Tàn Nhang
Tàn nhang thường xuất hiện ở những vùng da tiếp xúc nhiều với ánh sáng mặt trời, đặc biệt là mặt. Đây là những mảng tăng sắc tố thừa dưới da, xuất hiện dưới dạng những đốm nâu nhỏ trên da. Tình trạng này thường xảy ra trong thời thơ ấu kéo dài đến năm 20 tuổi.
Tổng quan
Tàn nhang là những đốm phẳng nhỏ trên da, có màu sắc từ đỏ đến nâu (rám nắng, đỏ, nâu nhạt hoặc nâu sẫm). Chúng có hình tròn hoặc hình bầu dục, thường thấy ở những vùng da tiếp xúc với ánh sáng mặt trời.
Tàn nhang xuất hiện phổ biến ở những người có làn da sáng. Tuy nhiên tình trạng này có thể ảnh hưởng đến mọi đối tượng. Những người có da sẫm màu có những đốm nâu sậm hơn. Tàn nhang không đe dọa đến sức khỏe, hầu hết trường hợp có nhiều đốm nâu hơn vào mùa hè.
Phân loại
Tàn nhang được phân thành 2 loại, bao gồm: Ephelides và đồi mồi (đốm năng lượng mặt trời).
- Ephelides
Ephelides là những mảng tăng sắc tố thừa dưới da, phẳng, có màu đỏ, nâu nhạt hoặc nâu sẫm. Màu sắc mờ dần trong mùa đông và tăng cường trong mùa hè. Đây là loại phổ biến và hầu hết mọi người đều nghĩ đến khi nhắc đến tàn nhang.
Loại này xuất hiện ở những vùng cơ thể tiếp xúc với ánh nắng mặt trời (chẳng hạn như mặt, lưng, ngực, cổ và cánh tay), kích thước chỉ từ 1 - 2mm, không có hoặc có đường viền không đều. Ephelides chủ yếu do phơi nắng và cháy nắng, thường gặp ở những người có làn da trắng và có gốc Á.
Tàn nhang Ephelides thường xuất hiện lần đầu tiên khi trẻ nhỏ tiếp xúc với ánh nắng mặt trời. Sau đó những đốm nâu kéo dài đến tuổi trưởng thành và mờ dần theo tuổi tác.
- Đồi mồi (đốm năng lượng mặt trời)
Đốm năng lượng mặt trời còn được gọi làm nám tím, đốm gan, đồi mồi, đốm nắng. Đây là những mảng tăng sắc tố có màu vàng, đỏ, nâu hoặc sẫm màu hơn.
Chúng có kích thước từ 0.25 - 1cm, có đường viền rõ ràng. Những đốm đồi mồi thường xuất hiện ở những người có độ tuổi trên 40, phơi nắng nhiều lần và người có làn da sẫm màu hơn.
Những mảng tăng sắc tố nhiều hơn theo thời gian, xuất hiện ở những vùng da tiếp xúc với ánh nắng mặt trời. Cụ thể như mặt, mu bàn tay, cẳng tay, lưng, vai, ngực và cẳng chân.
Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ
Dưới đây là những nguyên nhân gây tàn nhang:
- Tiếp xúc với tia cực tím (UV) từ mặt trời
Tiếp xúc với tia cực tím (UV) từ mặt trời là nguyên nhân chủ yếu. Tàn nhang xảy ra khi sắc tố melanin được sản xuất quá mức. Đây là sắc tố tạo ra màu cho da, tóc và mắt.
Melanin được sản xuất bởi những tế bào melanocytes. Chúng có chức năng bảo vệ làn da khỏi tác hại của ánh nắng bằng cách hấp thụ và phản xạ tia cực tím (UV).
Ở những người có làn da trắng hoặc sáng, những tế bào hắc sắc tố hoạt động tích cực và sản sinh nhiều sắc tố melanin hơn khi tiếp xúc với ánh nắng mặt trời. Điều này có thể dẫn đến sự tích tụ của những sắc tố dưới da, hình thành các mảng tăng sắc tố.
- Di truyền
Những gen liên quan đến tàn nhang có thể truyền từ cha mẹ sang con cái. Vì thế những người có tiền sử gia đình bị tàn nhang sẽ có nguy cơ cao.
- Khô da sắc tố
Khô da sắc tố làm tăng độ nhạy cảm của da với tia cực tím trong ánh sáng mặt trời. Điều này làm tăng nguy cơ phát triển tàn nhang.
Những yếu làm tăng nguy cơ:
- Những người gốc Á, có làn da trắng hoặc sáng hơn
- Không có biện pháp bảo vệ da khi tiếp xúc với ánh sáng mặt trời, chẳng hạn như không dùng kem chống nắng
- Tiền sử gia đình bị tàn nhang
- Ephelides thường xuất hiện trong thời thơ ấu, đồi mồi thường gặp ở những người trên 40 tuổi.
Triệu chứng và chẩn đoán
Triệu chứng của tàn nhang gồm:
- Xuất hiện những đốm phẳng nhỏ trên da, có kích thước từ 1 - 2mm, những đốm đồi mồi có thể có kích thước lên đến 2.5cm
- Những chấm nhỏ có màu đỏ, rám nắng, nâu nhạt hoặc nâu đậm
- Ephelides có màu sắc mờ dần trong mùa đông và tăng cường trong mùa hè
- Đồi mồi có màu sắc không thay đổi theo mùa
- Có đường viền không được xác định rõ hoặc đường viền không đều
Tàn nhang không gây ra bất kỳ triệu chứng khó chịu nào, không gây đau hoặc ngứa. Những đốm tàn nhàng chủ yếu xuất hiện ở những nơi tiếp xúc nhiều với ánh nắng mặt trời. Cụ thể như:
- Mặt
- Cánh tay và mu bàn tay
- Ngực
- Cổ
- Vai
- Lưng
- Cẳng chân
Kiểm tra triệu chứng lâm sàng và tiền sử có thể chẩn đoán tàn nhang và đánh giá mức độ nghiêm trọng. Hầu hết các trường hợp không cần phải xét nghiệm.
Biến chứng và tiên lượng
Tàn nhang thường xuất hiện trên mặt làm ảnh hưởng đến tính thẩm mỹ. Những mảng tăng sắc tố da không kèm theo các triệu chứng khó chịu (như đau, ngứa...), vô hại đối với sức khỏe tổng thể nên không đáng lo ngại.
Điều trị
Tàn nhang luôn vô hại nên không cần phải điều trị. Tuy nhiên các phương pháp có thể được chỉ định để ngăn tàn nhang phát triển thêm, cải thiện tính thẩm mỹ cho làn da.
Dưới đây là những phương pháp điều trị thường được áp dụng:
1. Thoa kem chống nắng hàng ngày
Khi bị tàn nhang, tốt nhất nên tránh ánh nắng mặt trời và thoa kem chống nắng hàng ngày. Điều này giúp bảo vệ da và ngăn tàn nhang phát triển thêm.
Kem chống nắng nên được thoa mỗi 2 tiếng/ lần ngay cả khi trời nhiều mây. Hoặc bôi lại sản phẩm sau khi bơi hoặc đổ nhiều mồ hôi.
Nên lựa chọn những loại kem chống nắng phổ rộng, có SPF ít nhất 30. Bôi kem chống nắng ít nhất 15 phút trước khi ra ngoài hoặc tiếp xúc với ánh nắng mặt trời. Nên mặc quần dài, áo dài tay và đội mũ rộng vành để làn da được bảo vệ tốt hơn, đặc biệt là khi đi dưới trời nắng gắt.
2. Điều trị bằng laser
Tàn nhang thường được điều trị bằng liệu pháp laser. Liệu pháp này sử dụng những xung ánh sáng tập trung có cường độ cao để tác động vào vùng da bị tổn thương. Từ đó loại bỏ những mô tàn nhang (sắc tố tích tụ dưới da), da đều màu hơn.
Có nhiều loại laser khác nhau. Trong đó laser 1064 Q-Switched Nd YAG thường được sử dụng phổ biến. Bởi tia laser này có khả năng làm sáng hơn 50% tàn nhang.
Liệu pháp này có độ an toàn cao, thường không để lại sẹo. Tuy nhiên một số tác dụng phụ có thể xảy ra như nhiễm trùng, ngứa, sưng tấy, nổi mẩn đỏ và thay đổi màu da.
Trước khi điều trị bằng laser, thuốc kháng virus sẽ được chỉ định cho những bệnh nhân có tiền sử bị mụn rộp miệng. Điều này giúp ngăn ngừa bùng phát mụn rộp.
3. Kem tẩy trắng tại chỗ
Kem tẩy trắng tại chỗ có thể được sử dụng mà không cần kê toa. Đây là những sản phẩm làm mờ vết thâm của tàn nhang, thường chứa hydroquinone.
Khi sử dụng, hydroquinone nhanh chóng ngăn chặn quá trình sản xuất melanin của những tế bào hắc sắc tố (melanocytes). Từ đó làm sáng vùng da tối màu, ngăn tàn nhang trở nên nghiêm trọng hơn.
Sản phẩm chứa hydroquinone có thể gây khô da, viêm da, phồng rộp, nóng rát hoặc thay đổi màu da. Tốt nhất nên tham khảo ý kiến bác sĩ để được hướng dẫn sử dụng với liều lượng thích hợp.
4. Kem retinoid tại chỗ
Kem retinoid tại chỗ thường được dùng trong điều trị tàn nhang bởi nó có thể mang đến hiệu quả cao. Đây là một hợp chất vitamin A. Khi dùng hợp chất nầy có thể thúc đẩy quá trình tái tạo da với những tế bào da mạnh hơn. Từ đó làm sáng tàn nhang và cải thiện làn da đang bị tổn thương.
Ngoài ra retinoids có khả năng làm trẻ hóa làn da, hấp thụ bức xạ tia cực tím UVB giúp bảo vệ làn da. Từ đó ngăn xuất hiện thêm nhiều tàn nhang.
Tham khảo ý kiến chuyên gia để được hướng dẫn sử dụng kem retinoid tại chỗ. Loại kem này có thể gây ra một số tác dụng phụ như kích ứng, khô da và tăng độ nhạy cảm.
5. Tẩy da chết hóa học
Tẩy da chết hóa học chứa những hoạt chất hóa học có khả năng làm bong những vùng da chết, chẳng hạn như:
- Alpha hydroxy acid (AHA)
- Acid trichloroacetic (TCA)
- Acid glycolic.
Khi dùng, những hoạt chất nhanh chóng thâm nhập vào những lớp giữa của da, loại bỏ tế bào chết và tàn nhang. Đồng thời thúc đẩy sự phát triển của những tế bào mới.
Đặc biệt AHA có khả năng tăng cường độ ẩm, cải thiện sắc tố, trẻ hóa làn da và làm đều màu da. Những vùng da được thoa AHA sẽ có dấu hiệu bong da nhẹ.
Thận trọng khi dùng tẩy da chết hóa học bởi những sản phẩm này có thể gây ra một số tác dụng phụ như: Kích ứng, nổi đỏ mẩn, sưng tấy và đóng vảy. Tuy nhiên những tác dụng phụ ít khi xảy ra.
6. Liệu pháp áp lạnh
Liệu pháp áp lạnh là phương pháp sử dụng nitơ dạng lỏng để đóng băng, sau đó tiêu diệt những tế bào da bất thường, bao gồm cả những mảng tăng sắc tố. Liệu pháp này có độ an toàn cao, quy trình nhanh gọn, không cần gây tê và những tổn thương da nhanh chóng phục hồi.
7. Biện pháp điều trị tại nhà
Bên cạnh các phương pháp điều trị chuyên sâu, người bệnh có thể thử áp dụng những biện pháp điều trị tự nhiên. Chẳng hạn như sử dụng mật ong, nước cốt nhanh... Những biện pháp này có độ an toàn cao, mang đến hiệu quả khi áp dụng lâu dài.
- Mật ong: Tẩy tế bào chết bằng mật ong kết hợp muối hoặc đường có thể làm bong những tế bào da chết, làm mờ vết nám. Từ đó giảm tàn nhang trên da. Ngoài ra mật ong cũng có khả năng cấp ẩm, tăng khả năng chữa lành tổn thương, giúp da trắng hồng. Cách dùng: Thoa hỗn hợp mật ong lên da sau khi vệ sinh da sạch sẽ, giữ trong 20 phút và rửa sạch da với nước.
- Nước cốt chanh: Vitamin C và hàm lượng axit trong nước cốt chanh có khả năng tẩy tế bào da chết, làm trắng da và giảm tàn nhang. Tuy nhiên biện pháp này làm tăng độ nhạy cảm của da với ánh sáng mặt trời. Vì thế cần bôi kem chống nắng và che chắn làn da trước khi ra ngoài. Ngoài ra chỉ nên dùng nước cốt chanh 2 lần/ tuần. Cách dùng: Thoa trực tiếp nước cốt chanh lên da, giữ trong 5 phút, làm sạch da với nước.
- Sữa chua: Sữa chua chứa axit lactic giúp làm sáng da, giảm thâm nám và tàn nhang. Ngoài ra những hoạt chất khác trong sữa chua còn có tác dụng tăng cường đề kháng cho da, thúc đẩy quá trình tẩy tế bào chết và sản sinh tế bào mới. Cách dùng: Thoa trực tiếp sữa chua không đường, giữ nguyên trong 20 phút, rửa sạch da.
Phòng ngừa
Những biện pháp dưới đây có thể giúp phòng ngừa sự phát triển của tàn nhang:
- Luôn thoa kem chống nắng phổ rộng, có SPF (chỉ số chống nắng) tối thiểu 30, chống thấm nước. Thoa kem cho tất cả vùng da trước khi ra ngoài, thoa lại sau 2 tiếng hoặc sớm hơn nếu đổ nhiều mồ hôi hoặc đi bơi.
- Dùng kem chống nắng hàng ngày, ngay cả khi trời nhiều mây.
- Hạn chế tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng mặt trời, đặc biệt là những trẻ có gen di truyền tàn nhàng.
- Tránh tiếp xúc ánh nắng ở thời điểm có nhiều tia cực tím, trong khung giờ từ 10h sáng đến 16 giờ chiều.
- Che chắn làn da khi ra ngoài bằng cách đội mũ rộng vành, mang kính râm, mặc quần dài và áo dài tay.
- Tránh những sản phẩm làm tăng độ nhạy cảm của da đối với ánh sáng mặt trời.
- Nếu muốn có làn da rám nắng, nên sử dụng sản phẩm nhuộm da dạng xịt thay vì tắm nắng.
Những câu hỏi quan trọng khi gặp bác sĩ
1. Nguyên nhân nào gây ra những triệu chứng?
2. Tình trạng của tôi có cần điều trị không?
3. Những biện pháp chăm sóc da nào được đề nghị?
4. Phương pháp điều trị nào phổ biến và hiệu quả cho tình trạng của tôi?
5. Tôi nên làm gì để ngăn tàn nhang lan rộng?
6. Những đốm da sẫm màu có tự khỏi không?
7. Rủi ro nào có thể gặp khi can thiệp điều trị?
Tàn nhang vô hại đối với sức khỏe tổng thể, thường xuất hiện ở những người tiếp xúc nhiều với ánh nắng mặt trời và có gen di truyền tàn nhang. Tình trạng này có thể tự khỏi khi đến tuổi 20 nhưng cũng có thể kéo dài. Việc sử dụng những phương pháp chăm sóc da và điều trị chuyên sâu có thể giúp ích.
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!