Bệnh Ung Thư Đại Tràng Sigma
Ung thư đại tràng sigma là bệnh ung thư xảy ra ở phần thấp nhất của đại tràng, nối với trực tràng (đại tràng sigma). Bệnh xảy ra khi những tế bào khỏe mạnh trong đại tràng sigma có những thay đổi (đột biến) trong DNA. Nếu không được điều trị sớm, ung thư lây lan nhanh và khiến người bệnh tử vong.
Tổng quan
Ung thư đại tràng sigma là bệnh ung thư bắt đầu ở đoạn thấp nhất của đại tràng (ruột già) và nối với trực tràng, còn được gọi là đại tràng sigma. Bệnh thường bắt đầu như những khối u nhỏ không phải ung thư (polyp) hình thành bên trong đại tràng sigma. Một số polyp phát triển thành ung thư khi tăng kích thước và tồn tại sau một thời gian.
Giai đoạn tiền ung thư và ung thư đại tràng sigma thường không có hoặc có ít triệu chứng. Tuy nhiên việc may mắn phát hiện và điều trị trong giai đoạn này có thể nâng cao tiên lượng và khả năng sống sót cho người bệnh.
Khi ung thư đã phát triển đến những giai đoạn nặng hơn, người bệnh sẽ có nhiều triêu chứng nghiêm trọng. Hơn nữa bệnh nhân có tiên lượng thấp hơn và quá trình điều trị bệnh cũng trở nên khó khăn hơn.
Phân loại
Do bắt đầu từ những loại tế bào khác nhau nên ung thư đại tràng sigma được phân thành nhiều loại. Bao gồm:
- Ung thư biểu mô tuyến: Đây là loại phổ biến nhất. Trong đó ung thư hình thành ở những tế bào tạo ra chất nhầy ở đại tràng sigma.
- U lympho: Khối u ung thư bắt đầu trong những hạch bạch huyết - một phần của hệ thống miễn dịch.
- Carcinoids: Đây là loại ung thư bắt đầu trong những tế bào tạo hormone của ruột.
- Sarcoma: Loại ung thư này bắt đầu trong những mô mềm ở đại tràng, chẳng hạn như cơ.
- Khối u mô đệm đường tiêu hóa: Bệnh bắt đầu với những khối u lành tính, sau đó chuyển thành ác tính (ung thư).
Bệnh ung thư đại tràng sigma có 5 giai đoạn. Trong đó giai đoạn II, III và IV sẽ có những giai đoạn phụ. Cụ thể:
- Giai đoạn 0: Bệnh ung thư đại tràng sigma giai đoạn 0 còn được gọi là ung thư biểu mô tại chỗ. Trong đó tiền ung thư hoặc những tế bào bất thường phát triển trong niêm mạc, ảnh hưởng đến lớp trong cùng của đại tràng sigma.
- Giai đoạn I: Ung thư đã phát triển thành thành ruột. Tuy nhiên những tế bào ác tính chưa lan ra ngoài lớp cơ của đại tràng sigma hoặc các hạch bạch huyết lân cận.
- Giai đoạn II: Ung thư đại tràng sigma giai đoạn II đã lan rộng hơn vào thành ruột. Tuy nhiên những tế bào ác tính chưa làm ảnh hưởng đến những hạch bạch huyết lân cận. Trong giai đoạn II, bệnh sẽ được phân thành 3 giai đoạn phụ, bao gồm:
- Giai đoạn IIA: Khối u ung thư đã lan đến hầu hết thành ruột. Tuy nhiên lớp ngoài cùng của thành chưa bị ảnh hưởng.
- Giai đoạn IIB: Khối u ung thư đã lan ra lớp ngoài của thành đại tràng, đôi khi ung thư xuyên qua thành.
- Giai đoạn IIC: Những tế bào ung thư ác tính đã lan đến một cơ quan lân cận.
- Giai đoạn III: Bệnh nhân có những hạch bạch huyết lân cận bị ung thư xâm lấn. Giai đoạn III được phân thành 3 giai đoạn phụ, bao gồm:
- Giai đoạn IIIA: Những tế bào ung thư đại tràng sigma đã xâm lấn đến lớp thứ nhất hoặc lớp thứ hai của thành ruột kết (đoạn đại tràng sigma), đồng thời làm tổn thương từ 1 - 4 hạch bạch huyết.
