Bệnh Viêm Da Dị Ứng
Viêm da dị ứng là bệnh da mãn tính, được biểu hiện bởi tình trạng khô da, nổi mẩn đỏ và ngứa ngáy dữ dội. Những triệu chứng bùng phát hoặc nghiêm trọng hơn khi tiếp xúc với những tác nhân gây dị ứng.
Tổng quan
Bệnh viêm da dị ứng còn được gọi là chàm thể tạng - một tình trạng da lâu dài. Bệnh thể hiện cho những tổn thương da mãn tính với các biểu hiện gồm nổi mẩn đỏ, khô da và ngứa ngáy. Nhiều trường hợp nặng có thể xuất hiện mụn nước, rỉ dịch và đóng vảy.
Tổn thương do viêm da dị ứng có thể ảnh hưởng đến bất kỳ vùng da nào. Ngoài ra bệnh có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi nhưng thường gặp ở trẻ nhỏ.
Bệnh viêm da dị ứng không được điều trị dứt điểm. Tuy nhiên những đợt bùng phát có thể được ngăn ngừa khi giữ ẩm thường xuyên và áp dụng những thói quen chăm sóc da khác.
Phân loại
Dựa trên đặc điểm và triệu chứng, bệnh viêm da dị ứng được phân thành những loại dưới đây:
- Viêm da dị ứng tiếp xúc: Bệnh lý này là một tình trạng kích thích hoặc phản ứng dị ứng gây phát ban da, đau hoặc ngứa. Bệnh xảy ra khi người bệnh tiếp xúc với những chất gây dị ứng trong môi trường (như nọc độc côn trùng...) hoặc tiếp xúc với những chất gây kích ứng (chẳng hạn như hóa chất). Những tổn thương do viêm da dị ứng tiếp xúc thường giảm dần và mất đi trong vòng 4 tuần.
- Viêm da dị ứng thời tiết: Bệnh thể hiện cho những tổn thương da ở dạng phát ban ngứa vào thời điểm giao mùa, khi thời tiết quá nóng hoặc quá lạnh.
- Viêm da dị ứng cơ địa: Bệnh xảy ra ở những người có cơ địa dị ứng hoặc thừa hưởng gen dị ứng từ gia đình. Bệnh bùng phát khi tiếp xúc với những chất gây kích ứng cụ thể.
- Viêm da dị ứng tiếp xúc bội nhiễm: Tình trạng này có những mụn nước vỡ và nhiễm trùng. Ở thể nặng bệnh khiến da sưng tấy, ngứa ngáy hoặc đau rát nhiều, mụn nước chứa đầy mủ, rỉ dịch và đóng vảy. Tổn thương do bội nhiễm thường để lại sẹo.
Dựa vào cấp độ, bệnh viêm da dị ứng được chia thành 2 loại, gồm cấp tính và mãn tính.
- Cấp tính: Tổn thương da xuất hiện lần đầu tiên với biểu hiện phù nề, đỏ rát, xuất hiện nhiều mụn nước, mụn nước có thể vỡ và đóng vảy. Những triệu chứng của bệnh kéo dài từ vài ngày đến 6 tuần.
- Mãn tính: Đây là tình trạng viêm da tái phát nhiều lần hoặc kéo dài trên 6 tuần. Những triệu chứng của bệnh dai dẳng và khó kiểm soát.
Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ
Bệnh viêm da dị ứng xảy ra khi hàng rào bảo vệ da bị tổn thương. Tình trạng này khiến da nhạy cảm và dễ tổn thương hơn khi tiếp xúc với những chất gây kích ứng hoặc dị ứng. Khi đó, các triệu chứng sẽ xảy ra.
Những nguyên nhân khác:
- Rối loạn hệ miễn dịch: Hệ miễn dịch phản ứng thái quá với những tác nhân dị ứng và sản sinh hàng loạt kháng thể. Những kháng thể này chống lại tác nhân và tạo ra những phản ứng dị ứng trên da.
- Di truyền: Một số gen liên quan đến dị ứng có thể truyền từ người thân trong gia đình sang con cái. Từ đó làm tăng nguy cơ bùng phát viêm da dị ứng khi tiếp xúc với những tác nhân trong môi trường.
- Cơ địa nhạy cảm: Nhiều người sinh ra có cơ địa nhạy cảm. Điều này làm tăng những phản ứng quá mức với các dị nguyên.
- Suy giảm hệ miễn dịch: Những người có hệ miễn dịch suy yếu sẽ có nguy cơ cao hơn.
- Tiếp xúc thường xuyên với tác nhân: Tổn thương da xảy ra khi thường xuyên tiếp xúc chất kích thích như:
- Hóa chất
- Xà phòng có tính tẩy rửa cao
- Phấn hoa
- Lông chó, mèo
- Một số loại thực phẩm
- Bụi kim loại
- Nấm móc...
- Thời tiết: Thời tiết thay đổi đột ngột, quá lạnh hoặc quá nóng có thể gây ra những phản ứng quá mức ở người có cơ địa dị ứng.
- Căng thẳng: Căng thẳng kéo dài làm ảnh hưởng đến cách hệ miễn dịch hoạt động. Điều này làm tăng nồng độ IgE và khiến những triệu chứng dị ứng bùng phát.
- Nhiễm trùng da: Viêm da xảy ra khi hệ miễn dịch phản ứng với tác nhân gây nhiễm trùng trên da. Từ đó làm khởi phát những tổn thương. Quá nhiều vi khuẩn Staphylococcus aureus trên da cũng có thể gây viêm da dị ứng. Loại vi khuẩn này có khả năng làm phá vỡ rào cải của da.
- Da khô: Những vùng da bị khô dễ phát triển các tổn thương khi tiếp xúc với không khí lạnh và những tác nhân trong môi trường.
Nguy cơ tăng lên ở những trường hợp có các yếu tố sau:
- Có tiền sử bản thân hoặc gia đình bị dị ứng, chàm, hen suyễn hoặc sốt của khô
- Trẻ em
- Suy giảm hệ miễn dịch.
Triệu chứng và chẩn đoán
Những triệu chứng của bệnh viêm da dị ứng gồm:
- Da khô
- Sưng và viêm
- Ngứa từ trung bình đến nặng
- Phát ban đỏ hoặc màu nâu, tím, xám
- Xuất hiện những vết sưng nhỏ (mẩn ngứa)
- Nổi mụn nước trên nền da đỏ, bên trong chứa đầy chất lỏng
- Mụn nước rỉ dịch và đóng vảy
- Nứt nẻ hoặc rạn da.
Để chẩn đoán bệnh viêm da dị ứng, bác sĩ sẽ tiến hành kiểm tra triệu chứng và tiền sử bệnh. Trong một số trường hợp người bệnh được yêu cầu xét nghiệm máu hoặc thực hiện các thử nghiệm trê da nhằm tìm kiếm nguyên nhân.
Biến chứng và tiên lượng
Dùng thuốc và áp dụng những biện pháp chăm sóc da có thể giúp giảm nhanh các triệu chứng, ngăn những đợt bùng phát của bệnh.
Nếu không điều trị, bệnh có thể trở nên nghiêm trọng và gây ra những biến chứng dưới đây:
- Dị ứng thực phẩm
- Hen suyễn
- Sốt cỏ khô
- Viêm da thần kinh với biểu hiện ngứa mãn tính và da có vảy
- Tăng hoặc giảm sắc tố. Bệnh nhân có những mảng da sẫm màu hơn hoặc sáng hơn vùng da xung quanh
- Viêm da tay kích ứng
- Nhiễm trùng da
- Viêm da tiếp xúc dị ứng
- Trầm cảm và lo lắng
- Những vấn đề về giấc ngủ, chẳng hạn như mất ngủ
Điều trị
Những biện pháp chăm sóc da tại nhà (như dưỡng ẩm da thường xuyên) có thể giúp giảm nhẹ các triệu chứng và ngăn đợt bùng phát. Nếu triệu chứng kéo dài hoặc nặng nề, người bệnh sẽ được chỉ định một số loại thuốc điều trị.
1. Điều trị bằng thuốc
Các thuốc điều trị viêm da dị ứng thường được sử dụng:
- Chất ức chế calcineurin: Thuốc mỡ hoặc kem bôi chứa chất ức chế calcineurin thường thường được chỉ định cho trẻ em trên 2 tuổi và người lớn. Thuốc này có tác dụng điều hòa hệ miễn dịch, ngăn chặn hoạt động của những chất gây viêm. Từ đó giúp giảm các triệu chứng như ngứa ngáy. Chất ức chế calcineurin cần được sử dụng trước khi dưỡng ẩm. Khi dùng cần tránh tiếp xúc với ánh nắng.
- Thuốc kháng sinh: Bệnh nhân có thể được kê đơn thuốc kháng sinh để phòng ngừa và điều trị nhiễm trùng. Thuốc này phù hợp với những bệnh nhân bị viêm da dị ứng bội nhiễm.
- Thuốc ức chế miễn dịch: Một số loại thuốc ức chế miễn dịch như cyclosporine, methotrexate, prednisone... được dùng để giảm đau rát, giảm viêm và ngứa da. Thuốc này cũng giúp giảm bớt những phản ứng quá mức của cơ thể.
- Kem steroid tại chỗ: Thuốc mỡ hoặc kem bôi corticosteroid có tác dụng giảm viêm và ngứa, phục hồi làn da. Thuốc này được bôi trực tiếp vào vùng tổn thương, liều lượng theo chỉ định của bác sĩ.
- Thuốc kháng thể đơn dòng: Một loại thuốc kháng thể đơn dòng (thuốc sinh học dạng tiêm) như Tralokinumab (Adbry) và Dupilumab (Dupixent) có thể được chỉ định cho trường hợp nặng, không đáp ứng với phương pháp khác. Thuốc này có khả năng làm dịu nhanh những triệu chứng của bệnh viêm da dị ứng. Trong đó Tralokinumab được chỉ định cho người lớn và Dupilumab được chỉ định cho trẻ trên 6 tuổi.
- Thuốc kháng virus hoặc chống nấm: Nếu phản ứng dị ứng liên quan đến virus hoặc nấm, thuốc kháng virus hoặc chống nấm sẽ được sử dụng để điều trị.
2. Trị liệu
Một số liệu pháp có thể giúp giảm nhẹ những triệu chứng của bệnh viêm da dị ứng, bao gồm:
- Liệu pháp ánh sáng: Liệu pháp này được chỉ định khi bệnh nhân kém đáp ứng với thuốc điều trị tại chỗ hoặc các triệu chứng nhanh chóng bùng phát. Liệu pháp ánh sáng (quang trị liệu) bao gồm việc sử dụng tia cực tím dải hẹp B (UVB) và tia cực tím nhân tạo A (UVA) tác động vào vùng da ảnh hưởng. Từ đó giảm các tổn thương và thúc đẩy quá trình chữa lành. Quang trị liệu có thể được dùng kết hợp với thuốc để tăng hiệu quả.
- Băng ướt: Băng ướt được áp dụng cho những người bị viêm da dị ứng nghiêm trọng. Sau khi bôi thuốc mỡ corticosteroid, đắp một miếng gạc ướt, phía trên phủ một lớp gạc khô. Điều này giúp giảm nhẹ các triệu chứng.
3. Biện pháp chăm sóc tại nhà
Nếu viêm da dị ứng ở mức độ nhẹ đến trung bình, những biện pháp chăm sóc có thể giúp giảm nhanh các triệu chứng.
- Chăm sóc viêm da dị ứng cho trẻ sơ sinh
Những biện pháp giúp giảm các triệu chứng ở trẻ sơ sinh:
-
- Tránh những chất gây kích ứng da
- Làm mát và ổn định nhiệt độ trong phòng. Tránh nhiệt độ quá cao hoặc quá thấp
- Tắm nước ấm và sử dụng những sản phẩm dịu nhẹ
- Thoa thuốc mỡ hoặc kem khi da còn ẩm.
- Bôi kem dưỡng ẩm
Bôi kem dưỡng ẩm cho làn da ít nhất 2 lần/ ngày để giữ ẩm cho làn da. Từ đó giảm ngứa và hạn chế những đợt bùng phát. Để kem bôi thấm vào da trước khi mặc quần áo.
- Thoa kem chống ngứa không kê đơn
Sử dụng kem chống ngứa chứa ít nhất 1% hydrocortison. Sản phẩm này có thể giúp giảm ngứa tạm thời. Kem 1% hydrocortison nên được sử dụng trước khi dưỡng ẩm, 2 lần/ ngày.
Người bệnh tiếp tục sử dụng sản phẩm ngay cả khi những triệu chứng đã giảm. Điều này giúp ngăn ngừa bùng phát.
- Uống thuốc chống ngứa hoặc chống dị ứng
Sử dụng thuốc kháng histamine không kê đơn để giảm ngứa. Chẳng hạn như Fexofenadine hoặc Cetirizine.
- Tránh gãi
Vỗ nhẹ hoặc ấn vào da khi bị ngứa do viêm da dị ứng. Không nên gãi ngứa để tránh trầy xước và tăng nguy cơ nhiễm trùng. Tốt nhất nên cắt gọn móng tay, trẻ nhỏ có thể được dùng thêm găng tay.
