Viêm Cơ

Bài viết được tham vấn chuyên môn bởi Lương Y Đỗ Minh Tuấn | Lĩnh vực khám chữa: Xương khớp Nơi công tác Phòng Chẩn Trị YHCT Đỗ Minh Đường – Hà Nội

Viêm cơ là tình trạng viêm trong cơ bắp dẫn đến yếu, sưng và đau cơ. Tình trạng này thường liên quan đến nhiễm trùng, các bệnh lý tự miễn và chấn thương. Thông thường thuốc và trị liệu được áp dụng để điều trị.

Tổng quan

Viêm cơ là thuật ngữ chỉ tình trạng viêm mãn tính trong cơ bắp. Trong bệnh lý này, tình trạng viêm làm tổn thương các sợi cơ, can thiệp vào khả năng co bóp khiến cơ bắp yếu đi.

Viêm cơ là tình trạng viêm mãn tính trong cơ bắp
Viêm cơ là tình trạng viêm mãn tính trong cơ bắp khiến chúng bị tổn thương và yếu đi

Yếu cơ do viêm cơ thường kèm theo đau, sưng và mềm cơ. Hầu hết các trường hợp viêm cơ là một phần của tình trạng mãn tính (dài hạn). Tình trạng này thường dẫn đến teo cơ và tà tật nghiêm trọng. Đôi khi viêm cơ là một vấn đề ngắn hạn, có thể biến mất trong khoảng vài ngày đế vài tuần.

Phân loại

Bệnh viêm cơ được phân thành 5 loại, bao gồm:

1. Viêm da cơ

Viêm da cơ là một dạng viêm cơ được đặc trưng bởi tình trạng phát ban đỏ tím và yếu cơ tồi tệ theo thời gian. Phát ban thường là triệu chứng đầu tiên, phát triển trên mặt, mí mắt, cổ, ngực và lưng. Đôi khi ảnh hưởng đến vùng da quanh đốt ngón tay, đầu gối, khuỷu tay và ngón chân.

Yếu cơ có thể phát triển đồng thời hoặc sau khi phát ban, thường ảnh hưởng đến các cơ gần thân như cơ vai, cổ, hông và lưng. Yếu cơ thường tồi tệ hơn theo thời gian, gây khó khăn trong các chuyển động của tay, chân, khó nuốt và khó thở.

Viêm da cơ cũng có thể ảnh hưởng đến một số cơ quan khác. Những trường hợp nặng có thể bị viêm phổi do hít, nhịp tim không đều, giảm cân và bất thường ở móng tay.

2. Viêm cơ vị thành niên

Viêm cơ vị thành niên và tình trạng viêm cơ xảy ra ở những trẻ em có độ tuổi dưới 18. Bệnh thường ảnh hưởng đến trẻ em gái, tỉ lệ mắc bệnh giữa nam và nữ là 1:2.

Bệnh viêm cơ vị thành niên được đặc trưng bởi tình trạng yếu cơ và phát ban da. Những triệu chứng thường gặp gồm:

  • Phát ban màu đỏ tím hoặc màu tím trên khớp hoặc trên mí mắt, đôi khi có hình dạng tương tự như hoa vòi voi
  • Yếu cơ bắp
  • Khó nhấc đầu
  • Khó với tới đầu, chẳng hạn như chải tóc hoặc gội đầu
  • Khó leo cầu thang, mặc quần áo hoặc đứng từ tư thế ngồi
  • Khó nuốt
  • Đau cơ và khớp
  • Giọng khàn
  • Hình thành các cục canxi cứng dưới da (lắng đọng canxi)
  • Đau dạ dày
  • Ủ rũ hoặc cáu kỉnh
  • Sốt
  • Sẩn Gottron (vết sưng trên những đốt ngón tay)

Viêm cơ vị thành niên
Viêm cơ vị thành niên xảy ra ở những trẻ em có độ tuổi dưới 18, phổ biến hơn ở trẻ em gái

3. Viêm cơ toàn thân

Viêm cơ toàn thân (viêm cơ thể vùi) có tính di truyền, thường phổ biến hơn ở nam và những người trên 50 tuổi. Bệnh bắt đầu với triệu chứng yếu cơ xảy ra ở ngón tay, cổ tay và cơ đùi.

Yếu cơ do viêm cơ toàn thân thường nghiêm trọng hơn ở những cơ bắp nhỏ hơn và không đối xứng. Trong đó một bên của thân bị ảnh hưởng nhiều hơn so với bên còn lại.