- Giai đoạn IIIB: Những tế bào ung thư làm ảnh hưởng đến nhiều lớp hơn của thành ruột kết. Tuy nhiên chỉ có 1 - 3 hạch bạch huyết bị ảnh hưởng. Trong nhiều trường hợp khác, những tế bào ung thư làm ảnh hưởng ít lớp thành kết hơn nhưng xâm lấn ít nhất 4 hạch bạch huyết.
- Giai đoạn IIIC: Ung thư làm ảnh hưởng đến lớp ngoài hoặc gây hỏng lớp ngoài cùng tiếp theo của đại tràng sigma và ít nhất 4 hạch bạch huyết. Ở giai đoạn này, ung thư có thể xâm lấn đến một cơ quan lân cận và ít nhất 1 hạch bạch huyết.
- Giai đoạn IV: Ung thư đã di căn (lan rộng) đến những vùng hoặc cơ quan khác trong cơ thể. Chẳng hạn như buồng trứng, dạ dày, gan và phổi. Bệnh được phân thành 3 giai đoạn phụ gồm:
- Giai đoạn IVA: Ung thư đã xâm lấn đến những hạch bạch huyết xa hơn hoặc một cơ quan ở xa.
- Giai đoạn IVB: Ung thư đã xâm lấn đến nhiều hạch bạch huyết và nhiều cơ quan ở xa hơn.
- Giai đoạn IVC: Ung thư đã xâm lấn đến những cơ quan xa, mô bụng và hạch bạch huyết, bệnh nhân có thời gian sống ngắn.
Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ
Chưa rõ nguyên nhân của ung thư đại tràng sigma. Bệnh bắt đầu khi những tế bào khỏe mạnh ở đại tràng sigma phát triển những thay đổi (đột biến) trong DNA.
Khi DNA bị hư hại, những tế bào không thể phân chia một cách trật tự để giữ cho cơ thể hoạt động bình thường. Thay vào đó chúng trở thành những tế bào ung thư, tiếp tục phân chia và phát triển ngay cả khi không cần sản sinh những tế bào mới. Những tế bào tích tụ sẽ tạo thành khối u.
Trong giai đoạn đầu, khối u hình thành trong niêm mạc của đại tràng sigma, ảnh hưởng đến lớp trong cùng. Theo thời gian, ung thư xâm lấn sâu hơn, làm tổn thương các mô lân cận hoặc di căn xa. Những trường hợp di căn sẽ tử vong trong thời gian ngắn.
Những yếu tố làm tăng nguy cơ ung thư đại tràng sigma:
- Polyp đại tràng sigma: Một số polyp đại tràng sigma có thể phát triển thành ung thư. Chúng lành tính và không gây hại trong thời gian dài. Khi không được xử lý, polyp sẽ chuyển thành ung thư nhưng không phải tất cả trường hợp. Nguy cơ tăng cao nếu bạn có nhiều polyp hơn.
- Tiền sử ung thư đại tràng hoặc polyp: Nếu đã từng có polyp hoặc ung thư đại tràng, bạn sẽ có nguy cơ mắc bệnh cao hơn trong tương lai.
- Bệnh mãn tính: Ung thư đại tràng nói chung có thể là kết quả của một số bệnh mãn tính, chẳng hạn như viêm loét đại tràng.
- Di truyền: Nghiên cứu cho thấy, những đứa trẻ được sinh ra bởi cha mẹ bị ung thư đại tràng sigma hoặc ung thư đại tràng sẽ có nguy cơ mắc bệnh cao hơn. Nguy cơ cũng tăng cao ở những người có các hội chứng di truyền, chẳng hạn như polyp đại tràng gia đình FAP (Familial Adenomatous Polyposis).
- Chế độ ăn uống thiếu khoa học: Ung thư đại tràng (bao gồm cả đại tràng sigma) thường gặp ở những người ăn ít chất xơ, rau củ quả, ngũ cốc và trái cây. Nguy cơ cũng tăng cao khi bạn ăn nhiều mỡ và đạm động vật.
- Lối sống ít vận động: Những người ít vận động sẽ có nhiều khả năng mắc bệnh ung thư hơn.
- Yếu tố khác:
- Xạ trị ung thư
- Uống nhiều rượu
- Hút thuốc lá
- Bệnh tiểu đường
- Thừa cân béo phì.
