U Nang Baker
U nang Baker là những khối u lành tính, nhỏ và chứa đầy chất lỏng hình thành ở phía sau đầu gối. Những khối u này phát triển khi có chấn thương hoặc viêm gây sưng xung quanh và làm tổn thương khớp gối.
Tổng quan
U nang Baker còn được gọi là u nang khoeo, là những khối u chứa đầy dịch ở phía sau đầu gối. Chúng thường gây sưng tấy, cứng và khó chịu, đôi khi kèm theo đau đớn.
Đau do u nang Baker có xu hướng tồi tệ hơn khi thực hiện các hoạt động, đặc biệt là khi uốn cong hoặc duỗi thẳng đầu gối hoàn toàn. Những triệu chứng thường giảm nhanh khi điều trị bằng các phương pháp không phẫu thuật.
U nang Baker thường là kết quả của một tổn thương ở đầu gối, chẳng hạn như rách sụn chêm hoặc viêm khớp. Những tình trạng này khiến đầu gối tăng sản sinh chất lỏng. Theo thờ gian, chất lỏng tích tụ sẽ tạo thành u nang.
Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ
Chất lỏng bôi trơn (chất lỏng hoạt dịch) trong mỗi khớp cho phép chân chuyển động trơn tru, các bộ phận chuyển động của đầu gối trượt qua nhau dễ dàng và giảm ma sát.
Tuy nhiên một số tình trạng có thể làm tăng tiết chất lỏng, khiến chúng tích tụ trong bao hoạt dịch ở phía sau đầu gối. Kết quả là bao hoạt dịch phình ra và hình thành u nang Baker.
U nang Baker hình thành khi có bất kỳ tình trạng nào khiến khớp gối bị tổn thương hoặc sưng. Cụ thể:
- Viêm khớp gối, chẳng hạn như viêm xương khớp, viêm khớp dạng thấp và bệnh gút.
- Chấn thương đầu gối gồm rách sụn chêm, rách dây chằng chéo trước (ACL), bong gân, trật khớp hoặc một số tình trạng khác có thể làm tổn thương cấu trúc và các mô bên trong khớp. Chấn thương do sử dụng quá mức (căng thẳng lặp đi lặp lại) cũng có thể gây ra tình trạng này.
Những yếu tố làm tăng nguy cơ:
- Có độ tuổi từ 35 - 70 tuổi
- Vận động viên
- Có công việc hoặc sở thích cần thường xuyên đặt nhiều áp lực lên đầu gối
- Người bị viêm khớp.
Không rõ nguyên nhân hình thành u nang Baker ở những bệnh nhân trẻ tuổi.
Triệu chứng và chẩn đoán
Ở một số trường hợp, u nang Baker không gây ra triệu chứng nào. Chúng được phát hiện khi tình cờ khám sức khỏe vì một lý do khác.
Khi xảy ra, người bệnh có thể có những triệu chứng dưới đây:
- Có khối phía sau đầu gối
- Đau đầu gối
- Sưng ở đầu gối và cẳng chân
- Cứng hoặc căng ở phía sau đầu gối
- Không thể uốn cong hoàn toàn đầu gối
- Sưng tấy và đổi màu ở chân dưới (hiếm gặp)
Những triệu chứng tồi tệ hơn khi đứng trong thời gian dài hoặc hoạt động nhiều.
Để chẩn đoán u nang Baker, bác sĩ sẽ kiểm tra bệnh sử, xem xét các triệu chứng ở chân, tìm vết sưng hoặc khối u ở phía sau đầu gối. Bác sĩ cũng có thể ấn nhẹ vùng ảnh hưởng, yêu cầu bệnh nhân co duỗi đầu gối, mô tả cơn đau và các triệu chứng khác.
Sau kiểm tra lâm sàng, các xét nghiệm bổ sung được thực hiện nhằm xác nhận và đánh giá tình trạng. Cụ thể:
- Chụp X-quang: Những cấu trúc dày đặc (như xương) sẽ được nhìn thấy qua hình ảnh X-quang. Điều này giúp phát hiện sự thu hẹp của không gian khớp, tổn thương xương/ khớp và những dấu hiệu khác liên quan đến viêm khớp.
- Siêu âm: Trong thử nghiệm này, sóng âm thanh được sử dụng để tạo ra hình ảnh của mô mềm và những cấu trúc bên trong cơ thể. Thông qua siêu âm, bác sĩ có thể nhìn thấy khối u phía sau đầu gối, xác định khối u chứa đầy chất lỏng hay chất rắn.
- Chụp cộng hưởng từ (MRI): Bệnh nhân thường được yêu cầu chụp MRI để tìm hiểu thêm về u nang. MRI cũng giúp phát hiện nhanh một số tình trạng tiềm ẩn hoặc nguyên nhân gây u nang Baker, chẳng hạn như vết rách sụn chêm.
Biến chứng và tiên lượng
U nang Baker là những khối lành tính, ít khi gây biến chứng và có thể tự biến mất. Khi vết sưng giảm bớt và đầu gối bắt đầu lành lại, u nang sẽ biến mất ngay.
Tuy nhiên một số trường hợp có u nang vỡ ra, dịch khớp bắt đầu rò rỉ vào vùng bắp chân (biến chứng phổ biến nhất). Tình trạng này xảy ra khi chất lỏng nhanh chóng làm đầy các túi xung quanh u nang.
Khi u nang Baker bị vỡ, người bệnh sẽ có những triệu chứng dưới đây:
- Sưng ở bắp chân và cẳng chân
- Đau dữ dội ở đầu gối hoặc bắp chân
- Bắp chân đỏ, cảm giác như có nước chảy xuống bắp chân
- Tổn thương thần kinh
- Hội chứng khoang.
Những u nang quá lớn có thể gây ra các vấn đề về thần kinh và mạch máu, dẫn đến đau đầu gối mãn tính.
Điều trị
Hầu hết u nang Baker có thể tự biến mất, không gây đau và không cần điều trị. Những trường hợp này chỉ cần quan sát u nang theo thời gian, đảm bảo nó không gây đau đớn hoặc phát triển lớn hơn.
Nếu u nang không biến mất, những phương pháp điều trị sẽ được thực hiện. Điều trị ban đầu luôn là không phẫu thuật, bệnh nhân được hướng dẫn dùng thuốc và chăm sóc tại nhà. Nếu các triệu chứng không giảm, phẫu thuật có thể cần thiết.
1. Điều trị không phẫu thuật
Hầu hết u nang Baker và các triệu chứng sẽ được khắc phục khi điều trị không phẫu thuật. Những phương pháp hữu hiệu nhất gồm:
- Phương pháp RICE
Những người có tổn thương nhẹ có thể áp dụng phương pháp RICE để điều trị. Phương pháp này gồm những bước dưới đây:
-
- Nghỉ ngơi và sửa đổi hoạt động: Giảm hoạt động, tránh bất kỳ hoạt động nào có thể gây kích ứng đầu gối, chẳng hạn như chạy, nhảy và tập thể dục nhịp điệu. Điều này sẽ giúp làm dịu cơn đau và giảm bớt những triệu chứng khác.
- Chườm đá: Trong ngày đầu tiên, dùng gạc lạnh hoặc túi nước đá đặt lên vùng sưng đau trong 15 phút, lặp lại 3 - 4 lần. Biện pháp này có thể giúp giảm viêm, giảm sưng và đau đớn.
- Nén: Dùng nẹp hoặc băng quấn để nén đầu gối. Biện pháp này giúp giảm sưng bằng cách giảm lưu lượng máu và chất lỏng đến đầu gối bị thương. Nén đầu gối cũng giúp bảo vệ và giảm tổn thương thêm cho khớp.
- Nâng cao: Khi nghỉ ngơi, đặt chăn hoặc gối bên dưới để nâng đầu gối và cẳng chân cao hơn mức tim. Điều này sẽ giúp giảm tình trạng sưng tấy.
- Thuốc
Dựa vào mức độ nghiêm trọng, những loại thuốc dưới đây sẽ được sử dụng gồm:
-
- Acetaminophen: Thuốc Acetaminophen có thể giúp giảm những cơn đau nhẹ do u nang Baker gây ra.
- Thuốc chống viêm không steroid (NSAID): Ibuprofen hoặc một loại thuốc chống viêm không steroid khác có thể được dùng để giảm các triệu chứng. Thuốc có tác dụng giảm viêm và đau đầu gối.
- Tiêm steroid: Tiêm trực tiếp cortisone vào đầu gối để giảm viêm và giảm đau. Thuốc này cũng có thể làm giảm kích thước của u nang. Tiêm steroid thường được chỉ định khi những loại thuốc khác không mang đến hiệu quả tốt.
- Vật lý trị liệu
Bệnh nhân được hướng dẫn những bài tập nhẹ nhàng, giúp cải thiện phạm vi và tính linh hoạt, tăng cường cơ bắp quanh đầu gối. Điều này giúp duy trì chức năng đầu gối và người bệnh cảm thấy đễ chịu hơn.
- Chọc hút khớp
Chọc hút khớp giúp giảm áp lực cho đầu gối, đồng thời giảm sưng và đau. Sau khi gây tê khu vực xung quanh u nang, bác sĩ đâm kim xuyên qua da để hút chất lỏng dư thừa ra khởi khớp. Quá trình này sẽ được thực hiện dưới sự hướng dẫn của siêu âm.
2. Điều trị phẫu thuật
Hiếm khi bệnh nhân được điều trị u nang Baker bằng phương pháp phẫu thuật. Tuy nhiên phương pháp này có thể được cân nhắc nếu những triệu chứng không giảm khi điều trị bảo tồn, u nang tái phát nhiều lần sau khi chọc hút.
Dựa vào tình trạng, những thủ thuật dưới đây có thể được thực hiện:
- Nội soi khớp
Bác sĩ tạo những vết cắt nhỏ, sau đó đưa máy nội soi khớp và những dụng cụ phẫu thuật nhỏ vào khớp gối. Tùy thuộc vào tổn thương, bác sĩ có thể tiến hành sửa chữa sụn chêm hoặc điều trị những tình trạng khác có thể dẫn đến u nang Baker.
- Cắt bỏ
Nếu có u nang lớn, gây ra những vấn đề về mạch máu và thần kinh, bệnh nhân sẽ được cắt bỏ toàn bộ nang. Quy trình này sẽ được thực hiện thông qua phẫu thuật mở.
Sau phẫu thuật nội soi khớp hoặc chọc hút khớp, bệnh nhân được hướng dẫn chuyển động sớm để phục hồi toàn bộ chức năng và sức bền cho đầu gối. Đối với những trường hợp phẫu thuật cố định đầu gối, bệnh nhân sẽ được hướng dẫn đeo nẹp đầu gối trong vài tuần.
Sau khi đau giảm và đầu gối khỏe hơn, chuyên gia vật lý trị liệu sẽ hướng dẫn những bài tập cải thiện phạm vi, phục hồi chức năng và tăng cường cơ bắp quanh đầu gối. Điều này cũng giúp ngăn ngừa u nang Baker tái phát.
Hầu hết mọi người có thể trở lại các hoạt động sinh hoạt bình thường sau phẫu thuật từ 4 - 6 tuần.
Phòng ngừa
Ngăn chấn thương đầu gối và duy trì khớp khỏe mạnh là cách tốt nhất để ngăn ngừa u nang Baker. Khi tham gia vào những hoạt động thể chất hoặc chơi thể thao, bạn cần lưu ý những điều dưới đây:
- Sử dụng thiết bị thể thao phù hợp.
- Mang giày vừa vặn và có khả năng hỗ trợ tốt.
- Không vượt qua cơn đau nếu cảm thấy đau đầu gối trong hoặc sau khi hoạt động thể chất. Tốt nhất nên dừng các hoạt động và nghỉ ngơi để khớp phục hồi.
- Dành thời gian nghỉ ngơi và phục hồi sau những buổi luyện tập vất vả hoặc hoạt động cường độ cao.
- Luôn khởi động và căng cơ trước khi tập luyện và chơi thể thao. Điều này giúp làm nóng cơ thể, giảm nguy cơ chấn thương đầu gối.
Một số biện pháp khác:
- Thường xuyên dọn dẹp nhà cửa và loại bỏ những vật cản để vấp ngã.
- Sử dụng những thiết bị và công cụ phù hợp khi muốn với lấy đồ vật. Tránh leo trèo.
- Nếu có nguy cơ té ngã cao hoặc khó khăn khi đi lại, hãy sử dụng khung tập đi hoặc gậy để hỗ trợ.
Những câu hỏi quan trọng khi gặp bác sĩ
1. Khối u phía sau đầu gối là lành tính hay ác tính?
2. Điều gì khiến u nang phát triển?
3. Tôi cần điều trị u nang Baker bằng những phương pháp nào?
4. Khi nào cần phẫu thuật? Các lựa chọn là gì?
5. Mất bao lâu để các u nang biến mất?
6. Tôi có thể điều trị tại nhà hay không?
7. Tôi cần lưu ý những gì khi có u nang Baker ở đầu gối?
U nang Baker là những khối lành tính chứa đầy chất lỏng ở phía sau đầu gối, thường liên quan đến viêm và chấn thương đầu gối. Các u nang sẽ biến mất sau vài tuần, khi sưng giảm và đầu gối bắt đầu phục. Tuy nhiên u nang có thể lớn và gây biến chứng cho một số trường hợp, cần điều trị y tế để khắc phục.
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!