Thấp Khớp Cấp (Thấp Tim)

Bài viết được tham vấn chuyên môn bởi Lương Y Đỗ Minh Tuấn | Lĩnh vực khám chữa: Xương khớp Nơi công tác Phòng Chẩn Trị YHCT Đỗ Minh Đường – Hà Nội

Thấp khớp cấp xảy ra khi nhiễm trùng liên cầu khuẩn nhóm A (liên cầu khuẩn beta tan huyết nhóm A) không được điều trị. Tình trạng này làm ảnh hưởng đến toàn thân, trong đó tổn thương khớp rất thường gặp.

Tổng quan

Thấp khớp cấp còn được gọi là thấp tim và sốt thấp khớp. Đây là một bệnh viêm nhiễm, phát triển từ viêm họng liên cầu khuẩn (nhiễm trùng Streptococcus pyogenes vùng hầu họng) hoặc sốt tinh hồng nhiệt không được điều trị.

Thấp khớp cấp
Thấp khớp cấp (thấp tim) là một bệnh viêm nhiễm do viêm họng liên cầu khuẩn không được điều trị

Sau nhiễm trùng, hệ thống miễn dịch phản ứng thái quá với vi khuẩn và tấn công các mô của chính nó. Điều này dẫn đến tình trạng viêm và sưng ở nhiều cơ quan (chẳng hạn như tim), khớp và mạch máu.

Thấp khớp cấp thường ảnh hưởng đến trẻ em từ 5 - 15 tuổi. Tuy nhiên bệnh cũng có thể phát triển ở người lớn và trẻ nhỏ. Sốt thấp khớp có thể gây ra những tổn thương vĩnh viễn cho tim và đe dọa đến tính mạng.

Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ

Trong bệnh thấp khớp cấp, hệ thống miễn dịch bị lỗi và tấn công các mô khỏe mạnh, đặc biệt là khớp, tim, da và hệ thần kinh trung ương. Điều này khiến các mô sưng và viêm, đôi khi gây ra những tổn thương vĩnh viễn.

Nhiễm trùng vi khuẩn Streptococcus nhóm A là nguyên nhân gây bệnh. Vi khuẩn này gây sốt tinh hồng nhiệt và viêm họng liên cầu khuẩn. Khi không được điều trị hoặc nhiễm trùng tái phát nhiều lần, vi khuẩn gây viêm lan rộng khắp cơ thể, kích thích hệ thống miễn dịch tấn công vào các mô của chính nó.

Những yếu tố làm tăng nguy cơ:

  • Yếu tố môi trường: Nguy cơ mắc bệnh cao hơn ở những người có môi trường sống không sạch sẽ, quá đông đúc và vệ sinh kém. Vi khuẩn lây lan dễ hơn ở những nơi đông người.
  • Chủng vi khuẩn liên cầu cụ thể: Một số chủng vi khuẩn liên cầu có nhiều khả năng gây nhiễm trùng và sốt thấp khớp hơn so với những chủng khác.
  • Gen: Một số gen có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh.
  • Tiền sử gia đình: Nguy cơ tăng cao nếu có thành viên trong gia đình bị sốt thấp khớp.
  • Tuổi tác: Bệnh thường xảy ra ở những trẻ có độ tuổi từ 5 - 15 tuổi.

Triệu chứng và chẩn đoán

Các triệu chứng của thấp khớp cấp thường bắt đầu sau 2 - 4 tuần nhiễm liên cầu khuẩn. Những triệu chứng và dấu hiệu thường gặp gồm:

Thấp khớp cấp gây ra những triệu chứng trên da, khớp, ảnh hưởng tim và sốt cao
Thấp khớp cấp gây ra những triệu chứng trên da, khớp, ảnh hưởng tim và sốt cao

+ Triệu chứng ở khớp

  • Đau hoặc nhức các khớp. Trong đó đầu gối, mắt cá chân, khuỷu tay và cổ tay là những khớp thường bị ảnh hưởng nhất
  • Đau thường bắt đầu ở một khớp, sau đó di chuyển đến những khớp khác
  • Khớp đỏ và sưng nóng
  • Mềm khớp
  • Đau cơ

+ Nốt dưới da (hạt meynet)

  • Hình thành những nốt sần nhỏ, đường kính khoảng 5 - 10mm và không đau dưới da
  • Thường xuất hiện ở những vùng gần cột sống, cổ tay, khuỷu tay, mắt cá chân và đầu gối
  • Nốt dưới da xuất hiện đồng thời với viêm khớp và viêm tim
  • Thường kéo dài trong vài tuần

+ Ban vòng (ban besnier)

  • Phát ban phẳng hoặc hơi nổi lên, mép lởm chởm và không đau
  • Đường kính viền khoảng 1 - 2mm
  • Thường xuất hiện trên thân mình và mạn sườn, có thể phát ban ở chân và tay nhưng không xuất hiện ở mặt
  • Vòng ban hồng, thường xếp thành quầng
  • Thường xuất hiện trong vài ngày

+ Múa giật Sydenham

  • Cử động giật, không kiểm soát được của tay

+ Triệu chứng ở tim

  • Đau ngực
  • Tim đập thình thịnh hoặc đánh trống ngực nhanh
  • Tiếng thổi tim

+ Triệu chứng khác

  • Sốt
  • Amidan sưng tấy, đỏ
  • Chảy máu cam
  • Thờ ơ hoặc mệt mỏi toàn thân
  • Ho
  • Ăn uống kém
  • Đau bụng
  • Viêm họng
  • Hụt hơi
  • Giảm chú ý
  • Nôn mửa
  • Đổ hồi hôi
  • Đau đầu
  • Đau dạ dày.

Cần chăm sóc y tế ngay lập tức nếu trẻ bị sốt.

  • Đối với trẻ sơ sinh dưới 6 tuần tuổi: Sốt 37,8 độ C
  • Đối với trẻ từ 6 tuần đến 6 tháng tuổi: Sốt từ 38,3 độ C trở lên
  • Đối với những trẻ lớn hơn: Sốt kéo dài trên 3 ngày.

Trong khi thăm khám, bác sĩ sẽ hỏi về các triệu chứng và bệnh sử, liệu gần đây con bạn có bị viêm họng do liên cầu khuẩn hay không.

Ngoài ra bác sĩ có thể tìm kiếm những nốt sần hoặc phát ban trên da, kiểm tra tim, khớp và cổ họng. Để xác nhận và đánh giá rối loạn chức năng hệ thần kinh, người bệnh còn được thực hiện các bài kiểm tra vận động.

Một số xét nghiệm bổ sung:

  • Siêu âm tim: Trong quy trình này, sóng âm thanh được sử dụng để tạo ra hình ảnh về tim, giúp phát hiện nhanh các bất thường.
  • Điện tâm đồ: Bệnh nhân thường được thực hiện điện tâm đồ để kiểm tra tim và đánh giá chức năng của cơ quan này.
  • Xét nghiệm máu: Xét nghiệm máu được thực hiện để xác nhận nhiễm trùng liên cầu khuẩn. Nếu bị nhiễm trùng, kết quả xét nghiệm có thể bao gồm:
    • Tăng nồng độ protein phản ứng C
    • Tăng sợi huyết
    • Tăng tốc độ lắng máu
    • Tăng bạch cầu
    • Tăng Antistreptolysin O trên 200 đơn vị Todd
  • Chụp tim phổi: Bệnh nhân được chụp tim phổi để kiểm tra mức độ tổn thương ở tim và phổi. Kết quả có thể bao gồm tim to và rốn phổi đậm

Đôi khi sốt thấp khớp được chẩn đoán dựa trên tiêu chí Jones. Trong đó những trường hợp bị sốt thấp khớp sẽ có 1 tiêu chí chính và 2 tiêu chí phụ hoặc 2 tiêu chí chính.

+ Các tiêu chí chính

  • Viêm một số khớp
  • Viêm tim
  • Chuyển động nhanh và giật (múa giật)
  • Phát ban da
  • Xuất hiện những vết sưng (nốt sần) dưới da

+ Các tiêu chí phụ

  • Sốt
  • Đau khớp
  • Tăng tốc độ máu lắng (ESR) hoặc protein phản ứng C (CRP)
  • Điện tâm đồ thay đổi
  • Đau khớp
  • Có tiền sử bệnh tim thấp khớp hoặc sốt thấp khớp trước đó.

Biến chứng và tiên lượng

Thấp khớp cấp có thể kéo dài từ vài tuần đến vài tháng và gây ra những biên chứng lâu dài. Bao gồm:

Hẹp van động mạch chủ
Hẹp van động mạch chủ là biến chứng thường gặp của sốt thấp khớp, khiến lưu lượng máu giảm

  • Viêm hoặc hỏng van tim. Hầu hết trường hợp có tổn thương xảy ra ở van hai lá (van giữa hai buồng tim bên trái)
  • Hẹp van động mạch chủ - thu hẹp van tim (hẹp van) làm giảm lưu lượng máu
  • Trào ngược động mạch chủ. Đây là một tình trạng van tim bị rò rỉ (hở van) khiến máu chảy ngược qua van
  • Tổn thương cơ tim, chẳng hạn như viêm cơ tim
  • Viêm ngoài màng tim
  • Nhịp tim không đều
  • Rung tâm nhĩ
  • Suy tim. Biến chứng này xảy ra khi tim không còn khả năng bơm máu đến tất cả những bộ phận của cơ thể và tăng nguy cơ tử vong.

Khi không được điều trị, viêm khớp cấp cũng gây ra những biến chứng nguy hiểm dưới đây:

  • Đột quỵ
  • Tổn thương tim vĩnh viễn (bệnh tim thấp khớp)
  • Tử vong

Điều trị

Điều trị thấp khớp cấp gồm dùng thuốc và nghỉ ngơi.

1. Dùng thuốc

Những loại thuốc thường được chỉ định trong điều trị thấp khớp cấp gồm:

  • Kháng sinh

Dùng Penicillin hoặc kết hợp hai loại kháng sinh khác nhau để loại bỏ liên cầu khuẩn. Thông thường người bệnh được dùng một đợt kháng sinh để điều trị.

Sau đó dùng một đợt kháng sinh khác để ngăn ngừa sốt thấp khớp tái phát. Điều trị dự phòng thường kéo dài đến khi trẻ hoàn thành đợt điều trị tối thiểu 5 năm hoặc đến hết năm 21 tuổi.

Đối với những trường hợp viêm tim trong sốt thấp khớp, điều trị phòng ngừa bằng kháng sinh có thể kéo dài 10 năm hoặc lâu hơn.

Kháng sinh Penicillin
Kháng sinh Penicillin thường được sử dụng để điều trị nhiễm trùng và dự phòng tái phát

  • Thuốc chống viêm

Người bệnh thường được chỉ định một loại thuốc chống viêm như Aspirin hoặc Naproxen để giảm viêm, hạ sốt và giảm đau. Phần lớn các trường hợp đều có đáp ứng.

Nếu có triệu chứng nghiêm trọng hoặc trẻ không đỡ hơn sau khi dùng thuốc chống viêm thông thường, corticosteroid sẽ được chỉ định. Thuốc này có khả năng chống viêm mạnh hơn, giúp giảm viêm và đau nhanh chóng.

  • Thuốc chống động kinh

Carbamazepine hoặc Axit valproic là thuốc chóng động kinh thường được sử dụng. Thuốc này có khả năng điều trị những cử động không tự chủ nghiêm trọng liên quan đến chứng múa giật Sydenham.

  • Một số thuốc khác
    • Digoxin: Đây là một loại thuốc điều trị suy tim, thường được dùng ở liều 0.25mg/ ngày bằng đường uống.
    • Furosemid: Đây là thuốc lợi tiểu, được dùng khi có hiện tượng phù do suy tim suy huyết, bênh thận, bệnh xơ gan hoặc phù phổi cấp.
    • Thuốc ức chế men chuyển: Được sử dụng để làm giãn mạch, giúp máu lưu thông bình thường và ổn định đường huyết.

2. Nghỉ ngơi

Trẻ bị sốt thấp khớp sẽ được yêu cầu nghỉ ngơi tại giường. Cần hạn chế các hoạt động cho đến khi triệu chứng và tình trạng viêm đau được cải thiện. Đối với những trường hợp nặng và viêm ảnh hưởng đến tim, bác sĩ có thể đề nghị nghỉ ngơi trên giường từ vài tuần đến vài tháng.

  • Không viêm tim: Nghỉ ngơi trên giường 2 tuần, đi lại trong phòng 2 tuần.
  • Viêm tim, tim không to: Nghỉ ngơi trên giường 4 tuần, đi lại trong phòng 4 tuần.
  • Viêm tim và tim to: Nghỉ ngơi trên giường 6 tuần, đi lại trong phòng 6 tuần.
  • Viêm tim và suy tim: Nghỉ ngơi trên giường đến khi hết suy tim, đi lại trong phòng 3 tháng.

Phòng ngừa

Cách duy nhất để phòng ngừa thấp khớp cấp là điều trị kịp thời và dứt điểm sốt tinh hồng nhiệt hoặc nhiễm trùng cổ họng do liên cầu khuẩn.

Để điều trị, người bệnh sẽ được sử dụng một đợt thuốc kháng sinh thích hợp. Thuốc cần được dùng liên tục ngay cả khi đã cảm thấy khỏe hơn. Nếu không dùng thuốc như chỉ định, tình trạng nhiễm trùng không chỉ không biến mất mà còn dẫn đến sốt thấp khớp.

Ngoài ra thực hành vệ sinh tốt có thể giúp giảm nguy cơ nhiễm trùng liên cầu khuẩn nhóm A, bảo vệ con bạn khỏi sốt thấp khớp và ngăn lây nhiễm cho người khác. Cụ thể:

  • Thường xuyên dùng xà phòng và nước rửa tay sạch sẽ.
  • Ho hoặc hắt hơi vào khăn giấy, vai trên hoặc khuỷu tay. Không ho và không hắt hơi lên bàn tay.
  • Vứt bỏ khăn giấy và rửa tay sạch sẽ sau 1 lần hắt hơi và ho.
  • Hạn chế đến những nơi tập trung đông người.
  • Nên đeo khẩu trang khi ra ngoài.

Phòng ngừa
Phòng ngừa thấp khớp cấp bằng cách điều trị kịp thời và dứt điểm sốt tinh hồng nhiệt và viêm họng liên cầu khuẩn

Những biện pháp ngăn ngừa thấp khớp cấp:

  • Dùng thuốc và nghỉ ngơi theo chỉ định của bác sĩ. Theo dõi sức khỏe định kỳ để sớm phát hiện những bất thường.
  • Điều trị dự phòng bằng kháng sinh.
  • Điều trị kịp thời và dứt điểm các bệnh lý liên quan đến nhiễm trùng liên cầu beta tan huyết nhóm A.
  • Thường xuyên vệ sinh nhà cửa sạch sẽ.
  • Thực hiện chế độ ăn uống đầy đủ dinh dưỡng và lành mạnh. Đặc biệt nên tăng cường các loại trái cây và rau xanh giàu vitamin C, các chất chống oxy hóa và kháng khuẩn. Điều này giúp tăng cường hệ miễn dịch và khả năng chống lại vi khuẩn.

Nếu đã được chuẩn đoán thấp khớp cấp, bác sĩ có thể yêu cầu sử dụng kháng sinh dài hạn, thường bao gồm tiêm penicillin hàng tháng. Tuân thủ chỉ định của bác sĩ để ngăn tái phát bệnh trong tương lai và tránh các đợt viêm họng liên cầu khuẩn.

Những câu hỏi quan trọng khi gặp bác sĩ

1. Phương pháp nào phù hợp và hiệu quả nhất cho tình trạng hiện tại?

2. Mất bao lâu để điều trị khỏi?

3. Dùng kháng sinh kéo dài cho trẻ có sao không?

4. Những tác dụng phụ nào có thể gặp khi dùng kháng sinh?

5. Cách để ngăn ngừa thấp khớp cấp tái phát?

6. Ăn uống như thế nào để mau khỏe?

7. Có điều gì cần tránh trong thời gian điều trị hay không?

Thấp khớp cấp là một bệnh nhiễm trùng nguy hiểm, có khả năng gây ra những biến chứng vĩnh viễn cho tim và tăng nguy cơ tử vong. Bệnh lý này cần được điều trị kịp thời bằng kháng sinh, theo chỉ định của bác sĩ. Tránh chậm trễ trong điều trị để không phát sinh biến chứng.

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *