Ung Thư Xương
Ung thư xương là bệnh ung thư phát triển trong hệ thống xương, có thể ảnh hưởng đến bất kỳ xương nào của cơ thể. Những tế bào ác tính phá hủy mô và lây lan đến cơ quan xa. Tuy nhiên việc quản lý sớm có thể giúp cải thiện tiên lượng.
Tổng quan
Ung thư xương là thuật ngữ chỉ một số bệnh ung thư phát triển trong xương, có thể ở bất kỳ xương nào trong cơ thể. Tuy nhiên xương chậu, các xương dài ở chân và tay (như xương đùi, xương ống chân và cánh tay trên) thường bị ảnh hưởng hơn.
Khi phát triển trong xương, những tế bào ung thư có thể phá hủy hoặc gây hại cho mô xương bình thường. Đồng thời hình thành khối u ác tính, gây biến dạng xương rõ rệt trong hình ảnh X-quang. Những khối u phát triển mạnh, có khả năng lan sang những bộ phận khác và gây tử vong.
Phân loại
Ung thư xương được phân thành những loại dưới đây:
1. Ung thư xương nguyên phát
Thuật ngữ ung thư xương thường được dùng để chỉ ung thư xương nguyên phát (ung thư bắt đầu trong xương. Ung thư từ nơi khác đến xương được gọi là ung thư xương thứ phát.
Trong xương, những khối u có thể lành tính (không phải ung thư) hoặc ác tính (ung thư). Những khối u lành tính không lan ra ngoài trong khi những khối u ác tính phát triển nhanh và khả năng lan rộng cao hơn.
Mặc dù vậy, một số khối u lành tính như u tế bào khổng lồ và u nguyên bào xương có thể trở thành ác tính sau một thời gian. Chúng gây ra những tổn thương xương gần khối u trước khi lan đến vị trí xa.
Có 4 loại ung thư xương nguyên phát, gồm:
- Sarcoma xương: Sarcoma xương là loại ung thư xương phổ biến nhất. Khối u này phát triển trong những tế bào nơi mô xương mới hình thành. Sarcoma xương thường bắt đầu ở các xương lớn (như cánh tay và chân). Tuy nhiên bệnh cũng có thể ảnh hưởng đến bất kỳ xương nào của cơ thể. So với người lớn, sarcoma xương phổ biến hơn ở trẻ em và thanh thiếu niên.
- U nguyên sống (Chordoma): Đây là một loại ung thư xương nguyên phát hiếm gặp. Loại này bắt đầu trong xương cột sống, thường có vị trí ở đáy hộp sọ hoặc đáy cột sống. Tương tự như Chondrosarcoma, Chordoma phổ biến hơn ở người lớn tuổi. So với phụ nữ, bệnh thường gặp ở nam giới hơn.
- Chondrosarcoma: Đây là loại ung thư bắt đầu trong sụn. Khi thêm canxi vào cơ thể, một số sụn phát triển thành xương. Tuy nhiên nó có thể chứa những tế bào ác tính. Chondrosarcoma (sarcoma sụn) thường gặp hơn ở người lớn. Bệnh chủ yếu ảnh hưởng đến xương chậu, xương cánh tay và chân.
- Ewing sarcoma: Đây là thuật ngữ chỉ một nhóm các khối u có tính chất tương tự nhau, bắt đầu và phát triển cùng một tế bào. Ewing sarcoma thường hình thành trong xương và mô mềm xung quanh, chủ yếu ảnh hưởng đến xương hông, xương bả vai, xương sườn và những xương dài như chân.
Phụ thuộc vào kích thước và vị trí của khối u, bệnh ung thư xương được phân thành 4 giai đoạn.
- Giai đoạn I: Khối u ung thư ở mức độ thấp và còn khu trú. Giai đoạn 1 là giai đoạn dễ điều trị nhất của bệnh.
- Giai đoạn II: Khối u đã phát triển nhưng tế bào ung thư vẫn còn khu trú trong đoạn xương bị ảnh hưởng.
- Giai đoạn III: Khối u có kích thước lớn và ung thư đã lan rộng sang những khu vực khác trong cùng một xương.
- Giai đoạn IV: Đây là giai đoạn cuối của bệnh. Trong đó ung thư lan từ xương đến những cơ quan khác của cơ thể, chẳng hạn như gan và phổi. Những người bị ung thư giai đoạn này có tiên lượng rất xấu, thường tử vong trong thời gian ngắn.
2. Ung thư xương thứ phát
Ung thư xương thứ phát còn được gọi là ung thư xương di căn. Đây là loại ung thư bắt đầu ở cơ quan khác của cơ thể, sau đó lan đến xương trong giai đoạn muộn. Bệnh thường gặp ở người lớn.
Hầu hết các bệnh ung thư đều có thể di căn đến xương. Đặc biệt, ung thư xương thứ phát phổ biến hơn ở những người bị ung thư tuyến tiền liệt và ung thư vú. Khi tế bào ung thư lây lan đến xương, chúng sẽ gây đau đớn, tăng canxi máu và gãy xương.
Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ
Hầu hết các loại ung thư xương không rõ nguyên nhân. Tuy nhiên có nhiều yếu tố nguy cơ có thể dẫn đến tình trạng này. Bao gồm:
- Di truyền. Những người có người thân bị ung thư xương sẽ có nguy cơ mắc bệnh cao hơn
- Mắc các bệnh viêm nhiễm lâu dài
- Tiếp xúc với bức xạ, chẳng hạn như xạ trị ung thư
- Cấy ghép tủy xương trước đó
- Các hội chứng di truyền hiếm gặp trong gia đình như hội chứng Li-Fraumeni và u nguyên bào võng mạc di truyền (một loại ung thư phổ biến ở trẻ em) làm tăng nguy cơ mắc bệnh
- Dưới 20 tuổi
- Bệnh Paget xương.
Triệu chứng và chẩn đoán
Một số người bị ung thư xương không có triệu chứng ngoại trừ nhìn thấy khối u, đặc biệt là trong giai đoạn sớm của bệnh. Những người khác có thể có những dấu hiệu và triệu chứng dưới đây:
- Đau xương
- Sưng và đau gần khu vực bị ảnh hưởng nhưng không rõ nguyên nhân
- Khó di chuyển xung quanh
- Xương yếu và có nguy cơ gãy xương cao
- Mệt mỏi thường xuyên
- Giảm cân ngoài ý muốn
- Sốt.
Đầu tiên người bệnh được kiểm tra lâm sàng vị trí bị ảnh hưởng. Bác sĩ có thể sờ để kiểm tra mức độ đau và khối u bất thường trong xương. Nếu có nghi ngờ ung thư, những xét nghiệm dưới đây sẽ được thực hiện:
- Chụp X-quang: X-quang cung cấp hình ảnh chi tiết về xương, giúp phát hiện sự phát triển bất thường trong xương hoặc ung thư. Ngoài ra X-quang ngực cũng có khả năng phát hiện và đánh giá ung thư lan đến phổi.
- Quét xương phóng xạ: Kỹ thuật này giúp kiểm tra tế bào ác tính đã lan đến những đoạn xương khác hay chưa. Đồng thời xác định những vùng ung thư di căn.
- Chụp cắt lớp vi tính (CT): Bác sĩ thường chỉ định chụp CT để phát hiện ung thư đã lan rộng hay chưa hoặc lan rộng bao xa.
- Chụp cộng hưởng từ (MRI): Hình ảnh MRI cung cấp phác thảo của khối u. Từ đó đánh giá chính xác kích thước, vị trí và mức độ nghiêm trọng của ung thư.
- Quét PET: Kỹ thuật này cho phép bác sĩ quét toàn bộ cơ thể để tìm ung thư.
- Sinh thiết: Bệnh nhân được sinh thiết để phân loại khối u, đánh giá lành tính hay ác tính. Trong đó mô bất thường sẽ được lấy ra và kiểm tra trong phòng thí nghiệm. Một số kỹ thuật sinh thiết:
- Chọc hút bằng kim nhỏ: Bệnh nhân được chụp CT để hướng kim vào khối u. Sau đó chiết xuất một lượng nhỏ tế bào và chất lỏng từ khối u xương và kiểm tra dưới kính hiển vi.
- Sinh thiết kim lõi: Bác sĩ có thể lấy thêm mô bằng kim lớn hơn.
- Sinh thiết rạch: Bệnh nhân được gây mê toàn thân. Sau đó cắt qua da và lấy một lượng nhỏ khối u.
- Sinh thiết cắt bỏ: Toàn bộ khối u được loại bỏ dưới gây mê toàn thân. Sau đó bệnh phẩm được gửi đến phòng thí nghiệm và phân tích.
Biến chứng và tiên lượng
Ung thu xương có thể được điều trị thành công và không bao giờ quay trở lại. Tuy nhiên ung thư cần được điều trị sớm và đúng cách để đạt hiệu quả tối đa.
Nếu được phát hiện và điều trị muộn, ung thư lây lan và giảm thời gian sống của người bệnh. Nhiều trường hợp có ung thư di căn xa và tử vong trong thời gian ngắn.
Dưới đây là tỉ lệ sống sót sau 5 năm đối với ung thư xương trong từng giai đoạn:
- Giai đoạn khu trú: Tỉ lệ sống sót trên 5 năm là 91%
- Giai đoạn khu vực: Tỉ lệ sống sót trên 5 năm là 75%
- Giai đoạn di căn xa: Tỉ lệ sống sót trên 5 năm là 22%
Dựa vào phân loại ung thư, tỉ lệ sống sót sau 5 năm của bệnh nhân như sau:
- Ung thư xương kết hợp: Tỉ lệ sống sót trên 5 năm là 70% (ở cả người lớn và trẻ em)
- Chondrosarcoma: Tỉ lệ sống sót trên 5 năm là 80%
- Sarcoma Ewing di căn phổi và có điều trị tích cực: Tỉ lệ sống sót trên 5 năm là 60%
Điều trị
Phác đồ điều trị ung thư xương dựa vào phân loại, giai đoạn của ung thư và sức khỏe tổng thể. Dưới đây là những phương pháp điều trị phổ biến:
1. Phẫu thuật
Phẫu thuật được chỉ định nhằm loại bỏ toàn bộ khối u ung thư. Trong quy trình này, bác sĩ sẽ thực hiện một số kỹ thuật để cắt bỏ toàn bộ khối u trong một cùng một mảnh và một lần duy nhất. Bác sĩ cũng cắt bỏ những mô khỏe mạnh bao quanh khối u nhằm ngăn chặn ung thư quay trở lại.
Sau khi cắt bỏ, đoạn xương bị mất được thay thế bởi xương từ vùng khác của cơ thể, vật liệu thay thế làm bằng kim loại / nhựa cứng hoặc vật liệu từ ngăn hàng xương.
Nếu ung thư nằm ở một điểm phức tạp hoặc có kích thước rất lớn trên xương, người bệnh có thể cần phải cắt một phần hoặc toàn bộ chi. Sau đó sử dụng chi giả để dễ dàng hơn trong việc thực hiện những hoạt động sinh hoạt thường ngày.
2. Hóa trị
Hóa trị là phương pháp sử dụng thuốc chống ung thư mạnh để tiêu diệt ung thư, thường được tiêm truyền qua tĩnh mạch. Thuốc có thể được dùng trước hoặc sau phẫu thuật để tiêu diệt tế bào ác tính còn sót lại trong xương.
Hóa trị thường mang đến hiệu quả điều trị cao cho những trường hợp bị sarcoma xương và sarcoma Ewing. Tuy nhiên phương pháp này thường không hiệu quả lắm đối với sarcoma sụn. Một số tác dụng phụ có thể gặp như buồn nôn, mệt mỏi, rụng tóc...
3. Xạ trị
Xạ trị là phương pháp sử dụng những chùm tia năng lượng cao để tiêu diệt tế bào ung thư, chẳng hạn như tia X. Trong quá trình này, người bệnh được hướng dẫn nằm trên bàn. Sau đó một cỗ máy sẽ di chuyển xung quanh và hướng những chùm tia năng lượng cao vào vị trí có ung thư.
Nếu có khối u lớn, xạ trị sẽ được thực hiện trước khi phẫu thuật để thu nhỏ khối u. Từ đó tạo điều kiện cho phẫu thuật thành công và giảm khả năng cắt cục chi.
Xạ trị cũng có thể thực hiện sau phẫu thuật, kết hợp với hóa trị để tiêu diệt tế bào ác tính còn sót lại. Đối với những người không thể cắt bỏ khối u bằng phẫu thuật, phương pháp này được thực hiện để kéo dài thời gian sống, giảm những dấu hiệu và triệu chứng của ung thư.
Phòng ngừa
Không có cách để ngăn ngừa ung thư xương. Tuy nhiên bạn có thể duy trì sức khỏe tổng thể và giảm nguy cơ ung thư nếu:
- Thực hiện một chế độ ăn uống lành mạnh, nhiều rau xanh và trái cây giàu vitamin C, chất chống oxy hóa.
- Thường xuyên tập thể dục để nâng cao sức đề kháng và hệ miễn dịch, tăng khả năng chống lại ung thư.
- Tránh thuốc lá và không uống nhiều rượu bia.
Những câu hỏi quan trọng khi gặp bác sĩ
1. Tôi mắc loại ung thư xương nào? Giai đoạn mấy?
2. Tiên lượng của tôi như thế nào?
3. Lựa chọn điều trị cho tình trạng của tôi là gì?
4. Phương pháp nào có thể giúp điều trị khỏi bệnh ung thư của tôi?
5. Việc điều trị có ảnh hưởng đến chất lượng sống và khả năng có con của tôi không?
6. Tôi nên làm gì để giảm bớt những khó chịu trong quá trình điều trị?
7. Tác dụng phụ và rủi ro mà tôi có thể gặp phải khi điều trị là gì?
Bệnh ung thư xương có thể di căn xa và gây tử vong nếu không được phát hiện sớm và tích cực điều trị. Để cải thiện tiên lượng, người bệnh cần thăm khám ngay khi có những dấu hiệu bất thường. Đồng thời tuân thủ phác đồ điều trị và những chỉ định của bác sĩ.
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!