Các triệu chứng thường gặp:

  • Yếu cơ
  • Đau cơ
  • Giảm phản xạ gân sâu
  • Vấp ngã và mất thăng bằng
  • Đi lại khó khăn
  • Thường xuyên ngã
  • Giảm khả năng cầm nắm, giảm sự khéo léo của bàn tay và ngón tay

4. Viêm đa cơ

Viêm đa cơ là tình trạng viêm gây yếu cơ, thường bắt đầu ở những cơ bắp gần thân nhất, sau đó lan rộng và ảnh hưởng đến các cơ bắp khác. Yếu cơ do bệnh lý này có xu hướng nghiêm trọng hơn theo thời gian.

Những triệu chứng thường gặp gồm:

  • Yếu cơ
  • Đau cơ
  • Mệt mỏi thường xuyên
  • Dễ té ngã
  • Khó đứng lên từ vị trí ngồi
  • Khó nuốt
  • Ho khan mãn tính
  • Sốt
  • Khó thở
  • Dày da trên móng tay
  • Khàn giọng
  • Giảm cân

5. Viêm cơ nhiễm độc

Viêm cơ nhiễm độc là tình trạng viêm cơ xảy ra do sử dụng một số loại thuốc. Chẳng hạn như: Thuốc Statin (thuốc hạ cholesterol), Cocain, Omeprazol, một số thuốc ức chế miễn dịch và các chất khác.

Bệnh viêm cơ nhiễm độc có những triệu chứng tương tự như các dạng viêm cơ khác. Để điều trị, bệnh nhân cần ngừng sử dụng thuốc gây ra độc tính.

Viêm cơ nhiễm độc
Viêm cơ nhiễm độc bắt nguồn từ việc sử dụng một số loại thuốc như Statin

Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ

Không biết chắc chắn nguyên nhân gây viêm cơ. Bệnh có thể tự phát hoặc được kích hoạt bởi một số yếu tố. Các giả thuyết cho thấy, viêm cơ là một bệnh tự miễn. Đây là một phản ứng miễn dịch bất thường của hệ miễn dịch đối với một bộ phận đang hoạt động. Trong bệnh lý này, các mô cơ bị tấn công bởi hệ thống miễn dịch của cơ thể.

Những yếu tố làm tăng nguy cơ:

  • Các bệnh tự miễn dịch khác: Bạn sẽ có nhiều khả năng bị viêm cơ hơn nếu mắc một trong những bệnh lý tự miễn dưới đây:
    • Bệnh Lupus ban đỏ
    • Viêm khớp dạng thấp
    • Xơ cứng bì
  • Nhiễm virus: Một số trường hợp bị viêm cơ sau khi nhiễm virus. Chẳng hạn như:
    • Nhiễm HIV
    • Cúm
    • Cảm lạnh thông thường
    • COVID-19
  • Thuốc: Nhiều loại thuốc có thể gây viêm cơ. Trong đó Statin (thuốc điều trị cholesterol cao) thường gây đau cơ và tăng nguy cơ viêm.
  • Chấn thương: Tình trạng viêm nhẹ có thể xảy ra khi bị chấn thương hoặc tập thể dục cường độ cao. Ngoài ra một dạng tổn thương nghiêm trọng như tiêu cơ vân có thể làm tăng nguy cơ viêm cơ.

Triệu chứng và chẩn đoán

Những loại viêm cơ khác nhau sẽ có những triệu chứng khác nhau. Tuy nhiên yếu cơ là triệu chứng chính của bệnh, thường ảnh hưởng đến những nhóm cơ lớn, bao gồm cơ vai, cổ, lưng và hông. Yếu cơ có xu hướng dần tồi tệ hơn trong vài tuần hoặc vài tháng

Tùy thuộc vào cơ bắp ảnh hưởng, yếu cơ khiến người bệnh khó khăn khi thực hiện một số hoạt động bình thường, bao gồm:

  • Dễ té ngã
  • Khó đứng dậy từ ghế hoặc sau khi ngã
  • Khó nhấc đầu
  • Khó với tới đầu (khó chải tóc hoặc gội đầu)
  • Giảm khả năng cầm nắm
  • Giảm sự khéo léo của bàn tay và ngón tay
  • Khó leo cầu thang
  • Khó mặc quần áo
  • Khó nuốt
  • Không thể kiểm soát cánh tay, bàn tay hoặc chân.

Triệu chứng khác:

  • Đau cơ (có thể có hoặc không)
  • Đau khớp
  • Sưng tấy
  • Phát ban
  • Mệt mỏi
  • Khó thở hoặc nuốt
  • Da tay dày lên
  • Chứng loạn nhịp tim (xảy ra khi tim bị ảnh hưởng)

Viêm cơ gây yếu cơ
Viêm cơ gây yếu cơ, đau cơ, không thể kiểm soát cánh tay, bàn tay hoặc chân

Viêm cơ do nhiễm virus sẽ có các triệu chứng của một tình trạng nhiễm trùng do virus. Tuy nhiên những triệu chứng này có thể biến mất sau vài ngày đến vài tuần trước khi bắt đầu các triệu chứng của viêm cơ. Những triệu chứng của nhiễm trùng thường gặp gồm:

  • Đau họng
  • Sốt
  • Ho
  • Sổ mũi
  • Tiêu chảy
  • Buồn nôn
  • Đau cơ

Bệnh viêm cơ có thể được phát hiện trong quá trình kiểm tra thể chất, bệnh sử và triệu chứng. Trong quá trình thăm khám, bệnh nhân được yêu cầu liệt kê các triệu chứng, xem xét vùng ảnh hưởng và thực hiện một vài chuyển động. Điều này giúp phát hiện nhanh các điểm yếu cơ.

Để xác nhận chẩn đoán, bác sĩ thường chỉ định thêm một vài xét nghiệm dưới đây:

  • Xét nghiệm máu: Xét nghiệm máu có thể cho thấy mức độ cao của những enzym cơ bắp, điển hình như creatine kinase. Ngoài ra xét nghiệm này cũng giúp phát hiện những kháng thể bất thường liên quan đến các tình trạng tự miễn.
  • Chụp cộng hưởng từ (MRI): Chụp cộng hưởng từ cung cấp hình ảnh chi tiết về các mô mềm, bao gồm cơ bắp, tủy sống. Điều này giúp xác định những vùng có mô viêm và đánh giá những thay đổi trong cơ thể.
  • Điện cơ (EMG): Kỹ thuật này giúp kiểm tra phản ứng của cơ đối với tín hiện điện thần kinh. Từ đó xác định cơ yếu hoặc bị tổn thương do viêm.
  • Sinh thiết cơ: Bác sĩ rạch một đường và lấy một mẫu cơ nhỏ. Bệnh phẩm được kiểm tra trong phòng thí nghiệm giúp xác định tình trạng viêm.

Biến chứng và tiên lượng

Hầu hết các trường hợp là viêm cơ mãn tính với những triệu chứng kéo dài suốt quản đời còn lại. Không có cách chữa khỏi bệnh. Tuy nhiên các phương pháp điều trị có thể giúp các triệu chứng thuyên giảm.

Nếu không được kiểm soát tốt, yếu cơ tăng dần theo thời gian và gây ra những biến chứng dưới đây:

  • Tiêu cơ vân
  • Teo cơ
  • Dị tật
  • Khó vận động và hoạt động bình thường
  • Khó nuốt
  • Viêm phổi do hít
  • Bệnh tim mạch

Một số dạng viêm cơ có thể gây tử vong. Khoảng 5% trường hợp chết đi trong vòng 1 năm sau khi được chẩn đoán. Điều trị sớm có thể giúp giảm thiểu nguy cơ.

Điều trị

Không có cách chữa khỏi bệnh viêm cơ. Tuy nhiên bác sĩ sẽ điều trị các triệu chứng bằng phương pháp thích hợp, giảm tác động của bệnh đối với sinh hoạt và thói quen hàng ngày.

Thông thường các phương pháp sẽ được áp dụng cho đến khi bệnh thuyên giảm, có ít hoặc không bị viêm. Hầu hết trường hợp sẽ được dùng thuốc và áp dụng các phương pháp trị liệu.

1. Thuốc

Những loại thuốc được sử dụng trong điều trị viêm cơ gồm:

Corticosteroid
Corticosteroid được sử dụng để điều trị viêm và đau cơ, ức chế phản ứng của hệ miễn dịch

  • Corticosteroid: Trong điều trị viêm cơ, loại Corticosteroid được dùng phổ biến nhất là Prednisone và Dexamethasone. Nhóm thuốc này có tác dụng điều trị viêm và đau cơ, giảm tổn thương mô cơ và da bằng cách ức chế phản ứng miễn dịch. Corticosteroid mang đến hiệu quả nhanh và cao. Tuy nhiên việc dùng thuốc kéo dài có thể gây ra nhiều tác dụng phụ.
  • Thuốc ức chế miễn dịch: Corticosteroid thường được dùng kết hợp với thuốc ức chế miễn dịch để giảm liều lượng và tác dụng phụ của Corticosteroid. Thuốc này có tác dụng giảm độ nhạy cảm, ức chế những phản ứng quá mức của hệ miễn dịch. Từ đó ngăn kháng thể tiếp tục tấn công vào mô cơ và da, kiểm soát bệnh lý hiệu quả. Một số loại thuốc ức chế miễn dịch thường được sử dụng gồm Methotrexate, Mycophenolate mofetil và Azathioprine.
  • Rituximab: Đây là một loại thuốc sinh học. Thuốc này có tác dụng điều trị các tình trạng tự miễn, trong đó có viêm cơ.
  • Alemtuzumab: Những trường hợp bị viêm cơ thể vùi thường kháng thuốc ức chế miễn dịch và Corticosteroid. Để điều trị, Alemtuzumab sẽ được chỉ định. Thuốc này thuộc nhóm kháng thể đơn dòng CD52, được dùng dưới dạng dung dịch tiêm tĩnh mạch. Alemtuzumab giúp điều trị các triệu chứng của viêm cơ sau khi ngừng sử dụng hoặc có ít nhất 2 loại thuốc khác không có hiệu quả.
  • Thuốc kháng sinh: Thuốc kháng sinh đường uống, chẳng hạn như Cloxacillin được sử dụng để điều trị viêm cơ nhiễm trùng. Thuốc có tác dụng ức chế hoạt động và tiêu diệt vi khuẩn. Một số trường hợp như dẫn lưu áp xe có thể cần phải dùng kháng sinh dạng tiêm tĩnh mạch.

