Bệnh Viêm Bàng Quang
Viêm bàng quang là một trong những bệnh nhiễm trùng đường tiết niệu thường gặp, xảy ra ở bàng quang. Bệnh khởi phát khi vi khuẩn xâm nhập vào niệu đạo, bám chặt vào niêm mạc bàng quang khiến khu vực này bị viêm nhiễm và kích thích.
Tổng quan
Viêm bàng quang là tình trạng kích thích và nhiễm trùng tại bàng quang - một phần của đường tiết niệu dưới. Hầu hết các trường hợp liên quan đến nhiễm trùng do vi khuẩn. Bệnh xảy ra khi vi khuẩn xâm nhập và bám chặt dẫn đến kích thích và viêm ở niêm mạc bàng quang.
Bàng quang bị viêm dẫn đến sưng và nóng, đôi khi kèm theo đau và khó chịu. Khi không được điều trị, nhiễm trùng có thể lây lan đến thận và làm khởi phát nhiều vấn đề sức khỏe nghiêm trọng.
Bệnh viêm bàng quang cũng có thể xảy ra do những nguyên nhân không do vi khuẩn. Chẳng hạn như một số sản phẩm vệ sinh / diệt tinh trùng gây kích thích bàng quang, phản ứng quá mức với thuốc hoặc xạ trị.
Phân loại
Bệnh viêm bàng quang được phân thành 2 loại, bao gồm:
- Viêm bàng quang cấp tính: Đây là một tình trạng viêm nhiễm xảy ra đột ngột ở bàng quang. Bệnh có những triệu chứng nghiêm trọng, cần được kiểm soát sớm.
- Viêm bàng quang kẽ (IC): Đây là tình trạng viêm bàng quang mãn tính, thường xuyên tái phát hoặc xảy ra lâu dài. Bệnh làm ảnh hưởng đến nhiều lớp mô bàng quang, khó điều trị và thường không rõ nguyên nhân.
Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ
Nguyên nhân gây viêm bàng quang gồm:
- Nhiễm trùng do vi khuẩn
Nhiễm trùng do vi khuẩn là nguyên nhân gây viêm bàng quang phổ biến nhất. Bệnh xảy ra khi vi khuẩn bên ngoài xâm nhập vào đường tiết niệu. Chúng bắt đầu di chuyển, nhân lên, bám chặt vào niệu đạo và niêm mạc bàng quang. Từ đó khiến những khu vực này bị kích thích và viêm nhiễm.
Viêm bàng quang thường do vi khuẩn Escherichia coli (E. coli) hoặc một loại vi khuẩn khác. Bệnh thường gặp ở phụ nữ sau khi quan hệ tình dục, vệ sinh vùng sinh dục không đúng cách.
- Không do nhiễm trùng
Ngoài vi khuẩn, bệnh viêm bàng quang cũng có thể xảy ra do những nguyên nhân không liên quan đến nhiễm trùng. Bao gồm:
-
- Viêm bàng quang kẽ mãn tính: Nguyên nhân gây viêm bàng quang kẽ mãn tính không rõ ràng. Tình trạng này còn được gọi là hội chứng đau bàng quang, thường gặp ở nữ.
- Thuốc: Khi thành phần phân hủy của thuốc thoát ra khỏi cơ thể, bàng quang có thể bị kích thích và viêm. Điều này thường gặp ở những bệnh nhân dùng thuốc điều trị ung thư (hóa trị liệu).
- Xạ trị: Xạ trị vùng xương chậu có thể gây viêm bàng quang.
- Dị vật: Sử dụng ống thông tiểu trong thời gian dài hoặc ống thông nhiễm bẩn có thể gây ra những tổn thương mô và nhiễm trùng do vi khuẩn. Từ đó dẫn đến viêm bàng quang.
- Tiếp xúc hóa chất: Dung dịch vệ sinh chứa chất gây kích ứng, thuốc diệt tinh trùng, chất khử mùi... đều có khả năng gây phản ứng dị ứng và viêm ở bàng quang.
- Bệnh lý: Trong nhiều trường hợp, viêm bàng quang là biến chứng của một số tình trạng sức khỏe nghiêm trọng, bao gồm: Sỏi thận, tiểu đường, chấn thương tủy sống, phì đại tuyến tiền liệt...
Nguy cơ viêm bàng quang tăng cao do những yếu tố dưới đây:
- Đang hoạt động tình dục: Vi khuẩn bên ngoài có thể được đẩy vào niệu đạo khi quan hệ tình dục.
- Mang thai: Nội tiết tố thay đổi ở phụ nữ mang thai làm tăng nguy cơ nhiễm trùng.
- Dùng một số biện pháp tránh thai: Nguy cơ nhiễm trùng tiết niệu (bao gồm bàng quang) có thể tăng cao khi sử dụng một số biện pháp tránh thai. Chẳng hạn như màng chắn có chứa chất diệt tinh trùng.