Triệu chứng và chẩn đoán
Bệnh ung thư đại tràng sigma thường không gây ra triệu chứng trong những giai đoạn đầu (ung thư khu trú). Khi ung thư xâm lấn sâu hơn, bắt đầu ảnh hưởng đến các mô lân cận hoặc cơ quan xa, người bệnh sẽ có những dấu hiệu dưới đây:
- Ợ hơi
- Ợ chua
- Hơi thở hôi
- Đau tức ở bụng trước hoặc sau khi ăn
- Đau quặn bụng hoặc đau râm ran thường xuyên
- Chán ăn
- Khó tiêu
- Đầy trướng bụng
- Ăn uống không ngon miệng
- Mệt mỏi thường xuyên
- Sút cân
- Rối loạn đại tiện kéo dài (táo bón hoặc tiêu chảy bất thường)
- Đau quặn khi đi ngoài, luôn cảm thấy mót rặn hoặc khó chịu
- Có máu hoặc dịch nhầy trong phân
- Đi ngoài thấy phân lỏng và hẹp hơn so với bình thường
- Đi ngoài ra máu tươi, máu nhỏ giọt hoặc phủ lên phân
- Hậu môn trực tràng sa xuống
- Đại tiền nhiều lần hơn bình thường
- Cơ thể suy nhược ngay cả khi đã nghỉ ngơi và ngủ đủ giấc
- Thiếu máu, da dẻ xanh xao
- Toàn thân gầy sút.
Những phép chẩn đoán được thực hiện trong quá trình thăm khám:
- Kiểm tra lâm sàng: Bác sĩ tiến hành kiểm tra các triệu chứng, ấn nhẹ vào bụng xác định vị trí đau và đặt một số câu hỏi liên quan đến bệnh sử.
- Nội soi đại tràng: Kỹ thuật này sử dụng ống nội soi (ống mảnh và linh hoạt, có camera và đèn) qua trực tràng và đặt vào đại tràng. Nội soi có thể giúp quan sát toàn bộ bên trong trực tràng và đại trạng. Nếu thấy khu vực đáng ngờ, bác sĩ có thể lấy mẫu mô (sinh thiết) để loại bỏ polyp và phân tích trong phòng thí nghiệm.
- Công thức máu toàn bộ (CBC): Đây là một xét nghiệm máu giúp phát hiện một loạt các tình trạng và rối loạn trong cơ thể. Kỹ thuật này giúp phát hiện nhiễm trùng, thiếu máu và một số bất thường khác. Từ đó giúp loại trừ các bệnh và rối loạn không phải ung thư.
- Xét nghiệm kháng nguyên carcinoembryonic (CEA): CEA được giải phóng vào máu bởi những tế bào ung thư và tế bào bình thường. Tuy nhiên những người bị ung thư đại tràng sigma sẽ có nồng độ CEA cao quá mức.
- Xét nghiệm phân: Kiểm tra phân có thể giúp phát hiện tế bào máu trong phân. Thông thường người bệnh sẽ được xét nghiệm hóa miễn dịch phân (FIT) hoặc/ và xét nghiệm tìm máu ẩn trong phân dựa trên Guaiac (gFOBT).
- Chụp cắt lớp vi tính (CT): Bệnh nhân thường được CT hoặc chụp cắt lớp phát xạ Positron (PET) ở vùng bụng, ngực và vùng chậu. Hình ảnh thu được có thể giúp đánh giá khối u ở đại tràng sigma, kích thước và mức độ xâm lấn. Từ đó phân đoạn ung thư.
Biến chứng và tiên lượng
Người bệnh có tiên lượng tốt nếu ung thư đại tràng sigma được điều trị trong giai đoạn sớm. Nếu được điều trị ở những giai đoạn muộn hơn, bệnh nhân có tiên lượng và tỉ lệ sống sót trên 5 năm suy giảm đáng kể.
Dựa trên kinh nghiệm của những người mắc bệnh ung thư, tỉ lệ sống sau 5 năm chẩn đoán là 63%. Tuy nhiên tỉ lệ này thay đổi dựa trên giai đoạn ung thư khi chẩn đoán và điều trị. Cụ thể:
- Giai đoạn 0 và 1: Tỉ lệ sống sau 5 năm chẩn đoán là 91%
- Giai đoạn 2: Tỉ lệ sống sau 5 năm chẩn đoán là 72%
- Giai đoạn 3: Tỉ lệ sống sau 5 năm chẩn đoán là 72%
- Giai đoạn 4: Tỉ lệ sống sau 5 năm chẩn đoán là 14%
Điều trị
Dựa vào giai đoạn, vị trí ung thư và những vấn đề về sức khỏe khác, phác đồ ung thư đại tràng sigma thường bao gồm các phương pháp sau:
1. Phẫu thuật
Phẫu thuật thường là phương pháp điều trị chính cho những bệnh nhân bị ung thư. Dựa vào kích thước và giai đoạn của ung thư, một trong những lựa chọn dưới đây sẽ được thực hiện:
+ Phẫu thuật giai đoạn đầu
Ở giai đoạn đầu, phẫu thuật loại bỏ ung thư đơn giản hơn, bao gồm:
- Cắt polyp: Đây là phương pháp cắt polyp trong quá trình nội soi sàng lọc. Phương pháp này được thực hiện cho những trường hợp có khối u nhỏ, nằm hoàn toàn trong một polyp (khu trú) và ở giai đoạn rất sớm. Khi thực hiện, những dụng cụ phẫu thuật sẽ được đưa qua ống nội soi và tiến hành cắt polyp.
