Bệnh Rong Kinh
Rong kinh là tình trạng kinh nguyệt kéo dài hoặc không đều. Tình trạng này thường kèm theo đau bụng kinh nghiêm trọng, dẫn đến thiếu máu (thiếu sắt) nếu không được điều trị. Tốt nhất nên thăm khám ngay khi có triệu chứng.
Tổng quan
Rong kinh là tình trạng chảy máu kéo dài hoặc kinh nguyệt ra nhiều bất thường. Máu kinh thường nhiều đến mức cần thay băng vệ sinh liên tục trong vài giờ hoặc mỗi giờ.
Tình trạng này kèm theo đau bụng kinh (chuột rút ở bụng) khiến người bệnh không thể hoạt động bình thường. Ngoài ra rong kinh không được điều trị có thể dẫn đến thiếu máu (thiếu sắt). Điều này làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe tổng thể.
Thông thường người bệnh được đề xuất những phương giúp kiểm soát lượng máu kinh và giảm những triệu chứng đi kèm, chẳng hạn như đau bụng.
Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ
Nhiều trường hợp không rõ nguyên nhân gây rong kinh. Tuy nhiên một số vấn đề dưới đây có thể khiến kinh nguyệt ra nhiều bất thường. Cụ thể như:
- Thuốc: Một số loại thuốc có thể khiến máu kinh chảy nhiều hơn bình thường hoặc kéo dài. Cụ thể như:
- Thuốc nội tiết tố (estrogen và progestin)
- Thuốc chống đông máu (chẳng hạn như warfarin và enoxaparin)
- Thuốc Tamoxifen điều trị ung thư vú
- Rối loạn chảy máu di truyền: Một số rối loạn chảy máu khiến người bệnh bị thiếu hoặc suy giảm yếu tố đông máu, điển hình như bệnh Von Willebrand (VWD). Điều này gây chảy máu bất thường hoặc kéo dài trong giai đoạn hành kinh.
- Ung thư: Rong kinh là một trong những triệu chứng thường gặp của bệnh ung thư cổ tử cung và ung thư tử cung. Điều này thường gặp ở những người có xét nghiệm Pap bất thường trong quá khứ và đã mãn kinh.
- Dụng cụ tử cung (DCTC): Ngừa thai bằng dụng cụ tử cung (DCTC) không chứa nội tiết tố có thể gây ra nhiều tác dụng phụ, bao gồm cả rong kinh. Chảy máu cũng xảy ra ở người không tháo dụng cụ tránh thai khi cần thiết.
- Biến chứng khi mang thai: Chảy máu nhiều có thể là dấu hiệu của những biến chứng trong thai kỳ, cụ thể như:
- Sảy thai khiến kinh nguyệt ra nhiều và chậm
- Một số trường hợp bị chảy máu nặng do nhau thai ở vị trí bất thường, chẳng hạn nhau thai tiền đạo hoặc nằm thấp
- Có thai ngoài tử cung
- Polyp tử cung: Chảy máu kinh nhiều và kéo dài có thể là dấu hiệu của polyp tử cung. Đây là những khối u nhỏ và lành tính phát triển trên niêm mạc tử cung.
- U xơ tử cung: Những khối u lành tính phát triển ở tử cung được gọi là u xơ tử cung, thường gặp trong độ tuổi sinh nở. Chúng có thể gây chảy máu kinh nguyệt bất thường hoặc kéo dài thời gian hành kinh.
- Rối loạn chức năng buồng trứng: Nếu quá trình rụng trứng (buồng trứng giải phóng trứng) không xảy ra trong chu kỳ kinh nguyệt, hormone progesterone sẽ không được cơ thể sản xuất như bình thường. Điều này gây mất cân bằng nội tiết tố và chảy máu kinh nguyệt nặng.
- Mất cân bằng hormone: Sự mất cân bằng hormone là nguyên nhân phổ biến gây ra tình trạng rong kinh. Trong một chu kỳ bình thường, hormone progesterone và hormone estrogen được giữ cân bằng. Điều này giúp điều chỉnh sự tích tụ của niêm mạc tử cung để những niêm mạc này bong ra trong chu kỳ kinh nguyệt. Tuy nhiên một số vấn đề có thể gây ra sự mất cân bằng nội tiết tố, chẳng hạn như căng thẳng, hội chứng buồng trứng đa nang và rối loạn chức năng buồng trứng. Điều này khiến nội mạc tử cung phát triển quá mức và bong ra do chảy máu kinh nguyệt nhiều.
- Bệnh lạc nội mạc tử cung (adenomyosis): Lạc nội mạc tử cung xảy ra khi các mô nội mạc tử cung dính vào cơ tử cung. Điều này khiến nữ giới chảy nhiều máu bất thường kèm theo đau bụng kinh.
- Nguyên nhân khác:
- Bệnh tuyến giáp gây mất cân bằng nội tiết tố
- Nhiễm trùng lây truyền qua đường tình dục (STI), chẳng hạn như Trichomonas, Chlamydia.
- Viêm nội mạc tử cung mãn tính
- Bệnh gan
- Bệnh thận
- Rối loạn tiểu cầu hoặc bệnh bạch cầu
- Bệnh viêm vùng chậu.
Triệu chứng và chẩn đoán
Những triệu chứng của bệnh rong kinh gồm:
- Chảy máu kinh nguyệt nhiều đến mức cần thay băng vệ sinh hàng giờ hoặc thay băng liên tục trong vài giờ
- Mất hơn 80ml máu trong chu kỳ kinh nguyệt
- Cần kiểm soát lượng kinh nguyệt bằng những biện pháp vệ sinh kép
- Thường xuyên phải thức dậy trong đêm để thay bằng vệ sinh
- Chảy máu kéo dài hơn 7 ngày
- Có nhiều cục đông máu lớn
- Lượng kinh nguyệt ra nhiều làm hạn chế những hoạt động bình thường
- Dấu hiệu thiếu máu như da dẻ xanh xao, khó thở, kiệt sức và mệt mỏi
- Đau bụng kinh nghiêm trọng (đau bụng dưới và vùng chậu liên tục)
- Máu kinh có thể có màu đỏ, nâu, hồng hoặc giống như màu gỉ sắt
Khi kiểm tra những triệu chứng của rong kinh (kinh nguyệt kéo dài trên 7 ngày, đau bụng, chảy nhiều máu...), bác sĩ có thể phát hiện và đánh giá tình trạng. Trong quá trình thăm khám, người bệnh cũng được hỏi về tiền sử bệnh và chu kỳ kinh nguyệt. Đồng thời thực hiện một số xét nghiệm sau:
- Xét nghiệm máu: Kiểm tra máu có thể giúp phát hiện tình trạng thiếu máu, rối loạn đông máu và bệnh tuyến giáp.
- Xét nghiệm Pap (phết tế bào cổ tử cung): Xét nghiệm này giúp phát hiện tình trạng viêm, nhiễm trùng và ung thư ở cổ tử cung.
- Sinh thiết nội mạc tử cung: Nếu có nghi ngờ ung thư, bệnh nhân sẽ được sinh thiết nội mạc tử cung. Điều này giúp đánh giá những bất thường của tế bào.
- Siêu âm: Bệnh nhân được siêu âm để quan sát và đánh giá những cơ quan vùng chậu. Từ đó phát hiện những vấn đề ở buồng trứng, cổ tử cung và tử cung.
- Nội soi tử cung: Ống nội soi được đưa vào tử cung để kiểm tra và phát hiện những bất thường ở lớp niêm mạc của tử cung. Thông thường sinh thiết nội mạc tử cung sẽ được thực hiện trong quá trình này.
- Chụp cộng hưởng từ (MRI): Bệnh nhân có thể được chụp cộng hưởng từ để kiểm tra những bất thường bên trong tử cung, chẳng hạn như khối u.
- Nuôi cấy cổ tử cung: Để kiểm tra nhiễm trùng bác sĩ có thể tiến hành nuôi cấy cổ tử cung.
- Sonohysterography: Trong xét nghiệm này, chất lỏng được tiêm vào tử cung qua âm đạo và cổ tử cung. Sau đó tiến hành siêu âm để kiểm tra.
