Bệnh Sùi Mào Gà
Sùi mào gà còn được goi là mụn cóc sinh dục - một bệnh nhiễm trùng lây truyền qua đường tình dục, gây ra bởi virus HPV. Bệnh được đặc trưng bởi những nối sùi mềm trên bộ phận sinh dục kèm theo ngứa ngáy, khó chịu hoặc/ và đau đớn.
Tổng quan
Sùi mào gà (mụn cóc sinh dục / bệnh mồng gà) là một dạng nhiễm trùng lây truyền qua đường tình duc phổ biến. Bệnh thể hiện cho những nốt sần sùi (lành tính) phát triển ở bộ phận sinh dục, do nhiễm trùng Human Papillomavirus (HPV).
Human Papillomavirus (HPV) có khoảng 120 chủng. Trong đó có 40 chủng lây truyền qua đường tình dục, HPV-16 và HPV-18 liên quan đến hầu hết các trường hợp sùi mào gà (khoảng 90%).
Mụn cóc sinh dục ảnh hưởng đến cả nam và nữ. Tuy nhiên bệnh phổ biến hơn ở nữ đang hoạt động tình dục. Mụn cóc phát triển kèm theo ngứa ngáy, khó chịu hoặc đau rát, ảnh hưởng đến đời sống tình dục, Hơn nữa bệnh có khả năng gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm.
Phân loại
Bệnh sùi mào gà không được phân loại. Tuy nhiên bệnh có những giai đoạn tiến triển, bao gồm:
- Giai đoạn ủ bệnh: Giai đoạn ủ bệnh thường dao động trong khoảng từ 3 - 8 tháng kể từ lần đầu tiếp xúc với mầm bệnh. Trong một số trường hợp, thời gian ủ bệnh rút ngắn, những triệu chứng bắt đầu sau vài tuần hoặc 2 - 3 tháng kể từ thời điểm tiếp xúc với virus.
- Giai đoạn khởi phát: Đây là giai đoạn đầu của sùi mào gà. Những nốt sùi ít, nhỏ, màu nhạt và không gây khó chịu.
- Giai đoạn phát triển: Những nốt sùi tăng kích thước và số lượng. Những nốt sùi nằm rải rác gây khó chịu, ảnh hưởng đến sinh hoạt và tâm lý.
- Giai đoạn biến chứng: Đây là giai đoạn cuối của bệnh sùi mào gà. Bệnh gây ra hiện tượng bội nhiễm, tổn thương da nghiêm trọng ở nhiều vị trí. Ngoài ra người bệnh còn gặp nhiều biến chứng nguy hiểm.
- Giai đoạn tái phát: Virus chưa được loại bỏ hoàn toàn hoặc tái nhiễm có thể khiến mụn cóc sinh dục tái phát. So với giai đoạn nguyên phát, giai đoạn tái phát thường nghiêm trọng hơn.
Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ
Nhiễm trùng do Human Papillomavirus (HPV) là nguyên nhân gây sùi mào gà. Trong đó HPV-16 và HPV-18 liên quan đến hầu hết các trường hợp. Những chủng này có khả năng gây ra những bệnh ung thư ở bộ phận sinh dục, bao gồm ung thư cổ tử cung, ung thư dương vật, ung thư hầu họng...
Trong một số trường hợp, sùi mào gà xảy ra do chủng HPV-6 và HPV-11. Những chủng này thuộc nhóm lành tính nhưng có thể gây sùi mào gà khổng lồ - một dạng ung thư biểu mô tế bào vảy.
Những yếu tố nguy cơ của bệnh sùi mào gà:
- Phụ nữ có nguy cơ cao hơn. Nguyên nhân là do nữ giới nhận tinh dịch của nam và môi trường âm đạo có thể tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của virus
- Quan hệ tình dục không an toàn
- Quan hệ tình dục với nhiều bạn tình hoặc người có bệnh lý lây truyền qua đường tình dục
- Giao hợp bằng hậu môn, miệng, âm đạo - âm đạo, dương vật - âm đạo với người bị sùi mào gà hoặc nhiễm virus HPV
- Quan hệ tình dục sớm
- Hệ miễn dịch suy yếu (do dùng thuốc hoặc nhiễm HIV)
- Mẹ bị nhiễm virus HPV
Triệu chứng và chẩn đoán
Sau khi bị nhiễm, virus HPV ủ bệnh từ 3 - 8 tháng trước khi có triệu chứng lâm sàng. Những triệu chứng thường bắt đầu sau 2 - 3 tháng kể từ thời điểm tiếp xúc với virus.
Những triệu chứng thường gặp:
+ Triệu chứng ở nam
Giai đoạn đầu
- Xuất hiện những nốt sần sùi ở những vị trí:
- Bao quy đầu
- Dương vật
- Háng
- Bìu
- Đùi
- Xung quanh và bên trong hậu môn
- Môi, cổ họng, lưỡi, miệng ở những người quan hệ tình dục bằng miệng
- Nốt sùi có màu da, màu hồng hoặc màu nâu
- Những nốt sùi hơi nhô và xuất hiện đơn độc
- Thời gian đầu không có biểu hiện ngứa hoặc khó chịu
Giai đoạn sau
- Những nốt sùi có kích thước lớn, tập trung thành các mảng có đường kính khoảng vài cm (tương tự như súp lơ hoặc giống với mào gà)
- Chạm vào nốt sùi cảm thấy mềm và hơi ẩm ướt
- Nốt sùi kèm theo đau rát, khó chịu hoặc ngứa ngáy, nhiều trường hợp chảy máu sau khi quan hệ tình dục
+ Triệu chứng ở nữ
Sùi mào gà ở nữ giới thường phát triển thầm lặng, không có triệu chứng rõ ràng trong thời gian đầu. Những giai đoạn sau hoặc giai đoạn muộn có những biểu hiện rõ ràng hơn và được nhận biết.
- Xuất hiện những nốt sần sùi thường sau khoảng 3 tuần nhiễm bệnh. Nốt sùi ở những vị trí:
- Trong hoặc ngoài âm đạo
- Môi lớn
- Môi bé
- Cổ tử cung
- Xung quanh và bên trong hậu môn
- Những nốt sùi có màu hồng nhạt, bên trong có dịch và dễ chảy máu
- Tiết dịch âm đạo
- Nốt sùi thường không gây khó chịu. Giai đoạn nặng hơn có thể ngứa ngáy hoặc đau rát
- Kích ứng bộ phận sinh dục
- Nốt sùi vỡ khi quan hệ tình dục, chạm hoặc cọ xát dẫn đến chảy máu và nhiễm trùng
- Đau và chảy máu khi quan hệ tình dục
Thông thường sùi mào gà được phát hiện nhanh bằng cách kiểm tra nốt sần ở bộ phận sinh dục và một số vị trí khác. Để xác định chẩn đoán, những xét nghiệm dưới đây cũng được thực hiện:
- Khám vùng chậu: Kiểm tra vùng chậu xác định những thay đổi trong cổ tử cung do sùi mào gà.
- Xét nghiệm máu: Xét nghiệm máu cho phép phát hiện những bệnh lý lây truyền qua đường tình dục. Trong xét nghiệm, virus / vi khuẩn gây bệnh có thể xuất hiện trong máu.
- Xét nghiệm Pap (phết tế bào cổ tử cung): Xét nghiệm này giúp phát hiện sự phát triển bất thường của những tế bào cổ tử cung và khả năng tiến triển thành ung thư của chúng.
- Xét nghiệm HPV: Xét nghiệm này cho phép xác định sự hiện diện của virus HPV.
- Khám hậu môn: Bệnh nhân có thể được soi hậu môn để tìm mụn cóc bên trong.
- Sinh thiết: Ở một số trường hợp, bệnh nhân được soi cổ tử cung, sinh thiết âm đạo và cổ tử cung trong khi thăm khám. Sinh thiết giúp khảo sát hình ảnh mô bênh học, xác định ADN của virus, định type virus HPV và nguy cơ ung thư.
Biến chứng và tiên lượng
Bệnh sùi mào gà cần được điều trị sớm, đặc biệt là những nốt sùi có kích thước lớn, nhiều và tập trung thành nhiều mảng. Khi không được điều trị, bệnh có thể lây lan và gây ra nhiều biến chứng cho sức khỏe, bao gồm:
+ Biến chứng ở nam
- Tắc nghẽn ống dẫn tinh
- Tắc niệu đạo
- Vô sinh
- Các bệnh ung thư
- Ung thư dương vật
- Ung thư hậu môn
- Ung thư hầu họng
+ Đối với phụ nữ
- Khó chịu khi đi lại
- Xuất huyết, đau tức và sưng phù ở cơ quan sinh dục
- Các bệnh ung thư
- Ung thư cổ tử cung
- Ung thư âm đạo
- Ung thư âm hộ
- Ung thư hậu môn
- Ung thư hầu họng
+ Đối với thai phụ và thai nhi
- Tổn thương sùi mào gà lan rộng làm phá hủy các mô, khó sinh nở
- Tăng nguy cơ sinh non, thai chết lưu, sảy thai
- Nhiễm HPV cho trẻ sơ sinh với những biểu hiện ở hầu và vòm họng
Tiên lượng cải thiện và những biến chứng có thể được ngăn ngừa nếu mụn cóc sinh dục được phát hiện và điều trị sớm. Hãy tuân thủ chỉ định của bác sĩ để có kết quả điều trị tốt nhất.
Điều trị
Trong một vài trường hợp, sùi mào gà nhỏ và ít có thể tự biến mất. Bởi hệ thống miễn dịch của cơ thể có khả năng chống lại nhiễm trùng. Tuy nhiên nhiều trường hợp khác có bệnh lý tiến triển, những nốt sùi lớn, nhân lên, ngày càng khó chịu và lây nhiễm. Vì vậy việc điều trị là cần thiết.
Những phương pháp thường được áp dụng khi điều trị sùi mào gà:
1. Điều trị bằng thuốc
Dựa vào độ tuổi và tình trạng cụ thể, bệnh sùi mào gà được điều trị bằng những loại thuốc sau:
- Imiquimod (Aldara): Đây là thuốc điều trị mụn cóc sinh dục cho trẻ em trên 12 tuổi và người lớn. Thuốc có tác dụng kích hoạt hệ thống miễn dịch, tăng sản sinh những những chất tự nhiên giúp chống lại virus HPV. Đồng thời điều trị dày sừng quang hóa và ung thư tế bào đáy. Liều khuyến cáo: Thoa kem 3 lần/ tuần.
- Axit trichloroacetic: Đây là một loại kem bôi chữa sùi mào gà và mụn cóc thông thường. Loại thuốc này có tác dụng làm khô mụn cóc và giúp chúng tự rụng.
- Podophyllin: Thuốc Podophyllin được điều chế ở dạng nước, dùng điều trị tại chỗ cho bệnh sùi mào gà giai đoạn đầu và những loại mụn cóc khác. Thuốc giúp nốt sùi teo lại và tự rụng. Podophyllin không có tác dụng điều trị virus HPV.
- Interferon alfa - 2b: Thuốc Interferon alfa - 2b được dùng để điều trị nhiễm virus (chẳng hạn như sùi mào gà) và điều trị các bệnh ung thư. Thuốc hoạt động tương tự như interferon tự nhiên (protein do cơ thể sản xuất), giúp cơ thể chống lại sự nhiễm trùng.
2. Xâm lấn tối thiểu
Trong giai đoạn nặng, bệnh nhân được áp dụng những biện pháp xâm lấn tối thiểu nhằm loại bỏ những nốt sùi mào gà. Những phương pháp thường được sử dụng:
- Đốt điện: Phương pháp này sử dụng một dòng điện tầng số cao để đốt cháy mụn cóc sinh dục.
- Liệu pháp áp lạnh với nitơ lỏng (cryotherapy): Trong quá trình này, nitơ lỏng được sử dụng để đóng băng, tạo một vết rộp xung quanh những nốt sùi. Khi lành lại, da tổn thương nhanh chóng bong ra, da mới phát triển thay thế cho vị trí tổn thương. Liệu pháp áp lạnh với nitơ lỏng thường được sử dụng nhiều lần để đạt hiệu quả tốt nhất.
3. Phẫu thuật
Thông thường phương pháp phẫu thuật sẽ được chỉ định cho những bệnh nhân có nốt sùi mào gà lớn, không đáp ứng tốt khi điều trị bảo tồn. Phương pháp này gồm những lựa chọn sau:
- Phẫu thuật cắt bỏ bằng vòng điện (LEEP): Phương pháp này thường được thực hiện cho những bệnh nhân có mụn cóc sinh dục phát triển ở cổ tử cung. Khi thực hiện, một vòng dây tích điện sẽ được sử dụng để loại bỏ mụn cóc nhanh chóng hơn.
- Phẫu thuật bằng tia Laser: Tia laser được sử dụng để phá hủy những mạch máu nhỏ trong mụn cóc. Điều này giúp cắt đứt nguồn cung cấp máu và khiến chúng rụng đi.
- Phẫu thuật cắt bỏ sùi mào gà: Trong khi thực hiện, bệnh nhân được gây mê hoặc gây tê tại chỗ. Sau đó những nốt sùi mào gà sẽ được cắt bỏ bằng phương pháp truyền thống. Sau phẫu thuật bệnh nhân được hướng dẫn dùng thuốc để giảm đau.
4. Biện pháp chăm sóc
Trong quá trình điều trị sùi mào gà, người bệnh cần lưu ý những điều dưới đây:
- Sử dụng thuốc và áp dụng những phương pháp khác theo chỉ định của bác sĩ.
- Vệ sinh vùng kín sạch sẽ thường xuyên và tắm rửa mỗi ngày.
- Sử dụng dung dịch vệ sinh vùng kín có độ pH trung bình.
- Không quan hệ tình dục và dùng chung đồ dùng cá nhân với người khác cho đến khi bệnh lý được khắc phục.
- Thời gian tồn tại virus sau khi điều trị tổn thương không được xác định rõ. Vì vậy không có khuyến cáo cụ thể về thời gian kiêng quan hệ. Tham khảo ý kiến bác sĩ để được hướng dẫn thêm.
- Cần điều trị đồng thời cho người bệnh và đối tác.
- Thực hiện chế độ dinh dưỡng chứa tỏi, hành, nhiều rau xanh và hoa quả để bổ sung các thành phần thiết yếu, giúp tăng cường sức đề kháng. Chẳng hạn như vitamin A, nhóm B, C, E, chất đạm lành mạnh, những chất chống oxy hóa. Điều này giúp đẩy lùi virus và giảm nguy cơ tái nhiễm. Không nên ăn những loại thực phẩm hoặc những chất có khả năng gây kích thích. Chẳng hạn như thực phẩm cay nóng, rượu, đồ ăn chiên rán...
Phòng ngừa
Bệnh sùi mào gà không được điều trị dứt điểm. Những phương pháp chỉ có thể loại bỏ nốt sùi, không thể ngăn chặn sự lây lan của virus HPV ngay cả khi ổ dịch không hoạt động. Chính vì thế việc phòng ngừa là điều vô cùng cần thiết.
Dưới đây là những biện pháp tốt nhất giúp phòng ngừa sùi mào gà:
- Tiêm vắc-xin HPV để chống lại sự xâm nhập của một số loại vi khuẩn nhất định, bao gồm cả những loại HPV gây ung thư và mụn cóc sinh dục.
- Sử dụng bao cao su trong các hoạt động tình dục.
- Không quan hệ với nhiều bạn tình.
- Không quan hệ với người bị nhiễm virus HPV, mắc bệnh sùi mào gà hoặc một bệnh lây truyền qua đường tình dục khác.
- Xét nghiệm định kỳ đối với những bệnh lý lây truyền qua đường tình dục.
- Không thụt rửa âm đạo.
- Luôn giữ gìn vệ sinh vùng kín và thân thể.
- Điều trị triệt để những dạng nhiễm trùng lây truyền qua đường tình dục (nếu có)
Những câu hỏi quan trọng khi gặp bác sĩ
1. Bệnh lý của tôi nghiêm trọng như thế nào?
2. Phác đồ điều trị sùi mào gà là gì?
3. Việc điều trị sùi mào gà kéo dài trong bao lâu?
4. Phương pháp chữa bệnh nào tốt nhất cho tình trạng của tôi?
5. Tôi nên ăn gì và kiêng gì?
6. Tôi cần kiêng quan hệ tình dục trong bao lâu?
7. Có bao nhiêu lựa chọn phẫu thuật cho tình trạng của tôi?
Bệnh sùi mào gà tiềm ẩn nhiều biến chứng nguy hiểm, lây truyền qua đường tình dục. Bệnh cần được phát hiện và chữa trị sớm để kiểm soát, tăng tiên lượng và ngăn bệnh tiến triển thành ung thư. Tuân thủ phác đồ của bác sĩ để đạt hiệu quả tối đa.
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!