- Cắt bỏ niêm mạc nội soi: Phương pháp này được thực hiện cho những trường hợp có polyp lớn hơn. Trong khi nội soi, những công cụ đặc biệt sẽ được dùng để cắt bỏ polyp và một phần lớp lót bên trong đại tràng sigma.
- Phẫu thuật nội soi (phẫu thuật xâm lấn tối thiểu): Nếu polyp lớn, không đảm bảo an toàn khi loại bỏ trong quá trình nội soi sàng lọc, bệnh nhân sẽ được phẫu thuật nội soi. Trong quá trình này, bác sĩ tạo một vài vết rạch nhỏ ở thành bụng, sau đó đưa dụng cụ nội soi có gắn camera vào trong, tiếp cận với đoạn ruột co khối u. Cuối cùng loại bỏ khối u ung thư, một số mô khỏe mạnh xung quanh hoặc/ và những hạch bạch huyết trong khu vực có ung thư.
+ Phẫu thuật giai đoạn tiến triển
Một trong những phương pháp phẫu thuật dưới đây sẽ được thực hiện nếu khối ung thư đã xuyên qua đại tràng và xâm lấn vào những mô lân cận.
- Cắt bỏ một phần đại tràng: Bệnh nhân được nội soi ổ bụng để cắt bỏ một phần đại tràng. Trong khi thực hiện, phần đại tràng có chứa ung thư và những mô khỏe mạnh ở hai bên sẽ bị loại bỏ. Sau đó nối những phần còn lại của đại tràng và trực tràng để duy trì chức năng bình thường của cơ quan này.
- Phẫu thuật cắt bỏ lỗ thông: Phương pháp này được thực hiện cho những người không thể nối những phần khỏe mạnh của đại tràng. Khi thực hiện, bác sĩ sẽ tạo ra một lỗ trên thành bụng từ phần đại tràng còn lại. Lỗ này được gắn với một chiếc túi để chất thải ra khỏi cơ thể. Tùy thuộc vào tình trạng, hậu môn nhân tạo có thể là tạm thời hoặc vĩnh viễn.
- Loại bỏ hạch bạch huyết: Những hạch bạch huyết bị ảnh hưởng sẽ bị cắt bỏ trong quá trình loại bỏ khối u ung thư. Điều này giúp ngăn những tế bào ác tính lan rộng ra thêm.
- Phẫu thuật giảm tắc nghẽn đại tràng: Nếu ung thư đã tiến triển đến giai muộn, bác sĩ có thể giảm nhẹ triệu chứng bằng cách phẫu thuật giảm tắc nghẽn đại tràng.
2. Hóa trị
Hóa trị giúp tiêu diệt những tế bào ung thư bằng thuốc. Phương pháp này thường được thực hiện vào 3 thời điểm sau:
- Trước phẫu thuật: Trong trường hợp khối u ung thư lớn, bệnh nhân có thể được hóa trị trước phẫu thuật để thu nhỏ khối u. Điều này giúp bác sĩ dễ dàng hơn trong việc loại bỏ khối u bằng phẫu thuật
- Sau phẫu thuật: Hóa trị thường được thực hiện sau phẫu thuật nếu ung thư đã xuyên qua thành đại tràng sigma hoặc lan đến những hạch bạch huyết. Khi sử dụng, hóa trị có thể giúp tiêu diệt những tế bào ác tính còn sót lại. Từ đó giúp giảm nguy cơ tái phát trong tương lai.
- Giai đoạn muộn của ung thư: Nếu ung thư đại tràng sigma đã lan sang những vùng khác của cơ thể hoặc không thể cắt bỏ bằng phẫu thuật, người bệnh sẽ được thực hiện hóa trị để giảm nhẹ triệu chứng. Những trường hợp này thường được hóa trị kết hợp xạ trị để tăng hiệu quả và kéo dài thời gian sống cho người bệnh.
3. Xạ trị
Xạ trị điều trị ung thư và tiêu diệt những tế bào ác tính bằng cách sử dụng nguồn năng lượng mạnh, thường bao gồm proton hoặc tia X. Phương pháp này giúp thu nhỏ khối u ung thư lớn, thường được thực hiện trước khi phẫu thuật để giúp khối u được loại bỏ dễ dàng hơn.
Khi không thể phẫu thuật loại bỏ ung thư, người bệnh sẽ được xạ trị để giảm nhẹ các triệu chứng, tăng chất lượng cuộc sống cho bệnh nhân trong những ngày tháng cuối đời.
4. Thuốc nhắm mục tiêu
Thuốc nhắm mục tiêu giúp điều trị ung thư bằng cách tập trung vào những bất thường của tế bào ung thư. Sau đó ngăn chặn những bất thường này và khiến những tế bào ung thư chết đi.
5. Liệu pháp miễn dịch
Liệu pháp miễn dịch là phương pháp sử dụng thuốc kích thích hệ miễn dịch của bệnh nhân chống lại ung thư. Thông thường những tế bào ung thư không được hệ miễn dịch tiêu diệt bởi chúng có khả năng tạo ra các protein làm mù những tế bào của hệ miễn dịch.
Khi thực hiện, liệu pháp miễn dịch giúp can thiệp vào quá trình nhận biết và chống lại những tế bào ung thư của hệ thống miễn dịch. Thông thường phương pháp này sẽ được thực hiện khi ung thư tiến triển.
6. Chăm sóc hỗ trợ
Chăm sóc hỗ trợ gồm những biện pháp giảm nhẹ triệu chứng và cải thiện tinh thần cho bệnh nhân. Từ đó giúp tăng chất lượng cuộc sống cho cả bệnh nhân và người nhà.
Phòng ngừa
Không thể ngăn ung thư đại tràng sigma xảy ra. Tuy nhiên nguy cơ có thể giảm đáng kể khi thực hiện những biện pháp dưới đây:
- Ăn nhiều rau củ, trái cây, các loại đậu và ngũ cốc. Điều này giúp bổ sung chất xơ, chất chống oxy hóa, vitamin và những khoáng chất cần thiết cho quá trình chống lại ung thư.
- Hạn chế hoặc không uống rượu nếu có thể. Không uống quá 2 ly rượu đối với nam và 1 ly rượu đối với nữ.
- Bỏ thói quen hút thuốc lá sẽ giảm nguy cơ mắc bệnh ung thư.
- Duy trì cân nặng khỏe mạnh. Giảm cân khi có nhiều mỡ trong cơ thể và cân nặng dư thừa.
- Tập thể dục đều đặn, ít nhất 30 phút mỗi ngày. Duy trì thói quen vận động có thể giúp bạn cải thiện sức khỏe và giảm nguy cơ phát triển bệnh ung thư.
- Thường xuyên sàng lọc ung thư đại tràng sigma, đặc biệt là người lớn tuổi và những người có nguy cơ cao (như tiền sử gia đình mắc bệnh). Điều này giúp sớm phát hiện giai đoạn tiền ung thư và ung thư. Từ đó có những phương pháp điều trị đơn giản và khả năng chữa khỏi cao hơn.
Những câu hỏi quan trọng khi gặp bác sĩ
1. Tôi bị ung thư đại tràng sigma giai đoạn mấy?
2. Bệnh ung thư của tôi có lan sang nhưng bộ phận khác không?
3. Phác đồ điều trị của tôi như thế nào?
4. Những lựa chọn điều trị cho bệnh ung thư của tôi là gì?
5. Có khả năng chữa khỏi ung thư đại tràng sigma không?
6. Tiên lượng của tôi như thế nào?
7. Tác dụng phụ tìm ẩn từ những phương pháp điều trị là gì?
8. Ung thư có ảnh hưởng nhiều đến cuộc sống của tôi không?
Hơn 90% trường hợp ung thư đại tràng sigma được chữa khỏi và sống trên 5 năm khi được chẩn đoán và điều trị trong giai đoạn sớm. Vì vậy những người lớn tuổi và có nguy cơ cao cần thường xuyên sàng lọc ung thư. Nếu có bất thường, hãy tiến hành phẫu thuật và áp dụng những phương pháp khác theo chỉ định.
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!