát triển ở bất cứ vị trí nào trong đường mũi hoặc xoang. Tuy nhiên những khối u mềm thường xuất hiện gần những lỗ xoang trong đường mũi.

Một số người không có triệu chứng hoặc dấu hiệu. Tuy nhiên polyp mũi lớn hơn hoặc mọc thành cụm có thể gây ra những triệu chứng dưới đây:

  • Nhìn thấy khối u mềm trong đường mũi
  • Tắc nghẽn đường mũi và xoang
  • Chảy nước mũi
  • Chảy dịch mũi sau
  • Nghẹt hoặc tắc mũi dai dẳng
  • Khó thở bằng mũi dẫn đến khó ngủ
  • Khứu giác kém hoặc bị mất
  • Vị giác kém
  • Đau đầu
  • Đau ở mặt
  • Đau ở răng trên
  • Có cảm giác như có áp lực đè nặng lên khuôn mặt hoặc trán
  • Ngáy
  • Ngứa quanh mắt
  • Thường xuyên chảy máu cam
  • Thường xuyên lên cơn hen suyễn. Triệu chứng này xảy ra ở những người mắc bệnh hen suyễn
  • Ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn (xảy ra ở trường hợp nặng)
  • Nhìn đôi. Xảy ra ở những trường hợp nặng, thường gặp hơn ở những người bị viêm xoang do nấm dị ứng hoặc bị xơ nang.

Nhìn thấy khối u mềm trong đường mũi
Nhìn thấy khối u mềm trong đường mũi, chảy nước mũi, khứu giác kém là những triệu chứng thường gặp

Để chẩn đoán polyp mũi, người bệnh được hỏi về tiền sử bệnh (đặc biệt là dị ứng, hen suyễn và một số tình trạng nhiễm trùng) và triệu chứng. Bác sĩ có thể quan sát bằng mắt thường hoặc dùng ống soi mũi để nhìn vào bên trong mũi. Điều này giúp phát hiện polyp trong đường mũi.

Đôi khi bệnh nhân được thực hiện thêm một số xét nghiệm dưới đây:

  • Nội soi mũi: Những polyp nằm sâu bên trong đường mũi được kiểm tra bằng cách nội soi mũi. Ống nội soi mảnh và linh hoạt, có gắn đèn và camera giúp bác sĩ dễ dàng quan sát polyp.
  • Chụp MRI hoặc CT: Bệnh nhân được chụp cộng hưởng từ hoặc chụp cắt lớp vi tính để quan sát bên trong xoang. Điều này giúp xác định số lượng, vị trí và kích thước chính xác của polyp. Ngoài ra MRI và CT giúp kiểm tra khối u có làm biến dạng xương trong khu vực hay không, kiểm tra khối u ung thư hoặc dị dạng cấu trúc.
  • Xét nghiệm dị ứng: Đôi khi bệnh nhân được xét nghiệm dị ứng để xác định nguyên nhân gây polyp mũi và viêm mũi dai dẳng.
  • Xét nghiệm các bệnh di truyền: Xét nghiệm các bệnh di truyền cần phải thực hiện ở những trẻ có polyp mũi. Cụ thể như xơ nang.
  • Xét nghiệm máu: Bệnh nhân được xét nghiệm máu để kiểm tra nguyên nhân gây polyp mũi, chẳng hạn như tình trạng thiếu hụt vitamin D.

Biến chứng và tiên lượng

Polyp mũi lớn làm chặng luồng không khí và dẫn lưu chất lỏng. Điều này làm tăng kích ứng và sưng viêm. Đồng thời gây ra những biến chứng dưới đây:

  • Khó thở
  • Bùng Phát cơn hen
  • Viêm xoang
  • Hội chứng ngưng thở khi ngủ - một tình trạng nghiêm trọng liên quan đến việc ngừng thở và bắt đầu thở lại, lặp lại liên tục trong khi ngủ.

Nếu được điều trị tốt, polyp mũi và các triệu chứng sẽ được loại bỏ. Tuy nhiên chúng thường quay trở lại sau điều trị. Những trường hợp này cần phải phẫu thuật lại hoặc tiếp tục điều trị bằng steroid.

Điều trị

Điều trị polyp mũi gồm những phương pháp kiểm soát triệu chứng, giảm kích thước hoặc loại bỏ polyp. Cụ thể:

1. Thuốc

Quá trình điều trị polyp mũi thường bắt đầu bằng thuốc. Những loại thuốc được chỉ định sẽ giúp giảm nhẹ triệu chứng, giảm kích thước hoặc làm co những polyp mũi lớn.

Thuốc xịt mũi Corticosteroid
Thuốc xịt mũi Corticosteroid được dùng để giảm kích ứng và sưng, thu nhỏ hoặc loại bỏ polyp

  • Thuốc xịt mũi Corticosteroid: Bệnh nhân thường được yêu cầu dùng thuốc xịt mũi Corticosteroid. Thuốc này có dụng làm giảm kích ứng và sưng viêm. Từ đó thu nhỏ hoặc loại bỏ polyp.
  • Corticosteroid dạng uống và tiêm: Người bệnh được dùng Corticosteroid đường uống khi thuốc xịt mũi không có hiệu quả. Thuốc được dùng để điều trị viêm, giảm sưng và kích ứng. Thông thường Corticosteroid dạng uống sẽ được dùng kết hợp với dạng xịt mũi. Những trường hợp có polyp mũi nghiêm trọng có thể được tiêm.
  • Thuốc Dupilumab (Dupixent): Đây là một loại thuốc đặc trị polyp mũi và viêm xoang mãn tính. Thuốc có tác dụng làm giảm nghẹt mũi và thu nhỏ polyp mũi.
  • Thuốc kháng histamine: Thuốc kháng histamine được chỉ định để điều trị dị ứng. Khi sử dụng, thuốc giúp làm giảm triệu chứng ngứa mũi, nghẹt mũi, hắc xì và nhiều biểu hiện liên quan đến dị ứng. Từ đó giúp người bệnh cảm thấy dễ chịu hơn. Ngoài ra thuốc kháng histamine giúp chống dị ứng, ngăn ngừa polyp mũi phát triển.
  • Thuốc kháng sinh: Một loại thuốc kháng sinh sẽ được dùng cho những bệnh nhân bị nhiễm trùng tái phát hoặc mãn tính. Thuốc giúp loại bỏ nhiễm trùng. Từ đó ngăn viêm nhiễm làm tăng kích thước của polyp.

2. Phẫu thuật

Phẫu thuật được chỉ định khi polyp mũi không được thu nhỏ hoặc loại bỏ khi dùng thuốc. Trong đó người bệnh được phẫu thuật nội soi để khắc phục những vấn đề về xoang và loại bỏ polyp mũi. Điều này giúp ngăn tái phát các triệu chứng, giảm nguy cơ viêm và hình thành polyp mới.

Khi thực hiện, ống nội soi sẽ được đưa vào lỗ mũi và dẫn vào các hốc xoang. Sau đó những dụng cụ nhỏ được dùng để loại bỏ polyp.

Nếu có những vấn đề khác làm ngăn chặn dòng chảy của chất lỏng từ xoang, chúng cũng sẽ bị loại bỏ trong quy trình này. Một số trường hợp được mở rộng các lỗ dẫn từ xoang.

Phẫu thuật loại bỏ polyp mũi
Phẫu thuật loại bỏ polyp mũi khi khối u có kích thước lớn, không thể thu nhỏ hoặc loại bỏ bằng thuốc

Chăm sóc sau phẫu thuật:

  • Dùng thuốc xịt mũi corticosteroid ngăn ngừa polyp mũi tiếp tục hình thành.
  • Thường xuyên dùng nước muối để súc miệng. Biện pháp này giúp vết thương sau mổ nhanh chóng lành lại.

Phòng ngừa

Polyp mũi không được ngăn ngừa hoàn toàn. Tuy nhiên nhiều cách có thể giúp giảm nguy cơ mắc bệnh, bao gồm:

  • Dùng thuốc điều trị theo hướng dẫn của bác sĩ nếu có dị ứng hoặc bị hen suyễn.
  • Tránh hít phải những chất kích ứng hoặc các chất có thể gây dị ứng trong không khí. Điều này giúp ngăn ngừa viêm mũi và viêm xoang làm tăng nguy cơ hình thành polyp trong đường mũi.
  • Làm sạch mũi mỗi ngày bằng nước muối. Biện pháp này giúp loại bỏ các chất gây dị ứng, vi khuẩn, dịch nhầy và những chất kích thích khác có trong đường mũi. Từ đó loại bỏ nguy cơ hình thành polyp mũi.
  • Thực hành vệ sinh tốt, thường xuyên rửa tay, tránh dụi mắt, đưa tay lên mũi và miệng.
  • Làm ẩm đường thở bằng cách sử dụng máy tạo độ ẩm trong nhà. Thiết bị này giúp cân bằng độ ẩm trong phòng, giảm nguy cơ viêm mũi, dị ứng và polyp mũi.

Sử dụng máy tạo độ ẩm trong nhà
Sử dụng máy tạo độ ẩm trong nhà để làm ẩm đường thở, ngăn viêm mũi, dị ứng và polyp mũi

Những câu hỏi quan trọng khi gặp bác sĩ

1. Khối u trong mũi của tôi là lành tính hay ác tính?

2. Cách tốt nhất để tôi có thể loại bỏ polyp mũi là gì?

3. Rủi ro nào có thể gặp khi phẫu thuật loại bỏ polyp mũi?

4. Có điều gì cần hạn chế khi điều trị không?

5. Biện pháp nào giúp ngăn ngừa polyp mũi tái phát trong tương lai?

6. Điều gì xảy ra nếu tôi trì hoãn phẫu thuật?

7. Có loại thuốc thay thế nào cho loại thuốc đang dùng không?

Polyp mũi không phải là khối u ác tính và không gây đau. Hầu hết các trường hợp không gặp nguy hiểm và có thể được điều trị khỏi. Tuy nhiên polyp quá lớn hoặc nhiều có thể làm tắc đường thở và gây ra nhiều vấn đề. Vì vậy người bệnh cần sớm dùng thuốc hoặc phẫu thuật theo chỉ định của bác sĩ để điều trị khỏi.

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *