Viêm Bao Hoạt Dịch Cổ Tay
Viêm bao hoạt dịch cổ tay là tình trạng viêm tại những túi nhỏ chứa đầy chất lỏng ở cổ tay. Tình trạng này gây đau và sưng cổ tay rõ rệt, ảnh hưởng đến những chuyển động của khớp.
Tổng quan
Viêm bao hoạt dịch cổ tay là tình trạng viêm và đau ảnh hưởng đến những túi nhỏ chứa chất lỏng bôi trơn (được gọi là bao hoạt dịch) ở cổ tay. Những túi này làm đệm cho xương, gân và cơ gần khớp, giúp các gân nhẹ nhàng chuyển động trên xương mà không gây đau đớn.
Tuy nhiên ma sát lặp đi lặp lại hoặc chấn thương có thể khiến các bao hoạt dịch bị viêm. Tình trạng này dẫn đến đau nhức, sưng tấy và nóng đỏ ở vùng ảnh hưởng.
Ngoài ra viêm bao hoạt dịch cổ tay còn làm giảm sức mạnh, tính linh hoạt và những chuyển động của khớp. Cổ tay có hai bao hoạt dịch. Trong một số trường hợp, cả hai bao hoạt dịch đều bị viêm.
Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ
Viêm bao hoạt dịch cổ tay xảy ra do những nguyên nhân sau:
- Chuyển động lặp lại: Lặp đi lặp lại những chuyển động hoặc tư thế làm tăng áp lực cho bao hoạt dịch quanh khớp cổ tay. Chẳng hạn như nhấc vật gì đó liên tục hoặc ném bóng chày.
- Chấn thương cổ tay: Một số chấn thương ở cổ tay như trật khớp và bong gân có thể gây viêm và đau ở bao hoạt dịch quanh khớp.
Những yếu tố làm tăng nguy cơ:
- Lão hóa: Những người lớn tuổi sẽ có nguy cơ cao hơn
- Yếu tố nghề nghiệp: Có công việc / sở thích cần thực hiện những chuyển động lặp đi lặp lại hoặc tăng áp lực lên bao hoạt dịch khớp cổ tay. Chẳng hạn như chơi nhạc cụ và vẽ tranh.
- Bệnh lý: Những người bị viêm khớp dạng thấp, tiểu đường và bệnh gout sẽ có nguy cơ cao hơn.
- Viêm nhiễm: Nhiễm trùng có thể tăng nguy cơ viêm khớp và viêm bao hoạt dịch.
- Nâng vật nặng thường xuyên: Những người nâng tạ sẽ có nguy cơ chấn thương và viêm bao hoạt dịch cổ tay cao hơn.
Triệu chứng và chẩn đoán
Những triệu chứng và dấu hiệu của viêm bao hoạt dịch cổ tay gồm:
- Đau cổ tay. Đau tăng khi uốn cong, xoay cổ tay, ấn vào cổ tay hoặc mang trọng lượng
- Sưng hoặc có một khối u nhỏ trên đỉnh cổ tay
- Ấm áp khi chạm vào
- Giảm chuyển động và linh hoạt ở cổ tay
- Cứng khớp hoặc khó chuyển động khớp cổ tay.
Nếu viêm bao hoạt dịch do nhiễm trùng, người bệnh có thể có thêm những triệu chứng sau:
- Sốt
- Chóng mặt
- Mệt mỏi
- Buồn nôn.
Người bệnh được kiểm tra những triệu chứng quanh cổ tay, mức độ đau và chấn thương trước đó. Ngoài ra các xét nghiệm sẽ được thực hiện để xác định tình trạng:
- Chụp X-quang: Bệnh nhân được chụp X-quang để loại bỏ những nguyên nhân gây ra các triệu chứng. Chẳng hạn như gai xương, thoái hóa khớp cổ tay, gãy xương.
- Siêu âm hoặc MRI: Bệnh nhân thường được yêu cầu siêu âm hoặc chụp cộng hưởng từ (MRI). Điều này giúp phát hiện bao hoạt dịch bị viêm, những tổn thương ở xương và mô mềm khác.
- Xét nghiệm máu: Xét nghiệm máu có thể giúp loại trừ một số bệnh viêm khớp ảnh hưởng đến cổ tay (như viêm khớp dạng thấp) và nhiễm trùng.
- Xét nghiệm chất lỏng từ bao hoạt dịch: Bác sĩ dùng kim tiêm hút chất lỏng từ bao hoạt dịch ở cổ tay, sau đó phân tích trong phòng thí nghiệm. Điều này có thể giúp xác định nhiễm trùng, nguyên nhân gây đau và viêm khớp.
Biến chứng và tiên lượng
Viêm bao hoạt dịch cổ tay thường được điều trị tốt bằng thuốc, hiếm khi gây biến chứng. Nếu không được chữa trị, bệnh nhân có thể bị viêm bao hoạt dịch mãn tính. Những triệu chứng tái phát liên tục hoặc kéo dài làm suy giảm khả năng vận động và sức mạnh của tay, tăng nguy cơ teo cơ do thiếu vận động.
Ngoài ra viêm bao hoạt dịch do vi khuẩn và không được điều trị còn làm tăng nguy cơ nhiễm trùng bao hoạt dịch và viêm khớp nhiễm trùng.
Điều trị
Điều trị viêm bao hoạt dịch cổ tay gồm những biện pháp giảm đau tại nhà và thuốc. Đôi khi phẫu thuật được cân nhắc nếu viêm kéo dài hoặc không giảm.
1. Chăm sóc và giảm đau tại nhà
Một số hướng dẫn dưới đây có thể giúp bạn giảm bớt sưng và đau đớn ở cổ tay, bao gồm:
- Chườm lạnh: Dùng khăn bọc gọn một vài viên đá lạnh và đặt lên cổ tay ảnh hưởng. Nhiệt độ thấp giúp giảm lưu thông máu, giảm sưng viêm và đau hiệu quả. Chườm lạnh mỗi 4 - 6 giờ, mỗi lần 10 phút, thực hiện trong 2 ngày đầu.
- Chườm ấm: Chuyển sang chườm ấm sau vài ngày chườm lạnh. Nhiệt độ cao giúp giãn mạch, tăng lưu thông khí huyết. Đồng thời giãn cứng khớp và làm dịu nhanh cơn đau. Chườm ấm nên được thực hiện mỗi ngày vài lần, mỗi lần 20 phút, có thể dùng miếng đệm sưởi hoặc chai nước ấm.
- Nghỉ ngơi: Tránh những hoạt động gắng sức hoặc có thể tăng đau cho cổ tay. Chẳng hạn như nâng vật nặng, mở nắp chai... Ngoài ra không nên lặp đi lặp một chuyển động cho đến khi cổ tay lành lại.
- Đeo nẹp: Bác sĩ có thể khuyên bạn đeo nẹp để bảo vệ khớp và giảm thiểu những hoạt động có thể gây đau:
- Tập thể dục thường xuyên: Không bất động trong thời gian dài để tránh cứng khớp. Thực hiện uốn cong, xoay cổ tay nhẹ nhàng và các bài tập thích hợp khác. Điều này giúp giữ cho cổ tay linh hoạt và tăng cường các cơ hỗ trợ.
2. Thuốc
Một số thuốc được dùng để giảm đau và viêm bao hoạt dịch cổ tay:
- Thuốc chống viêm không steroid (NSAID): Nếu viêm và đau ở mức trung bình, người bệnh có thể được dùng Naproxen, Ibuprofen hoặc một loại thuốc chống viêm không steroid khác. Thuốc giúp giảm viêm bằng cách ức chế yếu tố gây viêm. Đồng thời giảm sưng và đau hiệu quả.
- Corticosteroids: Nếu viêm nặng hoặc kém đáp ứng với NSAID, bệnh nhân được dùng Corticosteroids. Đây là thuốc trị viêm mạnh, giúp giảm sưng và đau nhanh chóng. Thuốc này được dùng ở dạng tiêm, thường chỉ cần tiêm một mũi.
- Thuốc kháng sinh: Nếu bị viêm bao hoạt dịch do vi khuẩn, người bệnh được dùng kháng sinh để loại bỏ nguyên nhân. Thông thường kháng sinh phổ rộng sẽ được chỉ định để diệt vi khuẩn và chữa nhiễm trùng.
3. Phẫu thuật
Phẫu thuật hiếm khi cần thiết. Tuy nhiên phương pháp này sẽ được chỉ định nếu điều trị bảo tồn không hiệu quả. Tùy thuộc vào tình trạng, phẫu thuật có thể bao gồm dẫn lưu hoặc cắt bỏ bao hoạt dịch.
Phòng ngừa
Viêm bao hoạt dịch cổ tay không được ngăn ngừa hoàn toàn. Tuy nhiên nguy cơ và mức độ nghiêm trọng có thể giảm khi thay đổi cách sử dụng khớp. Cụ thể:
- Thực hiện những tư thế và kỹ thuật thích hợp trong công việc và những hoạt động thể thao.
- Tránh những chuyển động lặp đi lặp lại ở khớp cổ tay.
- Thường xuyên nghỉ giải lao để cổ tay được thư giãn.
- Tránh nâng vật nặng thường xuyên.
- Thường xuyên tập thể dục, chuyển động nhẹ nhàng và kéo giãn cho cổ tay. Điều này giúp thư giãn và tăng cường cơ bắp bảo vệ khớp.
- Cần khởi động và giãn cơ trước khi chơi thể thao hoặc thực hiện những hoạt động gắng sức. Điều này giúp khớp được bảo vệ khỏi chấn thương.
Những câu hỏi quan trọng khi gặp bác sĩ
1. Tôi bị đau cổ tay do đâu?
2. Tình trạng của tôi được điều trị như thế nào?
3. Điều trị kéo dài bao lâu thì khỏi?
4. Những hoạt động nào cần hạn chế?
5. Tôi nên làm gì để cảm thấy tốt hơn?
6. Tôi có thể vận động bình thường sau điều trị không?
7. Có tác dụng phụ khi dùng thuốc điều trị hay không?
Viêm bao hoạt dịch cổ tay thường nhẹ, các biện pháp điều trị bảo tồn có thể giúp giảm nhanh tình trạng. Tuy nhiên người bệnh cần điều trị sớm và đầy đủ để tránh khởi phát các biến chứng.
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!