Bệnh Rối Loạn Giọng Nói

Bài viết được tham vấn chuyên môn bởi Lương Y Nguyễn Tùng Lâm | Lĩnh vực khám chữa: Tai – Mũi – Họng Nơi công tác Phòng Chẩn Trị YHCT Đỗ Minh Đường – Hồ Chí Minh

Rối loạn giọng nói là một bệnh lý liên quan đến sự thay đổi về giọng nói, bao gồm độ to, độ cao và chất lượng âm thanh. Bệnh lý này xảy ra do nhiều nguyên nhân. Phần lớn trường hợp có thể khắc phục bằng liệu pháp giọng nói. Những trường hợp khác cần dùng thuốc hoặc phẫu thuật.

Tổng quan

Rối loạn giọng nói là một bệnh lý làm ảnh hưởng khả năng nói bình thường của người bệnh. Trong đó giọng nói có sự thay đổi về chất lượng, độ lớn và độ cao.

Rối loạn giọng nói
Rối loạn giọng nói là tình trạng giọng nói có sự thay đổi về chất lượng, độ lớn và độ cao

Bệnh hầu như không làm ảnh hưởng đến sức khỏe tổng thể. Tuy nhiên rối loạn giọng nói khiến người bệnh không thể thể hiện bản thân hoặc giao tiếp với người khác. Điều này gây căng thẳng, lo lắng và giảm chất lượng cuộc sống.

Phác đồ điều trị sẽ phụ thuộc vào nguyên nhân gây ra sự thay đổi giọng nói. Trong đó liệu pháp giọng nói, thuốc hoặc phẫu thuật có thể được chỉ định.

Phân loại

Rối loạn giọng nói được phân thành nhiều loại khác nhau. Dưới đây là những loại phổ biến nhất:

  • Khàn tiếng: Giọng nói yếu, thô hoặc khàn được gọi là khàn tiếng. Tình trạng này thường xảy ra khi một người nói quá to. Bệnh cũng thường liên quan đến một bệnh lý, chẳng hạn như bệnh Parkinson và nhiễm virus.
  • Chứng khó phát âm do căng cơ: Bệnh xảy ra khi dây thanh quản chịu quá nhiều áp lực và khiến các cơ bị căng.
  • Viêm thanh quản: Viêm thanh quản xảy ra khi thanh quản bị sưng hoặc kích thích. Thanh quả là một cấu trúc nhỏ nối khí quản và cổ họng. Hầu hết trường hợp viêm thanh quản là kết quả của nhiễm trùng đường hô hấp trên, lạm dụng dây thanh âm và dị ứng. Những triệu chứng của bệnh thường là tạm thời.
  • Chứng khó phát âm co thắt: Bệnh lý này còn được gọi là tổn thương nếp gấp thanh âm. Trong đó khối u lành tính hoặc ác tính hình thành trên dây thanh âm. Từ đó dẫn đến co thắt trong cơ thanh quản và làm thay đổi giọng nói. Chứng khó phát âm co thắt là một trong những loại rối loạn giọng nói thường gặp.
  • Rối loạn chức năng dây thanh âm (VCD): Ở những người bị rối loạn chức năng dây thanh âm (VCD), dây thanh âm không thể mở hết cỡ khi hít vào. Điều này chặn đường thở và khiến người bệnh khó thở. Khi không được xử lý sớm, VCD dẫn đến sự thay đổi về giọng nói và nhiều vấn đề về hô hấp.
  • Liệt dây thanh: Liệt dây thanh là tình trạng không thể kiểm soát những cơ chịu trách nhiệm cử động một hoặc cả hai dây thanh. Điều này khiến dây thanh quản không thể đóng lại, tạo điều kiện cho nước bọt, thức ăn hoặc/ và chất lỏng đi vào khí quản và phổi.
  • Tổn thương dây thanh âm: Tổn thương dây thanh âm lành tính là một sự phát triển lành tính (không phải ung thư) ở một hoặc cả hai dây thanh âm. Chẳng hạn như u nang, nốt sần hoặc polyp. Sự phát triển này làm thay đổi giọng nói. Bệnh thường liên quan đến việc lạm dụng dây thanh âm.

Tổn thương dây thanh âm
Tổn thương dây thanh âm do sự phát triển lành tính có thể làm thay đổi giọng nói

Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ

Không khí di chuyển qua phổi, vào khí quản và qua thanh quản. Thanh quản (hộp thoại) được cấu tạo từ những vùng mềm ẩm, cơ và lớp vỏ nhẵn. Bộ phận này nằm ở đầu khí quản, hai bên là dây thanh quản (dây thanh âm). Khi có không khí di chuyển qua, dây thanh quản sẽ rung động và tạo ra âm thanh giọng nói.

