Tinh Hoàn Co Rút
Tinh hoàn co rút thường chỉ ảnh hưởng đến một bên tinh hoàn, phổ biến ở trẻ em có độ tuổi từ 2 - 7 tuổi. Tình trạng này có thể tự biến mất hoặc cần được điều trị bằng phẫu thuật.
Tổng quan
Tinh hoàn co rút là tình trạng tinh hoàn có thể di chuyển qua lại giữa bìu và vùng bẹn, thường chỉ ảnh hưởng đến một bên tinh hoàn và có thể tự biến mất khi đến tuổi dậy thì.
Tinh hoàn nằm trong một túi da được gọi là bìu. Túi này treo bên ngoài cơ thể và nằm ngay dưới dương vật. Bìu giúp giữ cho tinh hoàn luôn ở nhiệt độ thích hợp, không quá nóng hoặc quá lạnh để sản xuất và lưu trữ tinh trùng tốt hơn. Tinh hoàn cũng sản sinh hormone testosterone chịu trách nhiệm cho những chức năng thuộc về sinh sản và tình dục ở nam giới.
Tuy nhiên tinh hoàn có thể co rút, di chuyển giữa bìu và vùng bẹn do nhiều nguyên nhân. Bệnh chủ yếu ảnh hưởng đến những trẻ có độ tuổi từ 2 - 7 tuổi. Tinh hoàn co rút cũng có thể xảy ra ở những trẻ nhỏ hơn và nam giới trưởng thành (chiếm 5% trường hợp).
Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ
Tinh hoàn co rút có thể xảy ra do những nguyên nhân dưới đây:
- Cơ bắp hoạt động quá mức: Cơ bìu giúp ổn định nhiệt độ của tinh hoàn, duy trì sự phát triển và hoạt động bình thường của tinh hoàn. Ở thời điểm ấm áp, cơ bìu thư giãn và giữ cho bên trong mát mẻ. Khi thời tiết lạnh, bìu co lại, kéo tinh hoàn lên và vào sát cơ thể để giữ ấm. Tuy nhiên sự co rút quá mức của cơ bìu có thể khiến tinh hoàn bị kéo vào vùng bẹn.
- Phản xạ mạnh của cơ bìu: Dựa vào cảm xúc và cách dây thần kinh cọ xát bên trong đùi, phản xạ cơ bìu sẽ hình thành. Khi có phản xạ mạnh và đột ngột, tinh hoàn sẽ bị kéo ra khỏi đùi và nằm trong háng.
- Nguyên nhân khác: Một số nguyên nhân có thể khiến tinh hoàn không nằm trong bìu mà nằm ở một vị trí cao hơn, bao gồm:
- Thừng tinh ngắn
- Mô sẹo hình thành sau phẫu thuật thoát vị bẹn
- Mô bào thai còn sót lại
Triệu chứng và chẩn đoán
Những triệu chứng và dấu hiệu của tinh hoàn co rút gồm:
- Tinh hoàn trong bìu nhưng chỉ ở lại một thời gian
- Tinh hoàn tự nhiên biến mất trong một thời gian
- Tinh hoàn dễ dàng di chuyển từ vùng bẹn về bìu khi tác đông bằng tay.
Tinh hoàn co rút thường chỉ ảnh hưởng đến một bên tinh hoàn. Ngoài sự di chuyển qua lại của tinh hoàn, nam giới không có biểu hiện đau hay khó chịu gì.
Quá trình chẩn đoán tinh hoàn co rút sẽ bao gồm việc quan sát và sờ vào tinh hoàn bị ảnh hưởng. Trong quá trình này, bác sĩ có thể tác động nhẹ nhàng để tinh hoàn lạc chỗ về đúng vị trí. Đồng thời hỏi thêm về những triệu chứng để đánh giá tình trạng.
