U Sụn Màng Hoạt Dịch
U sụn màng hoạt dịch là những khối u lành tính tách khỏi mô, di chuyển trong không gian khớp. Những khối u này chủ yếu tập trung ở đầu gối, vai hoặc hông, thường liên quan đến viêm khớp
Tổng quan
U sụn màng hoạt dịch (chondromatosis hoạt dịch) là thuật ngữ chỉ những khối u lành tính (không phải ung thư) phát triển trong màng hoạt dịch (lớp mô mỏng lót các khớp). Những khối u này có thể được tìm thấy ở bất kỳ khớp nào trên cơ thể. Tuy nhiên chúng thường tập trung ở đầu gối, tiếp theo là vai, hông và khuỷu tay.
Những người mắc bệnh u sụn màng hoạt dịch sẽ màng hoạt dịch của khớp phát triển bất thường, hình thành những nối sần từ sụn. Khi vỡ ra khỏi màng hoạt dịch, những nốt này trở nên lỏng lẻo bên trong khớp, kích thước khác nhau, có thể từ vài mm đến vài cm.
Các sụn lỏng lẻo được nuôi dưỡng bởi dịch khớp, phát triển nhanh chóng và vôi hóa (cứng lại) hoặc cốt hóa (biến thành xương) theo thời gian. Điều này giúp chúng lăn tự do bên trong không gian khớp.
Khi chúng lăn tròn, những khối cơ lỏng lẻo bắt đầu làm hỏng sụn và gây viêm xương khớp. Điều này khiến sụn mòn và sờn dần, giảm không gian bảo vệ các đầu xương, mặt khớp bị lộ dẫn đến đau đớn.
Phân loại
U sụn màng hoạt dịch được phân thành 2 loại, bao gồm:
- U sụn màng hoạt dịch nguyên phát: Không rõ nguyên nhân hình thành các khối lành tính trong màng hoạt dịch. Chúng có thể dẫn đến viêm xương khớp.
- U sụn màng hoạt dịch thứ cấp: Đây là loại phổ biến nhất, xảy ra khi khớp đã bị tổn thương. Tình trạng này thường liên quan đến viêm khớp, viêm xương sụn bóc tách và hoại tử xương (hoại tử vô mạch).
Các giai đoạn phát triển:
- Giai đoạn 1: Nốt sần tiềm ẩn ở màng hoạt dịch, chưa có những vật thể tự do.
- Giai đoạn 2: Các nốt sần vỡ ra khỏi màng hoạt dịch, trở nên lỏng lẻo bên trong khớp.
- Giai đoạn 3: Các sụn lỏng lẻo phát triển nhanh chóng, vôi hóa hoặc cốt hóa, lăn tự do bên trong không gian khớp.
Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ
Bệnh u sụn màng hoạt dịch xảy ra khi màng hoạt dịch phát triển không bình thường và tạo ra những nốt sần (tăng trưởng bất thường) từ mô của sụn. Chúng có thể rất nhỏ (vài mm) hoặc lớn như viên bi (vài cm). Đôi khi hàng chục nốt sần có kích thước khác nhau được tìm thấy ở cùng một khớp.
Các nối sần tách khỏi mô hoạt dịch, di chuyển tự do trong không gian khớp. Các nốt được bao quanh bởi chất lỏng hoạt dịch dẫn đến vôi hóa. Một số trường hợp có nốt sần biến đổi thành chất tương tự như xương (cốt hóa). Những nốt cứng bắt đầu di chuyển, làm hỏng sụn bảo vệ khớp và gây viêm xương khớp.
Không rõ nguyên nhân gây u sụn màng hoạt dịch nguyên phát. Tình trạng này không được kế thừa (di truyền), xảy ra một cách tự phát.
U sụn màng hoạt dịch thứ phát liên quan đến tổn thương khớp, xảy ra khi có các tình trạng viêm và hoại tử của xương. Cụ thể như:
- Viêm khớp, chẳng hạn như viêm khớp do lao
- Thoái hóa khớp
- Viêm xương sụn bóc tách
- Hoại tử xương (hoại tử vô mạch)
- Vỡ sụn và gãy đầu xương trong ổ khớp
Triệu chứng và chẩn đoán
Bệnh u sụn màng hoạt dịch có những triệu chứng tương tự và dễ nhầm lẫn với viêm xương khớp. Những triệu chứng thường gặp gồm:
- Đau khớp, đau trầm trọng hơn khi di chuyển khớp
- Sưng khớp
- Hạn chế phạm vi chuyển động ở khớp ảnh hưởng.
Dấu hiệu và triệu chứng khác:
- Chất lỏng tích tụ trong khớp
- Có tiếng lộp bộp, cót két hoặc ken két khi di chuyển
- Dịu dàng
- Cảm nhận được những vết sưng (nốt sần) bên dưới da
- Khớp sưng tấy và mềm.
Bệnh nhân được khám sức khỏe tổng quát, hỏi về tiền sử bệnh và triệu chứng. Sau đó bác sĩ sẽ quan sát và kiểm tra cẩn thận khớp bị ảnh hưởng. Đồng thời nhẹ nhàng uốn cong và duỗi khớp để kiểm tra phạm vi chuyển động, phát hiện tiếng ồn bất thường.
Để chẩn đoán xác định và đánh giá, một vài xét nghiệm hình ảnh sẽ được thực hiện, cụ thể:
- Chụp X-quang: Tia X tạo ra hình ảnh của những cấu trúc dày đặc (như xương và khối u xương), khối xương lớn lỏng lẻo hoặc nốt sần đã bị vôi hóa hoặc cốt hóa. Điều này giúp chẩn đoán xác định u sụn màng hoạt dịch. Chụp X-quang cũng giúp phát hiện những dấu hiệu của viêm xương khớp gồm gai xương và sự thu hẹp không gian khớp.
- Chụp CT: Chụp cắt lớp vi tính (CT) có thể được thực hiện để đánh giá khớp tốt hơn. Kỹ thuật này cung cấp hình ảnh của xương, mạch máu và mô mềm theo lát cắt ngang. CT cũng cho thấy sự tích tụ của chất lỏng trong khớp.
- Chụp MRI: Chụp cộng hưởng từ (MRI) cung cấp hình ảnh cắt ngang của cấu trúc khớp, xương và mô mềm. Kỹ thuật này cũng cho thấy sự tăng trưởng bất thường, những nốt sần lỏng lẻo, chưa cốt hoặc và vôi hóa.
Biến chứng và tiên lượng
Các u sụn màng hoạt dịch di chuyển trong không gian khớp dẫn đến tổn thương khớp, hỏng sụn và gây viêm xương khớp. Điều này gây đau khớp và hỏng khớp theo thời gian.
Trong một số trường hợp, nối sần phát triển quá lớn chiếm toàn bộ không gian khớp ảnh hưởng và xâm lấn mô lân cận. Điều này dẫn đến biến dạng khớp và mất khả năng sử dụng hoàn toàn.
Hầu hết các trường hợp được chỉ định phẫu thuật. Phương pháp này có thể loại bỏ hoàn toàn u sụn màng hoạt dịch mà không làm tổn thương khớp hay mô mềm xung quanh.
Tuy nhiên khoảng 20% bệnh nhân có các nốt sẽ phát triển trở lại. Để sớm phát hiện dấu hiệu tái phát, người bệnh sẽ được yêu cầu theo dõi khớp và xét nghiệm hình ảnh định kỳ.
Điều trị
U sụn màng hoạt dịch được điều trị bằng phẫu thuật. Tuy nhiên ở những trường hợp có chondromatosis hoạt dịch thứ phát, bác sĩ có thể đề nghị tạm dừng điều trị chính và áp dụng những phương pháp không phẫu thuật.
1. Điều trị không phẫu thuật
Tùy thuộc vào các triệu chứng, bác sĩ có thể chỉ định một số loại thuốc gồm:
- Acetaminophen: Một loại thuốc giảm đau không kê đơn như Acetaminophen có thể được sử dụng. Thuốc này giúp giảm những cơn đau nhẹ do chondromatosis hoạt dịch gây ra.
- Thuốc chống viêm không steroid (NSAID): NSAID giúp giảm sưng và đau do viêm xương khớp và chondromatosis hoạt dịch. Nhóm thuốc này có khả năng ngăn chặn viêm và giảm đau hiệu quả.
Trong giai đoạn này, người bệnh được xét nghiệm hình ảnh định kỳ để theo dõi chặt chẽ khớp bị ảnh hưởng. Điều này giúp kiểm tra sự tiến triển của những phần sụn lỏng lẻo và bệnh viêm xương khớp.
2. Điều trị phẫu thuật
Phẫu thuật được chỉ định để điều trị u sụn màng hoạt dịch và tổn thương khớp nghiêm trọng. Khi thực hiện, bác sĩ tiến hành loại bỏ toàn bộ u sụn màng hoạt dịch, bao gồm cả những phần sụn lỏng lẻo chưa xơ hóa.
Đôi khi, một phần hoặc toàn bộ màng hoạt dịch (mô hoạt dịch bị ảnh hưởng) cũng được cắt bỏ trong khi phẫu thuật. Tùy thuộc vào tình trạng, bệnh nhân có thể được phẫu thuật nội soi khớp hoặc phẫu thuật mở.
Kết quả cuối cùng của cả hai thủ thuật gần như giống nhau. Tuy nhiên phẫu thuật nội soi khớp có vết thương nhỏ, ít chảy máu và thời gian lành lại nhanh hơn. Người bệnh sẽ được thảo luận về kỹ thuật tốt nhất trước khi thực hiện.
Sau phẫu thuật, người bệnh được hướng dẫn vật lý trị liệu với các động tác thích hợp. Điều này giúp lấy lại phạm vi chuyển động, sự linh hoạt cũng như sức mạnh cho khớp.
Phòng ngừa
Vì không rõ nguyên nhân nên không có cách để ngăn chặn u sụn màng hoạt dịch nguyên phát. Chúng có thể tự phát mà không liên quan đến một tình trạng khác hay di truyền.
Tuy nhiên điều trị tích cực những tổn thương khớp có thể giảm nguy cơ phát triển các u sụn màng hoạt dịch thứ phát.
Những câu hỏi quan trọng khi gặp bác sĩ
1. Các khối trong khớp là lành tính hay ác tính?
2. Điều gì khiến tôi mắc chứng chondromatosis hoạt dịch?
3. Phương pháp điều trị nào sẽ được chỉ định?
4. Tôi có cần phẫu thuật hay không? Những lợi ích và rủi ro là gì?
5. Tôi có thể làm gì để ngăn viêm xương khớp?
6. Nếu trì hoãn phẫu thuật, tôi có thể gặp những biến chứng nào?
7. Tình trạng của tôi có tái phát hay không?
8. Có nên tìm dấu hiệu tái phát sau điều trị?
U sụn màng hoạt dịch là những khối u lành tính, không lây lan (di căn) sang những khu vực khác. Tuy nhiên những nốt sần có thể làm tổn thương mô, gây viêm xương khớp và biến dạng khớp. Cần điều trị sớm để giảm nguy cơ.
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!