Bệnh Vảy Nến
Bệnh vảy nến là một bệnh tự miễn, đặc trưng bởi tình trạng da dày, có vảy, khô và ngứa ngáy. Bệnh không đe dọa đến tính mạng. Tuy nhiên vảy nến không được chữa khỏi hoàn toàn, các triệu chứng gây khó chịu và làm giảm tính thẩm mỹ. Những phương pháp điều trị chỉ nhằm vào mục đích kiểm soát triệu chứng.
Tổng quan
Bệnh vảy nến (psoriasis) vừa là một bệnh tự miễn, vừa là một bệnh da mãn tính thường gặp. Bệnh thể hiện cho sự nhân lên của những tế bào da, gấp 10 lần so với bình thường. Từ đó khiến da tích tụ thành những mảng đỏ, phủ đầy vảy trắng, sần sùi, khô ráp kèm theo cảm giác ngứa ngáy.
Ở người bình thường, những tế bào da cũ tự chết đi và bong ra. Sau đó những tế bào mới sẽ phát triển và thay thế vào. Tuy nhiên ở những trường hợp mắc bệnh vảy nến, những tế bào mới phát triển rất nhanh. Điều này khiến tế bào mới và cũ không kịp thay thế cho nhau, tạo thành những mảng đỏ phủ đầy vảy trắng.
Sự nhân lên của những tế bào da có thể xảy ra ở bất kỳ vị trí nào trên cơ thể. Trong đó lưng dưới, da đầu, đầu gối và khuỷu tay là những khu vực dễ tổn thương nhất.
Bệnh vảy nến không phải là một bệnh lây nhiễm nhưng có thể di truyền. Mặt khác bệnh không được chữa khỏi hoàn toàn. Bệnh thường tiến triển thành từng đợt với những triệu chứng dai dẳng suốt đời. Tuy nhiên những phương pháp điều trị có thể ngăn ngừa và giảm bớt triệu chứng.
Phân loại
Bệnh vảy nến được phân thành nhiều loại. Dưới đây là những loại thường gặp nhất:
1. Vảy nến thể mảng
Vảy nến thể mảng được đánh giá là loại phổ biến nhất của bệnh vảy nến, chiếm đến 80% trường hợp. Bệnh đặc trưng bởi những tổn thương da lan rộng, tạo thành một hoặc nhiều mảng lớn, có đường kính từ 2 - 20cm. Đôi khi tổn thương lan rộng ra khắp cơ thể.
Ở những vùng tổn thương, da dày, xuất hiện những mảng đỏ, có vảy, khô và ngứa ngáy. Điều này thường gặp ở những vùng da bị tỳ đè. Chẳng hạn như đầu gối, da đầu và khuỷu tay.
Biểu hiện của vảy nến thể mảng:
- Vùng da tổn thương có màu đỏ và sưng viêm
- Vảy trắng bao phủ tương tự như sáp nến
- Da khô và nứt nẻ
- Chảy máu
- Ngứa ngáy.
2. Vảy nến thể giọt
Bệnh vảy nến thể giọt là sự tăng trưởng quá mức của tế bào da mới với những tổn thương nổi rải rác, vảy nến mỏng và có màu trắng đục. Khi dùng tay cạo có thể thấy lớp vảy bong ra như phấn.
Dấu hiệu nhận biết vảy nến thể giọt:
- Đỏ da
- Những mảnh da đỏ có kích thước to hoặc nhỏ, khoảng từ vài mm đến một vài cm
- Một số trường hợp có tổn thương lớn đến hàng chục cm
- Tổn thương có giới hạn rõ rệt, hơi gồ cao, thâm nhiễm nhiều hoặc ít, nền cứng cộm
- Tổn thương có thể từ một vài đám đến vài chục hoặc hàng trăm đám.
- Có vảy trắng phủ lên bề mặt đám đỏ, dễ bong, tạo thành nhiều tầng nhiều lớp, tái tạo rất nhanh, dùng tay cạo có thể thấy lớp vảy vụn ra như bột trắng.
3. Vảy nến thể đảo ngược
Vảy nến thể đảo ngược là những tổn thương dạng vảy xuất hiện ở những vùng nếp kẽ. Chẳng han như nếp dưới vú, nách, nếp kẽ mông, bẹn và rốn. Những người mắc bệnh lý này sẽ có những mảng đỏ được giới hạn rõ, lan rộng vượt khỏi vị trí kẽ, vẩy ẩm tích tụ, có vết nứt.
Do có những triệu chứng tương tự nên vảy nến thể đảo ngược thường dễ bị nhầm lẫn với hăm kẽ do liên cầu và những bệnh lý do candida.
4. Vảy nến thể mủ
Bệnh vảy nến thể mủ là thuật ngữ chỉ tình trạng những vết mụn mủ xuất hiện bên trong hoặc gần với những đốm da đỏ. Tổn thương có thể có vảy, dễ bong ra kèm theo cảm giác ngứa ngáy.
Một số triệu chứng khác của vảy nến thể mủ:
- Sốt
- Ớn lạnh
- Buồn nôn
- Yếu cơ bắp
- Nhịp tim nhanh
Tương tự như những dạng khác của bệnh vảy nến, vảy nến thể mủ không lây nhiễm cho người xung quanh, ngay cả khi những vết mụn mủ bong tróc và dính sang người kia. Ngoài ra bệnh có thể xuất hiện đồng thời với những dạng bệnh khác.
5. Vảy nến đỏ da toàn thân
Vảy nến đỏ da toàn thân là phân loại cực kỳ nghiêm trọng nhưng hiếm gặp. Những người có bệnh lý này sẽ có toàn bộ cơ thể bị ảnh hưởng, xuất hiện những vùng da màu đỏ rực và trải rộng tương tự như bỏng.
Ngoài ra người bệnh thường có cảm giác ngứa ngáy, rát, bong da nghiêm trọng, thay đổi thân nhiệt và nhịp tim nhanh.
6. Viêm khớp vảy nến
Viêm khớp vảy nến là tình trạng viêm khớp xảy ra ở những bệnh nhân mắc bệnh vảy nến. Tổn thương có thể xuất hiện đồng thời ở những khớp lớn và nhỏ (bao gồm cả cột sống) nhưng không đối đối xứng. Đặc biệt tình trạng viêm thường xuất hiện ở những khớp ngón xa của bàn tay và bàn chân.
Dấu hiệu nhận biết viêm khớp vảy nến:
- Các khớp cứng và đau. Triệu chứng này thường nghiêm trọng hơn khi nghỉ ngơi hoặc mới ngủ dậy vào buổi sáng
- Sưng tấy các ngón tay và chân
- Khớp nóng và đỏ
- Tổn thương da điển hình gồm những mảng, chấm hoặc vết trên nền viêm đỏ. Vảy nhiều lớp và dễ bong, có màu trắng dục như nến
- Loạn dưỡng móng tay
- Những biểu hiện ngoài khớp gồm viêm mống mắt, viêm kết mạch, loét miệng, loét niệu đạo, hở van động mạch...
7. Vảy nến móng tay
Bệnh vảy nến móng tay thường gặp ở những bệnh nhân bị viêm khớp dạng thấp. Bệnh gây ra những triệu chứng ở móng. Những người có tình trạng này sẽ có móng tay dễ bị gãy, đau đớn và thay đổi màu sắc (thường thành màu vàng nâu).
Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ
Nguyên nhân chính xác của bệnh vảy nến vẫn chưa được xác định rõ. Tuy nhiên một số chuyên gia tin rằng bệnh lý này xảy ra do sự kết hợp của nhiều yếu tố. Cụ thể:
- Rối loạn hệ thống miễn dịch
Bệnh vảy nến là một tình trạng tự miễn dịch. Thông thường, những tế bào bạch cầu có nhiệm vụ tấn công và tiêu diệt vi khuẩn gây bệnh, chống nhiễm trùng. Khi bị rối loạn hệ thống miễn dịch, chúng nhầm lẫn và tấn công vào những tế bào khỏe mạnh của cơ thể.
Đối với những bệnh nhân bị vảy nến, những tế bào bạch cầu (tế bào T) nhầm lẫn và tấn công vào những tế bào da. Điều này khiến quá trình sản xuất tế bào da trở nên quá tải, tăng tốc và tế bào da mới phát triển quá nhanh.
Những tế bào mới được đẩy lên bề mặt da và chồng chất lên nhau tạo thành những tổn thương của bệnh vảy nến. Ngoài ra sự nhầm lẫn của những tế bào bạch cầu còn gây ra những vùng da viêm đỏ.
- Yếu tố môi trường
Trong nhiều trường hợp, bệnh nhân bị vảy nến không có triệu chứng trên da cho đến khi bệnh được kích hoạt bởi một hoặc nhiều yếu tố trong môi trường. Chúng thường bao gồm:
-
- Nhiễm trùng
- Thay đổi thời tiết, đặc biệt là thời tiết lạnh và khô
- Tổn thương da (cháy nắng nghiêm trọng, côn trùng cắn, trầy xước, vết cắt)
- Uống nhiều rượu
- Tiếp xúc khói thuốc thụ động hoặc hút thuốc lá. Điều này không chỉ làm tăng nguy cơ mà còn làm tăng mức độ nghiêm trọng của bệnh
- Đột ngột ngừng sử dụng corticosteroid dạng uống hoặc tiêm
- Sử dụng một số loại thuốc gồm thuốc chống sốt rét, thuốc cao huyết áp và lithium
- Yếu tố di truyền
Một số gen kích hoạt bệnh vảy nến có thể truyền từ ba mẹ/ ông bà sang con/ cháu. Điều này khiến bạn có nguy cơ cao.
Triệu chứng và chẩn đoán
Bệnh vảy nến gây ra những dấu hiệu và triệu chứng dưới đây:
- Phát ban loang lổ với nhiều hình dạng và kích thước khác nhau ở mỗi người. Tổn thương da có thể là những nốt ban lớn lan rộng khắp cơ thể hoặc giống như những nốt vảy gàu
- Những mảng da nổi lên và bị viêm
- Phát ban có màu sắc khác nhau, thường có màu đỏ trên da sáng, màu tím hoặc màu nâu trên da sẫm màu
- Đốm vảy nhỏ
- Vảy trắng bao phủ tương tự như sáp nến
- Da khô và nứt nẻ. Nhiều trường hợp chảy máu trên tổn thương da
- Đau đớn hoặc ngứa và rát
- Móng tay dày và rỗ
- Đau và sưng khớp
Tùy thuộc vào phân loại và mức độ tổn thương, những triệu chứng sẽ khác nhau ở mỗi người. Phát ban theo chu kỳ với những triệu chứng bùng phát nhanh và kéo dài trong vài ngày, vài tuần hoặc vài tháng. Sau đó những triệu chứng giảm dần và có thể hết.
Sau một vài tuần hoặc khi có tác nhân gây bệnh vảy nến thông thường, những triệu chứng có thể bùng phát trở lại. Một số trường hợp có những triệu chứng biến mất hoàn toàn.
Để chẩn đoán bệnh vảy nến, bác tiến hành quan sát những tổn thương trên da,móng tay và khớp. Đồng thời đặt một vài câu hỏi liên quan.
Trong nhiều trường hợp, người bệnh được sinh thiết. Một mẫu da nhỏ được lấy từ người bệnh và kiểm tra dưới kính hiển vi. Xét nghiệm này cho phép xác định bệnh vảy nến, phân loại và phân biệt vảy nến với những rối loạn khác. Xét nghiệm máu cũng có thể được thực hiện để kiểm tra yếu tố di truyền.
Biến chứng và tiên lượng
Bệnh vảy nến không được chữa khỏi hoàn toàn. Thận trọng trong việc chăm sóc và dùng thuốc chỉ làm giảm những triệu chứng và ngăn những đợt bùng phát của bệnh.
Những trường hợp phát hiện và điều trị sớm sẽ có tiên lượng tốt hơn, phát ban da không gây ra những thương tổn vĩnh viễn và không gây biến chứng. Đối với những trường hợp chủ quan và coi thường bệnh, những biến chứng dưới đây có thể xảy ra:
+ Biến chứng trên xương khớp
- Viêm khớp
+ Biến chứng hệ tim mạch
- Cao huyết áp
- Đau tim
- Tăng cholesterol máu, tăng nguy cơ đau tim và đột quỵ do một số loại thuốc điều trị bệnh vảy nến
+ Biến chứng nội tiết
- Bệnh tiểu đường
- Béo phì
- Tăng lipid máu
- Gan nhiễm mỡ
+ Biến chứng trên thận
- Suy thận
+ Biến chứng trên thị lực
- Ngứa, nóng rát và khô mắt
- Rối loạn chuyển động của đồng tử
- Viêm màng bồ đào
- Viêm bờ mi
- Viêm kết mạc
- Suy giảm thị lực và mù lòa
+ Biến chứng trên thính giác
- Suy giảm khả năng nghe
+ Biến chứng ở miệng
- Hình thành những màng nhầy trong khoang miệng
- Nứt lưỡi
- Tổn thương nướu và bên trong má
+ Ảnh hưởng đến tâm lý
- Tự ti, lo lắng quá mức
- Trầm cảm
Để phòng ngừa biến chứng, bệnh nhân bị vảy nến cần điều trị và dùng thuốc theo chỉ định.
Điều trị
Không thể điều trị dứt điểm bệnh vảy nến. Vì vậy những phương pháp điều trị sẽ nhầm vào những mục đích sau:
- Giảm tổn thương, loại bỏ vảy và ngăn những tế bào da phát triển quá nhanh
- Hạn chế những đợt bùng phát của bệnh
- Ngăn biến chứng
Tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của bệnh vảy nến và khả năng đáp ứng của người bệnh, những phương pháp dưới đây có thể được chỉ định:
1. Điều trị tại chỗ
Dùng thuốc điều trị tại chỗ (như thuốc mỡ và kem bôi) là phương pháp được sử dụng phổ biến cho bệnh nhân bị vảy nến. Một số loại thuốc có thể giúp giảm nhanh những tổn thương từ nhẹ đến nặng. Đồng thời ngăn ngừa tổn thương da phát triển.
- Corticoid tại chỗ
Thuốc Corticoid được dùng cho những bệnh nhân mắc bệnh vảy nến từ nhẹ đến trung bình. Đây là một loại thuốc ức chế miễn dịch và chống viêm mạnh. Thuốc có tác dụng điều trị những tổn thương trên da, giảm viêm đỏ, giảm đau và ngứa rát. Ngoài ra Corticoid còn có tác dụng ngăn tổn thương tiến triển.
Trong giai đoạn bùng phát, Corticoid thường được dùng ở liều 1 lần/ ngày, dùng 1 lần/ tuần trong thời gian thuyên giảm. Thuốc Corticoid có thể được dùng ở dạng thuốc mỡ, kem bôi, gel, thuốc xịt, dầu gội đầu...
Đối với những vùng da nhạy cảm (những nếp gấp da), thuốc mỡ corticosteroid nhẹ (hydrocortisone) sẽ được sử dụng. Thuốc này cũng được dùng để điều trị những mảng da rộng.
- Retinoids
Một loại Retinoids dạng gel hoặc kem bôi (chẳng hạn như Tazarotene) được dùng cho những bệnh nhân bị vảy nến từ trung bình đến nặng. Đây là những dẫn xuất của vitamin A, có tác dụng kích thích tạo ra nhiều collagen hơn. Từ đó thúc đẩy quá trình chữa lành tổn thương.
Tazarotene thường được dùng ở liều 1 - 2 lần/ ngày với lượng vừa phải. Tránh sử dụng quá mức bởi loại thuốc này có thể làm tăng độ nhạy cảm với ánh sáng và kích ứng da. Không dùng khi mang thai và đang nuôi con bú.
- Thuốc ức chế calcineurin
Pimecrolimus (Elidel), Tacrolimus (Protopic) hoặc một loại thuốc ức chế calcineurin khác sẽ được sử dụng trong những đợt bùng phát của bệnh vảy nến. Thuốc có tác dụng làm giảm tình trạng tích tụ vảy và làm dịu phát ban.
Thuốc ức chế calcineurin thường được dùng cho những vùng da mỏng như quanh mắt, những vùng da có thể bị kích ứng khi dùng steroid hoặc retinoid.
Tuy nhiên nhóm thuốc này chỉ được dùng ngắn hạn, không dùng cho phụ nữ mang thai và đang nuôi con bú.
- Các dạng tổng hợp của vitamin D
Những dạng tổng hợp của vitamin D có tác dụng làm chậm sự phát triển của những tế bào da. Thuốc thường được dùng đơn độc hoặc kết hợp với Corticostercoid tại chỗ để tăng hiệu quả.
So với những loại thuốc khác, Các dạng tổng hợp của vitamin D thường ít gây kích ứng hơn ở vùng da nhạy cảm. Những loại thường dùng gồm: Calcitriol (Vectical) và Calcipotriene (Dovonex, Sorilux).
- Axit salicylic
Axit salicylic được điều chế ở dạng dung dịch bôi da đầu và dầu gội. Thuốc có tác dụng điều trị vảy nến da đầu, giảm nhưng tổn thương.
- Anthralin
Anthralin là một loại kem hắc ín được dùng để làm chậm sự phát triển của những tế bào da. Khi dùng, thuốc giúp hạn chế những đợt bùng phát của bệnh, loại bỏ vảy, tăng sự mịn màng cho làn da.
Tuy nhiên Anthralin có thể gây kích ứng da, không được dùng lên vùng da ở bộ phận sinh dục và da mặt.
2. Liệu pháp ánh sáng
Nếu bệnh vảy nến ở mức độ trung bình đến nặng, liệu pháp ánh sáng sẽ được sử dụng. Phương pháp này thường được áp dụng đầu tiên, có thể dùng đơn độc hoặc kết hợp với thuốc.
Khi thực hiện, những vùng da tổn thương sẽ được tiếp xúc với ánh sáng tự nhiên hoặc nhân tạo, lặp đi lặp lại nhiều lần để kiểm soát bệnh.
Dưới đây là một số kỹ thuật thường được áp dụng:
- Trị liệu bằng năng lượng mặt trời. Điều này bao gồm việc tiếp xúc ngắn và hàng ngày với ánh sáng mặt trời.
- Liệu pháp Goeckerman
- Liệu pháp ánh sáng dải rộng UVB
- Liệu pháp ánh sáng băng hẹp UVB
- Psoralen cộng với tia cực tím A (PUVA)
- Laze excimer
3. Điều trị toàn thân
Thuốc uống hoặc thuốc tiêm được dùng cho những bệnh nhân bị vảy nến ở mức độ vừa đến nặng, thất bại khi điều trị với những phương pháp khác. Cụ thể:
- Steroid: Tiêm Triamcinolone thường được chỉ định cho bệnh nhân có một vài mảng bám nhỏ và dai dẳng. Thuốc có tác dụng điều trị tổn thương da, giảm viêm và những triệu chứng liên quan.
- Retinoids: Retinoids dạng viên uống được dùng để giảm sản xuất những tế bào da.
- Thuốc sinh học: Nhóm thuốc này thường được dùng ở dạng thuốc tiêm. Thuốc có tác dụng làm thay đổi hệ thống miễn dịch, gián đoạn chu kỳ bệnh và giảm triệu chứng trong vòng 2 tuần.
- Methotrexat: Thuốc Methotrexat làm giảm quá trình sản xuất những tế bào da, chống viêm nhiễm. Thuốc thường được dùng đường uống với một liều uống duy nhất ở mỗi tuần.
- Cyclosporin: Thuốc Cyclosporin được dùng cho bệnh vảy nến nặng. Thuốc có tác dụng ức chế miễn dịch.
Các thuốc điều trị toàn thân chỉ được sử dụng khi có yêu cầu từ bác sĩ. Ngoài ra không dùng thuốc kéo dài để tránh gây tác dụng phụ. Một số phương pháp khác có thể được sử dụng để thay thế.
4. Biện pháp chăm sóc tại nhà
Những biện pháp chăm sóc tại nhà được áp dụng để giảm bớt lượng thuốc dùng trong điều trị vảy nến và ngăn tác dụng phụ. Trong đó, chế độ ăn uống và một vài liệu pháp thay thế có thể góp phần chữa lành tổn thương, giảm triệu chứng và ngăn những đợt bùng phát của bệnh vảy nến.
- Chế độ ăn uống phù hợp
Các nghiên cứu cho thấy, một chế độ ăn uống phù hợp có thể giảm những triệu chứng của bệnh. Trong quá trình điều trị, người bệnh cần tránh tiêu thụ những loại thực phẩm có khả năng gây viêm và kích hoạt những đợt bùng phát của bệnh. Chẳng hạn như thịt đỏ, thức ăn chế biến sẵn, đường tinh luyện, những sản phẩm từ sữa và rượu.
Ngoài ra người bệnh nên giảm lượng chất béo bão hòa. Tăng lượng protein nạc và axit béo omega từ những nguồn thực vật, cá hồi, cá mòi, tôm... Điều này giúp cải thiện sức khỏe tim mạch và giảm bớt những triệu chứng của bệnh vảy nến.
