Bệnh Vảy Phấn Hồng
Vảy phấn hồng là một tình trạng da thường gặp. Bệnh được đặc trưng bởi phát ban dạng đốm hình bầu dục, dài đến 10cm ở mặt, lưng, bụng hoặc ngực. Khi bệnh tiến triển, những đốm phát ban nhỏ hơn sẽ xuất hiện kèm theo ngứa ngáy.
Tổng quan
Bệnh vảy phấn hồng là một loại phát ban da thường gặp. Trong đó "mảng báo trước" gồm một đốm đỏ, hơi có vảy và hình bầu dục xuất hiện ở mặt, lưng, bụng hoặc ngực. Mảng báo trước có thể dài đến 10cm, kèm theo cảm giác ngứa ngáy hoặc không.
Từ vài ngày đến vài tuần sau đó, nhiều đốm nhỏ có vảy bùng phát, mọc rải rác khắp cơ thể kèm theo ngứa. Chúng thường có màu hơi xám ở những người có da sẫm màu, màu hơi hồng và viền đỏ ở những người có làn da sáng.
Bệnh vảy phấn hồng ảnh hưởng đến mọi lứa tuổi và giới tính. Tuy nhiên bệnh phổ biến nhất trong độ tuổi từ 10 đến 35 tuổi. Phát ban thường kéo dài trong vài tuần, sau đó lành lại và không để lại sẹo.
Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ
Không rõ nguyên nhân chính xác gây ra bệnh vảy phấn hồng. Tuy nhiên phát ban da có thể là biểu hiện lâm sàng của hệ thống miễn dịch sau khi nhiễm virus, đặc biệt là những chủng virus herpes. Chẳng hạn như virus herpes 6 và 7 (virus gây ra bệnh ban đào ở trẻ sơ sinh).
Bệnh vảy phấn hồng thường phổ biến hơn ở phụ nữ và những người đang trong độ tuổi từ 10 đến 35 tuổi.
Triệu chứng và chẩn đoán
Bệnh vảy phấn hồng dễ dàng được nhận biết thông qua những triệu chứng dưới đây:
- Một số người cảm thấy không khỏe trong vài ngày trước khi phát ban
- Nhiệt độ cao
- Nhức đầu
- Đau khớp
- Mệt mỏi
- Nhiễm trùng đường hô hấp hoặc có những triệu chứng giống như bệnh cúm
- Xuất hiện mảng báo trước
- Mảng da đỏ hoặc hồng, có vảy, hình bầu dục xuất hiện. Chúng chủ yếu nằm trên thân và những chi trên như lưng, bụng, cổ hoặc ngực. Ít khi xuất hiện ở mặt, bộ phận sinh dục và da đầu
- Mảng báo trước có kích thước từ 2 - 10cm
- Phát ban lan rộng
- Phát ban lan rộng sau khi mảng báo trước xuất hiện khoảng 2 tuần
- Xuất hiện những mảng nhỏ kích thước từ 5mm - 1,5cm, cỏ vảy và nổi lên
- Phát ban ở lưng, bụng, cổ, ngực, đùi trên và cánh tay. Thường không ảnh hưởng đến khuôn mặt
- Phát ban có thể kèm theo ngứa từ nhẹ đến nặng, không đau
- Những mảng phát ban thường có màu hồng ở những người có làn da sáng. Phát ban màu nâu sẫm, màu xám hoặc màu đen ở những người có làn da sẫm màu
- Mảng da báo trước và phát ban kéo dài từ 2 - 12 tuần. Nhiều trường hợp có những triệu chứng kéo dài trên 5 tháng.
- Vùng da sáng màu hơn hoặc sẫm màu hơn khi phát ban biến mất
- Màu da trở lại bình thường trong vòng vài tháng, không để lại sẹo.
Khoảng 20% trường hợp có dạng không điển hình. Những triệu chứng thường thay đổi về kích thước, hình thái, sự tiến triển của những tổn thương và sự phân bố.
Ngoài ra người bệnh có thể có những triệu chứng khác như:
- Viêm vảy phấn hồng với tổn thương ở dạng mảng rất lớn
- Nổi mề đay
- Xuất hiện mụn nước lớn
- Có các mảng tương tự như hồng ban đa dạng
- Tổn thương miệng
Bệnh vảy phấn hồng dễ dàng được chuẩn đoán khi nhìn qua phát ban. Trong quá trình thăm khám, người bệnh được hỏi về mảng báo trước, những triệu chứng trước và sau đó.
Đôi khi bác sĩ có thể tiến hành sinh thiết da hoặc cạo một mảnh da nhỏ để kiểm tra. Điều này giúp tìm kiếm sự có mặt của nấm / vi khuẩn, phân biệt bệnh vảy phấn hồng với những bệnh ngoài da khác.
Biến chứng và tiên lượng
Tổn thương do vảy phấn hồng có thể tự khỏi trong vài tuần và không để lại sẹo. Thông thường người bệnh được hướng dẫn dùng thuốc điều trị hoặc kem dưỡng da để giảm ngứa, tăng tốc độ chữa lành và biến mất của phát ban.
Mặt khác tình trạng này không lây nhiễm cho người khác, hiếm khi tái phát và gây biến chứng. Tuy nhiên khi biến chứng xảy ra, người bệnh có thể gặp một hoặc nhiều tình trạng dưới đây:
- Ngứa dữ đội
- Tăng sắc tố hoặc giảm sắc tố sau viêm nhưng không để lại vĩnh viễn.
Điều trị
Phát ban da do vảy phấn hồng thường không cần phải điều trị, tổn thương da có thể lành lại trong vòng 4 - 10 tuần, không để lại sẹo.
Tuy nhiên nếu bị ngứa dữ dội hoặc phát ban không biến mất, người bệnh sẽ được hướng dẫn những phương pháp điều trị dưới đây:
1. Thuốc
Một loại thuốc bôi tại chỗ sẽ được chỉ định trong điều trị vảy phấn hồng. Thuốc có tác dụng rút ngắn thời gian mắc bệnh, giảm ngứa và những triệu chứng khác.
Những loại thuốc thường được sử dụng gồm:
- Kem steroid hoặc thuốc mỡ: Thuốc corticoid tại chỗ (như hydrocortisone) được dùng để giảm tổn thương và ngứa. Thuốc có tác dụng trị viêm, ức chế miễn dịch. Đồng thời giúp giảm tổn thương, giảm đau, sưng và ngứa.
- Thuốc kháng histamine: Thuốc này có tác dụng giảm ngứa và những triệu chứng khó chịu khác do dị ứng gây ra. Trong đó thuốc Diphenhydramine là loại thuốc kháng histamine thường được sử dụng.
- Thuốc kháng virus: Trong một số trường hợp, thuốc kháng virus được sử dụng để phòng ngừa và ngăn nhiễm virus.
2. Liệu pháp ánh sáng
Liệu pháp ánh sáng có thể được sử dụng để giảm nhẹ các triệu chứng của bệnh vảy phấn hồng. Liệu pháp này thường chỉ được chỉ định cho những trường hợp không đáp ứng tốt với những phương pháp khác.
Trong quá trình điều trị, người bệnh sẽ được hướng dẫn tiếp xúc với ánh sáng nhân tạo hoặc ánh sáng tự nhiên để giảm ngứa và làm dịu những triệu chứng khác của bệnh.
Tuy nhiên liệu pháp ánh sáng có thể làm tăng sắc tố sau viêm, ngay cả khi hết phát ban. Trong đó người bệnh sẽ có những đốm da sẫm màu kéo dài hơn bình thường.
3. Biện pháp khắc phục tại nhà
Những biện pháp chăm sóc tại nhà có thể giảm bớt những triệu chứng khó chịu của bệnh vảy phấn hồng. Cụ thể:
- Bột yến mạch: Người bệnh có thể sử dụng bột yến mạch hoặc những sản phẩm được làm từ bột yếu mạch để giảm triệu chứng. Loại bột này có khả năng làm dịu cơn ngứa và tăng tốc độ lành lại của da. Khi sử dụng, nghiền bột yến mạch thành bột mịn, trộn với nước ấm tạo thành hỗn hợp đặc và dính. Sau đó bôi hỗn hợp lên những vùng phát ban, thư giãn trong 10 phút trước khi vệ sinh lại da.
- Tắm trong nước ấm: Tắm hoặc ngâm mình trong bồn nước tắm giúp tăng cảm giác thoải mái và giảm ngứa.
- Thoa kem dưỡng ẩm: Sử dụng kem dưỡng da calamine hoặc một loại kem dưỡng ẩm khác có thể giảm những triệu chứng của bệnh. Thoa kem dưỡng sau tắm rửa sạch sẽ giúp làm dịu da, rút ngắn thời gian phát ban, giữ độ ẩm cho da và giảm ngứa.
- Thoa kem chống nắng: Dùng kem chống nắng hoặc/ và bao bọc kỹ lưỡng để bảo vệ da khỏi ánh nắng mặt trời. Nên sử dụng những loại kem chống nắng phổ rộng với chỉ số SPF ≥ 30. Kem chống nắng nên được sử dụng trước khi ra ngoài, sử dụng cả trong những ngày nhiều mây. Sản phẩm cần được thoa đều trên da, thoa lại sau mỗi 2 giờ. Đặc biệt nên thoa kem chống nắng thường xuyên hơn khi đổ mồ hôi hoặc khi đang bơi.
Phòng ngừa
Không có biện pháp ngăn ngừa cho bệnh vảy phấn hồng. Tuy nhiên chăm sóc và vệ sinh thân thể có thể giúp giảm nguy cơ mắc bệnh và tái phát. Cụ thể:
- Giữ gìn vệ sinh cá nhân, tắm rửa sạch sẽ mỗi ngày.
- Nhẹ nhàng lau khô da và dùng kem dưỡng ẩm sau khi tắm xong.
- Mặc quần áo thoải mái, rộng rãi và thoáng mát.
- Giữ môi trường sống sạch sẽ và độ ẩm thích hợp.
- Tránh tiếp xúc với những tác nhân gây dị ứng và nấm móc, không tiếp xúc với những người bị nhiễm virus hoặc vi khuẩn.
- Sử dụng kem chống nắng mỗi ngày để bảo vệ da khỏi ánh nắng mặt trời. Ngoài ra nên che chắn kỹ lưỡng để duy trì hàng rào bảo vệ da.
Những câu hỏi quan trọng khi gặp bác sĩ
1. Nguyên nhân gây ra những triệu chứng của tôi là gì?
2. Bệnh vảy phấn hồng được điều trị trong bao lâu?
3. Bệnh vảy phấn hồng có để lại sẹo vĩnh viễn không?
4. Cách điều trị nào tốt nhất cho tình trạng của tôi?
5. Tác dụng phụ từ những phương pháp điều trị là gì?
6. Tôi nên làm gì để giảm ngứa?
7. Có những điều gì cần tránh trong khi chữa lành?
Bệnh vảy phấn hồng là một dạng phát ban da không nguy hiểm, không lây nhiễm, ít gây biến chứng và không để lại sẹo vĩnh viễn. Nếu phát ban nhẹ, những phương pháp điều trị có thể không cần thiết. Những trường hợp nặng cần khám và hỏi ý kiến bác sĩ.
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!