- Tắm với bột yến mạch
Thêm một yến mạch vào bồn nước ấm. Sau đó ngâm mình và tắm trong 10 phút. Lau khô da và mặc quần áo. Bột yến mạch có tác dụng làm ẩm da, giảm ngứa và tăng tốc độ chữa lành tổn thương. Nên thoa kem dưỡng ẩm trong vòng 3 phút sau khi tắm xong.
- Dùng máy tạo độ ẩm
Đặt máy tạo độ ẩm trong phòng để bổ sung độ ẩm trong không khí. Điều này giúp ngăn không khí nóng gây ra tình trạng khô da, giúp ngứa và bong tróc.
- Vệ sinh da sạch sẽ
Tắm rửa và rửa mặt mỗi ngày với những sản phẩm có khả năng làm sạch da và chứa những chất dịu nhẹ. Không nên sử dụng những sản phẩm có chất tẩy rửa mạnh.
Ngoài ra nên mặc những bộ quần áo có kết cấu mịn và thoáng mát. Đặc biệt nên chọn quần áo nhẹ khi tập thể dục hoặc khi thời tiết nóng để da được thở. Không nên mặc những bộ quần áo quá chật, vải thô để tránh gây cọ xát và trầy xước.
- Dùng dầu tự nhiên
Thêm một ít dầu tự nhiên (như dầu khoáng hoặc dầu đậu nành) vào nước tắm. Điều này có thể giúp cấp ẩm, cải thiện làn da khô và giảm ngứa.
- Kiểm soát căng thẳng và lo lắng
Rối loạn cảm xúc có thể làm nặng hơn mức độ nghiêm trọng của bệnh viêm da dị ứng và các triệu chứng. Chính vì thế người bệnh cần kiểm soát căng thẳng, tránh lo lắng quá mức. Điều này giúp ngăn những đợt bùng phát và giúp ích cho làn da của bạn.
Nếu căng thẳng hoặc lo lắng, hãy thử áp dụng những biện pháp kiểm soát như ngồi thiền, tập yoga, nghe nhạc, thực hiện những hoạt động ưa thích.
Phòng ngừa
Bệnh viêm da dị ứng không được ngăn ngừa hoàn toàn. Tuy nhiên các bước chăm sóc và phòng ngừa có thể làm giảm nguy cơ bùng phát của bệnh. Cụ thể:
- Dưỡng ẩm kỹ lưỡng cho làn da. Nên dùng thuốc mỡ hoặc kem dưỡng da ít nhất 2 lần/ ngàu. Nên sử dụng những sản phẩm không có chất tạo mùi, an toàn và phù hợp với làn da của bạn.
- Tránh mọi tác nhân có thể gây dị ứng cho bạn. Chẳng hạn như mạt bụi, mạt kim loại, hóa chất, chất tẩy rửa mạnh, lông chó mèo, phấn hoa, khói thuốc lá, không khí lạnh và khô...
- Tắm rửa sạch sẽ mỗi ngày. Nên tắm bằng nước ấm hoặc nước mát trong 10 phút.
- Dùng khăn mềm vỗ nhẹ lên da để lau khô da sau khi tắm xong. Sau đó thoa kem dưỡng ẩm trong vòng 3 phút - khi da vẫn còn ẩm.
- Giữ ấm cơ thể khi thời tiết lạnh. Mặc quần áo rộng rãi và làm mát phòng ngủ khi thời tiết nóng.
- Sử dụng những chất tẩy rửa nhẹ nhàng để làm sạch da. Không sử dụng những sản phẩm chứa chất tẩy rửa mạnh.
Những câu hỏi quan trọng khi gặp bác sĩ
1. Phác đồ điều trị viêm da dị ứng như thế nào?
2. Phương pháp điều trị hiệu quả cho tình trạng của tôi là gì?
3. Những biện pháp chăm sóc da nào được đề nghị?
4. Điều trị trong bao lâu?
5. Những triệu chứng có tự biến mất hay không?
6. Làm cách nào để ngăn ngừa bùng phát?
7. Những lựa chọn thay thế cho phương pháp được chỉ định?
Bệnh viêm da dị ứng dễ bùng phát, các triệu chứng có thể từ nhẹ đến nặng và gây ra nhiều biến chứng. Tuy nhiên dùng thuốc và áp dụng biện pháp chăm sóc có thể giúp kiểm soát bệnh hiệu quả. Khám và tham khảo ý kiến bác sĩ để được điều trị đúng cách.