Bệnh Tổ Đỉa
Bệnh tổ đỉa là một trường hợp phổ biến của bệnh chàm. Mặc dù không gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe tổng thể nhưng tổn thương do bệnh lý gây ra ảnh hưởng trực tiếp đến làn da, gây đau rát, kéo dài dai dẳng, thậm chí là nhiễm trùng và gây ra nhiều biến chứng khác.
Tổng quan bệnh học
Tổ đỉa (Dyshidrosis) là một dạng viêm da phổ biến, thường ảnh hưởng đến ngón tay, ngón chân, lòng bàn thân hoặc bàn tay. Đây là bệnh ngoài da có tính chất mãn tính, rất khó để điều trị dứt điểm và ảnh hưởng không nhỏ đến sinh hoạt, chức năng thẩm mỹ của bệnh nhân.
Bệnh đặc trưng bởi những mụn nước li ti nằm sâu trong da. Sau vài tuần mụn nước sẽ có xu hướng tự vỡ gây ngứa, đau rát, hình thành vảy, khô ráp, nứt nẻ. Nếu không được chăm sóc tốt có thể dẫn đến nhiễm trùng và lan rộng sang những vùng da lân cận.
Các chuyên gia nhận thấy, bất kỳ ai cũng có thể bị bệnh tổ đỉa. Tuy nhiên, ở những người có cơ địa nhạy cảm, phát sinh phản ứng dị ứng sau khi tiếp xúc với dị nguyên sẽ xuất hiện các biểu hiện nặng hơn và cần được thăm khám, điều trị sớm nhất.
Nguyên nhân & Yếu tố nguy cơ
Nguyên nhân cụ thể gây ra bệnh tổ đỉa hiện vẫn chưa được xác định. Tuy nhiên, trong quá trình tiếp nhận và điều trị, các bác sĩ chuyên khoa nhận thấy bệnh lý có mối quan hệ mật thiết với các dị nguyên, cơ địa, yếu tố di truyền và những điều kiện thuận lợi khác.
Dưới đây là một số tác nhân gây làm tăng nguy cơ bùng phát các triệu chứng bệnh lý:
- Dị ứng: Các bệnh ngoài da nói chung và bệnh tổ đỉa nói riêng có thể bùng phát khi tiếp xúc với những tác nhân gây dị ứng, kích ứng như dị ứng thực phẩm, viêm mũi dị ứng, tiếp xúc với hóa chất,...
- Suy giảm hệ miễn dịch: Sức khỏe kém, hệ miễn dịch suy giảm là một trong những nguyên nhân phổ biến gây ra các thể chàm, trong đó có tổ đỉa. Khi đó, các mụn nước sâu trong da sẽ xuất hiện sau khi tiếp xúc một lượng nhỏ chất gây dị ứng.
- Đổ mồ hôi tay, chân: Đối với những thường xuyên đổ mồ hôi tay, chân sẽ dễ dẫn đến chàm da và phổ biến nhất là tổ đỉa.
Ngoài những tác nhân trên thì bệnh lý còn có nguy cơ khởi phát cao ở những đối tượng sau:
- Phụ nữ mang thai và sau sinh
- Đối tượng trong độ tuổi 20 - 40 tuổi
- Có tiền sử gia đình hoặc cá nhân bị viêm da tiếp xúc hoặc chàm
- Trường hợp được chỉ định tiêm globulin
- Thường xuyên tiếp xúc hóa chất, sống và làm việc trong môi trường ô nhiễm
Triệu chứng & Chẩn đoán
Các triệu chứng do bệnh tổ đỉa gây ra có thể dễ dàng nhận biết vì chúng khá đặc trưng. Thông thường, bệnh sẽ diễn tiến trong vòng vài tuần và bùng phát nhiều đợt trong năm. Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến sinh hoạt hàng ngày và chất lượng cuộc sống của bệnh nhân.
Dưới đây là một số dấu hiệu nhận biết bệnh lý:
- Khi mới khởi phát, trên kẽ ngón tay, chân, lòng bàn tay, bàn chân sẽ xuất hiện những mụn nước nhỏ có kích thước từ 1 - 2mm. Những mụn nước này có xu hướng liên kết lại với nhau tạo thành mảng bọc nước lớn.
- Tại vùng da bị ảnh hưởng có thể sưng đỏ, nóng rát, ngứa ngáy dữ dội và mụn nước nằm sâu trong da chuyển sang màu đục
- Sau một thời gian thì mụn nước dưới da sẽ khô lại, bong vảy và có thể dẫn đến nứt nẻ da, chảy máu
- Hiện tượng dày sừng có thể xảy ra ở người bệnh thường xuyên cào gãi, chà xát, nghiêm trọng hơn có thể dẫn đến nhiễm trùng
- Ngoài những biểu hiện trên da thì bệnh lý còn gây ra một số triệu chứng toàn thân như sốt cỏ khô, sưng hạch bạch huyết, cơ thể mệt mỏi,...
Mặc dù không đe dọa trực tiếp đến sức khỏe tổng thể nhưng bệnh tổ đỉa có tính chất mãn tính, thường xuyên tái phát và ảnh hưởng không nhỏ đến làn da, chức năng thẩm mỹ. Vì vậy, việc chẩn đoán bệnh để được điều trị đúng cách luôn cần thiết.
Bên cạnh thăm khám lâm sàng, quan sát tổn thương trên da, khai thác tiền sử bệnh lý, loại thuốc đang sử dụng, sản phẩm chăm sóc da, thực phẩm mới ăn thì bác sĩ còn yêu cầu bệnh nhân thực hiện một số kỹ thuật xét nghiệm cần thiết như:
- Sinh thiết da
- Kiểm tra dị ứng
- Xét nghiệm máu
Biến chứng & Tiên lượng
Bệnh tổ đỉa không có khả năng lây nhiễm sang cho người xung quanh. Đối với người bệnh thì tổn thương chỉ có thể tăng kích thước và lan ra mặt sau của bàn chân, bàn tay, ngón tay hoặc ngón chân chứ không lan đến những bộ phận khác trên cơ thể.
Tuy không có nguy cơ lây lan nhưng tổn thương do bệnh lý gây ra lại khiến cho bệnh nhân gặp không ít phiền toái như ngứa ngáy, đau rát, ảnh hưởng đến chất lượng giấc ngủ, sinh hoạt hàng ngày. Bên cạnh đó, khi mụn nước vỡ và dày sừng sẽ tác động tiêu cực đến chức năng thẩm mỹ, biến dạng móng.
Nếu không được chăm sóc đúng cách, vùng da bị tổn thương sẽ viêm nhiễm, tăng nguy cơ mắc các bệnh ngoài da hoặc thậm chí là nhiễm trùng máu. Từ đó dẫn đến các biến chứng nặng nề và kéo dài dai dẳng.
Như đã đề cập, bệnh tổ đỉa là một trường hợp viêm da đặc biệt, có tính chất mãn tính và rất khó điều trị dứt điểm. Bệnh chỉ có thể kiểm soát tốt khi can thiệp điều trị chuyên sâu và kết hợp các biện pháp chăm sóc khoa học.
Điều trị
Tùy theo mức độ tổn thương và các biểu hiện đi kèm mà bác sĩ sẽ chỉ định phương pháp điều trị bệnh tổ đỉa phù hợp. Thông thường, bệnh nhân sẽ được chỉ định dùng thuốc giảm ngứa, chống viêm, làm dịu vùng da bị tổn thương. Trường hợp không đáp ứng tốt sẽ cân nhắc can thiệp quang trị liệu để kiểm soát.
Dưới đây là các phương pháp điều trị tổ đỉa phổ biến:
Sử dụng thuốc
Các loại thuốc được dùng trong điều trị bệnh lý giúp làm giảm các biểu hiện lâm sàng, tạo điều kiện cho vùng da bị tổn thương phục hồi và ngăn ngừa nhiễm trùng và các biến chứng khác. Sau khi xem xét lịch sử dùng thuốc cũng như tiền sử dị ứng thuốc (nếu có), bác sĩ sẽ kê đơn thuốc phù hợp.
Một số loại thuốc thường được dùng trong chữa trị bệnh tổ đỉa, bao gồm:
- Thuốc bôi ngoài da: Cồn thuốc BSI 1 – 3%, thuốc tím pha loãng, dung dịch Milian, Tempovate, Bactroban, Dermovate Cream,... là những loại thuốc điều trị tại chỗ thường được chỉ định trong điều trị bệnh chàm tổ đỉa. Thuốc có tác dụng sát khuẩn, làm sạch vùng da bị tổn thương, ngăn ngừa nhiễm trùng và làm giảm các biểu hiện khó chịu do bệnh lý gây ra.
- Corticosteroid đường uống: Trường hợp không đáp ứng tốt nhóm thuốc điều trị tại chỗ, bác sĩ sẽ chỉ định thuốc Corticosteroid để kiểm soát triệu chứng. Thuốc mặc dù mang lại kết quả cao nhưng có thể gây ra một số tác dụng phụ nếu lạm dụng quá mức. Do đó, người bệnh nên dùng thuốc theo đúng quy định của bác sĩ để đạt được hiệu quả.
- Thuốc ức chế miễn dịch không steroid đường uống: Trong một số trường hợp, nhóm chống viêm không steroid cũng có để được chỉ định nhằm hạn chế tác dụng của của steroid gây ra. Một số loại thuốc có thể được chỉ định như viên nén mychophenolate, methotrexate, thuốc tiêm dupilumab,...
- Thuốc kháng histamin toàn hệ thống: Ngoài ra, một số loại thuốc kháng histamin đường uống cũng được chỉ định trong điều trị bệnh tổ đỉa, nhất là trường hợp dị ứng. Cetirizine, fexofenadine,... có tác dụng giảm ngứa, chống viêm hiệu quả.
Quang trị liệu
Quang trị liệu là phương pháp điều trị hiện đại thường được áp dụng trong chữa trị các bệnh ngoài da như viêm da bã tiết, viêm da tiếp xúc và các thể của bệnh chàm, bao gồm bệnh tổ đỉa. Thống kê nhận thấy, việc áp dụng phương pháp này có tỉ lệ thành công cao, giúp nhiều trường hợp kiểm soát tốt bệnh lý, đồng thời hạn chế tái phát trong thời gian dài.
Phương pháp này sẽ dùng tia cực tím, thường là tia UVB có bước sóng phù hợp để chiếu lên bề mặt da bị bệnh, từ đó giúp giảm ngứa ngáy, chống viêm, tăng cường sức khỏe cho làn da và góp phần vào quá trình tổng hợp vitamin D.
Tùy thuộc vào mức độ bệnh sẽ có liệu trình điều trị phù hợp. Nhìn chung, phương pháp điều trị này được đánh giá có độ an toàn cao, phù hợp với nhiều đối tượng và hạn chế phát sinh rủi ro, biến chứng.
Tuy nhiên, tia UVB có thể làm tăng sắc tố da, khiến làn da trở nên sẫm màu nên bệnh nhân cần chăm sóc tốt trong quá trình điều trị bệnh với liệu pháp ánh sáng. Trường hợp nhận thấy các biểu hiện bất thường trên da, nên chủ động thông báo với bác sĩ để được thăm khám và xử lý đúng cách.
Phòng ngừa
Không ít trường hợp bị bệnh tổ đỉa bắt nguồn từ thói quen chăm sóc da không đúng cách. Đây là căn bệnh viêm da mãn tính, có thể tái phát khi gặp điều kiện thuận lợi. Chính vì vậy, việc kiểm soát và phòng ngừa bệnh tái phát đóng vai trò rất quan trọng.
Dưới đây là một số biện pháp giúp phòng ngừa bệnh lý:
- Tránh xa các dị nguyên gây dị ứng như hóa chất, xà phòng, chất tẩy rửa,...
- Không dùng nước nóng để vệ sinh cơ thể, bởi điều này có thể khiến da trở nên khô ráp, đau rát hơn.
- Sử dụng các sản phẩm vệ sinh da tay, da chân có chứa thành phần lành tính, dịu nhẹ và cung cấp độ ẩm cần thiết để giúp quá trình phục hồi da diễn ra tốt nhất.
- Sau khi tắm cần sử dụng kem dưỡng ẩm để tăng dưỡng chất cho làn da, tăng cường hàng rào bảo vệ da trước những tác nhân gây bệnh.
- Đảm bảo da tay, da chân luôn được thông thoáng, tránh đổ nhiều mồ hôi, ẩm ướt vì yếu tố này có thể kích thích bệnh lý bùng phát.
- Ưu tiên các loại giày, tất, bao tay có chất liệu mềm mại, thấm hút tốt và hạn chế tổn thương da trong quá trình sử dụng.
- Không cào gãi, chà xát hoặc tác động vật lý lên vùng da bị tổn thương. Để làm giảm cảm giác ngứa ngáy, bạn có thể chườm mát hoặc ngâm với nước mát.
- Xây dựng chế độ ăn uống khoa học, lành mạnh, bổ sung các loại rau xanh, trái cây giàu vitamin, thịt, trứng sữa chứa khoáng chất tốt cho da và sức khỏe tổng thể.
- Từ bỏ các thói quen xấu làm tăng nguy cơ phát sinh bệnh lý như hút thuốc lá, sử dụng bia rượu, chất kích thích, ăn những món cay nóng, chứa nhiều dầu mỡ, thực phẩm có nguy cơ dị ứng cao,...
Những câu hỏi quan trọng khi gặp bác sĩ
- Bệnh chàm tổ đỉa có chữa khỏi không?
- Khi mắc bệnh tổ đỉa cần kiêng cữ gì?
- Thời gian điều trị tổ đỉa là bao lâu?
- Nổi mụn nước ở bộ phận khác thì có phải bị tổ đỉa không?
- Bệnh tổ đỉa có lây không?
- Chàm tổ đỉa và ghẻ nước có giống nhau không?
- Làm thế nào để phân biệt tổ đỉa và đậu mùa khỉ?
Bệnh tổ đỉa có thể gây nhiễm trùng da, biến dạng móng và nhiều biến chứng nặng nề. Do đó, việc chủ động thăm khám và điều trị là điều cần thiết. Bên cạnh đó, người bệnh cần chủ động trong việc chăm sóc và phòng ngừa bệnh tái phát.
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!