Trượt Đốt Sống Thắt Lưng
Trượt đốt sống thắt lưng xảy ra khi một trong các đốt sống ở lưng dưới trượt ra khỏi vị trí của nó. Tình trạng này gây đau lưng lan tỏa kèm theo mất vững. Để điều trị, bệnh nhân sẽ được chỉ định dùng thuốc và vật lý trị liệu.
Tổng quan
Trượt đốt sống thắt lưng là tình trạng đốt sống của cột sống thắt lưng (lưng dưới) di chuyển nhiều hơn bình thường hoặc trượt ra khỏi vị trí của nó. Hầu hết mọi người có đốt sống ảnh hưởng trượt về phía trước so với đốt sống ngay bên dưới.
Đốt sống bị lệch có thể gây áp lực lên dây thần kinh dẫn đến đau thắt lưng lan xuống mông và chân. Cơn đau thường nghiêm trọng nhưng có thể điều trị được trong hầu hết trường hợp.
Phân loại
Trượt đốt sống thắt lưng được phân loại dựa trên trên nguyên nhân và mức độ nghiêm trọng.
+ Phân loại theo nguyên nhân
- Trượt đốt sống bẩm sinh (loại I)
Trượt đốt sống bẩm sinh là tình trạng trượt đốt sống xảy ra một cách tự nhiên trong những năm phát triển hoặc bẩm sinh đã bị trượt đốt sống. Cả hai trường hợp này đều không có bất kỳ triệu chứng hoặc vấn đề nào cho đến khi trưởng thành.
Trượt đốt sống bẩm sinh xảy ra khi thai nhi có cột sống không hình thành như bình thường. Những đốt sống bị lệch và mất ổn định làm tăng nguy cơ trượt đốt sống thắt lưng trong tương lai.
- Trượt đốt sống eo (loại II)
Trượt đốt sống eo liên quan đến gãy xương và vết nứt khiến xương suy yếu và dễ trượt. Đây là loại phổ biến nhất, xảy ra khi có vấn đề với một phần của đốt sống, gọi là eo (Pars interarticularis).
Trượt đốt sống loại II được phân thành 3 loại phụ gồm:
-
- Loại IIA: Loại này có nhiều vết nứt do sử dụng quá mức.
- Loại IIB: Loại này có nhiều vết nứt vi mô không gãy hoàn toàn, có thể lành lại bằng xương thừa tại chỗ. Sự hình thành của các xương thừa dẫn đến sự sai lệch.
- Loại IIC: Liên quan đến gãy xương hoàn toàn do chấn thương thể thao hoặc tai nạn xe hơi.
- Thoái hóa cột sống (loại III)
Trượt đốt sống loại III xảy ra do lão hóa và sự hao mòn tự nhiên. Trong đó sự lão hóa theo thời gian khiến đĩa đệm đốt sống bị mất nước và mỏng đi. Điều này khiến các đốt sống thắt lưng có nhiều khả năng trượt hơn.
Một số người lớn tuổi bị thoái hóa trước khớp do viêm khớp và tái tạo khớp. Viêm khớp cùng với sự suy yếu của dây chằng khiến đốt sống dễ bị trượt hơn. Tình trạng này phổ biến hơn ở phụ nữ trên 50 tuổi.
- Trượt đốt sống do gãy xương/ chấn thương (loại IV)
Trượt đốt sống loại IV là tình trạng gãy xương xảy ra ở bất kỳ vị trí nào của đốt sống nhưng không bao gồm vùng liên khớp. Một cú đánh và ngã mạnh có thể gây gãy xương hoặc đẩy xương cột sống (đốt sống) khỏi vị trí ban đầu.
- Trượt đốt sống do khối u (loại V)
Một khối u phát triển có thể đẩy vào xương, khiến xương yếu và gây trượt đốt sống thắt lưng.
- Trượt đốt sống sau phẫu thuật (loại VI)
Mặc dù ít gặp nhưng phẫu thuật cột sống có thể gây trượt đốt sống lưng.
+ Phân loại theo mức độ nghiêm trọng
Đo phần trăm chiều rộng của thân đốt sống giúp phân loại trượt đốt sống thắt lưng theo mức độ trượt.
- Độ I: Đây là cấp độ nhẹ nhất, có từ 0 - 25% thân đốt sống bị trượt về phía trước.. Trượt đốt sống độ 1 chiếm 75% trường hợp.
- Độ II: Có khoảng 25 - 50% thân đốt sống trượt về phía trước.
- Độ III: Có từ 50 - 75% thân đốt sống trượt về phía trước.
- Độ IV: Có từ 75 - 100% thân đốt sống trượt về phía trước.
- Độ V: Thân đốt sống rơi hoàn toàn, trông giống như tách rời.
Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ
Phần lớn các trường hợp trượt đốt sống thắt lưng do thoái cột sống. Thoái hóa cột sống khiến đĩa đệm giữa hai đốt sống liền kề và các mặt khớp bị mòn, cột sống mất vững và gây trượt.
Ngoài ra sự hao mòn khiến xương phát triển quá mức trên các bề mặt của khớp, được gọi là gai cột sống hay gai xương. Gai xương phát triển khiến diện tích bề mặt không đồng đều và giảm sự ổn định. Điều này làm giảm khả năng giữ nguyên vị trí của các đốt sống. Sau cùng gây ra tình trạng trượt đốt sống.
Thoái hóa cột sống cũng làm tăng nguy cơ trượt đốt sống khi có gãy xương do căng thẳng. Tình trạng này thường gặp ở những người trên 50 tuổi.
Nguyên nhân khác:
- Dị tật bẩm sinh, chẳng hạn như loạn sản thành mảng xơ vữa
- Phân tách eo thắt lưng
- Chấn thương gây ra sự phân chia thành trước. Đây là kết quả của những vết nứt cấp tính ở cột sống
- Phẫu thuật cột sống thắt lưng (do quá trình tái phân chia sau phẫu thuật)
- Bệnh lý, chẳng hạn như loãng xương, thiếu máu cục bộ hoặc khối u cột sống.
Những yếu tố làm tăng nguy cơ:
- Vận động viên: Nguy cơ cao hơn ở những vận động viên trẻ chơi những môn thể thao cần kéo giãn cột sống thắt lưng, điển hình như thể dục dụng cụ.
- Trẻ em: Trượt đốt sống thắt lưng thường xảy ra trong giai đoạn phát triển của trẻ em.
- Di truyền: Nhiều trẻ được sinh ra với phần cột sống mỏng hơn (pars interarticularis). Nó liên kết trực tiếp với những đốt sống trên và dưới, cho phép chuyển động cột sống. Tuy nhiên những vùng cột sống mỏng hơn có nhiều khả năng gãy và trượt hơn. Tình trạng này có xu hướng di truyền trong gia đình.
- Người lớn tuổi: Trượt đốt sống thắt lưng phổ biến hơn ở những người trên 50 tuổi.
Triệu chứng và chẩn đoán
Nhiều trường hợp không có triệu chứng rõ ràng, thường chỉ được phát hiện khi chụp X-quang. Khi xảy ra, các triệu chứng có thể bao gồm:
- Đau lưng dưới
- Cảm giác tương tự như căng cơ
- Đau lan ra mông và mặt sau của đùi
- Đau tồi tệ hơn khi hoạt động, giảm khi nghỉ ngơi.
- Cứng lưng
- Khó đứng và đi lại
- Căng cứng gân kheo (các cơ ở mặt sau đùi)
- Vẹo cột sống.
Nếu có chèn ép dây thần kinh, người bệnh có thể có những triệu chứng dưới đây:
- Cơn đau lan từ lưng xuống chân
- Ngứa ran
- Tê hoặc yếu ở một hoặc cả hai chân
Khi thăm khám, bác sĩ bắt đầu xem xét các triệu chứng ở thắt lưng bằng cách kiểm tra cột sống, khai thác tiền sử bệnh và chấn thương. Điều này có thể giúp xác định tình trạng co thắt, đau và yếu cơ.
Bệnh nhân cũng có thể được yêu cầu thực hiện các chuyển động (như đi, đứng từ tư thế ngồi...) để kiểm tra sức mạnh, tư thế, dáng đi và phạm vi chuyển động. Một số trường hợp có gân kheo bị căng hoặc đau quá mức có thể khiến bệnh nhân đi lại và đứng dậy khó khăn, dáng đứng cứng đơ.
Để xác nhận chẩn đoán và vị trí trượt đốt sống thắt lưng, các xét nghiệm dưới đây sẽ được thực hiện, bao gồm:
- Chụp X-quang: Chụp X-quang cột sống cung cấp hình ảnh về các xương cột sống. Điều này giúp xem xét sự thẳng hàng của đốt sống, xác định đốt sống bị trượt và mức độ trượt về phía trước. Hình ảnh X-quang cũng giúp tìm kiếm vết gãy do căng thẳng, dấu hiệu thoái hóa cột sống, trượt đốt sống eo và những tình trạng khác của xương.
- Chụp cắt lớp vi tính (CT): Chụp CT cung cấp hình ảnh chi tiết hơn về xương so với X-quang thông thường. Điều này giúp đánh giá thêm về vế nứt và vết trượt, định hướng điều trị hiệu quả.
- Chụp cắt lớp vi tính phát xạ đơn (SPECT): Bệnh nhân được tiêm một lượng nhỏ chất phóng xạ vào cơ thể. Chất này giúp lộ rõ những khu vực bất thường và tăng hoạt động của xương.
- Quét hình ảnh cộng hưởng từ (MRI): Chụp cộng hưởng từ (MRI) cung cấp hình ảnh chi tiết hơn về mô mềm. Từ đó xác định sự thoái hóa sớm của những đĩa đệm, đốt sống bị trượt có chèn ép lên dây thần kinh hay không.
Biến chứng và tiên lượng
Trượt đốt sống thắt lưng là một tình trạng nghiêm trọng nhưng có thể điều trị được. Những trường hợp rất nhẹ được điều trị bảo tồn trong khi những trường hợp nặng hơn được cân nhắc phẫu thuật.
Phẫu thuật điều trị trượt đốt sống có tỉ lệ thành công cao. Sau phẫu thuật vài tháng, người bệnh có thể quay trở lại cuộc sống năng động nhưng không còn linh hoạt như trước. Để lấy lại đầy đủ chức năng, người bệnh cần tập vật lý trị liệu tích cực.
Khi không được điều trị, đốt sống ngày càng di lệch nhiều hơn, chèn ép dây thần kinh lân cận. Điều này có thể gây ra những biến chứng dưới đây:
- Liệt vận động
- Teo cơ
- Đau thần kinh tọa
- Hội chứng chùm đuôi ngựa dẫn đến mất kiểm soát bàng quang và tê liệt
- Rối loạn cơ vòng bàng quang
Điều trị
Hầu hết bệnh nhân bị trượt đốt sống thắt lưng mức độ thấp (mức độ I và II) có đáp ứng với điều trị không phẫu thuật, các triệu chứng giảm nhanh. Những trường hợp trượt đốt sống nhiều hơn cần phải phẫu thuật.
1. Điều trị bảo tồn
Đối với trượt đốt sống thắt lưng, những phương pháp điều trị không phẫu thuật thường bao gồm:
- Nghỉ ngơi
Cho phép cơ thể được nghỉ ngơi. Tránh những hoạt động và các môn thể thao gây căng thẳng quá mức cho lưng dưới. Điều này sẽ giúp hạn chế và giảm nhẹ triệu chứng đau. Đồng thời tạo điều kiện cho đốt sống bị thương có thời gian chữa lành.
- Thuốc
Điều trị ban đầu thường bao gồm thuốc chống viêm không steroid (NSAID) - chẳng hạn như Ibuprofen hoặc Naproxen. Thuốc này giúp giảm sưng (viêm) và giảm đau lưng hiệu quả, có thể được dùng kết hợp với Paracetamol.
Nếu đau nặng hơn, bác sĩ có thể cân nhắc sử dụng steroid đường uống với một đợt ngắn hạn, chẳng hạn như Prednisone hoặc Methylprednisolone. Những loại thuốc này có khả năng chống viêm mạnh, giảm sưng và đau nhanh chóng.
- Tiêm steroid
Những trường hợp đáp ứng kém với thuốc uống có thể được tiêm steroid ngoài màng cứng. Trong đó tiêm Corticosteroid trực tiếp vào đốt sống ảnh hưởng có thể giúp giảm những cơn đau nghiêm trọng.
Một số trường hợp có thể bị đau tái phát sa tiêm 3 - 6 tháng. Để duy trì hiệu quả, Corticosteroid sẽ được tiêm nhắc lại.
- Đeo nẹp lưng
Bác sĩ có thể yêu cầu đeo nẹp lưng trong một thời gian. Thiết bị này giúp hạn chế những chuyển động của cột sống, ngăn trượt đốt sống thắt lưng thêm nghiêm trọng.
Cố định cột sống thắt lưng bằng nẹp cũng tạo điều kiện cho tổn thương lành lại, ngăn những chuyển động không thích hợp có thể gây căng thẳng và đau tái phát.
Thông thường nẹp lưng sẽ được sử dụng sau khi các triệu chừng bắt đầu, đặc biệt là những bệnh nhân bị trượt đốt sống do khiếm khuyết liên khớp vùng thắt lưng.
- Vật lý trị liệu
Nhiều trường hợp trượt đốt sống thắt lưng được hưởng lợi từ việc sử dụng nẹp kết hợp với vật lý trị liệu. Nghiên cứu cho thấy các bài tập aerobic tác động thấp (như đi bộ, đạp xe, tập hình elip và bơi lội) có thể giúp giảm đau và duy trì phạm vi chuyển động.
Ngoài ra vật lý trị liệu còn bao gồm những bài tập uốn cong và kéo dài cột sống, ổn định cốt lõi và tăng cường cơ bắp. Những bài tập này giúp làm mạnh cơ bụng dưới, cơ thắt lưng, cơ gấp hông và gân kheo. Từ đó cải thiện sự ổn định, giữ đường cong tự nhiên của cột sống và ngăn trượt đốt sống.
Ngoài ra các bài tập cũng giúp cải thiện chức năng chung, tăng phạm vi chuyển động và sự linh hoạt. Đồng thời giảm tạm thời hoặc vĩnh viễn các triệu chứng.
2. Phẫu thuật
Cần phải phẫu thuật cho các trường hợp sau:
- Trượt đốt sống thắt lưng ở mức độ nặng, đau đớn dữ dội và không thành công khi điều trị bảo tồn
- Trượt đốt sống ngày càng trầm trọng hơn
- Có chèn ép dây thần kinh.
Phẫu thuật giúp giảm đau do dây thần kinh bị kích thích, điều trị chỉnh trượt đốt sống và tăng sự ổn định cho cột sống. Ngoài ra phương pháp này còn giúp phục hồi chức năng của người bệnh, ngăn chặn trượt tiến triển thêm.
Các kỹ thuật thường được thực hiện:
- Hợp nhất cột sống
Hầu hết bệnh nhân được hợp nhất cột sống giữa các đốt sống bị ảnh hưởng. Trong đó cố định giữa đốt sống thắt lưng thứ năm và xương cùng là quy trình thường được sử dụng nhất. Nếu có chèn ép, phẫu thuật giải nén sẽ được chỉ định đồng thời.
Quy trình phẫu thuật hợp nhất gồm những bước sau:
-
- Hướng dẫn người bệnh nằm đúng tư thế và gây mê
- Tạo một vết mổ lớn và tiếp cận với đốt sống bị ảnh hưởng
- Sắp xếp lại các đốt sống ở cột sống thắt lưng
- Cố định cột sống bằng vít và thanh kim loại
- Tiến hành ghép xương. Các mảnh xương nhỏ được đặt vào khoảng trống giữa các đốt sống
- Kiểm tra cột sống và may vết thương.
Sau khi phẫu thuật hợp nhất, các xương sẽ phát triển cùng nhau tạo thành một khối chắc chắn. Điều này lấy đi một số tính linh hoạt và loại bỏ chuyển động giữa các đốt sống ảnh hưởng. Khi không di chuyển, cột sống sẽ không bị đau.
- Mổ ống sống và giải nén dây thần kinh
Nếu có chèn ép rễ thần kinh, bệnh nhân sẽ được phẫu thuật giải nén. Trong thủ thuật này, bác sĩ tạo vết rạch tại đoạn cột sống ảnh hưởng. Sau đó mở ống sống và loại bỏ áp lực lên các dây thần kinh bị ảnh hưởng. Cuối cùng hợp nhất để ổn định cột sống.
Hầu hết các trường hợp có thể phục hồi chức năng và dần trở lại các hoạt động sau phẫu thuật. Để tăng tốc độ phục hồi, người bệnh được tập vật lý trị liệu tích cực trong vài tháng.
Phòng ngừa
Thực hiện những bước dưới đây để giảm nguy cơ trượt đốt sống thắt lưng:
- Thường xuyên tập thể dục để tăng cường cơ bụng và cơ lưng săn chắc. Các cơ khỏe mạnh sẽ giữ cho cột sống ổn định, giảm nguy cơ trượt đốt sống thắt lưng.
- Duy trì cân nặng khỏe mạnh. Trọng lượng dư thừa khiến lưng dưới chịu nhiều căng thẳng hơn.
- Thực hiện một chế độ ăn uống cân bằng, giàu vitamin D và khoáng chất như canxi, magie. Điều này giúp xương được nuôi dưỡng tốt và chắc khỏe.
Những câu hỏi quan trọng khi gặp bác sĩ
1. Nguyên nhân nào khiến tôi bị trượt đốt sống thắt lưng?
2. Điều trị như thế nào?
3. Tôi có cần phẫu thuật hay không?
4. Tiên lượng dài hạn là gì?
5. Sau điều trị, tôi có thể trở lại hoạt động thể chất hoặc môn thể thao yêu thích hay không?
6. Mất bao lâu để phục hồi hoàn toàn?
7. Thời điểm nào thích hợp để chơi thể thao?
Trượt đốt sống thắt lưng có thể gây kích thích dây thần kinh dẫn đến đau đớn, tê liệt và nhiều biến chứng nghiêm trọng. Tuy nhiên phẫu thuật điều trị có tỉ lệ thành công cao, người bệnh có thể trở lại các hoạt động thể chất.
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!