- Dòng chảy nước tiểu bị cản trở: Một số tình trạng như phì đại tuyến tiền liệt, hẹp niệu đạo, sỏi trong bàng quang... làm cản trở dòng chảy của nước tiểu. Điều này khiến vi khuẩn dễ dàng bám dính và gây viêm nhiễm.
- Suy giảm hệ miễn dịch: Tăng nguy cơ nhiễm trùng ở những người có cơ thể không khỏe mạnh và hệ miễn dịch suy yếu. Thường gặp ở bệnh nhân điều trị ung thư, nhiễm HIV và mắc bệnh tiểu đường.
- Phụ nữ mãn kinh: Những người phụ nữ trải qua thời kỳ mãn kinh sẽ có nguy cơ mắc bệnh cao hơn so với những nhóm khác.
Triệu chứng và chẩn đoán
Bệnh viêm bàng quang gây ra nhiều triệu chứng khó chịu, bao gồm:
- Tiểu gấp
- Đau hoặc nóng rát khi đi tiểu
- Đi tiểu thường xuyên nhưng chỉ một lượng nhỏ nước tiểu ra ngoài
- Có máu trong nước tiểu
- Nước tiểu đục hoặc/ và có mùi mạnh
- Khó chịu hoặc đau ở vùng chậu
- Tăng áp lực ở vùng bụng dưới
- Đau khi quan hệ tình dục
- Sốt nhẹ
- Cảm thấy ốm yếu (đau nhức và mệt mỏi)
- Chuột rút ở bụng hoặc lưng
Nếu nhiễm trùng bàng quang lây lan đến thận, người bệnh sẽ gặp thêm nhiều triệu chứng nghiêm trọng sau:
- Buồn nôn và nôn mửa
- Ớn lạnh
- Đau lưng hoặc đau hông
Có một vài cách giúp chẩn đoán viêm bàng quang nhanh chóng và hiệu quả. Sau khi kiểm tra triệu chứng và dấu hiệu lâm sàng, các xét nghiệm sẽ được chỉ định, bao gồm:
- Xét nghiệm nước tiểu: Mẫu nước tiểu được sử dụng để kiểm tra nhiễm trùng tiểu và xác định nguyên nhân gây viêm bàng quang.
- Soi bàng quang: Ống nội soi được đưa vào bàng quang để kiểm tra bên trong. Trong nhiều trường hợp, một mẫu mô được lấy ra và kiểm tra trong phòng thí nghiệm (sinh thiết).
- Kiểm tra hình ảnh: Siêu âm hoặc chụp X-quang có thể được chỉ định để kiểm tra cấu trúc giải phẫu, khối u... Từ đó loại trừ những nguyên nhân gây viêm bàng quang.
Biến chứng và tiên lượng
Viêm bàng quang và các triệu chứng thường được khắc phục nhanh khi được điều trị bằng thuốc thích hợp, hiếm khi gây biến chứng. Ngược lại nhiễm trùng bàng quang không được điều trị có thể tăng mức độ nghiêm trọng và gây ra những biến chứng dưới đây:
- Nhiễm trùng thận
- Suy thận
- Tiểu máu. Bao gồm tiểu máu vi thể thường biến mất sau khi điều trị và tiểu máu đại thể (máu trong nước tiểu có thể nhìn thấy) thường do phương pháp điều trị ung thư.
- Thiếu máu
- Bàng quang tăng hoạt
- Tăng nguy cơ vô sinh, hiếm muộn
Điều trị
Viêm bàng quang được điều trị bằng thuốc và các phương pháp hỗ trợ. Những trường hợp nặng có thể được can thiệp ngoại khoa. Cụ thể:
1. Thuốc
Thuốc kháng sinh được dùng cho những bệnh nhân bị viêm bàng quang do vi khuẩn. Khi dùng, kháng sinh giúp tiêu diệt vi khuẩn và giảm viêm ở cơ quan này.
Những loại kháng sinh thường được sử dụng:
- Nitrofurantoin: Dùng 100mg/ lần x 2 lần/ ngày, trong 5 - 7 ngày.
- Sulfamethoxazole-trimethoprim: Dùng 2 lần/ ngày, trong 3 ngày.
- Fosfomycin: Dùng 4mg với 1 liều duy nhất.
Đối với viêm bàng quang kẽ, một loại thuốc thích hợp sẽ được sử dụng dựa trên nguyên nhân gây bệnh. Dựa vào tình trạng, bác sĩ có thể chỉ định thuốc đặt trực tiếp vào bàng quang.
2. Chăm sóc tại nhà
Những biện pháp chăm sóc tại nhà giúp giảm nhẹ triệu chứng và tăng hiệu quả điều trị của thuốc.
