Trật Khớp Cùng Đòn
Trật khớp cùng đòn chủ yếu do ngã đập vai xuống nền cứng khiến xương đòn ở vai bị đẩy ra khỏi vị trí bình thường. Tình trạng này thường kèm theo rách hoặc đứt dây chằng, gây đau đớn dữ dội.
Tổng quan
Trật khớp cùng đòn là tình trạng trật khớp giữa đầu ngoài xương đòn (ở vai) và mỏm cùng vai. Trong đó xương đòn bị đẩy ra khỏi vị trí bình thường. Điều này khiến dây chằng giữ khớp bị tổn thương, khớp biến dạng, mất ổn định kèm theo đau đớn dữ dội.
Khớp cùng đòn nằm ở vị trí trên cùng vai, được giữ vững bởi dây chằng nón, dây chằng cùng đòn và dây chằng thang. Trong đó dây chằng nón và dây chằng thang có chức năng giữ vững bên dưới khớp cùng đòn, ngăn xương đòn di chuyển lên trên và ngăn phức hợp vai cánh tay di chuyển xuống dưới.
Bao khớp và dây chằng cùng đòn có chức năng giữ vững khớp cùng đòn trên mặt phẳng ngang. Chính vì thế mà dây chằng này rất dễ bị rách hoặc đứt hoàn toàn ở những bệnh nhân bị trật khớp cùng đòn.
Phân loại
Phân loại trật khớp cùng đòn dựa trên mức độ nghiêm trọng. Có 6 mức độ (từ I - VI), trong đó mức độ I, II và III rất phổ biến; mức độ IV, V và VI ít khi xảy ra, thường chỉ gặp ở những người có chấn thương rất mạnh, điển hình như trong tai nạn giao thông.
+ Độ I
- Trật nhẹ khớp cùng đòn
- Dây chằng cùng đòn bị giãn nhưng chưa rách, dây chằng quạ đòn còn nguyên, bao khớp giãn nhẹ
- Đau đớn tại khớp cùng quạ đòn, hạn chế chuyển động vai
- Chụp X-quang không nhìn thấy biểu hiện bất thường.
+ Độ II
- Bán trật khớp cùng đòn
- Giãn dây chằng quạ đòn, đứt dây chằng cùng đòn, bao khớp bị rách
- Nhìn thấy đầu ngoài xương đòn (vùng bị thương) hơi nhô cao hơn so với mỏm cùng vai
- Đau tại vùng gian quạ - đòn khi ấn và có dấu hiệu phím đàn
- Biểu hiện trên hình ảnh X-quang:
- Khớp cùng đòn giãn rộng và đầu ngoài xương đòn hơi nhô cao
- Chụp X-quang căng thẳng không thấy bất thường so với bên lành
- Vai bệnh lệch lên trên khoảng 25% so với vai lành
+ Độ III
- Trật hoàn toàn khớp cùng đòn. Trong đó đầu ngoài xương đòn nhô lên cao và lệch so với bên đối diện (khoảng 25 - 100%), đứt hoàn toàn dây chằng quạ đòn, dây chằng cùng đòn và bao khớp, tổn thương mạc cân cơ thang và cơ delta
- Quan sát thấy đầu ngoài xương đòn nhô cao rõ rệt
- Bệnh nhân đau nhiều và khó nâng cánh tay
- Chụp X-quang thông thường thấy đầu xương đòn bên bệnh nhô cao rõ rệt so với mỏm cùng vai
- Chụp X-quang căng thẳng thấy tăng 25% ở khoảng gian quạ - đòn.
+ Độ IV
- Đầu ngoài xương đòn trật ra phía sau, xuyên qua hoặc đi vào cơ thang, đứt toàn bộ bao khớp và dây chằng, rách cơ delta và mạc cân cơ thang
- Đau đớn nghiêm trọng
- Quan sát thấy đầu ngoài xương đòn bị trật / lệch ra sau so với mỏm cùng vai
- Chụp X-quang hoặc chụp CT Scan cho thấy đầu ngoài xương đòn lệch ra sau.
+ Độ V
- Đầu ngoài xương đòn bị lệch rõ rệt, trên 100% so với bên đối diện
- Toàn bộ dây chằng và bao khớp đều bị đứt, rách cơ delta và mạc cân cơ thang
- Quan sát thấy da gồ lên nhiều, khớp cùng vai lỏng lẻo và mất ổn định
- Bệnh nhân đau đớn nghiêm trọng và không thể vận động
- Chụp X-quang thấy di lệch 300% so với bên lành, khoảng gian quạ - đòn tăng lên 100%
+ Độ VI
- Xương đòn lệch xuống dưới mỏm cùng vai hoặc mỏm quạ, đầu ngoài xương đòn di lệch nhiều, hẹp khoảng gian quạ - đòn
- Toàn bộ dây chằng và bao khớp đều bị đứt, rách cơ delta và mạc cân cơ thang
- Bệnh nhân đau đớn rất nghiêm trọng, không thể vận động, mất ổn định khớp
- Chụp X-quang thấy đầu ngoài xương đòn nằm dưới mỏm cùng vai hoặc dưới mỏm quạ.
Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ
Trật khớp cùng đòn chủ yếu xảy ra do người bệnh té va đập vùng vai, chẳng hạn như chấn thương thể thao hoặc tai nạn giao thông. Có 2 cơ chế chấn thương gồm:
- Chấn thương trực tiếp: Bệnh nhân ngã đập thẳng vùng vai xuống nền cứng. Tổn thương cũng có thể xảy ra do dùng vật cứng đánh mạnh vài phía trước vai.
- Chấn thương gián tiếp: Ngã chống tay tạo thành một lực truyền từ cánh tay đến khớp cùng đòn và gây trật khớp.
Triệu chứng và chẩn đoán
Triệu chứng của trật khớp cùng đòn thường nghiêm trọng và đột ngột.
- Đau đầu xương đòn trên mỏm cùng vai
- Đau nhiều, xảy ra đột ngột và kéo dài
- Đau thường lan rộng, nghiêm trọng hơn khi ấn vào hoặc chuyển động vai
- Biến dạng vai rõ rệt, đầu ngoài xương đòn nhô lên cao
- Da bị gồ lên
- Nghe thấy tiếng bốp hoặc tách tại thời điểm bị thương
- Cứng khớp
- Phạm vi chuyển động bị hạn chế, khó cứ động hoặc nâng cánh tay lên cao
- Sưng tấy
- Bầm tím
- Xuất hiện dấu hiệu phím đàn. Ấn xuống thấy xương đòn trở về vị trí cũ nhưng nhanh chóng bật ra khi bỏ tay ra ngoài
Bác sĩ thường hỏi về cách chấn thương xảy ra và kiểm tra triệu chứng để chẩn đoán trật khớp cùng đòn. Trong quá trình khám, bác sĩ quan sát vai bị thương, xác định biến dạng khớp cùng đòn; ấn nhẹ xác định vị trí đau và dấu hiệu phím đàn. Bác sĩ cũng có thể yêu cầu người bệnh thử nâng cánh tay để đánh giá phạm vi chuyển động.
Để đánh giá thêm về tổn thương và phân độ trật khớp, bệnh nhân được chỉ định các xét nghiệm gồm:
- Chụp X-quang: Chụp X-quang vai và nách có thể nhìn thấy biến dạng tại khớp cùng đòn do trật khớp, đánh giá mức độ lệch và hướng lệch của xương đòn. Có 3 kiểu chụp gồm:
- Chụp X-quang khớp vai 3 tư thế: Chụp X-quang nách, vai thẳng và xương vả vai chữ Y.
- Chụp X-quang căng thẳng: Bệnh nhân đeo tạ khoảng 4 - 6 kg, sau đó chụp X-quang và so sánh hai bên vai.
- Chụp X-quang Zanca: Dùng tia X chụp ảnh với đầu phát tia chếch khoảng 15 độ hướng về phía đầu để quan sát đầu khớp cùng đòn.
- Chụp CT: Những trường hợp nặng sẽ được chụp CT. Kỹ thuật này tạo hình ảnh đa chiều, chi tiết hơn về khớp cùng đòn so với X-quang. Kiểm tra có thể đánh giá mức độ di lệch và xác định những tổn thương mô mềm.
Biến chứng và tiên lượng
Trật khớp cùng đòn là chấn thương nghiêm trọng. Những trường hợp này cần được điều trị sớm để ngăn tổn thương thêm cho bao khớp, cơ và dây chằng. Đồng thời tăng khả năng phục hồi hoàn toàn cho khớp cùng vai.
Nếu không được điều trị tốt và kịp thời, một vài biến chứng dưới đây có thể xảy ra:
- Đau vai mãn tính
- Biến dạng khớp vĩnh viễn
- Mất ổn định khớp và giảm sức mạnh
- Giảm hoặc mất phạm vi chuyển động ở vai bị thương
- Liệt do tổn thương đám rối cánh tay
Điều trị
Những trường hợp trật khớp cùng đòn sẽ được điều trị dựa trên mức độ di lệch, tổn thương mô và các triệu chứng. Trật khớp độ I, II và mức độ III không có nhu cầu vận động nhiều được điều trị bảo tồn. Trong khi đó những mức độ nặng hơn sẽ được phẫu thuật.
1. Điều trị bảo tồn
Điều trị bảo tồn cho trật khớp cùng đòn gồm những phương pháp sau:
- Nghỉ ngơi
Nghỉ ngơi hoàn toàn trong 48 giờ đầu sau chấn thương vai. Điều này giúp ngăn tổn thương thêm do trật khớp, tạo điều kiện cho các dây chằng và bao khớp phục hồi. Nghỉ ngơi cũng giúp làm dịu cơn đau.
Tránh thực hiện những hoạt động gây bất lợi cho khớp và khiến cơn đau nghiêm trọng hơn.
- Chườm đá
Ngay khi bị thương, hãy đặt một túi đá (bọc trong khăn bông) lên vai khoảng 20 phút. Biện pháp này có tác dụng giảm bớt tình trạng tụ máu, giảm sưng và đau. Chườm lạnh mỗi 3 giờ, trong 3 ngày đầu.
- Đeo túi treo tay
Bệnh nhân bị trật khớp cùng đòn được hướng dẫn đeo túi treo tay hoặc mang áo Desault hỗ trợ từ 4 - 6 tuần. Điều này giúp cố định và bảo vệ khớp, ngăn xương đòn di lệch và tổn thương thêm. Đeo túi treo tay cũng giúp giữ cho khớp ổn định để dây chằng và bao khớp có thời gian tự chữa lành.
- Dùng thuốc giảm đau
Dùng thuốc để giảm đau do trật khớp cùng đòn. Dựa vào mức độ đau, một trong 2 nhóm thuốc dưới đây có thể được sử dụng:
-
- Acetaminophen: Dùng Acetaminophen liều 500mg/ lần có thể giúp giảm cơn đau nhẹ do trật khớp cùng đòn.
- Thuốc chống viêm không steroid (NSAID): NSAID giúp điều trị đau và sưng do trật khớp. Những trường hợp nhẹ đến vừa thường được hướng dẫn sử dụng NSAID không kê đơn, chẳng hạn như Naproxen natri, Aspirin hoặc Ibuprofen.
Những trường hợp không đáp ứng với Acetaminophen hoặc thuốc chống viêm không steroid (NSAID) sẽ được cân nhắc sử dụng một loại thuốc giảm đau mạnh hơn.
- Vật lý trị liệu
Vật lý trị liệu được thực hiện sau khi sưng và đau giảm, khớp cùng đòn đã ổn định. Trong 4 - 6 tuần đầu, bệnh nhân được hướng dẫn các bài tập giúp tăng phạm vi chuyển động cho vai, giảm co thắt và kích thích sự chữa lành của dây chằng.
Trong những tuần tiếp theo, bài tập tăng cường cơ và khớp sẽ được thực hiện. Những bài tập này giúp tăng sự ổn định cho khớp, lấy lại sức mạnh. Đồng thời giúp phục hồi phạm vi chuyển động và chức năng hoàn toàn.
2. Phẫu thuật
Phẫu thuật điều trị trật khớp cùng đòn cho những trường hợp sau:
- Trật độ III và có nhu cầu vận động nhiều
- Trật độ IV, V và VI, có di lệch nhiều
Những kỹ thuật cụ thể:
- Cố định khớp cùng đòn
Cố định khớp cùng đòn được chỉ định cho những trường hợp trật khớp cấp tính (dưới 3 tuần). Trong kỹ thuật này, bác sĩ tạo vết mổ gần khớp bị trật, sắp xếp lại xương đòn để điều chỉnh khớp.
Sau dó sử dụng nẹp móc hoặc đinh Kirschner để cố định đầu ngoài xương đòn vào khớp cùng đòn. So với đinh Kirschner, nẹp móc thường được sử dụng phổ biến hơn do có khả năng cố định chắc chắn, không có nguy cơ lệch khi vận động và quy trình đơn giản.
- Cố định xương đòn bằng mỏm quạ
Cố định xương đòn bằng mỏm quạ được dùng để điều trị cho hầu hết bệnh nhân bị trật khớp cùng đòn từ độ III trở lên. Phương pháp này giúp cố định xương đòn ở vị trí giải phẫu, phục hồi dây chằng quạ đòn và tái tạo dây chằng mới.
Phương pháp cố định xương đòn bằng mỏm quạ gồm những kỹ thuật sau:
-
- Bắt vít quạ - đòn, vòng chỉ: Kỹ thuật này được chỉ định cho bệnh nhân bị trật khớp cùng đòn cấp tính. Trong đó vít sẽ được bắt từ đầu ngoài xương đòn xuống mỏm quạ. Đôi khi vòng chỉ siêu bền được sử dụng để buộc cố định đầu ngoài xương đòn xuống mỏm quạ. Sau khi lành, vít và vòng chỉ sẽ được tháo ra.
- Sửa chữa dây chằng quạ đòn: Bác sĩ có thể thực hiện kỹ thuật Arthrex Tightrope hoặc Arthrex Graftrope. Trong đó Arthrex Tightrope sử dụng chỉ cứng số 5 và một số nút để cố định khớp cùng đòn, tái cấu trúc dây chằng quạ đòn. Arthrex Graftrope sử dụng mô ghép tự thân và chỉ cố định để điều trị, giúp dây chằng được tái tạo và lành lại tự nhiên.
- Tái tạo dây chằng: Bác sĩ tái tạo dây chằng bằng cách sử dụng gân cơ chày trước và gân kheo tự thân.
Sau phẫu thuật, bệnh nhân được mang đai số 8 cố định tạm, dùng thuốc để giảm đau và dự phòng nhiễm trùng, vệ sinh và thay băng vết mổ hàng ngày. Ngoài ra người bệnh sẽ được tập phục hồi chức năng bằng các bài tập thích hợp.
Phòng ngừa
Loại bỏ nguy cơ té ngã và bảo vệ khớp để ngăn ngừa trật khớp cùng đòn. Cụ thể:
- Mang dép hoặc dùng thảm chống trượt trong nhà tắm.
- Tránh đi trên những địa hình trơn trượt, dễ té ngã.
- Hạn chế chơi những môn thể thao mạo hiểm.
- Mặc đồ bảo hộ an toàn khi làm việc trên cao hoặc tham gia những môn thể thao tiếp xúc.
- Chú ý quan sát khi tham gia giao thông.
Những câu hỏi quan trọng khi gặp bác sĩ
1. Tôi bị trật khớp cùng đòn hay có chấn thương khác?
2. Tôi bị trật khớp độ mấy?
3. Phác đồ điều trị như thế nào?
4. Mất bao lâu để chữa khỏi?
5. Khớp bị thương có khả năng phục hồi hoàn toàn hay không?
6. Tôi có cần phẫu thuật không?
7. Khi nào có thể tiếp tục hoạt động thể chất hoặc tham gia thể thao?
8. Có những điều gì cần tránh khi bị chấn thương?
Trật khớp cùng đòn thường gặp ở người bị tai nạn giao thông hoặc chấn thương thể thao. Tình trạng này gây biến dạng khớp rõ rệt, đau đớn và mất một vài chức năng. Tốt nhất nên điều trị sớm để tăng khả năng phục hồi hoàn toàn và tránh các biến chứng.
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!