Sút Lưng
Sút lưng là một cơn đau đột ngột và nghiêm trọng ở lưng nhưng không rõ nguyên nhân. Cơn đau thường tự cải thiện trong vòng 3 đến 4 ngày. Tuy nhiên cần có kế hoạch chăm sóc và điều trị phù hợp để ngăn cơn đau tái phát.
Tổng quan
Sút lưng là thuật ngữ chỉ cơn đau lưng cấp tính, xảy ra đột ngột và dữ dội nhưng không rõ nguyên nhân. Tình trạng này ảnh hưởng đến mọi đối tượng nhưng phổ biến hơn ở người lớn có công việc nặng nhọc, có tiền sử chấn thương hoặc bị viêm khớp.
Mức độ đau do sút lưng thường tăng dần, đặc biệt là khi có tác động lên vùng ảnh hưởng. Mặc dù vậy, việc chăm sóc tốt có thể giúp cơn đau tự khỏi trong vòng vài ngày.
Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ
Khoảng 80% trường hợp không tìm thấy nguồn gốc của cơn đau. Sút lưng có cơn đau khởi phát đột ngột mà không có chấn thương hoặc bất kỳ tác động nào khác.
Tuy nhiên các chuyên gia cho biết tình trạng này có thể là kết quả của những bệnh lý hoặc chấn thương trước đó, thường liên quan đến những vấn đề sau:
- Chấn thương thể chất: Hoạt động mạnh hoặc một tai nạn có thể gây ra cảm giác đau đớn.
- Hoạt động quá mức: Thường xuyên mang vác vật nặng hoặc luyện tập gắng sức có thể gây mệt mỏi cơ, tổn thương cột sống và làm khởi phát những cơn đau cấp tính.
- Tư thế xấu: Duy trì tư thế xấu trong thời gian dài (chẳng hạn như ngồi khom lưng) có thể ảnh hưởng đến đường cong tự nhiên của cột sống, tăng áp lực và làm khởi phát cơn đau.
- Nhiễm lạnh: Tình trạng nhiễm lạnh khiến các dây chằng và cơ ở cột sống co thắt, dễ bị kích ứng và hình thành cơn đau.
- Thừa cân hoặc béo phì: Sút lưng thường gặp ở những người bị béo phì. Trọng lượng dư thừa làm tăng áp lực lên cột sống thắt lưng. Điều này kéo dài sẽ làm khởi phát những cơn đau cấp tính.
- Bệnh lý: Sút lưng có thể là kết quả của một số bệnh lý dưới đây:
- Bệnh xương khớp: Viêm khớp, loãng xương, căng cơ hoặc dây chằng, đĩa đệm phồng hoặc vỡ... có thể làm khởi phát cơn đau.
- U xơ tử cung: U xơ tử cung thường gây ra những cơn đau ở vùng bụng dưới lan đến lưng.
- Viêm ruột thừa: Đau bụng bên phải do viêm ruột thừa có thể lan ra sau lưng. Điều này gây ra những cơn đau nghiêm trọng.
Triệu chứng và chẩn đoán
Sút lưng có những triệu chứng và dấu hiệu dưới đây:
- Đau lưng đột ngột và dữ dội, thường tập trung ở vùng thắt lưng
- Đau nặng hơn khi xoắn vặn cột sống, nâng vật hoặc vận động mạnh
- Hạn chế phạm vi chuyển động, khó khăn khi cúi gập hoặc xoay người.
Trong quá trình thăm khám, bác sĩ kiểm tra vùng ảnh hưởng, ấn nhẹ tìm vị trí đau. Đồng thời hỏi về bệnh sử và chấn thương trước đó.
Bác sĩ cũng có thể yêu cầu thực hiện một số chuyển động cụ thể. Điều này giúp đánh giá phạm vi chuyển động và xác định những hoạt động nào có thể gây đau.
Để rõ hơn về tình trạng, bác sĩ chỉ định thêm một số xét nghiệm cận lâm sàng, thường bao gồm:
- Chụp X-quang: Chụp X-quang cột sống cho thấy nhưng phần dày đặc, chẳng hạn như đốt ống (xương cột sống) và gai xương. Từ đó phát hiện những bất thường có thể gây đau lưng.
- Chụp cộng hưởng từ (MRI): Nếu có nghi ngờ tổn thương đĩa đệm hoặc những phần mềm khác, người bệnh sẽ được chụp cộng hưởng từ (MRI). Kỹ thuật này tạo ra những hình ảnh cắt ngang của cột sống, giúp quan sát xương sống và những phần mềm một cách kỹ lưỡng hơn.
- Chụp cắt lớp vi tính (CT): CT cung cấp hình ảnh đa chiều và chi tiết hơn của xương, giúp xác định và đánh giá mức nghiêm trọng của tổn thương.
Biến chứng và tiên lượng
Sút lưng có những cơn đau đột ngột và nghiêm trọng. Tuy nhiên tình trạng này thường được khắc phục nhanh (từ 3 - 4 ngày) khi được chăm sóc và điều trị.
Một số trường hợp có cơn đau ngày càng tồi tệ ngay cả khi được chăm sóc. Những trường hợp này cần điều trị y tế. Nếu không được điều trị sớm và đúng cách, sút lưng có thể gây ra những biến chứng sau:
- Đau mãn tính
- Hạn chế phạm vi chuyển động ở lưng
- Yếu và teo cơ.
Điều trị
Có nhiều cách giúp điều trị sút lưng. Điều trị ban đầu thường bao gồm những biện pháp chăm sóc tại nhà. Nếu cơn đau không giảm, các phương pháp điều trị y tế sẽ được chỉ định.
1. Chăm sóc và điều trị tại nhà
Đau lưng cấp do sút lưng thường giảm nhanh khi áp dụng những biện pháp chăm sóc dưới đây:
- Nghỉ ngơi
Khi cơn đau bắt đầu, hãy nghỉ ngơi và dừng những công việc đang thực hiện. Điều này giúp giảm căng thẳng cho lưng và làm dịu cơn đau.
Khi nằm nghỉ, nên nằm trên một chiếc đệm cứng và thả lỏng cơ thể. Dùng khăn cuộn tròn hoặc chiếc gối mỏng đặt bên dưới thắt lưng để hỗ trợ thêm. Có thể nằm nghiêng và gác chân lên một chiếc gối. Tránh vận động mạnh trong vài ngày.
- Chườm đá
Chườm đá lên vùng ảnh hưởng nếu bị đau do chấn thương. Biện pháp này giúp giảm đau, giảm viêm và sưng hiệu quả. Khi thực hiện, dùng khăn bông bọc vài viên đá lạnh và đặt lên vị trí đau, giữ trong 15 phút, lặp lại 3 lần/ ngày.
- Chườm ấm
Chườm ấm thích hợp với những cơn đau liên quan đến bệnh lý. Nhiệt độ cao giúp các mạch máu thư giãn, tăng tuần hoàn khí huyết, giảm đau, giảm co thắt và cứng khớp.
Khi chườm ấm, đặt khăn ấm, miếng đệm sưởi hoặc túi nước ấm lên lưng, thư giãn 20 phút, mỗi ngày 2 - 3 lần.
- Xoa bóp nhẹ nhàng
Xoa bóp có thể giảm bớt cơn đau do sút lưng. Những tác động nhẹ nhàng giúp thư giãn xương khớp, giảm co thắt, làm dịu cơn đau và kích thích lưu thông khí huyết.
Khi xoa bóp, thực hiện những động tác gồm nắn, bóp, ấn, xoay tròn với lực vừa phải. Tránh dùng lực mạnh để không gây đau và chấn thương thêm.
- Tập yoga
Khi đau giảm, hãy thực hiện các động tác kéo giãn nhẹ nhàng. Điều này có thể giúp thư giãn, tăng sự dẻo dai cho cột sống. Đồng thời giúp giảm đau và cải thiện phạm vi chuyển động.
Một số bài tập hữu ích cho chứng sút lưng:
Bài tập rắn hổ mang
-
- Nằm sấp, cong khuỷu tay và bàn tay đặt ngang vai
- Duỗi thẳng khuỷu tay, đồng thời dồn lực để nâng cao thân trên
- Mở rộng vai, cột sống uốn cong nhẹ nhàng, đầu hơi ngửa và mắt nhìn lên trần nhà
- Giữ nguyên tư thế trong 15 giây
- Thả lỏng và trở về tư thế bắt đầu
- Lặp lại động tác 3 lần.
Bài tập tư thế mèo - bò
-
- Quỳ gối, chống hai tay xuống sàn sao cho đầu gối dưới hông, tay dưới vai và lưng thẳng
- Nhẹ nhàng uốn cong lưng hướng lên sàn, đẩy xương chậu về phía trước, thở ra và hóp bụng
- Siết hông, đầu cúi xuống và mắt nhìn về phía bụng
- Đẩy mông lên cao, mở ngực, lưng võng xuống, đầu ngẩng cao và mắt nhìn lên trần nhà
- Lặp lại tư thế liên tục trong 5 -10 nhịp thở
- Đưa cột sống trở lại vị trí trung tính sau lần thở cuối cùng.
Bài tập tư thế châu chấu
-
- Nằm sấp, chân duỗi thẳng ra sau và hai tay dọc bên hông
- Khi hít vào, nâng đồng thời hai chân, thân trên và duỗi thẳng hai tay ra sau. Lúc này trọng lượng sẽ dồn xuống xương sườn và bụng
- Cố gắng giữ nguyên tư thế từ 30 - 45 giây
- Thả lỏng và trở về tư thế ban đầu. Lặp lại động tác 3 lần.
Bài tập tư thế bắt cầu
-
- Nằm ngửa, hai tay đặt dọc theo thân người, đầu gối co và bàn chân phẳng trên sàn
- Nâng cao hông và lưng khỏi sàn hết mức có thể
- Hít thở đều và giữ nguyên tư thế từ 30 - 45 giây
- Thả lỏng và trở về tư thế ban đầu. Lặp lại động tác 3 lần.
2. Điều trị y tế
Sút lưng chủ yếu được điều trị bằng thuốc giảm đau. Nếu đau kéo dài, ảnh hưởng đến chức năng và phạm vi vận động, bệnh nhân sẽ được vật lý trị liệu.
- Thuốc
Có 2 nhóm thuốc thường được dùng trong điều trị sút lưng, gồm:
-
- Thuốc giảm đau Acetaminophen: Để điều trị đau, người bệnh được hướng dẫn sử dụng Acetaminophen với liều dùng thích hợp. Đối với những trường hợp đau nhẹ, thuốc này có thể giúp khắc phục nhanh cơn đau.
- Thuốc chống viêm không steroid (NSAID): Dùng Aspirin, Naproxen natri hoặc Ibuprofen có thể kiểm soát tốt cơn đau lưng từ nhẹ đến vừa. Hầu hết trường hợp sút lưng đều có đáp ứng tốt với NSAID.
- Vật lý trị liệu
Vật lý trị liệu gồm những bài tập kéo giãn nhẹ nhàng và tăng cường cơ bắp hỗ trợ cột sống. Những bài tập này có thể giúp cải thiện sức khỏe, phạm vi chuyển động và độ dẻo dai cho cột sống. Đồng thời giúp tăng cường độ bền và sức mạnh, giảm nguy cơ chấn thương.
Chuyên gia vật lý trị liệu cũng có thể hướng dẫn những bài tập giúp điều chỉnh đường cong bất thường của cột sống, cải thiện tư thế. Từ đó giảm bớt những yếu tố có thể gây sút lưng.
Phòng ngừa
Những biện pháp giúp giảm nguy cơ sút lưng gồm:
- Thực hành đúng tư thế, đặc biệt là khi nâng vật, ngồi làm việc và chơi thể thao. Điều này giúp hạn chế những chấn thương khiến cơn đau khởi phát.
- Khi nâng vật, nên nâng bằng chân thay vì bằng lưng. Ngoài ra cơ thể phải ở trạng thái cân bằng và nâng vật bằng hai tay.
- Tránh thực hiện những chuyển động xoắn hoặc vặn.
- Không đột ngột thay đổi tư thế hoặc uốn cong lưng quá mức.
- Duy trì trọng lượng khỏe mạnh. Nếu bị thừa cân, cần áp dụng những biện pháp giảm cân khoa học.
- Uống nhiều nước mỗi ngày để giữ cho đĩa đệm khỏe mạnh, giảm nguy cơ sút lưng.
- Khởi động đầy đủ trước khi tập thể dục và hạ nhiệt sau khi luyện tập xong. Biện pháp này có thể giúp giảm nguy cơ chấn thương.
- Tập thể dục đều đặn mỗi ngày với các bài tập kéo giãn, bơi lội, thái cực quyền... Các bài tập có thể giúp duy trì sức khỏe, sự ổn định, chức năng và phạm vi chuyển động của cột sống. Điều này giúp giảm nguy cơ chấn thương và khởi phát những cơn đau bất thường.
Những câu hỏi quan trọng khi gặp bác sĩ
1. Điều gì khiến cơn đau xảy ra?
2. Tình trạng của tôi nghiêm trọng như thế nào?
3. Có bao nhiêu lựa chọn điều trị? Phương pháp nào tốt nhất và được dùng phổ biến?
4. Tôi có thể làm gì để giảm đau tại nhà?
5. Mất bao lâu để khắc phục tình trạng?
6. Tôi có thể luyện tập như thế nào?
7. Có thể làm gì để ngăn ngừa sút lưng tái phát?
Sút lưng là cơn đau lưng cấp tính, thường không rõ nguyên nhân. Cơn đau xảy ra đột ngột và dữ dội, ảnh hưởng đến hoạt động sinh hoạt. Tuy nhiên chăm sóc và điều trị đúng cách sẽ giúp người bệnh nhanh chóng khắc phục tình trạng. Vì vậy người bệnh cần áp dụng những biện pháp phù hợp theo hướng dẫn của bác sĩ.
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!