Biến chứng & Tiên lượng
Mất máu là biến chứng thường gặp nhất của rong kinh. Tình trạng này khiến người bệnh mệt mỏi, yếu ớt, xanh xao và suy nhược. Nhiều trường hợp bị thiếu máu kèm theo triệu chứng Pica. Trong đó người bệnh có da nhợt nhạt, rụng tóc và thèm ăn những thứ không phải thực phẩm.
Ngoài ra những người bị rong kinh sẽ bị đau bụng kinh dữ dội. Tình trạng này có thể nghiêm trọng đến mức cần đánh giá y tế.
Tuy nhiên hầu hết các trường hợp có đáp ứng tốt với điều trị. Điều trị sớm và thích hợp giúp người bệnh kiểm soát tình trạng, vượt qua chu kỳ kinh nguyệt kéo dài mà không làm giảm sức khỏe tổng thể.
Điều trị
Điều trị rong kinh dựa vào nguyên nhân, sức khỏe tổng thể, kế hoạch sinh con và mức độ nghiêm trọng của bệnh. Hầu hết bệnh nhân có đáp ứng với thuốc. Những trường hợp nặng có thể cần phải thực hiện các thủ thuật.
1. Thuốc
Điều trị rong kinh bao gồm những loại thuốc có khả năng kiểm soát chảy máu kinh nguyệt và khắc phục nguyên nhân.
- Axit tranexamic: Thuốc Axit tranexamic là một loại thuốc chống tiêu sợi huyết, được sử dụng để giảm lượng máu kinh nguyệt. Thuốc hoạt động bằng cách ngăn ngừa vỡ cục máu đông khiến máu chảy quá nhiều. Thuốc Axit tranexamic được dùng vào thời điểm chảy máu.
- Progesteron đường uống: Bệnh nhân được chỉ định progesteron đường uống để điều chỉnh sự mất cân bằng của nội tiết tố. Từ đó làm giảm lương máu trong chu kỳ kinh nguyệt.
- Thuốc chống viêm không steroid (NSAID): Một vài loại NSAID như Naproxen natri hoặc Ibuprofen được dùng để giảm đau bụng kinh và giảm viêm. Nhóm thuốc này cũng giúp giảm lượng máu kinh nguyệt.
- Thuốc tránh thai: Bệnh rong kinh thường được điều trị bằng thuốc tránh thai đường uống. Thuốc này có tác dụng điều chỉnh chu kỳ kinh nguyệt, giảm lượng máu kinh và rút ngăn thời gian hành kinh.
- Thuốc đối kháng hormone giải phóng Gonadotropin (GnRH): Thuốc này được dùng cho những bệnh nhân bị rong kinh do u xơ tử cung. Thuốc giúp điều chỉnh lượng máu kinh, giảm chảy máu nặng do u xơ. Ngoài ra GnRH còn có tác dụng làm giảm hoặc làm ngừng chảy máu tạm thời bằng cách ngăn ngừa rụng trứng.
- Thuốc xịt mũi Desmopressin: Nếu chảy máu kinh nguyệt nặng do bệnh Von Willebrand, thuốc xịt mũi Desmopressin sẽ được sử dụng. Thuốc có tác dụng cầm máu bằng cách giúp máu đông lại.
2. Đặt vòng tránh thai nội tiết tố
Trong nhiều trường hợp, bệnh nhân được đặt vòng tránh thai nội tiết tố. Dụng cụ này tiết ra levonorgestrel - một loại progestin có tác dụng làm mỏng niêm mạc tử cung. Đồng thời giúp giảm chuột rút và giảm lượng máu kinh.
3. Thủ thuật
Bệnh nhân được phẫu thuật điều trị rong kinh nếu điều trị nội khoa không hiệu quả. Tùy thuộc vào tình trạng cụ thể, một trong những thủ thuật dưới đây sẽ được thực hiện:
- Nong và nạo
Quy trình nong và nạo thường mang đến hiệu quả cao cho những bệnh nhân bị chảy máu cấp tính hoặc chảy máu đang hoạt động. Khi thực hiện, bác sĩ tiến hành làm giãn cổ tử cung, sau đó hút hoặc cạo mô từ niêm mạc tử cung. Từ đó giúp giảm chảy máu kinh nguyệt.
- Phẫu thuật siêu âm tập trung
Phương pháp này được chỉ định cho những bệnh nhân bị chảy máu kinh nguyệt nặng do u xơ tử cung. Phẫu thuật siêu âm tập trung sử dụng sóng siêu âm để phá hủy những mô u xơ. Từ đó làm nhỏ khối u và giảm chảy máu.
- Thuyên tắc động mạch tử cung
Thuyên tắc động mạch tử cung cũng được thực hiện cho nữ giới bị chảy máu kinh nguyệt nặng do u xơ tử cung. Phương pháp này gồm hoạt động cắt đứt nguồn cung cấp máu cho u xơ. Từ đó loại bỏ hoặc thu nhỏ bất kỳ khối u xơ nào trong tử cung.
Khi thực hiện, bác sĩ luồn ống thông qua động mạch lớn ở đùi, sau đó dẫn ống này đến động mạch tử cung. Đồng thời tiêm các chất làm giảm lưu lượng máu đến những khối u xơ.
- Cắt bỏ nội mạc tử cung
Cắt bỏ nội mạc tử cung là phương pháp cắt bỏ niêm mạc tử cung (nội mạc tử cung). Trong đó nhiệt, tia laser hoặc tần số vô tuyến được dùng để phá hủy những mô này. Phương pháp này giúp nữ giới có kinh nguyệt nhẹ hơn và giảm đau bụng sau khi thực hiện.
Tuy nhiên cắt bỏ nội mạc tử cung có thể gây ra nhiều biến chứng cho nữ giới mang thai sau thủ thuật. Chính vì thế mà phương pháp này chỉ được khuyến cáo cho những người không có kế hoạch sinh con trong tương lai.
- Cắt bỏ u xơ tử cung
Bệnh nhân được phẫu thuật cắt bỏ u xơ tử cung để loại bỏ nguyên nhân gây rong kinh. Trong đó những khối u xơ sẽ được xác định sẵn và loại bỏ thông qua phẫu thuật nội soi ở bụng, nội soi tử cung (qua âm đạo và cổ tử cung) hoặc phẫu thuật mở bụng.
- Cắt bỏ tử cung
Cắt bỏ tử cung chỉ được thực hiện cho những trường hợp nặng và không có mong muốn mang thai. Trong đó cổ tử cung và tử cung bị cắt bỏ, chấm dứt chu kỳ kinh nguyệt và vô sinh.
Trong nhiều trường hợp, bệnh nhân được cắt bỏ đồng thời tử cung và buồng trứng hai bên để gây mãn kinh sớm.
Phòng ngừa
Không có cách ngăn ngừa rong kinh. Tuy nhiên những biện pháp dưới đây có thể giúp hạn chế tình trạng này, cụ thể:
- Khám phụ khoa định kỳ 6 tháng hoặc 1 năm 1 lần.
- Điều trị tích cực đối với những tình trạng có thể gây rong kinh.
- Kiểm soát căng thẳng, sống vui khỏe và hạnh phúc.
- Thực hiện lối sống năng động (thường xuyên tập thể dục), ăn uống lành mạnh và đầy đủ dinh dưỡng để duy trì sức khỏe tổng thể.
Những câu hỏi quan trọng khi gặp bác sĩ
1. Nguyên nhân nào khiến tôi bị rong kinh?
2. Phương pháp điều trị phù hợp và hiệu quả nhất cho tình trạng của tôi là gì?
3. Rong kinh có thể tái phát sau điều trị hay không?
4. Tôi cần dùng thuốc trong bao lâu?
5. Vì sao cần phẫu thuật điều trị? Những rủi ro và lợi ích có thể đạt được là gì?
6. Tôi có cần tránh hoặc thay đổi bất kỳ điều gì không?
7. Những thay đổi nào trong sinh hoạt có thể giúp kiểm soát những triệu chứng của tôi?
Rong kinh xảy ra do nhiều nguyên nhân, thường là những bệnh lý nghiêm trọng. Bệnh gây đau bụng kinh dữ dội và thiếu máu nếu không chữa sớm. Để khắc phục nhanh tình trạng, bệnh nhân cần tiến hành khám và tuân thủ chỉ định của bác sĩ chuyên khoa.
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!