Trong nhiều trường hợp, bác sĩ tiến hành siêu âm bìu và vùng bẹn để phát hiện các bất thường. Chẳng hạn như tinh hoàn co rút hoặc lạc chỗ, khối u, tràn dịch và một số tổn thương bất thường khác.
Biến chứng & Tiên lượng
Tinh hoàn co rút không phải là một tình trạng nguy hiểm. Hầu hết các trường hợp có tinh hoàn di chuyển trở lại vào bên trong bìu, cố định ở bìu ở trước hoặc trong độ tuổi trưởng thành mà không cần can thiệp.
Tuy nhiên một số trường hợp (đặc biệt là nam giới trưởng thành) có tinh hoàn co rút không tự khỏi và không được cố định trong bìu. Những trường hợp này cần được điều trị y tế để tránh ảnh hưởng đến khả năng sinh sản.
Điều trị
Tinh hoàn co rút được đánh giá kỹ lưỡng trước khi điều trị. Có hai phương pháp điều trị, bao gồm:
- Di chuyển tinh hoàn bằng tay
Để đưa tinh hoàn về vị trí đúng, bác sĩ có thể dùng tay để di chuyển và đưa tinh hoàn co rút trở lại bìu. Di chuyển tinh hoàn bằng tay thường được thực hiện ngay sau khi chẩn đoán. Mặc dù mang đến hiệu quả ngay nhưng tinh hoàn có thể tiếp tục di chuyển trong tương lai.
- Phẫu thuật
Phẫu thuật được chỉ định cho những trường hợp tinh hoàn co rút tái phát nhiều lần và không thể di chuyển bằng tay. Phương pháp này thường được thực hiện ở tuổi đầu thời niên thiếu.
Khi thực hiện, bác sĩ sẽ tiến hành đưa tinh hoàn co rút về đúng vị trí. Sau đó làm hẹp đường màng bảo vệ. Điều này giúp ngăn tinh hoàn tiếp tục di chuyển lên vùng bẹn.
Một số lưu ý sau phẫu thuật:
-
- Nghỉ ngơi để cơ thể có thời gian phục hồi. Tránh đạp xe và những hoạt động thể thao cho đến khi bác sĩ cho phép.
- Chăm sóc vết mổ và thay băng thường xuyên để phòng ngừa nhiễm trùng.
- Thường xuyên theo dõi và đánh giá mức độ phục hồi trong vòng 6 tháng sau phẫu thuật.
- Mặc quần áo rộng rãi và thoáng mát.
Phòng ngừa
Những biện pháp dưới đây có thể giúp giảm nguy cơ mắc chứng tinh hoàn co rút.
- Mặc quần áo thoáng mát và rộng rãi
- Giữ ấm cơ thể khi thời tiết lạnh.
- Thường xuyên kiểm tra vị trí của tinh hoàn trong thời gian tắm rửa cho trẻ và thay tã. Nếu có bất thường, hãy đưa trẻ đến bệnh viện để được khám, xác định nguyên nhân và hướng xử lý.
Những câu hỏi quan trọng khi gặp bác sĩ
1. Nguyên nhân nào khiến con của tôi mắc chứng tinh hoàn co rút?
2. Tình trạng này có thể tự khỏi hay không?
3. Phương pháp điều trị nào được đề nghị?
4. Tôi có thể làm gì để tinh hoàn trở lại vị trí ban đầu?
5. Những rủi ro khi phẫu thuật là gì?
6. Có phương pháp nào thay thế cho cách điều trị hiện tại hay không?
7. Tinh hoàn co rút là tình trạng tạm thời hay vĩnh viễn?
Tinh hoàn co rút thường chỉ xảy ra ở trẻ em và có thể tự khỏi. Tuy nhiên phẫu thuật có thể được đề nghị nếu tình hoàn di chuyển nhiều lần và không ổn định trong bìu cho đến khi trẻ lớn hơn. Tốt nhất nên khám và hỏi ý kiến bác sĩ về cách xử lý thích hợp nhất.
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!