Để tăng hiệu quả điều trị, người bệnh cũng cần chú ý ăn uống đầy đủ dinh dưỡng, tăng cường bổ sung vitamin từ những loại thực phẩm lành mạnh.
- Kem dưỡng chiết xuất lô hội
Những loại kem dưỡng chiết xuất từ lá lô hội (nha đam) có thể làm dịu da, giảm viêm, giảm vảy và ngứa ở bệnh nhân bị vảy nến. Sản phẩm này nên được dùng 2 - 3 lần mỗi ngày để sớm cải thiện làn da.
- Bổ sung dầu cá
Liệu pháp uống dầu cá thường được bác sĩ khuyên dùng cho bệnh nhân bị bệnh vảy nến. Liệu pháp này thường được dùng kết hợp với liệu pháp UVB để hạn chế những đợt bùng phát của bệnh và giảm mức độ phát ban.
Ngoài đường uống, dầu cá có thể được dùng để bôi lên vùng da ảnh hưởng. Sau đó băng lại trong 6 giờ. Thực hiện trong 4 tuần sẽ thấy những triệu chứng thuyên giảm rõ rệt.
- Tắm hàng ngày
Tắm hàng ngày, vệ sinh da nhẹ nhàng, tránh chà xát. Nên sử dụng nước ấm, xà phòng dịu nhẹ có thêm chất béo, dầu. Có thể ngâm mình trong bồn nước âm chứa bột yến mạch, muối Epsom... trong 15 phút.
- Luôn giữ ẩm cho làn da
Những người mắc bệnh vảy nến cần chú ý thoa kem dưỡng ẩm hàng ngày để giữ ẩm cho làn da. Tốt nhất nên thoa kem sau khi tắm.
- Che khu vực ảnh hưởng qua đêm
Trước khi đi ngủ, bôi kem dưỡng ẩm dạng thuốc mỡ lên những khu vực tổn thương. Sau đó dùng màng bọc thực phẩm bọc lại và để qua đêm. Vào buổi sáng thức dậy, hãy loại bỏ nhựa và rửa sạch vảy.
- Duy trì lối sống lành mạnh
Duy trì lối sống lành mạnh để hạn chế những đợt bùng phát của bệnh và giảm triệu chứng.
-
- Không hút thuốc lá
- Hạn chế uống rượu bia
- Duy trì cân nặng khỏe mạnh
- Tránh gãi
- Mặc quần áo thoáng mát
- Kiểm soát tâm trạng, tránh lo âu và căng thẳng quá mức
- Tránh tiếp xúc với những tác nhân gây bệnh vảy nến
- Nên tiếp xúc với một lượng nhỏ ánh sáng mặt trời
Phòng ngừa
Không có biện pháp ngăn ngừa hoàn toàn cho bệnh vảy nến. Tuy nhiên một số biện pháp dưới đây có thể giúp giảm nguy cơ:
- Duy trì lối sống lành mạnh.
- Ngừng hút thuốc lá và không tiếp xúc với khói thuốc lá.
- Chăm sóc và giữ ẩm da tốt.
- Tránh những tác nhân gây bùng phát triệu chứng gồm tác nhân gây nhiễm trùng, hóa chất...
- Giữ ấm cơ thể khi thời tiết thay đổi và lạnh hơn.
- Áp dụng những phương pháp điều trị theo chỉ định của bác sĩ.
Những câu hỏi quan trọng khi gặp bác sĩ
1. Có cách chữa khỏi bệnh vảy nến không?
2. Nên làm gì để chăm sóc và cải thiện triệu chứng khi bị vảy nến?
3. Làm thế nào để ngăn ngừa những đợi bùng phát của bệnh?
4. Dùng thuốc trị vảy nến có tác dụng phụ không? Những biện pháp thay thế là gì?
5. Nên dùng thuốc trị vảy nến trong bao lâu?
6. Khi nào nên khám bác sĩ?
7. Những loại kem bôi nào tốt nhất?
8. Không điều trị vảy nến có sao không?
Nhìn chung bệnh vảy nến không thể chữa khỏi hoàn toàn. Tuy nhiên điều trị đúng cách có thể ngăn ngừa những đợt bùng phát của bệnh và giảm nhanh các triệu chứng. Ngoài thuốc, hãy áp dụng thêm những biện pháp chăm sóc theo hướng dẫn của bác sĩ. Từ đó nâng cao hiệu quả chữa bệnh.