- Ăn uống hợp lý: Tránh sử dụng những thực phẩm có khả năng gây kích thích bàng quang, tăng phản ứng viêm và cảm giác khó chịu. Chẳng hạn như: Thực phẩm cay nóng, rượu bia, đồ uống chứa caffein, nước ngọt, thực phẩm có tính axit... Nên ăn nhiều trái cây, rau củ, uống nước ép nam việt quất có thể giúp bổ sung các vitamin, giảm nhanh triệu chứng viêm và đau hiệu quả.
- Dùng đệm sưởi: Đặt một miếng đệm sưởi vào lưng hoặc bụng. Điều này giúp làm dịu những cơ đau do bàng quang bị kích thích.
- Tránh sản phẩm gây kích: Nếu viêm bàng quang do nhạy cảm với hóa chất, người bệnh cần tránh sử dụng những sản phẩm có khả năng gây kích ứng. Chẳng hạn như chất diệt tinh trùng và bọt tắm. Điều này giúp giảm bớt các triệu chứng, ngăn những phản ứng quá mức và các đợt viêm bàng quang.
- Uống nhiều nước: Uống nhiều nước lọc mỗi ngày. Điều này giúp làm loãng và tăng lượng nước tiểu. Từ đó loại bỏ nhanh những chất gây kích ứng bàng quang và tống vi khuẩn ra ngoài.
- Dùng thuốc giảm đau không kê đơn: Dùng Acetaminophen hoặc một loại thuốc giảm đau không kê đơn khác theo hướng dẫn của bác sĩ. Thuốc này giúp giảm bớt cảm giác khó chịu và đau do kích thích bàng quang. Ngoài ra Acetaminophen cũng giúp hạ sốt.
- Tắm ngồi: Tắm ngồi để đảm bảo làm sạch vùng xương chậu, loại bỏ vi khuẩn.
3. Kích thích thần kinh
Trong nhiều trường hợp, bệnh nhân được chỉ định kích thích thần kinh để giảm bớt các triệu chứng. Phương pháp này có tác dụng giảm đau vùng chậu và giảm tần suất đi vệ sinh.
4. Phẫu thuật
Phẫu thuật có thể được chỉ định cho bệnh viêm bàng quang. Phương pháp này phù hợp với những tình trạng mãn tính và điều trị bảo tồn không hiệu quả. Thông thường phẫu thuật sẽ được thực hiện để sửa chữa cấu trúc.
Phòng ngừa
Phối hợp những biện pháp dưới đây có thể giảm nguy cơ bị viêm bàng quang. Bao gồm:
- Uống nhiều nước, đặc biệt là nước lọc. Vào những ngày điều trị bằng hóa trị và xạ trị, người bệnh cần uống nhiều nước hơn để tăng đào thải chất kích thích ra khỏi bàng quang.
- Không trì hoãn việc đi tiểu. Cần đi tiểu ngay khi có nhu cầu.
- Đi tiểu và vệ sinh vùng kín sạch sẽ sau khi quan hệ tình dục.
- Nên sử dụng chất bôi trơn khi quan hệ tình dục.
- Đảm bảo làm trống bàng quang hoàn toàn khi đi tiểu.
- Sử dụng dung dịch sinh và xà phòng trung tín, không mùi. Tránh những sản phẩm diệt tinh trùng, sản phẩm vệ sinh có khả năng gây kích ứng niệu đạo và bàng quang.
- Vệ sinh vùng kín hàng ngày, nhẹ nhàng rửa vùng da quanh bộ phận sinh dục và lau khô. Không rửa quá mạnh hoặc sử dụng xà phòng mạnh.
- Tránh ăn những loại thực phẩm có khả năng gây kích ứng bàng quang. Chẳng hạn như rượu bia, caffein, thực phẩm cay nóng hoặc có tính axit.
- Mặc quần áo thoải mái, tránh đồ lót chật và quần chật.
- Lau từ trước ra sau khi đi vệ sinh xong. Điều này phòng ngừa vi khuẩn từ hậu môn lan đến niệu đạo.
- Hạn chế ngâm mình trong bồn tấm để tránh vi khuẩn xâm nhập.
Những câu hỏi quan trọng khi gặp bác sĩ
1. Nguyên nhân nào gây viêm?
2. Phương pháp điều trị phổ biến và hiệu qua nhất là gì?
3. Tôi cần dùng kháng sinh trong bao lâu?
4. Có điều gì cần tránh trong quá trình chữa bệnh không?
5. Lợi ích và rủi ro khi điều trị là gì?
6. Tôi có cần kiêng quan hệ trong khi điều trị không?
7. Bệnh viêm bàng quang nên ăn gì, kiêng gì tốt nhất?
Bệnh viêm bàng quang xảy ra khi có nhiễm trùng và kích thích niêm mạc bàng quang, dẫn đến nhiều triệu chứng khó chịu. Tuy nhiên việc dùng thuốc theo chỉ định có thể giúp khắc phục nhanh và phòng ngừa biến chứng.
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!