Sa Âm Đạo
Sa âm đạo xảy ra khi phần trên của âm đạo trượt khỏi vị trí của nó và sa xuống. Tình trạng này thường gặp ở những người đã sinh con nhiều lần, cắt bỏ tử cung hoặc trải qua thời kỳ mãn kinh.
Tổng quan
Sa âm đạo còn được gọi là sa vòm âm đạo. Bệnh thể hiện cho tình trạng phần trên của âm đạo sa xuống, trượt khỏi vị trí bình thường trong cơ thể.
Âm đạo (ống sinh) nối tử cung với cửa âm đạo, được giữ bởi các cơ và mô trong khung xương chậu. Theo thời gian, phần trên của âm đạo bắt đầu yếu đi, chảy xệ và sa xuống ống âm đạo. Điều này khiến người bệnh cảm thấy như có một chỗ phình hoặc một cục u.
Tùy thuộc vào mức độ chảy xệ và sa xuống, sa âm đạo có thể là sa không hoàn toàn (sa nhỏ) hoặc sa hoàn toàn (sa lớn). Do cơ nâng đỡ các cơ quan trong khung chậu suy yếu, sa âm đạo thường kèm theo sa tử cung, bàng quang, niệu đạo hoặc trực tràng. Đôi khi các cơ quan nhô ra khỏi âm đạo.
Phân loại
Khung xương chậu của nữ giới bao gồm âm đạo, tử cung, bàng quang và niệu đạo. Các cơ quan này được cố định bởi những cơ sàn chậu. Khi những cơ nâng đỡ yếu đi, các cơ quan vùng chậu sẽ có dấu hiệu chảy xệ và trượt khỏi vị trí bình thường.
Tùy thuộc vào vị trí của cơ quan bị sa, sa cơ quan vùng chậu được phân thành những loại sau:
- Sa âm đạo (sa đỉnh): Sa âm đạo xảy ra khi vòm âm đạo (phần trên của âm đạo) rủ xuống. Tình trạng này thường gặp ở những người sinh nở nhiều lần, trải qua thời kỳ mãn kinh và cắt bỏ tử cung.
- Sa tử cung: Đây là một dạng sa cơ quan vùng chậu phổ biến. Bệnh xảy ra khi tử cung phình ra, chảy xệ, trượt vào trong âm đạo hoặc sa ra ngoài cửa âm đạo.
- Sa bàng quang: Bệnh xảy ra khi bàng quang của bạn trượt khỏi vị trí của nó và rơi vào trong âm đạo.
- Sa niệu đạo: Bệnh xảy ra khi niệu đạo (ống dẫn nước tiểu từ bàng quang) trượt xuống và phình vào trong âm đạo.
- Sa trực tràng: Trực tràng lồi vào trong ống âm đạo được gọi là sa trực tràng. Bệnh xảy ra khi có sự yếu và mỏng đi của dải mô ngăn cách âm đạo với trực tràng.
- Enterocele (Sa ruột non): Ruột non sa xuống, dựa vào thành sau và tạo một chỗ phình ra trong âm đạo được gọi là sa ruột non. Tình trạng này chủ yếu xảy ra ở những người phụ nữ đã sinh con hoặc sau mãn kinh.
Dựa vào mức độ sa, sa cơ quan vùng chậu được phân thành hai loại, bao gồm:
- Sa không hoàn toàn (sa nhỏ)
- Sa hoàn toàn (sa lớn). Tình trạng này xảy ra khi cơ quan bị dịch chuyển nghiêm trọng và sa ra ngoài cửa âm đạo.
Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ
Bệnh sa âm đạo xảy ra khi phần trên của âm đạo yếu đi và sa xuống. Tình trạng này thường do những nguyên nhân dưới đây:
- Sinh con: Sinh khó, sinh con to, chuyển dạ kéo dài hoặc sinh con nhiều lần làm kéo căng và suy yếu cơ sàn chậu. Điều này khiến phần trên của âm đạo không được giữ cố định mà sa xuống. So với sinh mổ, những người sinh thường sẽ có nhiều nguy cơ hơn.
- Phẫu thuật cắt bỏ tử cung: Sa âm đạo thường gặp ở những người đã cắt bỏ tử cung.
- Mãn kinh: Estrogen là một loại hormone điều chỉnh chu kỳ kinh nguyệt, giúp giữ cho vùng chậu khỏe mạnh và do buồng trứng sản xuất. Tuy nhiên trong thời kỳ mãn kinh, loại hormone này không được sản sinh. Từ đó khiến những cơ vùng chậu yếu đi và tăng nguy cơ sa các cơ quan.
- Lão hóa: Quá trình lão hóa tự nhiên của cơ thể khiến cơ sàn chậu yếu và mỏng đi. Điều này khiến những người lớn tuổi có nhiều nguy cơ bị sa âm đạo.
- Căng thẳng do hoạt động: Nâng vật nặng hoặc hoạt động thể chất quá sức khiến những cơ vùng chậu suy yếu. Từ đó khiến các cơ quan chùng xuống và rời khỏi vị trí của nó.
- Yếu tố di truyền: Những nữ giới có mẹ hoặc chị em gái bị sa cơ quan vùng chậu sẽ có nhiều nguy cơ bị sa âm đạo.
- Tăng áp lực lên vùng bụng: Bất kỳ tình trạng hoặc hoạt động nào làm tăng áp lực lên vùng bụng cũng đều có khả năng dẫn đến sa các cơ quan vùng chậu, bao gồm cả âm đạo. Cụ thể như:
- Nâng vật nặng
- Thừa cân béo phì
- Căng thẳng khi đi đại tiện do táo bón mãn tính
- Ho mãn tính. Tình trạng này thường gặp ở những người mắc các vấn đề về hô hấp hoặc bị hen suyễn.
Những yếu tố làm tăng nguy cơ:
- Phụ nữ trên 50 tuổi
- Hút thuốc
- U xơ
- Có tiền sử gia đình bị sa tử cung
- Thừa cân
- Đã trải qua thời kỳ mãn kinh
- Đã sinh thường (sinh con qua đường âm đạo), đặc biệt là sinh khó
- Một số tình trạng khiến cơ sàn chậu yếu đi và tăng nguy cơ sa âm đạo, bao gồm:
- Hội chứng Ehlers-Danlos
- Hội chứng Marfan
- Hội chứng tăng động khớp.
Triệu chứng và chẩn đoán
Sa âm đạo thường không gây ra bất kỳ triệu chứng gì. Tuy nhiên những trường hợp bị sa nặng hoặc sa hoàn toàn có thể có những triệu chứng dưới đây:
- Cảm thấy có một khối u hoặc một quả bóng treo ở cửa âm đạo
- Đau khi đi tiểu
- Cảm thấy như có một thứ gì đó lồi ra hoặc trượt ra khỏi âm đạo
- Tăng áp lực, đau hoặc có cảm giác nặng nề trong khung xương chậu. Cảm giác này thường trở nên nghiêm trọng hơn khi ho, đứng hoặc nhấc vật nặng
- Cảm giác như đang ngồi trên một quả bóng
- Đau lưng dưới. Đau giảm nhẹ khi nằm xuống
- Thường xuyên muốn đi tiểu
- Khó làm trống bàng quang hoặc khó đi tiêu hoàn toàn
- Chảy máu âm đạo bất thường
- Thường xuyên bị nhiễm trùng bàng quang
- Rò rỉ nước tiểu khi tập thể dục, ho, cười, hắt hơi hoặc khi quan hệ tình dục
- Đau khi quan hệ tình dục
- Khó chèn tampon.
Nữ giới cần tiến hành thăm khám khi có một hoặc nhiều triệu chứng nêu trên. Trong lần thăm khám đầu tiên, người bệnh được hỏi bất kỳ triệu chứng nào liên quan đến vùng xương chậu và những lần mang thai trong quá khứ.
Ngoài ra bác sĩ có thể kiểm tra trực quan khu vực sa bằng cách đưa một ngón tay mang găng tay vào âm đạo. Đôi khi bệnh nhân được yêu cầu siết chặt và thả lỏng các cơ giúp ngăn chặn và bắt đầu dòng chảy của nước tiểu. Thử nghiệm này giúp kiểm tra sức mạnh của nhóm cơ nâng đỡ các cơ quan vùng chậu.