2. Globulin miễn dịch tiêm tĩnh mạch (IVIg)

Globulin miễn dịch tiêm tĩnh mạch (IVIg) là phương pháp sử dụng máu tinh khiết chứa các kháng thể khỏe mạnh để điều trị viêm cơ. Những sản phẩm này được lấy từ rất nhiều người hiến máu.

Khi được đưa vào cơ thể, các kháng thể khỏe mạnh nhanh chóng chống lại những kháng thể gây hại, ức chế hoạt động gây tổn thương mô cơ của cơ thể. Điều này giúp các cơ lành lại, ngăn bệnh viêm cơ tiến triển. Globulin miễn dịch tiêm tĩnh mạch mang đến hiệu quả nhanh nhưng cần tiêm nhắc lại nhiều lần để duy trì kết quả.

3. Vật lý trị liệu

Để duy trì cơ bắp và khả năng vận động, người bệnh được đề nghị vật lý trị liệu, tập thể dục hoặc yoga. Vật lý trị liệu gồm những bài tập tăng cường sức cơ, giữ cho cơ bắp khỏe mạnh và linh hoạt.

Ngoài ra việc luyện tập đúng cách còn giúp ngăn ngừa tình trạng teo cơ, cải thiện sức mạnh và tăng khả năng vận động linh hoạt cho người bệnh. Dựa trên mức độ ảnh hưởng của triệu chứng, chuyên gia vật lý trị liệu có thể giúp thiết kế chương trình luyện tập phù hợp, điều chỉnh thói quen và trị liệu nghề nghiệp.

Vật lý trị liệu
Vật lý trị liệu và tập yoga để giữ cho cơ bắp khỏe mạnh và linh hoạt, ngăn ngừa teo cơ

4. Điều chỉnh thói quen ăn uống

Viêm cơ được đặc trưng bởi tình trạng tổn thương và yếu cơ tăng dần theo thời gian. Tình trạng này thường ảnh hưởng đến các cơ nhai dẫn đến khó nhai và nuốt. Để tránh phát sinh vấn đề, người bệnh cần ưu tiên ăn các món ăn mềm, dễ nuốt và bổ dưỡng. Tránh ăn thức ăn quá cứng và dai.

Ngoài ra người bệnh cần bổ sung đủ hàm lượng calo, protein và chất xơ cần thiết. Điều này giúp cung cấp chất dinh dưỡng thúc đẩy quá trình xây dựng và phục hồi cơ bắp.

Phòng ngừa

Không thể ngăn ngừa bệnh viêm cơ. Tuy nhiên việc điều trị sớm và đúng cách có thể giúp kiểm soát viêm và tổn thương cơ, làm chậm tốc độ phát triển bệnh và hạn chế biến chứng.

Điều trị sớm và đúng cách theo chỉ định của bác sĩ để kiểm soát viêm và giảm bệnh
Điều trị sớm và đúng cách theo chỉ định của bác sĩ để kiểm soát viêm và giảm triệu chứng của bệnh

Những câu hỏi quan trọng khi gặp bác sĩ

1. Tôi có bị viêm cơ hay có một tình trạng nào khác hay không?

2. Tôi bị loại viêm cơ nào?

3. Những phương pháp nào sẽ được chỉ định?

4. Có khả năng điều trị khỏi bệnh hay không?

5. Nên làm những gì để ngăn bệnh tiến triển?

6. Tôi có thể tiếp tục các hoạt động thể chất hay không?

7. Có thể gặp những biến chứng nào?

Bệnh viêm cơ gây yếu cơ và nhiều triệu chứng nghiêm trọng khác. Hầu hết trường hợp bị viêm mãn tính, không có phương pháp điều trị và tăng nguy cơ tiêu cơ vân. Tuy nhiên việc can thiếp sớm và đúng cách có thể hạn chế rủi ro, giúp bệnh thuyên giảm.

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *