Bệnh U Bì Buồng Trứng

Bài viết được tham vấn chuyên môn bởi Bác sĩ Lê Thị Đài Trang | Lĩnh vực khám chữa: Phụ khoa Nơi công tác Phòng Chẩn Trị YHCT Đỗ Minh Đường – Hà Nội

U bì buồng trứng còn được gọi là u quái buồng trứng - một u nang lành tính có nguồn gốc từ những tế bào mầm biệt hóa thành. Những khối u này thường gặp ở những người có độ tuổi từ 20 - 30 tuổi, có thể phát triển ở cả một hoặc hai bên buồng trứng.

Tổng quan

U bì buồng trứng (u quái buồng trứng) là một khối u tế bào mầm phát triển ở một hoặc cả hai bên buồng trứng. Chúng là những u nang lành tính, chứa đầy chất lỏng có các mô như chất bã nhờn, mỡ, tóc, răng và da.

U bì buồng trứng
U bì buồng trứng là sự tăng trưởng lành tính ở buồng trứng, chứa đầy chất lỏng có các mô như tóc

Ở buồng trứng, những u nang bì thường có kích thước từ vài mm đến 10cm. Tuy nhiên chúng có thể có kích thước hơn 39cm. U bì buồng trứng thường phát triển chậm, khoảng 1,8 mm mỗi năm ở những người phụ nữ chưa trải qua thời kỹ mãn kinh.

Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ

U bì buồng trứng không hình thành theo chu kỳ kinh nguyệt. Chúng thường phát triển trong quá trình phát triển phôi. Khi lớp ngoại bì (lớp tế bào bao phủ bên ngoài cơ thể của phôi và phát triển các mô như răng, móng, tóc, da) bị giữ lại, chúng sẽ phát triển thành mô trưởng thành.

Những tế bào phát triển thành mô trưởng thành bắt đầu tập hợp và tạo ra một khối lành tính bên trong buồng trứng. Chúng chứa đầy tóc, mỡ, răng và xương; có thể phát triển ở một hoặc cả hai bên buồng trứng.

Nguyên nhân khiến lớp ngoại bì bị mắc kẹt vẫn chưa được biết rõ.

Triệu chứng và chẩn đoán

U bì buồng trứng thường không ra triệu chứng. Khi u bì lớn hơn, chúng gây ra những triệu chứng sau:

  • Đau hoặc có cảm giác tức ở bụng dưới
  • Cảm giác đầy bụng
  • Buồn nôn
  • Nôn mửa
  • Táo bón
  • Quan hệ tình dục đau (khó giao hợp)
  • Thay đổi khẩu vị
  • Nhận thấy sự gia tăng kích thước vùng bụng (sưng bụng)

Đau hoặc có cảm giác tức ở bụng dưới
Những u bì buồng trứng lớn thường gây đau hoặc có cảm giác tức ở bụng dưới, đầy bụng, khó giao hợp

Một số triệu chứng ít gặp hơn:

  • Đau ở lưng dưới và đùi
  • Đau ở xương chậu
  • Khó làm trống hoàn toàn ruột và bàng quang
  • Đi tiểu thường xuyên
  • Tăng cân không rõ nguyên nhân
  • Đau ngực
  • Chảy máu âm đạo không điển hình
  • Đau trong một thời gian
  • Khối u chèn ép lên trực tràng dẫn đến rối loạn tiêu hóa

Siêu âm bụng hoặc siêu âm qua âm đạo (siêu âm đầu dò) có thể nhìn thấy u bì buồng trứng. Đồng thời xác định kích thước và số lượng của u nang.

Trong một số trường hợp, bệnh nhân được chụp cộng hưởng từ (MRI) để đánh giá thêm về tình trạng. Hình ảnh MRI có thể giúp xác định chi tiết về đặc tính và cấu tạo của u nang.

Biến chứng và tiên lượng

Đến 99% trường hợp u nang bì là lành tính. Sau khi phẫu thuật loại bỏ, tỉ lệ tái phát rất thấp, chỉ chiếm khoảng 4%.

Tuy nhiên u bì có thể phát triển lớn hơn và gây ra nhiều biến chứng. Bao gồm:

  • Vỡ u nang bì dẫn đến viêm phúc mạc mãn tính (viêm nhiễm niêm mạc thành bụng)
  • Xoắn buồng trứng dẫn đến hoại tử các mô ở buồng trứng
  • Nhiễm trùng
  • Biến đổi ác tính (hiếm gặp)
  • Tăng nguy cơ sảy thai và vô sinh.

Nếu u nang bì trong buồng trứng là ác tính, tiên lượng sẽ được xác định dựa trên kích thước khối u, mô hình phát triển, giai đoạn và mức độ xâm lấn của u nang. Việc điều trị sớm sẽ giúp tăng tiên lượng cho bệnh nhân.

Điều trị

U bì buồng trứng được đề nghị loại bỏ khi có đường kính hơn 5cm, là u ác tính hoặc gây ra triệu chứng. Việc phẫu thuật có thể ảnh hưởng đến buồng trứng. Vì vậy các phương pháp sẽ được chỉ định dựa vào kế hoạch sinh con và mức độ ảnh hưởng của u nang bì đối với buồng trứng.

Chỉ định phẫu thuật loại bỏ u bì buồng trứng
Chỉ định phẫu thuật loại bỏ u bì buồng trứng khi u có kích thước lớn, gây ra các triệu chứng hoặc u ác tính

Những lựa chọn điều trị:

  • Phẫu thuật cắt u nang buồng trứng: Phương pháp này giúp loại bỏ phần buồng trứng chứa u nang nhưng vẫn bảo tồn được khả năng sinh sản của nữ giới. Phẫu thuật cắt u nang buồng trứng thường được thực hiện bằng phương pháp nội soi ổ bụng.
  • Phẫu thuật cắt bỏ buồng trứng: Phương pháp này loại bỏ toàn bộ buồng trứng có u nang. Phẫu thuật cắt bỏ buồng trứng được thực hiện cho những người có u nang kích thước lớn, u ác tính hoặc có biến chứng xoắn buồng trứng. Khi tử cung vẫn còn, phương pháp IVF (thụ tinh trong ống nghiệm) có thể giúp bạn mang thai.

Phòng ngừa

U bì buồng trứng hình thành trước khi được sinh ra. Vì vậy không có phương pháp ngăn ngừa hay giảm nguy cơ cho bệnh lý này.

Những câu hỏi quan trọng khi gặp bác sĩ

1. Các triệu chứng của tôi xảy ra do đâu?

2. Khi nào tôi cần phẫu thuật cắt bỏ u nang bì?

3. Tôi có thể mang thai bình thường khi bị u bì buồng trứng hay không?

4. Các phương pháp điều trị có ảnh hưởng đến khả năng mang thai trong tương lai?

5. Phương pháp nào phù hợp nhất với tình trạng của tôi?

6. Những rủi ro khi phẫu thuật là gì?

7. U bì buồng trứng có thể gây ra những biến chứng nào?

U bì buồng trứng là sự tăng trưởng lành tính (u nang) trong buồng trứng. Hầu hết các trường hợp không phát triển thành ung thư. Tuy nhiên u nang có thể lớn dần theo thời gian, gây ra nhiều triệu chứng và biến chứng. Do đó việc khám và xử lý sớm là điều cần thiết.