Bệnh Viêm Da Cơ Địa
Viêm da cơ địa có tính chất mãn tính, bùng phát khi gặp điều kiện thuận lợi. Trường hợp bệnh kéo dài không được chăm sóc và kiểm soát đúng cách có thể khiến da bị tổn thương nặng, kéo theo nhiều biến chứng ảnh hưởng đời sống và sức khỏe.
Tổng quan
Bệnh viêm da cơ địa (Atopic Dermatitis) là một thể lâm sàng của chàm (Eczema), còn được gọi là chàm thể trạng. Bệnh có khả năng bùng phát nhiều đợt trong năm, có tính chất mãn tính.
Bất kỳ đối tượng nào cũng có thể mắc phải chứng bệnh này. So với các bệnh viêm da khác, viêm da cơ địa chiếm số lượng lớn bệnh nhân mắc phải. Thống kê cho thấy tình trạng viêm da cơ địa ngày càng có xu hướng gia tăng.
Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ
Viêm da cơ địa bùng phát do nhiều nguyên nhân, bao gồm các yếu tố trong và ngoài cơ thể. Dưới đây là những nguyên nhân chính:
- Yếu tố di truyền: Viêm da cơ địa có liên quan mật thiết đến yếu tố di truyền. Nếu bố hoặc mẹ mắc bệnh thì khả năng cao con cái sinh ra cũng mang gen bệnh. Khi gặp điều kiện thuận lợi, triệu chứng viêm da cơ địa bùng phát.
- Cơ địa yếu, đề kháng kém: Viêm da cơ địa thường gặp ở phụ nữ đang mang thai, người cao tuổi hoặc trẻ em có sức khỏe kém, hệ miễn dịch không chống lại được các tác nhân gây hại từ bên ngoài.
- Mắc các bệnh về da khác: Ảnh hưởng từ các vấn đề da liễu khác khiến triệu chứng viêm da cơ địa có điều kiện bùng phát. Chẳng hạn như tình trạng viêm nang lông, tổn thương trầy xước da khiến hại khuẩn tấn công, gây viêm nhiễm.
- Vệ sinh kém: Da không được làm sạch đúng cách, vi khuẩn lưu trú tấn công da khiến các tổn thương hình thành. Trong những bệnh lý da liễu thường gặp liên quan vấn đề chăm sóc, vệ sinh kém có chứng viêm da cơ địa.
- Các yếu tố khác: Bên cạnh những yếu tố nguy cơ kể trên, tình trạng viêm da cơ địa còn có thể bùng phát do các vấn đề như môi trường ô nhiễm, chế độ ăn uống không đảm bảo, do thời tiết thay đổi thất thường,...
Triệu chứng và chẩn đoán
Triệu chứng bệnh viêm da cơ địa:
Viêm da cơ địa có thể xảy ra ở bất kỳ vùng da nào trên cơ thể. Mức độ tổn thương tùy thuộc vào các yếu tố bao gồm tiến triển của bệnh, nguyên nhân gây kích thích, độ tuổi của người bệnh.
Dưới đây là các triệu chứng thường gặp:
Trường hợp viêm da cơ địa cấp - mãn tính:
- Trên da xuất hiện những khu vực sẩn đỏ, có thể quan sát phân biệt rõ với các vùng da bình thường khác.
- Mụn nước nhỏ, kích thích li ti xuất hiện, một số trường hợp nhận thấy dịch rỉ ra từ các nốt mụn vỡ, không đóng vảy.
- Sau khi dịch mủ khô lại hình thành các lớp vảy tiết, kèm theo hiện tượng phù nề.
- Da có những vùng bị bội nhiễm do bệnh nhân cào gãi, thậm chí là có vết loét.
- Ở giai đoạn mãn tính, các vùng sẩn đỏ rộng hơn, da dày hơn, bên cạnh đó da còn rất dễ bị nứt rách gây chảy máu.
Triệu chứng viêm da cơ địa theo độ tuổi:
- Trường hợp trẻ em: Viêm da cơ địa ở trẻ nhỏ có thể xuất hiện từ những tháng đầu đời. Triệu chứng nhận biết gồm các vấn đề kể trên, vùng da tổn thương tập trung ở đầu gối, khuỷu tay, trên mặt duỗi của các chi. Ngoài ra, trẻ em mắc bệnh còn có các phản ứng viêm kết mạc, đục thủy tinh thể kèm theo.
- Trường hợp ở người trưởng thành: Viêm da cơ địa ở người lớn thường là dạng mãn tính, tái phát thường xuyên. Các vùng da bị tổn thương tập trung ở bàn tay, chân, kẽ lớn. Da xuất hiện các mảng lichen hóa, kèm theo đó là biểu hiện sốt cỏ khô hoặc hen suyễn.
Khi phát hiện các biểu hiện bất thường xuất hiện, bệnh nhân nên khám bác sĩ để có các kiểm soát, phòng tránh tái phát tốt nhất.
Chẩn đoán bệnh viêm da cơ địa:
Chẩn đoán lâm sàng thông qua những kiểm tra biểu hiện bất thường ngoài da, thăm hỏi tiền sử bệnh lý của bản thân và gia đình bệnh nhân, bệnh lý đang mắc phải, thuốc đang sử dụng.
Thực hiện các biện pháp xét nghiệm cận lân sàng. Bao gồm:
- Xét nghiệm định lượng IgE
- Test áp bì (Patch Test)
- Xét nghiệm bạch cầu ái toàn
- Xét nghiệm phát hiện dị nguyên huyết thanh
- Các biện pháp chẩn đoán phân biệt cần thiết khác
Biến chứng và tiên lượng
Bệnh viêm da cơ địa có khả năng tái đi tái lại nhiều lần khi cơ thể gặp phải điều kiện thuận lợi. Các triệu chứng không chỉ ảnh hưởng đến chất lượng đời sống mà về lâu dài có thể làm phát sinh nhiều rủi ro ảnh hưởng sức khỏe.
Những vấn đề có thể xảy ra nếu viêm da cơ địa kéo dài không được kiểm soát kể đến như:
- Biến chứng ở mắt, gây viêm kết mạt mắt khiến mắt bị ngứa ngáy khó chịu, thường xuyên chảy nước mắt, người bệnh bị hạn chế tầm nhìn, thị lực kém.
- Tăng nguy cơ nhiễm trùng da. Nhất là trường hợp hại khuẩn tiếp tục lưu trú, tấn công sâu vào bên trong da. Những tác nhân như virus herpes, tụ cầu vàng,... xâm lấn vào vị trí cào gãi da dẫn đến bội nhiễm.
- Viêm da bàn tay nghiêm trọng hơn khi người bệnh tiếp xúc thường xuyên với hóa chất tẩy rửa, dầu mỡ, xà phòng giặt đồ, rửa chén.
- Nguy cơ viêm nhiễm lan rộng dẫn đến nhiều hệ lụy khác. Trong đó có hiện tượng viêm cầu thận cấp gây ảnh hưởng sức khỏe nghiêm trọng.
Ngoài các rủi ro kể trên, bệnh viêm da cơ địa còn gây ra nhiều hệ lụy khác. Đặc biệt là ảnh hưởng đến tính thẩm mỹ, gây cảm giác lo lắng, tự ti, ảnh hưởng giấc ngủ,... Người bệnh cần đến gặp bác sĩ để kiểm soát bệnh sớm, bảo vệ an toàn sức khỏe.
Điều trị
Điều trị viêm da cơ địa theo nguyên tắc chính bao gồm chống khô da, giảm kích ứng, chống viêm và nhiễm trùng. Đồng thời người bệnh sẽ được tư vấn biện pháp điều trị tương ứng kèm lưu ý phòng bệnh để giảm rủi ro tái phát.
Cụ thể các biện pháp như sau:
Điều trị tại chỗ
Vệ sinh cơ thể, vùng da bị tổn thương hàng ngày bằng nước ấm, sử dụng xà phòng có chứa ít chất kiềm. Dưỡng ẩm da bằng kem dưỡng hoặc thuốc bôi da sau khi tắm.