Một số xét nghiệm cũng được chỉ định, bao gồm:
- Xét nghiệm niệu động học: Xét nghiệm này được thực hiện cho những bệnh nhân gặp khó khăn khi đi tiểu. Thông qua xét nghiệm niệu động học, bác sĩ có thể kiểm tra chức năng của bàng quang.
- Chụp cộng hưởng từ (MRI): Kỹ thuật này giúp bác sĩ nhìn rõ các cơ quan vùng chậu, phân biệt sa cơ quan vùng chậu với sự phát triển của những khối u bất thường.
- Siêu âm: Bệnh nhân thường được siêu âm để đánh giá kỹ lưỡng hơn về những cơ quan vùng chậu. Từ đó phát hiện những bất thường làm ảnh hưởng đến dòng nước tiểu.
- CT scan bụng và xương chậu: Tia X được sử dụng để tạo ra hình ảnh cắt lớp và chi tiết của những cơ quan vùng chậu. Điều này giúp bác sĩ dễ dàng phát hiện những vấn đề đang xảy ra.
Biến chứng và tiên lượng
Hầu hết những trường hợp sa âm đạo đều được điều trị rất thành công, đặc biệt là khi điều trị tích cực và trong giai đoạn sớm. Tuy nhiên tình trạng này có thể xảy ra một lần nữa sau điều trị, cần áp dụng những biện pháp để ngăn ngừa.
Những trường hợp sa nhiều lần hoặc sa nặng và không được điều trị sớm có thể gặp phải những biến chứng dưới đây:
- Loét âm đạo
- Nhiễm trùng âm đạo
- Sa những cơ quan khác của vùng chậu, chẳng hạn như sa bàng quang và sa trực tràng.
Điều trị
Điều trị sa âm đạo dựa vào mức độ nghiêm trọng của bệnh. Hầu hết các trường hợp được chữa khỏi bằng những phương pháp điều trị bảo tồn. Ở những trường hợp sa nhiều lần hoặc sa lớn, bác sĩ có thể chỉ định phẫu thuật để điều trị.
1. Điều trị không phẫu thuật
Điều trị bảo tồn (điều trị không phẫu thuật) thường là lựa chọn đầu tiên cho chứng sa âm đạo. Người bệnh có thể được hướng dẫn một trong những phương pháp sau:
- Bài tập cơ sàn chậu (bài tập Kegel)
Đối với những trường hợp sa nhẹ, việc thường xuyên thực hiện các bài tập cơ sàn chậu có thể giúp cải thiện đáng kể. Bài tập này giúp tăng khối lượng cơ bắp và sức mạnh cho các cơ sàn chậu (cơ giữ các cơ quan ở vùng chậu). Từ đó giúp ngăn ngừa cải thiện tình trạng sa cơ quan sinh dục.
Để thực hiện bài tập Kegel, người bệnh cần siết chặt những cơ vùng chậu, tương tự như đang cố nhịn đi tiểu. Sau đó giữ chặt các cơ trong 10 giây và thả ra. Lặp lại 10 lượt/ lần, tối đa 4 lần/ ngày.
- Dùng vòng đặt âm đạo
Vòng đặt âm đạo thường được làm bằng nhựa hoặc cao su, có thể tháo rời. Đây là một thiết bị được đặt trong âm đạo, có chức năng hỗ trợ và giữ những cơ quan vùng chậu ở vị trí đúng.
Vòng đặt âm đạo thường được làm sạch tự nhiên. Hãy loại bỏ vòng này trước khi quan hệ tình dục.
- Sử dụng estrogen
Nếu có sự suy giảm của các mô liên kết trong đường sinh dục và sa âm đạo liên quan đến việc suy giảm nồng độ estrogen, người bệnh có thể được sử dụng estrogen. Điều này giúp cải thiện tình trạng và giảm nhu cầu phẫu thuật.
2. Phẫu thuật
Phẫu thuật thường chỉ được chỉ định cho những trường hợp sau:
- Đau đớn dữ dội do sa cơ quan vùng chậu
- Tiểu không tự chủ (rò rỉ nước tiểu)
- Thất bại khi điều trị bảo tồn.
Một số lựa chọn:
- Sacrocolpopexy: Đây là một phương pháp phẫu thuật điều trị sa cơ quan vùng chậu thường được áp dụng. Quá trình này liên quan đến việc sử dụng lưới phẫu thuật để điều chỉnh và nâng đỡ cơ quan bị sa, giúp các cơ quan trở lại vị trí cũ. Khi thực hiện, miếng lưới được đặt vào âm đạo nhằm nâng cao âm đạo bị sa. Sau đó cố định miếng lưới vào xương cụt để giữ nguyên kết quả điều chỉnh. Sacrocolpopexy thường được thực hiện thông qua nội soi ổ bụng (phẫu thuật xâm lấn tối thiểu).
- Treo âm đạo: Trong khi treo âm đạo, bác sĩ tiến hành gắn âm đạo bị chùng xuống vào dây chằng bên trong xương chậu. Từ đó giúp điều chỉnh và giữ âm đạo ở vị trí tốt hơn.
- Colpocleisis: Trong quy trình này, các thành âm đạo sẽ được khâu lại để giữ cho những cơ quan vùng chậu vào đúng vị trí. Colpocleisis mang đến hiệu quả cao, giúp giảm nguy cơ sa những cơ quan khác. Tuy nhiên điều này có thể khiến người bệnh không thể quan hệ tình dục qua âm đạo. Chính vì thế mà phương pháp Colpocleisis thường chỉ được thực hiện cho người lớn tuổi, không còn muốn giao hợp qua đường âm đạo.
Phòng ngừa
Bệnh sa âm đạo không được ngăn ngừa hoàn toàn. Mặc dù vậy các biện pháp dưới đây có thể giúp giảm bớt những nguy cơ:
- Tránh thói quen rặn nhiều khi đi đại tiện.
- Kiểm soát cơ ho bằng cách điều trị tốt các nguyên nhân và không hút thuốc.
- Tránh nâng vật nặng hoặc hoạt động thể chất quá sức. Nếu phải mang vác vật nặng, hãy thực hiện những kỹ thuật nâng phù hợp. Cụ thể:
- Đừng nhấc vật một mình.
- Nâng vật bằng chân và sử dụng thế đứng rộng.
- Không vặn người và không đột ngột chuyển hướng khi nâng vật. Vật được nâng phải được giữ gần cơ thể.
- Hạ đồ vật xuống tương tự như cách nâng lên.
- Tránh tăng cân quá mức. Những người thừa cân hoặc béo phì nên tích cực giảm cân bằng cách thay đổi chế độ ăn uống, ăn lành mạnh và tăng cường luyện tập.
- Dùng estrogen trong giai đoạn tiền mãn kinh có thể làm chậm quá trình suy yếu của các cơ vùng chậu, phòng ngừa sa cơ quan sinh dục.
- Tập thể dục thường xuyên, nên ưu tiên bài tập Kegel. Điều này giúp tăng cường các cơ vùng xương chậu và làm mạnh cơ sàn chậu. Từ đó giảm nguy cơ sa âm đạo và những cơ quan khác.
- Ngăn ngừa táo bón mãn tính bằng cách ăn nhiều thực phẩm giàu chất xơ (như ngũ cốc, các loại rau, trái cây...) và uống nhiều nước. Ngoài ra cần tránh nhịn đi đại tiện, nên đi đại tiện ngay khi có nhu cầu. Điều này giúp giảm nguy cơ sa âm đạo và các cơ quan khác của vùng chậu.
Những câu hỏi quan trọng khi gặp bác sĩ
1. Những triệu chứng của tôi xảy ra do đâu?
2. Mức độ sa âm đạo của tôi là gì?
3. Phương pháp điều trị nào hiệu quả và phù hợp cho bệnh / tình trạng của tôi?
4. Khi nào cần phẫu thuật? Lựa chọn được đề nghị là gì?
5. Có những rủi ro và lợi ích nào từ phương pháp điều trị?
6. Tôi nên làm gì để ngăn sa âm đạo tái phát sau điều trị?
7. Tôi có cần tránh những hoạt động thể chất nào không?
Bệnh sa âm đạo thường gặp ở người trên 50 tuổi, sinh khó và sinh bằng đường âm đạo. Tình trạng được điều trị bằng nhiều phương pháp. Hầu hết đều đạt hiệu quả điều trị cao. Tránh chậm trễ trong quá trình điều trị để không phát triển những biến chứng.
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!