Khi nuốt, các dây thanh âm giúp đóng thanh quản. Điều này giúp ngăn chất lỏng và thức ăn đi vào khí quản và phổi.

Rối loạn giọng nói xảy ra khi dây thanh quản hoạt động không bình thường do sưng, viêm, không thể di chuyển như bình thường (liệt) hoặc phát triển khối u. Dưới đây là một số nguyên nhân:

  • Viêm thanh quản
  • Tăng trưởng tiền ung thư và ung thư
  • Liệt hoặc yếu dây thanh âm
  • Hình thành u nang, nốt sần hoặc polyp
  • Xuất hiện những mảng trắng (bạch sản)

Những yếu tố nguy cơ của bệnh:

  • Dị ứng
  • Sử dụng rượu
  • Sự lão hóa. Phụ nữ trên 50 tuổi thường có nguy cơ cao hơn
  • Những tình trạng liên quan đến não và hệ thần kinh, điển hình như đột quỵ và bệnh Parkinson
  • Bệnh trào ngược dạ dày thực quản (GERD)
  • Trào ngược thanh quản (LPR)
  • Cảm lạnh, nhiễm trùng xoang (viêm xoang) hoặc nhiễm trùng đường hô hấp trên
  • Bệnh đa xơ cứng hoặc ung thư thanh quản
  • Hút thuốc lá
  • Mất nước ở cổ họng
  • Những vấn đề về tuyến giáp
  • Mất nước ở cổ họng
  • Lạm dụng giọng nói hoặc la hét.

Triệu chứng và chẩn đoán

Tùy thuộc vào nguyên nhân, rối loạn giọng nói có những triệu chứng dưới đây:

  • Giọng nói không ổn định, run rẩy, giọng nghẹt, giọng thở hoặc thô ráp
  • Giọng nói ngắt quãng hoặc có khoảng trống trong âm thanh
  • Giọng nói căng thẳng hoặc bị rè
  • Giọng nói yếu, thều thào
  • Giọng nói quá cao hoặc quá nhỏ
  • Giọng nói thô, khàn, quá cao hoặc quá trầm
  • Không nói to được, khó thay đổi cường độ
  • Khó thay đổi cao độ, giọng đôi
  • Mất giọng

Giọng nói không ổn định, run rẩy, giọng nghẹt
Rối loạn giọng nói khiến giọng nói không ổn định, run rẩy, giọng nghẹt, khó thay đổi cao độ, mất giọng

Rối loạn giọng nói được phát hiện thông qua quá trình kiểm tra thể chất kỹ lưỡng và đánh giá giọng nói. Khi nói hoặc thở, bác sĩ quan sát biểu hiện trên gương mặt, đầu, cổ họng và cổ. Những triệu chứng sẽ biểu hiện rõ ràng trong quá trình này, cả về âm sắc, cao độ và âm lượng.

Ngoài ra bác sĩ cũng có thể kiểm tra tiền sử bệnh và thực hiện xét nghiệm để xem dây thanh âm và thanh quản hoạt động tốt như thế nào. Những xét nghiệm thường được thực hiện:

  • Xét nghiệm hình ảnh: Bệnh nhân được chụp CT, MRI, X-quang vùng cổ và thanh quản nếu có chấn thương thanh quản, bất thường ở khung sụn thanh quản... Điều này giúp đánh giá những bất thường.
  • Nội soi thanh quản: Bác sĩ sử dụng ống nội soi thanh quản (có đèn và camera) để kiểm tra phía sau cổ họng. Điều này giúp phát hiện những bất thường của dây thanh âm và thanh quản.
  • Sinh thiết: Một mẫu mô có thể được lấy ra trong quá trình nội soi thanh quản. Sau đó kiểm tra mẫu mô dưới kính hiển vi. Điều này giúp phát hiện khối u là u lành hay ác tính.
  • Đo điện cơ thanh quản: Xét nghiệm này được thực hiện để xác định rối loạn giọng nói do thần kinh.
  • Thanh môn đồ (electroglottography): Thanh môn đồ giúp đánh giá kỳ rung động của dây thanh.
  • Phân tích âm của giọng nói: Được thực hiện để theo dõi tiến triển của bệnh sau điều trị.

Biến chứng và tiên lượng

Rối loạn giọng nói cấp tính hoặc do sử dụng dây thanh quản quá mức thường là tình trạng tạm thời, có thể tự khỏi mà không cần dùng thuốc. Ngoài ra bệnh không gây ra những tổn thương vĩnh viễn.

Ở những trường hợp phức tạp, những triệu chứng có thể được khắc phục bằng nhiều phương pháp điều trị. Khi không được điều trị, các triệu chứng có xu hướng dai dẳng kéo dài. Từ đó gây ra những vấn đề dưới đây:

  • Căng thẳng và lo lắng
  • Cản trở giao tiếp và bày tỏ cảm xúc của người bệnh
  • Ảnh hưởng đến công việc

Điều trị

Một số dạng rối loạn giọng nói ngắn hạn có các triệu chứng có thể tự khỏi mà không cần điều trị. Chẳng hạn như khàn giọng được cải thiện nhanh khi nghỉ ngơi, tránh nói chuyện nhiều hay la hét trong vài ngày.

Tuy nhiên rối loạn giọng nói có một số dạng phức tạp và cần được điều trị. Tùy thuộc vào tình trạng, những phương pháp điều trị dưới đây sẽ được thực hiện:

1. Điều trị tại nhà

Những biện pháp điều trị tại nhà có thể giúp giảm nhanh chứng rối loạn giọng nói ngắn hạn. Đồng thời thúc đẩy quá trình chữa lành cho những trường hợp phức tạp hơn.

  • Nghỉ ngơi và uống nhiều chất lỏng

Người bệnh được yêu cầu giữ cho dây thanh quản được nghỉ ngơi và thường xuyên bổ sung chất lỏng. Điều này giúp giữ ẩm cho cổ họng và tăng tốc độ phục hồi dây thanh quản bị tổn thương.

Trong khi nghỉ ngơi, người bệnh có thể được hướng dẫn uống bao nhiêu chất lỏng và được dạy cách hắng giọng.

Nghỉ ngơi và uống nhiều chất lỏng
Nghỉ ngơi và uống nhiều chất lỏng để giữ ẩm và phục hồi dây thanh quản bị tổn thương

  • Ngừng hút thuốc

Những người bị rối loạn giọng nói cần ngừng hút thuốc lá. Điều này giúp cải thiện giọng nói tốt hơn, tăng hiệu qua phục hồi dây thanh quản. Đồng thời giảm nguy cơ ung thư và tăng cường sức khỏe cho tim mạch.

2. Liệu pháp giọng nói

Khi bị rối loạn giọng nói phức tạp,người bệnh được hướng dẫn điều trị với một số liệu pháp giọng nói dưới đây:

  • Phương pháp nhấn giọng: Đối với phương pháp nhấn giọng, người bệnh được học cách phối hợp giữa hoạt động nói và hơi thở trong khi giữ cho những cơ dây thanh âm được thư giãn.
  • Liệu pháp rèn luyện hội thoại: Liệu pháp này thường được áp dụng cho những trường hợp phức tạp, tắt tiếng hoặc ngắt quảng trong giọng nói. Liệu pháp rèn luyện hội thoại bao gồm việc học nói những cuộc hội thoại liên quan đến bản thân và gia đình. Trong khi đó, chuyên gia trị liệu sẽ giúp người bệnh bổ sung về nét mặt và cử chỉ tay.
  • Che giấu thính giác: Trong khi đeo tai nghe phát ra tiếng ồn lớn, người bệnh sẽ được yêu cầu nói to. Điều này giúp bạn học cách khuếch đại giọng nói.

3. Thuốc

Thuốc được sử dụng dựa trên nguyên nhân gây rối loạn giọng nói. Cụ thể như:

Thuốc điều trị nguyên nhân gây rối loạn giọng nói
Thuốc chống dị ứng được dùng để điều trị nguyên nhân gây rối loạn giọng nói

  • Thuốc điều trị dị ứng: Thuốc này giúp ngăn dị ứng tạo quá nhiều chất nhầy trong cổ họng. Từ đó giúp cải thiện giọng nói hiệu quả.
  • Thuốc kháng viêm: Steroid hoặc một loại thuốc kháng viêm khác được dùng để giảm sưng và viêm ở dây thanh quản.
  • Thuốc điều trị chứng rối loạn giọng nói: Nhóm thuốc này có thể được điều chế ở dạng khí dung họng, bơm thuốc thanh quản, thuốc tiêm hoặc uống.
  • Một số loại thuốc khác: Thuốc tác động lên hệ thần kinh, thuốc điều trị trào ngược dạ dày thực quản, thuốc kháng sinh, thuốc chống nấm...

Những loại thuốc điều trị có thể được dùng ở dạng viêm uống, tiêm vào dây thanh quản hoặc bôi vào dây thanh quản khi phẫu thuật.

4. Tiêm botulinum, mỡ hoặc collagen

Đôi khi dây thanh quản không thể di chuyển do bị liệt và dẫn đến khàn tiếng. Những trường hợp này thường được yêu cầu uống nhiều chất lỏng để cải thiện tình trạng theo thời gian.

Nếu tình trạng không được cải thiện, người bệnh có thể được tiêm mỡ hoặc collagen. Những trường hợp phức tạp khác có thể được tiêm độc tố botulinum.