Các thuốc thường được dùng trong thời gian điều trị viêm da cơ địa như:
- Thuốc corticoid
- Thuốc mỡ chứa chất kháng sinh, chứa corticoid
- Dùng dung dịch Jarish đắp lên da
- Bôi thuốc tím, nước muối sinh lý
- Cấp ẩm cho da bằng Urea 10%, Petrolatum
- Thuốc mỡ Salicyly 5%, 10%, thuốc mỡ Goudron
- Thuốc Tacrolimus ức chế miễn dịch nồng độ phù hợp
Đối với vùng da mỏng liều dùng thuốc sẽ thấp hơn những vùng da có biểu hiện lichen hóa. Bệnh nhân cần tuân thủ theo hướng dẫn của bác sĩ, không lạm dụng thuốc để tránh rủi ro gặp tác dụng phụ.
Điều trị toàn thân
- Dùng thuốc kháng histamin H1 như Chlopheniramin 4mg, Fexofenadin 180mg, Certerizin 10mg
- Thuốc kháng sinh cho trường hợp viêm nhiễm do tụ cầu vàng, liên cầu khuẩn
- Thuốc chứa corticoid điều trị ngắn hạn như Prednisolon
Một số thuốc khác được dùng kết hợp như Cyclosporin, Methotrexat. Tuân thủ liều dùng của bác sĩ để đạt được hiệu quả tốt nhất.
Phòng ngừa
Viêm da cơ địa mặc dù không phải là bệnh lý quá nguy hiểm tuy nhiên các triệu chứng của bệnh có thể tái phát thường xuyên. Để tránh gặp phải những vấn đề ảnh hưởng đời sống, sức khỏe, bạn nên chủ động phòng ngừa các đợt tái phát. Một số lưu ý:
- Chăm sóc, vệ sinh da sạch sẽ, lựa chọn sản phẩm làm sạch phù hợp, không chứa hóa chất độc hại. Ưu tiên những sản phẩm có thành phần chiết xuất tự nhiên.
- Bảo vệ da, hạn chế đến những nơi ô nhiễm, cẩn thận với nguồn nước, tránh môi trường nhiều khói bụi, hóa chất độc hại.
- Bảo vệ da khi thời tiết thay đổi, lựa chọn quần áo phù hợp, tránh mặc đồ quá bó sát.
- Lựa chọn thực phẩm phù hợp, tránh những món ăn có khả năng gây dị ứng. Ăn chín, uống sôi, bổ sung cho cơ thể đầy đủ chất dinh dưỡng.
- Tránh việc lạm dụng thuốc tân dược khi chưa được bác sĩ chỉ định. Chỉ sử dụng thuốc khi cần thiết, không sử dụng tùy tiện.
- Điều trị các bệnh lý liên quan theo phác đồ, thăm khám và điều trị kiểm soát để tránh gặp biến chứng ảnh hưởng viêm da cơ địa.
- Thăm khám sức khỏe, kiểm tra định kỳ, nếu gặp bất kỳ vấn đề bất thường nào nên kiểm soát, điều trị theo hướng dẫn của bác sĩ.
Những câu hỏi quan trọng khi gặp bác sĩ
1. Bị viêm da cơ địa có chữa khỏi hoàn toàn được không?
2. Bôi thuốc bao lâu thì hết viêm da cơ địa?
3. Bị viêm da cơ địa có cần kiêng tắm không?
4. Viêm da cơ địa gây ra các biến chứng gì?
5. Bội nhiễm khi đang bị viêm da cơ địa là gì? Nguy hiểm không?
6. Dị ứng viêm da cơ địa bao lâu thì khỏi? Có cần dùng thuốc không?
7. Bị viêm da cơ địa có cần dùng thuốc điều trị không?
Viêm da cơ địa là bệnh lý da liễu nhiều người gặp phải hiện nay. Mặc dù không nguy hiểm trực tiếp tính mạng, tuy nhiên các triệu chứng viêm nhiễm tái phát thường xuyên gây ra không ít phiền toái cho người bệnh. Do đó, nếu nhận thấy biểu hiện lạ xảy ra thường xuyên, bệnh nhân nên đến gặp bác sĩ để được hỗ trợ, điều trị sớm.
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!