Ung Thư Tá Tràng
Ung thư tá tràng là bệnh lý ác tính ở tá tràng. Bệnh liên quan đến sự phát triển của những tế bào ung thư ở một phần của ruột non, có thể xâm lấn và phá hủy các mô lân cận (di căn) hoặc đến những vị trí khác. Điều này khiến người bệnh tử vong.
Tổng quan
Ung thư tá tràng là sự phát triển của những tế bào ung thư (bệnh lý ác tính) ở tá tràng - phần đầu tiên và ngắn nhất của ruột non. Phần này nằm giữa dạ dày và hỗng tràng, có chức năng nhận lượng thức ăn đã được tiêu hóa một phần từ dạ dày.
Ngoài ra mật và những chất tiết hóa học cũng được đổ vào tá tràng để phân hủy thức ăn. Tại đây, cơ thể bắt đầu hấp thụ các vitamin và khoáng chất trước khi thức ăn di chuyển đến hỗng tràng.
Khi ung thư tá tràng xảy ra, quá trình tiêu hóa thức ăn bị ảnh hưởng, các vitamin và khoáng chất không được hấp thu đúng cách để cơ thể hoạt động bình thường.
Ngoài ra khối u ác tính tại tá tràng có thể xâm lấn sâu, xâm lấn và phá hủy các mô lân cận hoặc đến những cơ quan khác của cơ thể và khiến bệnh nhân tử vong.
Phân loại
Bệnh ung thư tá tràng được phân thành những loại dưới đây:
- Ung thư biểu mô tuyến: Đây là loại ung thư tá tràng phổ biến nhất. Trong đó bệnh ung thư làm ảnh hưởng đến những tế bào tuyến lót bên trong ruột non. Tế bào này chịu trách nhiệm sản xuất chất nhầy, chất tiêu hóa và những chất dịch khác từ những cơ quan nội tạng.
- Sarcoma: Đây là một loại khối u ác tính hình thành ở những mô mềm của cơ thể (như mạch máu, cơ, mỡ) và xương. Đối với ung thư tá tràng, sarcoma phát triển trong những mô hỗ trợ ruột non, thường gặp ở cơ. Loại này chiếm khoảng 10% các trường hợp bị ung thư ruột non.
- Ung thư hạch (u lympho): Loại này xảy ra khi những tế bào ác tính phát triển trong những tế bào lympho - một phần của hệ thống miễn dịch.
- U mô đệm dường tiêu hóa: Loại này xảy ra khi những khối u ác tính hình thành trong đường tiêu hóa.
- Khối u carcinoid: Những khối u carcinoid hình thành trong những tế bào thần kinh nội tiết của ruột non (tế bào sản xuất những chất giống như hormone). Chúng xu hướng phát triển chậm. Tuy nhiên khối u carcinoid có khả năng dẫn đến hội chứng carcinoid, lây lan sang những vị trí lân cận và cơ quan khác trong cơ thể.
Tương tự như những bệnh ung thư khác, ung thư tá tràng được phân thành 5 giai đoạn khác nhau dựa trên mức độ nghiêm trọng, bao gồm:
- Giai đoạn 0: Trong giai đoạn này, những tế bào ung thư chỉ có trong niêm mạc hoặc lớp lót của tá tràng.
- Giai đoạn I: Những tế bào ác tính (ung thư) chỉ nằm trong tá tràng, chưa lây lan đến những hạch bạch huyết.
- Giai đoạn II: Ung thư đã phát triển qua những lớp ruột, ảnh hưởng đến nhưng mô liên kết, hạch bạchhuyết và cơ.
- Giai đoạn III: Những tế bào ung thư đã lây lan hoặc xâm lấn và làm hỏng các mô của các bộ phận khác của ruột non hoặc những cơ quan lân cận.
- Giai đoạn IV: Đây là giai đoạn cuối của bệnh ung thư tá tràng. Trong đó ung thư đã lan rộng khắp bụng, xương cùng với những cơ quan xa hơn của cơ thể (chẳng hạn như gan, phổi, dạ dày và những tuyến tụy). Cuối cùng dẫn đến tử vong trong thời gia ngắn.
Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ
Nguyên nhân chính xác của ung thư tá tràng vẫn chưa được biết rõ. Tuy nhiên ung thư bắt đầu từ các gen bị lỗi hoặc đột biến. Những gen này cho phép các tế bào phát triển không kiểm soát và hình thành khối u. Tế bào ác tính vẫn tồn tại trong khi những tế bào khỏe mạnh chết đi như một vòng đời tự nhiên.
Các nghiên cứu cho thấy, những yếu tố dưới đây có thể làm tăng nguy cơ phát triển bệnh ung thư tá tràng. Cụ thể như:
- Chế độ ăn uống không khoa học: Nguy cơ ung thư tá tràng tăng cao ở những người ăn quá ít rau và trái cây; ăn nhiều đường, thịt đỏ, thịt hun khói và carbs tinh chế (như bánh mì và mì ống).
- Tuổi tác: Bệnh thường xảy ra ở những người có độ tuổi từ 60 - 70 tuổi. Điều này có thể do những đột biến gen cần thời gian hình thành và phát triển trong cơ thể.
- Giới tính: Bệnh thường gặp ở nam giới hơn so với phụ nữ.
- Di truyền: Những người có gia đình (ba mẹ hoặc anh chị) bị ung thư tá tràng sẽ có nguy cơ cao hơn. Bởi một số hội chứng nhất định và các gen bị tổn thương có thể truyền từ ba mẹ đến con cái. Từ đó khiến bạn có nguy cơ mắc bệnh ung thư cao hơn. Một số tình trạng liên quan:
- Đa polyp tuyến gia đình (FAP)
- Đa polyp liên quan đến MUTYH
- Hội chứng Peutz-Jeghers (PJS)
- Bệnh xơ nang
- Bệnh xơ nang
- Polyp tá tràng: Khối u lành tính (polyp) ở tá tràng thường không phát triển thành ung thư. Tuy nhiên polyp có thể làm tăng nguy cơ phát triển ung thư của bạn.
- Uống rượu và hút thuốc: Những người uống rượu hoặc/ và hút thuốc sẽ có nguy cơ phát triển ung thư cao hơn, trong đó có ung thư ruột non.
- Bệnh lý về đường ruột: Nguy cơ mắc bệnh ung thư tá tràng tăng cao ở những người có các vấn đề ở đường ruột, chẳng hạn như:
- Bệnh viêm ruột
- Bệnh Crohn
- Bệnh Celiac
- Ung thư ruột kết: Những người bị ung thư ruột kết (đại tràng) sẽ có nguy cơ phát triển ung thư ruột non.
Triệu chứng và chẩn đoán
Ung thư tá tràng không có triệu chứng trong giai đoạn đầu hoặc có những triệu chứng ít nghiêm trọng, tương tự như những bệnh lý thông thường. Ở những giai đoạn sau của bệnh, bệnh nhân có nhiều dấu hiệu nghiêm trọng hơn và gây ra những ảnh hưởng kéo dài.
Những người bị ung thư tá tràng tiến triển sẽ có những triệu chứng và dấu hiệu dưới đây:
- Đau bụng
- Buồn nôn
- Nôn mửa
- Phân có máu
- Sụt cân không rõ nguyên nhân
- Có một khối u trong bụng
- Tiêu chảy
- Suy nhược và mệt mỏi
- Trào ngược axit
- Thiếu máu
- Vàng da
- Tắc nghẽn đường tiêu hóa khi có một khối u lớn.
Người bệnh được kiểm tra triệu chứng và tiền sử bệnh khi thăm khám. Nếu có nghi ngờ ung thư tá tràng, những xét nghiệm sẽ được thực hiện để xác định chẩn đoán, phân loại và đánh gia mức độ lây lan của ung thư.
- Xét nghiệm hình ảnh: Người bệnh được chụp X-quang, CT hoặc MRI để tạo ra hình ảnh chi tiết của ruột non vá các cơ quan xung quanh. Điều này cho phép bác sĩ phát hiện khối u và đánh giá mức độ lan rộng của ung thư. Trước khi xét nghiệm, người bệnh có thể được yêu cầu uống một loại thuốc nhuộm đặc biệt để tăng tính rõ nét và chi tiết cho hình ảnh.
- Xét nghiệm máu: Người bệnh được xét nghiệm máu để kiểm tra những dấu hiệu của ung thư. Từ đó chẩn đoán phân biệt với những bệnh lý khác.
- Nội soi trên: Một ống mỏng và linh hoạt (ống nội soi) được đưa qua cổ họng, dạ dày và vào tá tràng. Điều này giúp bác sĩ nhìn vào tổn thương, xác định vị trí có khối u và chụp ảnh khu vực có vấn đề.
- Sinh thiết: Sinh thiết thường được thực hiện trong quá trình nội soi trên. Ở khu vực có vấn đề, bác sĩ sẽ lấy một mẫu mô và kiểm tra dưới kính hiển vi. Điều này giúp phát hiện dấu hiệu ung thư.
- Viên nang nội soi: Người bệnh được yêu cầu nuốt một viên nang nhỏ có đèn và camera. Khi di chuyển dọc theo tá tràng và đến những phần khác, thiết bị này sẽ gửi những hình ảnh về môi trường xung quanh.
Biến chứng và tiên lượng
Tiên lượng phụ thuộc vào giai đoạn của khối u khi chẩn đoán. Tiên lượng và khả năng chữa khỏi càng cao khi ung thư tá tràng được phát hiện và điều trị càng sớm.
Tuy nhiên các triệu chứng thường nhẹ và mơ hồ trong giai đoạn đầu. Điều này làm ảnh hưởng đến quá trình phát hiện ung thư trong giai đoạn sớm.
Dưới đây là tỉ lệ sống trên 5 năm của bệnh nhân bị ung thư tá tràng:
- Ung thư khu trú: Tỉ lệ sống soát trên 5 năm là 83%.
- Ung thư lan đến các mô và cơ quan xung quanh: Tỉ lệ sống soát trên 5 năm là 73%.
- Ung thư lan đến những bộ phận xa của cơ thể: Tỉ lệ sống soát trên 5 năm là 43%.
Điều trị
Điều trị ung thư tá tràng dựa vào giai đoạn của khối u tại thời điểm chẩn đoán, tuổi tác và tình trạng sức khỏe của bệnh nhân. Trong đó lựa chọn phổ biến và hiệu quả nhất gồm phẫu thuật đơn thuần, kết hợp với hóa trị hoặc/ và xạ trị.
1. Phẫu thuật
Để loại bỏ ung thư và cho phép thức ăn đi ra khỏi tá tràng, bác sĩ sẽ cố gắng loại bỏ khối u trong thời gian sớm nhất. Điều này có thể bao gồm thủ thuật Whipple (cắt bỏ tụy - tá tràng) hoặc phẫu thuật cắt bỏ tá tràng
- Phẫu thuật cắt bỏ tá tràng
Dựa trên tình trạng, người bệnh có thể được cắt bỏ một đoạn tá tràng hoặc hoặc cắt bỏ hoàn toàn tá tràng, một phần của cơ quan hoặc những cấu trúc cơ thể khác.
- Thủ thuật Whipple
Thủ thuật Whipple là phương pháp phẫu thuật cắt bỏ tụy - tá tràng. Trong phẫu thuật, tá tràng và một số khu vực có cấu trúc liền kề với tá tràng sẽ bị cắt bỏ. Từ đó loại bỏ ung thư và ngăn những tế bào ác tính lan sang những khu vực bên cạnh.
Thủ thuật Whipple thường bao gồm:
-
- Cắt bỏ đoạn ung thư của tá tràng
- Cắt bỏ một phần tuyến tụy
- Loại bỏ túi mật
- Loại bỏ những hạch bạch huyết lân cận
- Cắt bỏ một phần dạ dày.
2. Xạ trị
Xạ trị có thể được thực hiện trước hoặc sau phẫu thuật. Phương pháp này sử dụng chùm tia năng lượng cao và hội tụ (thường là bức xạ từ tia X) để tiêu diệt những tế bào ung thư.
Tùy thuộc vào tình trạng, người bệnh có thể được xạ trị ngoài hoặc trong.
- Xạ trị ngoài: Phương pháp này sử dụng chùm tia phóng xạ từ bên ngoài cơ thể đến những khối u ung thư bên trong. Xạ trị khu trú vào khối u nguyên phát ở tá tràng, hạch di căn cùng với những vùng có nguy cơ cao bị ung thư lan tới.
- Xạ trị trong (xạ trị áp sát): Một nguồn phóng xạ có thể là rắn hoặc lỏng được đưa vào bên trong cơ thể, gần với vị trí có ung thư cần xạ trị. Nguồn phóng xạ sẽ phát ra chùm tia phóng xạ để tiêu diệt tế bào ung thư.
3. Hóa trị
Hóa trị là phương pháp sử dụng thuốc đặc biệt để tiêu diệt tế bào ung thư và ngăn chúng phát triển. Thuốc này có thể được dùng bằng đường uống hoặc tiêm tĩnh mạch.
Nếu có khối u lớn hoặc lây lan, hóa trị có thể được dùng trước khi cắt bỏ khối u. Điều này giúp thu nhỏ kích thước ung thư và tăng khả năng loại bỏ khối u.
Sau phẫu thuật, bệnh nhân có thể được hóa trị để đảm bảo tế bào ung thư không còn sót lại trong cơ thể. Điều này có thể được thực hiện cùng với xạ trị.
4. Liệu pháp sinh học
Liệu pháp sinh học sử dụng những phân tử sinh học để kích thích hoạt động chống lại ung thư của hệ thống miễn dịch. Từ đó giúp tiêu diệt các tế bào ác tính bên trong cơ thể.
5. Biện pháp giảm nhẹ
Bác sĩ có thể hướng dẫn những biện pháp giảm nhẹ để cải thiện sức khỏe và tinh thần cho người bệnh. Đồng thời giảm bớt các triệu chứng (như đau nhức, khó chịu).
Trong quá trình điều trị, người bệnh cần giữ tinh thần lạc quan, ăn uống đầy đủ dinh dưỡng và tuân thủ chỉ định của bác sĩ chuyên khoa. Điều này giúp tăng hiệu quả điều trị ung thư và chất lượng sống cho người bệnh.
Phòng ngừa
Không có cách để ngăn ngừa ung thư đại tràng. Tuy nhiên những bước dưới đây có thể giúp giảm rủi ro:
- Duy trì trọng lượng khỏe mạnh. Điều này có thể giúp giảm nguy cơ cho tất cả các loại ung thư. Nếu thừa cân hoặc béo phì, hãy thường xuyên tập thể dục và thực hiện chế độ ăn uống khoa học.
- Ăn nhiều trái cây tươi, rau củ và ngũ cốc nguyên nhân. Những loại thực phẩm này chứa nhiều vitamin, khoáng chất và các chất chống oxy hóa, giúp duy trì cơ thể khỏe mạnh và giảm nguy cơ mắc bệnh ung thư.
- Tránh ăn nhiều thịt đỏ, đường và carbs tinh chế. Ngoài ra không ăn những loại thực phẩm ôi thiu hoặc đã quá hạn sử dụng.
- Tập thể dục thể thao đều đặn và có cường độ thích hợp. Tốt nhất nên đi bộ nhanh 30 phút mỗi ngày, tập yoga hoặc thực hiện những bài tập thích hợp khác.
- Không uống rượu và tránh hút thuốc lá. Điều này giúp giảm nguy cơ ung thư ruột non, bao gồm cả ung thư tá tràng.
- Khám sức khỏe và tầm soát ung thư định kỳ, đặc biệt là những người nguy cơ cao. Thông qua kiểm tra có thể giúp phát hiện ra những khối u lành tính, ác tính và các bệnh lý khác để loại trừ.
Những câu hỏi quan trọng khi gặp bác sĩ
1. Tôi bị ung thư tá tràng giai đoạn mấy?
2. Có cách nào giúp chữa khỏi hoàn toàn hay không?
3. Phác đồ điều trị của tôi là gì?
4. Tiên lượng của tôi như thế nào?
5. Nếu ung thư di căn, tôi có thể sống được bao lâu?
6. Tôi nên làm gì và kiêng gì để hỗ trợ quá trình điều trị?
7. Tôi có thể sinh hoạt bình thường sau điều trị hay không?
Bệnh ung thư tá tràng thường gặp ở những người có chế độ ăn uống không lành mạnh và bệnh lý ở ruột non. Bệnh có tiên lượng tốt khi được điều trị trong giai đoạn sớm. Ngược lại những trường hợp không điều trị sẽ có ung di căn và đe dọa đến tính mạng của người bệnh.
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!