  • Tiêm độc tố botulinum: Bệnh nhân được tiêm vào da cổ một lượng nhỏ độc tố botulinum tinh khiết. Phương pháp này ngăn chặn những cử động bất thường và co thắt cơ. Từ đó cải thiện giọng nói. Tiêm độc tố botulinum thường được chỉ định cho những bệnh nhân có vấn đề về não và hệ thần kinh làm ảnh hưởng đến các cơ phát âm của thanh quản. Từ đó khắc phục chứng khó phát âm do co thắt.
  • Tiêm mỡ hoặc collagen: Nếu bị rối loạn giọng nói do chứng yếu dây thanh âm, người bệnh sẽ được tiêm mỡ hoặc collagen nhân tạo. Phương pháp này giúp các dây thanh âm gặp nhau và rung gần nhau hơn, giảm chứng yếu dây thanh quản. Đồng thời cho phép dây thanh quản đóng lại khi nuốt. Mỡ hoặc collagen nhân tạo có thể được tiêm qua da trên cổ hoặc qua miệng.

5. Phẫu thuật

Phẫu thuật thường được chỉ định cho những trường hợp rối loạn giọng nói do khối u hoặc liệt dây thanh quản không cải thiện bằng phương pháp khác.

Dựa vào tình trạng, một trong những lựa chọn dưới đây sẽ được thực hiện:

  • Loại bỏ sự tăng trưởng

Nếu khối u lành tính hoặc ác tính phát triển trên dây thanh âm, người bệnh sẽ được phẫu thuật loại bỏ. Khi thực hiện, bác sĩ tiến hành loại bỏ khối u thông qua phẫu thuật laze carbon dioxide hoặc vi phẫu thuật. Điều này cho phép dây thanh quản lành lại và giọng nói được phục hồi.

Phẫu thuật loại bỏ sự tăng trưởng
Phẫu thuật loại bỏ sự tăng trưởng trên dây thanh âm để phục hồi giọng nói bình thường

  • Điều trị bằng laser KTP

Phương pháp này được thực hiện để cắt đứt nguồn cung cấp máu cho khối u hoặc những sự phát triển bất thường khác. Từ đó giúp loại bỏ các khối u phát triển bất thường nhưng vẫn giữ lại những mô bên dưới.

  • Phẫu thuật tuyến giáp

Phẫu thuật tuyến giáp được áp dung khi rối loạn giọng nói do liệt dây thanh âm, điều trị không hiệu quả bằng phương pháp tiêm mỡ hoặc collagen. Trong quá trình này, một mô cấy được đặt vào lỗ mở (được tạo ra trong mô từ bên ngoài hộp thoại). Sau đó mô cấy sẽ được đẩy vào dây thanh âm bị liệt để điều chỉnh tình trạng.

Phòng ngừa

Chăm sóc giọng nói có thể giúp giảm thiểu rủi ro liên quan đến rối loạn giọng nói, bao gồm:

  • Tránh hút thuốc lá, bao gồm cả thuốc lá điện tử. Thuốc lá có thể làm tổn thương dây thanh âm.
  • Không sử dụng ma túy và hạn chế rượu.
  • Uống nhiều nước để giữ ẩm cổ họng và bảo vệ dây thanh âm.
  • Điều trị những tình trạng có thể gây rối loạn giọng nói. Chẳng hạn như dị ứng và trào ngược dạ dày thực quản.
  • Hạn chế la hét, hát và nói quá nhiều. Nếu có công việc đòi hỏi phải nói nhiều, hãy thường xuyên cho giọng nói nghỉ ngơi.

Thường xuyên cho giọng nói nghỉ ngơi
Thường xuyên cho giọng nói nghỉ ngơi và uống nhiều nước để bảo vệ dây thanh âm

Những câu hỏi quan trọng khi gặp bác sĩ

1. Nguyên nhân nào khiến tôi bị rối loạn giọng nói?

2. Tình trạng của tôi là ngắn hạn hay dài hạn?

3. Phương pháp điều trị nào an toàn và được đề nghị?

4. Quá trình điều trị kéo dài bao lâu?

5. Phác đồ điều trị của tôi như thế nào?

6. Biện pháp chăm sóc giọng nói nào được đề nghị?

7. Có những điều gì cần tránh khi điều trị rối loạn giọng nói?

Rối loạn giọng nói có thể là tình trạng ngắn hạn hoặc dài hạn. Mặc dù không ảnh hưởng đến sức khỏe nhưng bệnh làm giảm khả năng giao tiếp và gây căng thẳng. Chính vì thế những phương pháp điều trị nên được áp dụng sớm để cải thiện tình trạng.

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *