Trượt Đốt Sống
Trượt đốt sống xảy ra khi đốt sống trượt khỏi vị trí của nó, lệch ra trước hoặc ra sau so với đốt sống bên dưới. Đây là nguyên nhân phổ biến gây đau lưng dưới ở thanh thiếu niên và người lớn.
Tổng quan
Trượt đốt sống là tình trạng đốt sống (xương cột sống) di chuyển nhiều hơn bình thường, trượt ra trước hoặc ra sau so với đốt sống liền kề và bên dưới nó. Điều này gây ra sự mất ổn định của cột sống, tăng áp lực lên dây thần kinh dẫn đến đau lưng dưới hoặc/ và đau chân.
Hầu hết trường hợp liên quan đến thoái hóa đốt. Tuy nhiên trượt đốt sống cũng có thể do chấn thương và nhiều nguyên nhân khác. So với người trẻ, bệnh phổ biến hơn ở người trên 50 tuổi.
Phân loại
Trượt đốt sống được phân thành nhiều loại, bao gồm:
- Trượt đốt sống bẩm sinh: Loại này xảy ra ở những trẻ có cột sống phát triển không bình thường trước khi sinh. Các đốt sống bị lệch (không thẳng hàng) khiến người bệnh có nguy cơ bị trượt trong tương lai.
- Trượt đốt sống do khuyết eo: Loại này xảy ra khi xương đốt sống mỏng hơn bình thường, có vết nứt hoặc gãy khiến các xương suy yếu. So với nữ giới, trượt do khuyết eo phổ biến ở nam giới, tỉ lệ mắc bệnh giữa nam và nữ là 2:1.
- Trượt đốt sống do thoái hóa: Đây là loại phổ biến nhất, xảy ra do lão hóa. Những đĩa đệm đốt sống bắt đầu mất nước, giảm đàn hồi và mòn đi theo thời gian. Khi những đĩa đệm mỏng đi, xương cột sống sẽ có nhiều khả năng trượt ra khỏi vị trí của nó.
- Trượt đốt sống do chấn thương: Trượt xương cột sống thường gặp ở những người trẻ, hoạt động thể chất hoặc chơi thể thao thường xuyên. Loại này xảy ra khi có một chấn thương mạnh khiến xương đốt sống bị đẩy khỏi vị trí của nó.
- Trượt đốt sống bệnh lý: Loãng xương, khối u hoặc một bệnh lý khác khiến xương cột sống trượt khỏi vị trí trung tâm. Tình trạng này được gọi là trượt đốt sống bệnh lý.
- Trượt đốt sống do phẫu thuật: Loại này xảy ra khi xương bị trượt do phẫu thuật cột sống.
Dựa trên mức độ di lệch, bệnh được phân thành 5 cấp độ dưới đây, bao gồm:
- Cấp I: Trượt < 25% thân đốt sống
- Cấp II: Trượt từ 26 - 50% thân đốt sống
- Cấp III: Trượt từ 51 - 75% thân đốt sống
- Cấp IV: Trượt > 75% thân đốt sống
- Cấp V: Trượt hoàn toàn. Trong đó đốt sống của bạn hoàn toàn trượt khỏi bề mặt của thân đốt sống dưới.
Trượt cấp thấp (cấp I và II) thường xảy ra ở thanh thiếu niên và liên quan đến thoái hóa. Những trường hợp này thường không cần phẫu thuật.Trượt cấp cao (cấp III, IV và V) có thể gây đau nhiều và cần phải phẫu thuật để điều trị.
Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ
Trượt đốt sống xảy ra khi một đốt sống trượt khỏi vị trí của nó. Tình trạng này xảy ra do nhiều nguyên nhân, bao gồm:
- Thoái hóa đốt sống
Phần lớn các trường hợp trượt đốt sống do thoái hóa đốt sống. Sự thoái hóa làm mòn đĩa đệm giữa những đốt sống và các bề mặt khớp. Điều này khiến cột sống mất vững và gây ra tình trạng trượt các xương.
Ngoài ra thoái hóa đốt sống khiến xương phát triển quá mức trên bề mặt khớp. Điều này khiến diện tích bề mặt có sự không đồng đều và không ổn định. Từ đó làm giảm khả năng giữ nguyên vị trí của những đốt sống.
- Kéo căng cột sống quá mức
Cột sống bị kéo căng quá mức là một trong những nguyên nhân chính của trượt đốt sống, thường gặp ở những vận động viên trẻ. Khi cột sống bị kéo căng quá mức và chịu nhiều áp lực, những đốt sống sẽ bị kéo ra khỏi vị trí bình thường, dẫn đến tình trạng trượt.
- Di truyền
Di truyền là một yếu tố quan trọng gây ra tình trạng trượt xương cột sống bẩm sinh và trượt do khuyết eo. Yếu tố này khiến một người sinh ra với xương đốt sống mỏng hơn (khuyết eo), cột sống phát triển không bình thường với những đốt sống bị lệch.
Những yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh:
- Bệnh thường gặp ở những vận động viên trẻ (thanh thiếu niên và trẻ em). Bệnh đặc biệt phổ biến ở những trẻ chơi bóng đá và bộ môn kéo giãn cột sống (như thể dục dụng cụ).
- Trẻ em và thanh thiếu niên.
- Người lớn sau 50 tuổi. Khi già đi, sự hao mòn làm suy yếu đốt sống, gai xương phát triển trên bề mặt khớp khiến diện tích bề mặt có sự không đồng đều và không ổn định. Từ đó làm tăng nguy cơ mắc bệnh.
- Được sinh ra với những vùng cột sống mỏng hơn, dễ gãy và trượt.
Triệu chứng và chẩn đoán
Đốt sống trượt ra khỏi vị trí làm tăng áp lực lên xương bên dưới. Tuy nhiên hầu hết các trường hợp không có triệu chứng trong giai đoạn nhẹ. Ở những giai đoạn nặng hơn, người bệnh có thể nhận thấy những dấu hiệu và triệu chứng dưới đây:
- Đau lưng dưới, đau âm ỉ kéo dài hoặc đau nhói
- Đau khi đi, đứng lâu, uốn cong cột sống hoặc cúi người
- Đau giảm hoặc hết khi nằm nghỉ
- Đau kéo dài và tăng tần suất theo thời gian
- Đau lan xuống mông và đùi
- Cứng lưng
- Co thắt cơ ở gân kheo (cơ mặt sau của đùi)
- Khó đi lại, khó đứng lên từ tư thế ngồi
- Tê, yếu hoặc ngứa ran bàn chân (do tăng áp lực lên dây thần kinh)
- Thay đổi tư thế và dáng đi
- Đi hơi khom lưng về phía trước
- Vẹo cột sống sang bên
Trong khi thăm khám, người bệnh được kiểm tra sức khỏe, dáng đi hoặc đứng, vị trí và mức độ đau. Ngoài ra người bệnh sẽ được chụp ảnh cột sống để xác định nguyên nhân gây ra bất thường.
- Chụp X-quang cột sống: Chụp X-quang cho thấy tình trạng lệch đốt sống, các khiếm khuyết hoặc gãy xương. Từ đó xác định nguyên nhân gây đau cột sống.
- Chụp CT hoặc MRI: Để xem xét cột sống một cách chi tiết hơn, bác sĩ có thể yêu cầu chụp MRI hoặc CT. Những kỹ thuật này tạo ra hình ảnh rõ nét về xương và mô mềm xung quanh. Từ đó xác định chính xác nguyên nhân gây đau, đánh giá tổn thương của đĩa đệm và dây thần kinh.
Biến chứng và tiên lượng
Trượt đốt sống cần được điều trị bằng phương pháp thích hợp. Trong đó phẫu thuật có tỉ lệ thành công cao, người bệnh có thể trở lại cuộc sống năng động trong vòng 2 tháng sau điều trị.
Khi không được can thiệp sớm, xương cột sống trượt nhiều gây ra những cơn đau nhức nghiêm trọng, giảm khả năng vận động và di chuyển bình thường. Điều này khiến người bệnh có nguy cơ dị tật cao.
Điều trị
Điều trị dựa vào mức độ di lệch của đốt sống. Những trường hợp trượt cấp thấp (cấp I và II) có thể điều trị bảo tồn. Trong khi trượt cấp cao (cấp III, IV và V) cần phải phẫu thuật.
1. Điều trị không phẫu thuật
Những phương pháp điều trị không phẫu thuật (như thuốc, vật lý trị liệu...) không thể giúp hồi phục vết nứt hoặc trượt. Tuy nhiên việc kiên trì áp dụng có thể giúp giảm đau lâu dài.
Dưới đây là những phương pháp thường được áp dụng:
+ Nghỉ ngơi
Người bệnh được khuyên nghỉ ngơi đầy đủ, tránh thực hiện những hoạt động và thể thao quá vất vả. Điều này có thể ngăn tổn thương thêm và giảm nhẹ các cơn đau.
+ Thuốc
- Thuốc chống viêm không steroid (NSAID): Naproxen hoặc Ibuprofen có thể được dùng để giảm đau và ngăn viêm.
- Tiêm thuốc steroid: Thuốc Corticosteroid được tiêm trực tiếp vào vùng ảnh hưởng để giảm đau. Thuốc này mang đến hiệu quả giảm đau nhanh chóng và giúp chống viêm mạnh. Tiêm Corticosteroid thường được thực hiện khi điều trị bằng NSAID không hiệu quả.
+ Nẹp
Nẹp có thể được sử dụng để ổn định cột sống, giảm đau lưng và ngăn trượt đốt sống thêm nghiêm trọng. Ngoài ra thiết bị này giúp hạn chế chuyển động, cho phép vết gãy và những tổn thương khác có thời gian lành lại. Tuy nhiên thiết bị này thường không được sử dụng ở người lớn.
+ Vật lý trị liệu
Người bệnh được hướng dẫn những bài tập có mục tiêu để làm mạnh các cơ ở lưng và bụng. Điều này giúp tăng cường sự hỗ trợ cho cột sống, tăng dẻo dai và ngăn đốt sống tiếp tục dịch chuyển.
Ngoài ra vận động trị liệu còn giúp giảm đau, cải thiện tư thế và tăng khả năng vận động bình thường. Vật lý trị liệu thường kéo dài trong vài tháng.
2. Phẫu thuật
Phẫu thuật được thực hiện cho những bệnh nhân bị trượt đốt sống ở mức độ nặng, đau dữ dội và điều trị bảo tồn không hiệu quả. Phương pháp này có thể giúp điều chỉnh đốt sống bị trượt, giảm đau, ổn định cột sống và khôi phục chức năng.
Thông thường người bệnh sẽ được phẫu thuật giải nén, có hoặc không có hợp nhất cột sống.
- Giải nén: Trong khi thực hiện, bác sĩ sẽ tiến hành loại bỏ xương và đĩa đệm khỏi cột sống, tạo không gian cho các dây thần kinh trong ống sống. Từ đó giúp giảm đau và tê yếu.
- Hợp nhất: Phẫu thuật hợp nhất bao gồm việc kết nối hai đốt sống bị ảnh hưởng bằng thanh hoặc tấm kim loại và đinh vít. Sau quá trình này, các đốt sống phát triển cùng nhau và tạo thành một xương. Từ đó loại bỏ những chuyển động có thể gây đau. Tuy nhiên điều này sẽ làm hạn chế tính linh hoạt của cột sống.
Phẫu thuật có tỉ lệ thành công cao. Trong vòng vài tháng sau phẫu thuật và cơn đau biến mất, người bệnh có thể trở lại cuộc sống năng động, tiếp tục các hoạt động thường ngày. Bác sĩ có thể yêu cầu phục hồi chức năng sau mổ để lấy lại đầy đủ chức năng.
Phòng ngừa
Nguy cơ trượt đốt sống có thể giảm nếu áp dụng những biện pháp dưới đây:
- Duy trì thói quen tập thể dục mỗi ngày để tăng cường sự dẻo dai và tính linh hoạt cho cột sống. Ngoài ra nên thường xuyên thực hiện các bài tập tăng cường cơ bụng và cơ lưng săn chắc. Điều này giúp giữ cho cột sống được ổn định, giảm nguy cơ trượt đốt sống.
- Luyện tập vừa sức. Nếu chơi thể thao hoặc hoạt động cường độ cao, hãy dành thời gian nghỉ giải lao để khớp xương và cơ bắp được phục hồi.
- Hạn chế những hoạt động cần kéo giãn cột sống quá mức.
- Duy trì cân nặng khỏe mạnh. Thừa cân có thể gây thêm căng thẳng cho lưng và tăng nguy cơ trượt xương cột sống.
- Thực hiện một chế độ ăn uống cân bằng, đầy đủ dinh dưỡng cần thiết. Điều này giúp giữ cho xương được nuôi dưỡng tốt, xương chắc khỏe và giảm nguy cơ thoái hóa.
Những câu hỏi quan trọng khi gặp bác sĩ
1. Nguyên nhân nào gây ra các triệu chứng của tôi?
2. Có bao nhiêu đốt sống bị ảnh hưởng, vị trí?
3. Những biện pháp nào giúp tôi cảm thấy tốt hơn khi ở nhà?
4. Phương pháp điều trị nào phù hợp?
5. Tôi cần làm gì để ngăn trượt đốt sống thêm nghiêm trọng?
6. Sau điều trị, tôi nên làm gì để ngăn trượt đốt sống quay trở lại?
7. Tôi có thể tiếp tục những hoạt động hoặc thể thao ưa thích không?
Trượt đốt sống có nhiều cấp độ khác nhau. Những trường hợp nhẹ có thể điều trị bảo tồn, không cần phẫu thuật. Những trường hợp nặng có thể phục hồi hoàn toàn sau khi phẫu thuật và luyện tập. Điều quan trọng là sớm khám và nghe theo hướng dẫn điều trị của bác sĩ.