Trào Ngược Dịch Mật
Trào ngược dịch mật xảy ra khi các van giữ mật hoạt động không bình thường, mật trào ngược dẫn đến ăn mòn lớp lót của dạ dày và thực quản. Từ đó gây ra những tổn thương và viêm mô.
Tổng quan
Trào ngược dịch mật là tình trạng dịch mật (chất lỏng tiêu hóa được sản xuất trong gan) trào ngược vào dạ dày và thực quản (ống nối miệng và dạ dày).
Khi thức ăn di chuyển dọc theo đường tiêu hóa, các van lần lượt mở ra vừa đủ để dịch tiêu hóa và thức ăn đi qua, đến cơ quan tiếp theo mà không di chuyển ngược lại.
Khi những van này hoạt động không bình thường, tình trạng trào ngược sẽ xảy ra. Điều này khiến mật và một số dịch tiêu hóa khác chảy ngược vào dạ dày và thực quản. Từ đó ăn mòn lớp lót, làm tổn thương và gây viêm mô.
Trào ngược dịch mật có thể xuất hiện đồng thời với trào ngược axit dạ dày thực quản. Điều này thường dẫn đến sự kích ứng và viêm mô thực quản.
Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ
Mật được sản xuất trong gan và được giữ trong túi mật. Dịch này có tác dụng tiêu hóa chất béo. Đồng thời giúp tống độc tố và những tế bào hồng cầu bị hao mòn ra khỏi cơ thể.
Trào ngược dịch mật chủ yếu xảy ra do van môn vị (van giữ cho mật không thoát vào dạ dày) hoạt động không bình thường. Điều này khiến dịch mật không được giữ lại mà di chuyển đến dạ dày, gây ra những tổn thương.
Van môn vị bất thường có thể do những nguyên nhân sau:
- Suy giảm khả năng vận động: Điều này làm trì hoãn hoạt động van môn vị. Từ đó khiến dịch mật chảy xuống dạ dày.
- Phẫu thuật: Trào ngược dịch mật có thể xảy ra sau phẫu thuật. Tình trạng này thường gặp ở những người phẫu thuật cắt bỏ túi mật và phẫu thuật dạ dày (phẫu thuật bắc cầu da dày, cắt bỏ một phần hoặc toàn bộ dạ dày).
- Tắc nghẽn van môn vị: Mô sẹo hoặc loét tá tràng có thể làm tắc nghẽn van môn vị. Từ đó khiến van này hoạt động không bình thường.
Dịch mật và axit dạ dày có thể trào ngược vào thực quản khi cơ vòng thực quản dưới không hoạt động hoặc hoạt động không bình thường. Van này có chức năng ngăn cách thực quản và dạ dày.
Khi ăn, cơ vòng thực quản dưới mở ra đủ lâu để thức ăn di chuyển vào dạ dày. Tuy nhiên van này có thể bị suy yếu và không thể đóng lại. Từ đó dẫn đến sự trào ngược dịch mật vào thực quản.
Triệu chứng và chẩn đoán
Những triệu chứng của trào ngược dịch mật gồm:
+ Triệu chứng chung
- Buồn nôn
- Nôn ra mật (chất lỏng màu vàng xanh)
- Đau ở bụng trên. Cơn đau có thể nhẹ hoặc rất nghiêm trọng
- Ợ nóng thường xuyên. Người bệnh có cảm giác nóng rát ở ngực lan đến cổ họng, có vị chua trong miệng
- Thỉnh thoảng bị ho hoặc khàn giọng
- Sút cân
- Ăn uống khó tiêu.
+ Trào ngược dịch mật trong dạ dày
- Buồn nôn
- Chất nôn có màu vàng xanh
- Khó tiêu
- Đau bụng
- Trào ngược
+ Trào ngược dịch mật trong thực quản
- Trào ngược
- Ợ chua
- Đau họng
- Khàn tiến
- Chất nôn màu vàng xanh
Người bệnh được kiểm tra triệu chứng và tiền sử nhằm phát hiện những vấn đề của thực quản và dạ dày. Sau đó những xét nghiệm dưới đây sẽ được thực hiện để rõ hơn về tình trạng:
- Nội soi: Đặt ống nội soi có camera xuống cổ họng, vào dạ dày và ruột non. Điều này có thể giúp tìm thấy những tổn thương, bao gồm cả vết loét và ung thư.
- Sinh thiết: Nếu phát hiện bất thường trong khi nội soi, người bệnh sẽ được lấy mẫu mô để phân tích.
- Quét axit iminodiacetic gan mật (HIDA): Kỹ thuật này còn được gọi là xạ hình. Trong đó người bệnh được chụp X-quang để thu về hình ảnh theo dõi dòng chảy của mật từ gan đến dạ dày và ruột non.
- Giám sát Bilitec: Thông qua thiết bị so màu ảnh, bác sĩ có thể phát hiện hàm lượng dịch mật khi nó trào ngược lên thực quản.
- Xét nghiệm axit cấp cứu: Xét nghiệm này được thực hiện nhằm xác định thời điểm và thời gian axit dạ dày trào ngược vào thực quản. Từ đó phân biệt trào ngược axit dạ dày với trào ngược dịch mật. Trong khi thực hiện, một ống mỏng, linh hoạt và có đầu dò đo axit được luồn qua mũi đến thực quản. Nó được giữ trong khoảng 24 giờ để có kết quả chính xác nhất. Đôi khi đầu dò được gắn vào phần dưới của thực quản trong khi nội soi.
- Trở kháng thực quản: Xét nghiệm này giúp đo chất lỏng hoặc/ và khí trào ngược vào thực quản. Trở kháng thực quản thường được thực hiện ở những người nôn ra chất lỏng khôn
Biến chứng & Tiên lượng
Nếu không được điều trị sớm, trào ngược dịch mật có thể gây ra những biến chứng dưới đây:
- Trào ngược dạ dày thực quản
- Đau dạ dày hoặc thực quản
- Viêm dạ dày mãn tính
- Loét dạ dày
- Loét thực quản
- Viêm thực quản
- Thực quản Barrett
- Ung thư dạ dày
- Ung thư thực quản
Nguy cơ ung thư cao hơn ở những người có bệnh trào ngược dịch mật xuất hiện đồng thời với trào ngược dạ dày axit.
Điều trị
Trào ngược dịch mật thường được điều trị bằng thuốc. Những trường hợp nặng hơn, điều trị bảo tồn không hiệu quả sẽ được cân nhắc phẫu thuật.
1. Thuốc
Đơn thuốc điều trị trào ngược dịch mật thường bao gồm:
- Axit ursodeoxycholic: Thuốc Axit ursodeoxycholic thường được dùng để làm dịu các triệu chứng của trào ngược dịch mật. Thuốc này có tác dụng làm thay đổi lượng mật trong dạ dày.
- Chất cô lập axit mật: Colestid (colestipol), Welchol (colesevelam), Prevalite (cholestyramine)... là những chất cô lập axit mật thường được sử dụng. Thuốc liên kết với mật và làm cho mật trở nên kém hiệu quả hơn. Khi điều này xảy ra, lượng mật trào ngược sẽ bị thải ra khỏi cơ thể theo phân. Ngoài ra những chất cô lập axit mật còn giúp phá vỡ sự lưu thông của mật. Khi dùng, người bệnh có thể gặp một số tác dụng phụ như đầy hơi.
- Baclofen: Thuốc Baclofen có tác dụng làm giảm sự thư giãn của cơ vòng thực quản dưới. Từ đó ngăn trào ngược axit dạ dày.
- Các chất prokinetic: Bệnh nhân có thể được dùng các chất prokinetic để kích thích nhu động giữa ruột non và dạ dày. Từ đó giúp giảm nhẹ các triệu chứng.
- Sucralfat: Thuốc Sucralfat thường được dùng để bảo vệ dạ dày và thực quản khỏi tổn thương do trào ngược dịch mật. Khi sử dụng, thuốc này nhanh chóng tạo ra một lớp phủ bảo vệ niêm mạc trong dạ dày và thực quản.
2. Phẫu thuật
Phẫu thuật được đề nghị khi:
- Các triệu chứng không giảm khi dùng thuốc
- Có những thay đổi tiền ung thư ở thực quản hoặc dạ dày.
Những lựa chọn phẫu thuật:
- Phẫu thuật chuyển hướng: Đối với kỹ thuật này, bác sĩ tạo ra một kết nối mới để chuyển mật ra khỏi dạ dày.
- Phẫu thuật chống trào ngược: Bác sĩ tiến hành củng cố cơ vòng thực quản dưới bằng cách quấn phần dạ dày gần thực quản nhất và khâu quanh cơ vòng.
3. Biện pháp khắc phục tại nhà
Nếu trào ngược mật xuất hiện đồng thời với trào ngược axit, người bệnh có thể thay đổi lối sống để giảm nhẹ các triệu chứng.
- Bỏ thuốc lá: Hút thuốc lá có thể làm khô nước bọt bảo vệ thực quản và tăng lượng axit dạ dày được sản sinh.
- Hạn chế thức ăn béo: Hạn chế tiêu thụ những loại thực phẩm chiên, có nhiều dầu mỡ và chất béo. Bởi những bữa ăn nhiều chất béo có thể khiến cơ thắt thực quản dưới giãn ra. Đồng thời làm chậm quá trình thức ăn di chuyển ra khỏi dạ dày. Từ đó tăng mức độ trào ngược dạ dày thực quản và các triệu chứng.
- Chia nhỏ khẩu phần ăn: Nên ăn những bữa ăn nhỏ thay vì các bữa ăn lớn trong ngày. Điều này giúp giảm áp lực lên cơ vòng thực quản dưới, tránh các van mở ra không đúng lúc dẫn đến trào ngược axit.
- Tránh nằm sau khi ăn: Không nên nằm trong vòng 3 giờ sau bữa ăn. Điều này giúp giảm nguy cơ trào ngược dạ dày thực quản.
- Tránh thực phẩm có hại: Không tiêu thụ những loại đồ uống có ga và chứa caffein, nước xốt từ giấm, trái cây thuộc họ cam quýt, bạc hà, cà chua và những loại thực phẩm cay nóng. Bởi những loại thực phẩm và thức uống này có thể làm nặng hơn mức độ nghiêm trọng của bệnh.
- Tránh xa rượu: Không uống rượu để tránh kích thích thực quản và tăng mức độ giãn ra của cơ vòng thực quản.
- Duy trì cân nặng khỏe mạnh: Loại bỏ cân nặng dư thừa bằng cách ăn uống khoa học và luyện tập. Điều này giúp giảm áp lực lên dạ dày.
- Nâng cao giường: Nâng cao đầu giường khoảng 10 - 15cm. Điều này giúp hạn chế trào ngược dạ dày vào ban đêm, trong khi ngủ. Tuy nhiên không nên sử dụng thêm gối, hãy ngủ trên đệm xốp.
- Thư giãn: Tránh lo lắng và căng thẳng. Bởi căng thẳng về tinh thần có thể khiến quá trình tiêu hóa chậm lại, tăng nguy cơ trào ngược dạ dày và làm nặng hơn các triệu chứng. Nếu có căng thẳng, hãy thử tập yoga, ngồi thiền và hít thở sâu.
Phòng ngừa
Những cách giúp hạn chế trào ngược dịch mật:
- Sớm điều trị khỏi những bệnh lý có thể gây trào ngược dịch mật, chẳng hạn như loét tá tràng.
- Tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi can thiệp ngoại khoa ở dạ dày hoặc cắt bỏ túi mật.
- Tránh thuốc lá và rượu bia.
- Tránh căng thẳng và lo lắng. Nên dành nhiều thời gian nghỉ ngơi, yoga, hít thở sâu và suy nghĩ tích cực.
- Duy trì cân nặng khỏe mạnh để không làm tăng áp lực lên dạ dày.
- Tránh nằm sau khi ăn trong vòng 3 giờ.
- Tránh ăn quá no. Nên ăn vừa đủ, chia những bữa ăn lớn thành các bữa ăn nhỏ và ăn thường xuyên hơn.
- Thường xuyên tập thể dục, ăn uống đầy đủ dinh dưỡng và lành mạnh để duy trì những hoạt động bình thường của cơ thể.
Những câu hỏi quan trọng khi gặp bác sĩ
1. Phương pháp điều trị nào được đề xuất?
2. Quá trình điều trị kéo dài bao lâu?
3. Mất bao lâu để tôi cảm thấy tốt hơn?
4. Có tác dụng phụ liên quan đến phương pháp chữa bệnh hay không?
5. Tôi có cần thay đổi lối sống và ăn uống không?
6. Có điều gì cần tránh khi điều trị không?
7. Tôi có nguy cơ gặp biến chứng do trào ngược dịch mật không?
Trào ngược dịch mật có thể xuất hiện đồng thời với trào ngược axit dạ dày và gây ra nhiều biến chứng. Để ngăn ngừa, hãy tiến hành điều trị theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa.
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!