Thủng trực tràng
Thủng trực tràng là một tình trạng y tế nghiêm trọng, cần được điều trị khẩn cấp. Tình trạng này xảy ra khi có một lỗ thủng trên thành của trực tràng. Từ đó dẫn đến xuất huyết, đau bụng dữ dội và căng tức.
Tổng quan
Thủng trực tràng là một lỗ thủng hình thành trên thành của trực tràng - đoạn nối trực tràng và ống hậu môn. Điều này có thể khiến phân rò rỉ vào bụng, chảy máu trong, viêm phúc mạc và nhiều biến chứng nghiêm trọng khác.
Những người bị thủng trực tràng sẽ có cảm giác căng tức và đau đớn. So với thủng dạ dày hoặc đầu trên của ruột non, đau do trực tràng hoặc đại tràng thủng không đột ngột mà tiến triển từ từ.
Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ
Những nguyên nhân dưới đây có thể gây thủng trực tràng:
- Viêm loét trực tràng lâu ngày
- Xoắn hoặc ung thư trực tràng
- Chấn thương dẫn đến thủng trong khi nội soi đại tràng
- Vết thương do tác động từ bên ngoài bởi những vật sắc nhọn, chẳng hạn như dao, đạn từ súng...
- Biến chứng từ xạ trị ung thư cổ tử cung ở nữ giới
- Nuốt phải hóa chất có thể gây vết thương cho trực tràng nhưng hiếm gặp. Hầu hết các trường hợp bị thủng dạ dày và ruột non sau khi nuốt.
- Thuốc xổ và máy thụt được đưa vào trực tràng. Khi thực hiện sai cách hoặc thực hiện với lực quá mạnh, thiết bị này có thể xé toạc hoặc làm thủng một lỗ lớn ở trực tràng và đại tràng.
Những yếu tố có thể làm tăng nguy cơ:
- Trên 75 tuổi
- Chấn thương xương chậu hoặc hậu môn - trực tràng do bệnh tai nạn
- Phẫu thuật vùng chậu gần đây
Triệu chứng và chẩn đoán
Nếu bị thủng trực tràng, người bệnh sẽ có những triệu chứng dưới đây:
- Sốt hoặc ớn lạnh
- Đầy hơi
- Sưng bụng
- Căng tức
- Đau bụng hoặc chuột rút
- Đau đớn dữ dội tương tự như dao đâm, mức độ đau tăng dần theo thời gian. Cơn đau thường lan tỏa khắp vùng bụng
- Tăng mức độ nhạy cảm khi chạm vào bụng
- Bí trung - đại tiện
- Sốc nếu có xuất huyết ồ ạt.
Người bệnh sẽ được kiểm tra dấu hiệu sinh tồn ngay lập tức khi có những triệu chứng của thủng trực tràng. Ngoài ra những xét nghiệm dưới dây cũng được thực hiện nhanh chóng để kịp thời xử lý. Cụ thể:
- Xét nghiệm máu: Lấy một mẫu máu để kiểm tra dấu hiệu nhiễm trùng, đồng thời kiểm tra chức năng của thận và gan.
- Nội soi: Bệnh nhân được nội soi để kiểm tra trực tràng và đại tràng, xác định vị trí thủng.
- Chụp X-quang: Bệnh nhân được chụp X-quang để kiểm tra khí trong bụng. Đây là một trong những dấu hiệu thường gặp khi có vết rách ở đường tiêu hóa.
- CT scan: CT tạo ra hình ảnh chi tiết của trực tràng và đại tràng. Điều này giúp xác định vị trí thủng.
Biến chứng và tiên lượng
Thủng trực tràng có thể gây ra nhiều biến chứng đe dọa đến tính mạng. Không nên cố gắng điều trị tại nhà. Thay vào đó nên tìm kiếm sự chăm sóc ngay tập tức để sớm khắc phục tình trạng và đảm bảo an toàn.
Những biến chứng có thể gặp khi bị thủng trực tràng:
- Rò rỉ phân vào bụng
- Chảy máu trong
- Viêm phúc mạc
- Nhiễm trùng huyết
- Tổn thương vĩnh viễn ở trực tràng
- Tăng tỉ lệ tử vong.
Nếu được điều trị kịp thời, người bệnh sẽ có tiên lượng tốt, quá trình điều trị diễn ra suôn sẻ và không phát triển các biến chứng. Sau điều trị, người bệnh thường mất vài tuần để hồi phục hoàn toàn.
Điều trị
Sau khi chẩn đoán, người bệnh sẽ được phẫu thuật khẩn cấp để sửa chữa. Tùy thuộc vào vị trí và mức độ nghiêm trọng, người bệnh được sửa chữa trực tràng với một trong những kỹ thuật dưới đây:
- Nội soi: Người bệnh được khâu lỗ thủng thông qua quá trình nội soi trực tràng. Trong đó ống nội soi và những dụng cụ sẽ được đưa qua nội soi.
- Phẫu thuật nội soi: Quá trình này bao gồm việc sử dụng ống nội soi và thiết bị phẫu thuật đưa qua những vết rạch ở bụng. Sau đó tiếp cận và sửa chữa vị trí thủng.
- Phẫu thuật mở truyền thống: Hiếm khi bệnh nhân được phẫu thuật mở truyền thống. Phương pháp này chỉ được chỉ định cho những người có lỗ thủng lớn, khó sửa chữa khi thực hiện những phương pháp khác. Trong đó các thiết bị phẫu thuật sẽ được đưa qua một vết rạch lớn hơn ở bụng, tiếp cận với vị trí thủng và tiến hành sửa chữa.
Trong nhiều trường hợp, người bệnh được tạo một lỗ nhỏ trên bụng, gắn với đại tràng và túi hậu môn nhân tạo (túi kín) bên ngoài. Lỗ này giúp chất thải được đưa ra ngoài, ngừng đi đại tiện tạm thời để trực tràng được nghỉ ngơi.
Phòng ngừa
Thủng trực tràng không được ngăn ngừa hoàn toàn. Tuy nhiên rủi ro có thể giảm khi thực hiện những biện pháp dưới đây:
- Không hút thuốc.
- Hạn chế uống rượu.
- Ngăn ngừa chấn thương. Không đưa những đồ vật lạ, sắc nhọn qua hậu môn và vào trực tràng.
- Điều trị tốt những điều kiện sức khỏe có thể làm tăng nguy cơ thủng trực tràng.
- Thực hiện một chế độ ăn uống lành mạnh với đầy đủ chất xơ, vitamin và khoáng chất từ các loại rau củ quả, trái cây cây, các loại đậu và hạt... Điều này giúp giữ cho quá trình tiêu hóa của bạn diễn ra suôn sẻ, ngăn ngừa táo bón, giảm nguy cơ thủng trực tràng và đại tràng.
Những câu hỏi quan trọng khi gặp bác sĩ
1. Phương pháp điều trị nào là phổ biến và hiệu quả nhất đối với tình trạng của tôi?
2. Có điều gì nên tránh thực hiện trong quá trình điều trị hay không?
3. Những lợi ích và rủi ro liên quan đến việc điều trị là gì?
4. Điều gì xảy ra khi tôi trì hoãn quá trình điều trị?
5. Bệnh có ảnh hưởng đến công việc và lối sống của tôi hay không?
6. Có bao nhiêu cách thực hiện phẫu thuật?
7. Chi phí phẫu thuật là bao nhiêu?
8. Trực tràng của tôi có thể lành lại hoàn toàn không?
Thủng trực tràng xảy ra do nhiều nguyên nhân, có khả năng gây ra nhiều biến chứng và đe dọa đến tính mạng của người bệnh. Vì vậy tình trạng này cần được xác định và điều trị y tế ngay lập tức. Người bệnh cần đến bệnh viện ngay khi có những dấu hiệu bất thường.
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!