Bệnh Viêm Da Tiết Bã
Viêm da tiết bã là một tình trạng da chủ yếu ảnh hưởng đến da đầu. Bệnh được đặc trưng bởi những mảng vảy, gàu cứng và da bị viêm tạo cảm giác khó chịu. Tuy nhiên các triệu chứng có thể thuyên giảm khi dùng thuốc, không gây rụng tóc vĩnh viễn và không lây nhiễm.
Tổng quan
Bệnh viêm da tiết bã là một dạng viêm da làm ảnh hưởng đến những vùng da dầu trên cơ thể. Bệnh gây ra những vảy nhờn, mảng đỏ ngứa kèm theo vảy trắng / vàng hoặc vảy phấn trên da đầu.
Viêm da tiết bã trên da đầu còn được gọi là gàu (viêm da đầu vảy phấn). Bệnh kèm theo cảm giác ngứa ngáy dữ dội, vảy trắng / vàng hoặc vảy phấn bong tróc dính trên tóc hoặc rơi lên cổ và vai.
Bệnh lý này cũng có thể xảy ra ở những vùng khác - nơi có tuyến bã nhờn (dầu) hoạt động mạnh nhất trên cơ thể. Chẳng hạn như mặt / trán, lưng trên và ngực, dưới ngực và nách, chân và háng, rốn, nếp nhăn ở gốc mũi, sau tai.
Những triệu chứng của viêm da tiết bã gây phiền toái và khó chịu, cần được điều trị tích cực để giảm nhẹ và ngăn ngừa bùng phát. Tuy nhiên bệnh không gây rụng tóc vĩnh viễn và không lây nhiễm.
Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ
Không rõ nguyên nhân chính xác của bệnh viêm da tiết bã. Tuy nhiên các nhà nghiên cứu tin rằng bệnh lý này có thể xảy ra do những nguyên nhân dưới đây:
- Nhiễm nấm men Malassezia
- Dầu thừa trên da
- Tăng mức độ của nội tiết tố androgen
- Tăng mức độ lipid da
- Phản ứng viêm
- Di truyền viêm da trong gia đình. Tiền sử gia đình viêm da có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh của con, cháu.
Những yếu tố có khả năng làm tăng nguy cơ hoặc khiến tình trạng trở nên nghiêm trọng hơn:
- Khí hậu lạnh và khô
- Sử dụng kem dưỡng da có chứa cồn
- Da nhờn
- Tiền sử các rối loạn da khác, chẳng hạn như bệnh hồng ban, mụn trứng cá và bệnh vảy nến
- Vấn đề liên quan đến hệ thống thần kinh
- Bệnh Parkinson
- Động kinh
- Rối loạn vận động muộn...
- Rối loạn tâm thần, chẳng hạn như trầm cảm
- Rối loạn bẩm sinh, chẳng hạn như hội chứng Down
- Nhiễm HIV, ung thư hoặc một tình trạng khác gây ức chế miễn dịch
- Căng thẳng và mệt mỏi quá mức
- Thừa cân béo phì
- Chăm sóc da kém
- Sinh sống và làm việc trong môi trường ô nhiễm, nóng bức
- Sử dụng xà phòng có hóa chất hoặc chất tẩy rửa mạnh
- Thay đổi nội tiết tố
- Sử dụng kéo dài một số loại thuốc điều trị bệnh như lithium, interferon, psoralen, những loại thuốc hướng tâm thần (Haloperidol decanoate, Buspirone...).
Triệu chứng và chẩn đoán
Những triệu chứng của viêm da tiết bã xảy ra phổ biến nhất ở bất kỳ vị trí nào trên da đầu, những vùng da có nếp gấp, trên mặt và sau tai. Dưới đây là những triệu chứng cụ thể:
- Xuất hiện nhiều vảy da trắng ngứa trên da đầu (gàu), lông mày, râu hoặc ria mép
- Gàu có thể xuất hiện dưới dạng những mảnh da chết, có kết cấu mịn như bột
- Vảy dày hoặc vảy loang lổ trên da đầu, da đỏ hoặc/ và bóng nhờn phủ vảy trắng hoặc vàng dễ bong kèm theo ngứa, đau nhức. Nhiều trường hợp có vảy bám vào chân tóc
- Khi gãi hoặc bị trầy xước, những vảy da trắng bong ra, rơi xuống cổ và vai hoặc trộn với tóc
- Mảng đỏ ngứa trên da
- Mụn có vảy màu hơi vàng hoặc hơi đỏ xuất hiện dọc theo chân tóc, trên lông mày, sau tai, trong ống tai, quanh mũi, trên sống mũi, trên ngực và lưng
- Những mảng da nhờn phủ vảy trắng hoặc vàng bị bong tróc hoặc bị đóng vảy trên mặt, hai bên mũi, lông mày, tai, da đầu, mí mắt, dưới bầu ngực, nách hoặc vùng bẹn
- Vảy vàng giòn trên đầu trẻ sơ sinh (còn được gọi là mũ nôi / nắp nôi). Khi gãi có thể làm rách da, tăng viêm dẫn đến chảy máu và nhiễm trùng nhẹ
- Ở hai bên mặt có những mảng vảy màu hồng nhạt (da dày)
- Những mảng phát ban hình vòng (hình khuyên)
- Viêm bờ mi. Những cạnh của mí mắt có vảy
- Đỏ ở những nếp gấp như nách, bên dưới ngực và bộ phận sinh dục
- Viêm các nang nông ở nửa trên cơ thể và trên má
- Phát ban nhạt màu hơn ở người da trắng và sẫm màu hơn ở người da nâu hoặc đen
- Ngứa ngáy dữ dội
- Rụng tóc ở một số trường hợp.
Tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng, những triệu chứng viêm da tiết bã có thể nhẹ (gàu mịn như bột) hoặc nặng (những mảng ban đỏ, mảng da dày, cứng). Triệu chứng nghiêm trọng hơn hoặc bùng phát khi mệt mỏi, căng thẳng hoặc thời tiết thay đổi theo mùa.
Bệnh viêm da tiết vảy được nhận biết thông qua những biểu hiện lâm sàng. Trong đó gàu, những mảng da đỏ và vảy nhờn dễ dàng được phát hiện khi kiểm tra trên da đầu, mặt, nếp gấp và những vùng da dầu khác.
Trong một số trường hợp, bệnh nhân cần phải cắt bỏ một mảnh da (sinh thiết). Mẫu bệnh phẩm được phân tích trong phòng thí nghiệm có thể giúp loại trừ những bệnh lý khác. Chẳng hạn như bệnh vảy nến, chàm, dị ứng, bệnh trứng cá đỏ...
Biến chứng và tiên lượng
Bệnh viêm da tiết bã là một tình trạng mãn tính, không thể chữa khỏi hoàn toàn. Những phương pháp điều trị chỉ có khả năng giảm nhẹ triệu chứng và kiểm soát bệnh
Tùy thuộc vào tình trạng, bệnh nhân có thể có những giai đoạn kéo dài gồm ít hoặc không có triệu chứng. Đôi khi những triệu chứng trở nên nghiêm trọng hơn (giai đoạn bùng phát).
Bệnh viêm da tiết bã làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính thẩm mỹ và khó chịu cho người bệnh. Tuy nhiên bệnh lý này hoàn toàn không ảnh hưởng đến sức khỏe tổng thể hoặc gây ra biến chứng nguy hiểm nào.
Điều trị
Bệnh viêm da tiết bã có thể được điều trị tại nhà. Người bệnh có thể tìm thấy một thói quen chăm sóc phù hợp giúp giảm nhẹ và ngăn những đợt bùng phát của triệu chứng.
Những trường hợp nặng (viêm da tiết bã gây ra những mảng da đỏ, gàu cứng, bong tróc kèm theo đau rát) cần được điều trị y tế dựa trên những chỉ định của bác sĩ chuyên khoa.
1. Khắc phục tại nhà
Những biện pháp chăm sóc tại nhà có thể giảm triệu chứng và ngăn những đợt bùng phát của bệnh, bao gồm:
- Sử dụng dầu gội trị gàu
Những loại dầu gội trị gàu thường chứa các hoạt chất có tác dụng kháng viêm, làm sạch da đầu và tóc. Đồng thời điều trị tốt bệnh viêm da tiết bã trên da đầu. Cụ thể như:
-
- Kẽm pyrithione
- Selenium sulfide
- Ketoconazole 1%
- Axit salicylic
- Tar...
Dầu gội trị gàu nên được sử dụng hàng ngày để tối ưu hiệu quả. Lưu ý rửa kỹ dầu gội và xà phòng khỏi da để tránh kích ứng.
- Kem chống ngứa và chống nấm không kê đơn
Một số loại kem chống ngứa và chống nấm không kê đơn có thể giúp điều trị và ngăn nấm làm tăng mức độ viêm da. Đồng thời giúp giảm ngứa hiệu quả.
- Thoa kem thuốc
Hãy thử sử dụng một loại kem corticosteroid nhẹ, dầu hoặc thuốc mỡ thoa lên những khu vực bị ảnh hưởng. Thuốc này có thể giúp giảm viêm, làm dịu cơn đau và ngứa do viêm da tiết bã.
- Làm mềm và loại bỏ vảy trên tóc
Sử dụng dầu thực vật như dầu ô liu, dầu đậu phộng hoặc dầu khoáng thoa đều lên da đầu, giữ nguyên trong vòng 1 - 3 giờ. Sau đó chải tóc và gội đầu. Biện pháp này giúp làm mềm, loại bỏ vảy nến trên tóc một cách hiệu quả.
- Rửa sạch và dưỡng ẩm
Nếu viêm da tiết bã xuất hiện trên mặt hoặc những vùng da khác trên cơ thể, hãy sử dụng nước ấm, sữa rửa mặt hoặc xà phòng dịu nhẹ để rửa sạch vùng da bị tổn thương. Sau đó nhẹ nhàng lau khô da và bôi một lớp kem dưỡng ẩm ngay khi da còn ẩm.
- Tránh sử dụng hóa chất
Bệnh nhân cần tránh sử dụng những sản phẩm có khả năng gây bùng phát và làm nặng hơn những triệu chứng của bệnh, cụ thể như:
-
- Những sản phẩm tạo kiểu tóc (gel, keo xịt tóc...)
- Những sản phẩm chăm sóc da và tóc có chứa cồn
- Làm sạch ria mép
Nếu các triệu chứng xuất hiện dưới râu hoặc ria mép, cạo râu có thể giúp chăm sóc da tốt hơn hoặc làm dịu các triệu chứng.
Hoặc có thể dùng 1% ketoconazole để làm sạch mỗi ngày cho đến khi những triệu chứng được cải thiện. Sau đó sử dụng 1% ketoconazole 1 - 2 tuần/ 1 lần.
- Làm sạch mí mắt
Mí mắt nên được làm sạch mỗi ngày khi bị viêm hoặc có vảy. Khi làm sạch, sử dụng một vài giọt dầu gội dành cho trẻ em hòa vào 2 nắp đầy nước ấm. Sau đó sử dụng tăm bông lau sạch vảy trên mí mắt.
Hoặc có thể sử dụng khăn ẩm và ấm chườm lên mí mắt. Biện pháp này có thể giúp làm mềm vảy và loại bỏ chúng dễ dàng.
- Dùng gel nha đam
Thoa gel lô hội (nha đam) lên vùng bị ảnh hưởng, thư giãn trong 1 giờ và làm sạch. Lô hội chứa những thành phần giúp cấp ẩm, làm dịu da, giảm ngứa và đau rát. Ngoài ra việc sử dụng còn giúp làm mềm và loại bỏ lớp vảy nhanh chóng.
- Nhẹ nhàng gội sạch da đầu của trẻ
Thường xuyên gội sạch da đầu cho trẻ sơ sinh bị viêm da tiết bã. Hãy sử dụng dầu gội dịu nhẹ dành cho trẻ sơ sinh kết hợp với những chuyển động nhẹ nhàng của tay. Điều này giúp vảy được làm mềm và bong tróc dễ dàng. Nên gội đầu cho trẻ mỗi ngày 1 lần.
Nếu vảy vẫn còn, hãy sử dụng dầu ô liu hoặc dầu khoáng thoa lên da đầu cho trẻ, giữ trong vòng 1 - 2 giờ. Điều này giúp vảy bong tróc nhanh mà không gây đau đớn. Sau vài tuần đến vài tháng điều trị, nắp nôi có thể biến mất.
- Mặc quần áo rộng rãi
Ưu tiên mặc những bộ quần áo rộng rãi, thoáng mát, được làm từ chất liệu cotton để giảm nguy cơ kích ứng da ở những vùng bị ảnh hưởng.
2. Điều trị y tế
Viêm da tiết bã nên được điều trị bằng thuốc và những loại dầu gội theo toa. Những trường hợp khác có thể được áp dụng liệu pháp ánh sáng.
- Thuốc + dầu gội
Những thuốc và dầu gội thường được sử dụng gồm:
-
- Dầu gội và thuốc mỡ theo toa
Trong điều trị viêm da tiết bã, bệnh nhân thường được yêu cầu sử dụng dầu gội hoặc/ và thuốc mỡ theo toa chứa desonide, fluocinolone, hydrocortison... Những hoạt chất này có tác dụng điều trị viêm da, giảm kích ứng và dị ứng da.
Ngoài ra các hoạt chất còn có tác dụng giảm ngứa, giảm tình trạng đóng vảy và ngăn những đợt bùng phát của bệnh. Tuy nhiên dùng lâu dài có thể gây tác dụng phụ.
-
- Thuốc chống nấm
Thuốc chống nấm thường có sẵn trong kem bôi, dung dịch bôi ngoài da và dầu gội. Khi dùng có thể ngăn ngừa sự sinh sôi của nấm, giảm những triệu chứng ở vùng da bị ảnh hưởng.
Những loại thường được sử dụng gồm: 2% ketoconazole hoặc 1% ciclopirox (Loprox). Ketoconazole và ciclopirox chủ yếu có trong dầu gội, thường được dùng xen kẽ với một hoặc nhiều sản phẩm khác.
Đôi khi thuốc chống nấm được sử dụng ở dạng viên nén cho những trường hợp nặng.
-
- Metronidazol
Metronidazol là một loại kháng sinh, được dùng trong điều trị viêm da tiết bã có nhiễm trùng. Thuốc này có tác dụng chống lại vi khuẩn và làm dịu vùng da bị ảnh hưởng.
Thuốc Metronidazol thường được dùng ở dạng gel hoặc kem bôi. Trong khi điều trị, thuốc được bôi từ 1 - 2 lần/ ngày, điều trị trong vài tuần hoặc cho đến khi những triệu chúng được cải thiện.
-
- Thuốc kháng histamin
Thuốc kháng histamin được dùng để giảm ngứa.
- Liệu pháp ánh sáng + psoralen
Nếu viêm da tiết bã nặng và không đáp ứng tốt với thuốc, bác sĩ có thể thực hiện liệu pháp ánh sáng để giảm / kiểm soát những triệu chứng của bệnh.
Liệu pháp này thường được dùng kết hợp với psoralen đường uống hoặc bôi trực tiếp lên da để tăng hiệu quả. Sau khi dùng psoralen, bệnh nhân được tiếp xúc với tia cực tím trong thời gian ngắn.
- Xử lý nắp nôi
Nắp nôi (viêm da tiết bã ở trẻ sơ sinh) thường không cần điều trị y tế. Tình trạng này có thể khỏi trong vòng 6 tháng. Để giảm nhanh các triệu chứng, phụ huynh thực hiện các bước sau:
-
- Xoa bóp da đầu hoặc dùng bàn chải lông mềm để làm lỏng những mảng vảy. Nếu khó làm lỏng mảng vảy, có thể dùng ô liu để xoa bóp
- Dùng dầu gội dịu nhẹ gội đầu cho bé
- Dùng nước ấm xả kỹ tóc và da đầu
- Tiếp tục dùng bàn chải lông mềm và sạch để chải tóc cho bé
Tuyệt đối không tự ý sử dụng kem bôi chống nấm, kem chống ngứa hoặc dầu gội trị gàu cho trẻ sơ sinh. Tham khảo ý kiến bác sĩ để được hướng dẫn.
Phòng ngừa
Không có cách ngăn ngừa hoàn toàn cho bệnh viêm da tiết bã. Tuy nhiên nhiều biện pháp có thể giúp giảm nguy cơ và ngăn những đợt bùng phát của bệnh, bao gồm:
- Tắm rửa sạch sẽ mỗi ngày, giữ da khô thoáng mỗi ngày.
- Tắm và thay quần áo sau những hoạt động thể chất làm đổ nhiều mồ hôi. Mồ hôi và dầu thừa có thể tăng tốc độ sinh sôi của nấm men Malassezia. Từ đó gây viêm da tiết bã.
- Dành nhiều thời gian nghỉ ngơi, không làm việc gắng sức để giảm mệt mỏi.
- Ăn uống đủ chất, bổ sung nhiều vitamin và khoáng chất từ trái cây, các loại hại và rau củ quả.
- Tránh dùng kéo dài những loại thuốc có khả năng làm tăng nguy cơ viêm da tiết bã. Ngoài ra nên điều trị tốt những bệnh lý có thể làm tăng nguy cơ.
- Kiểm soát cân nặng ở mức an toàn.
- Gội đầu mỗi ngày và chăm sóc da đúng cách. Nên vệ sinh da sạch sẽ bằng sản phẩm dịu nhẹ và bôi kem dưỡng ẩm.
- Sinh sống và làm việc trong môi trường mát mẻ, có không khí trong lành.
- Tránh tiếp xúc hóa chất và chất tẩy rửa mạnh.
- Tránh căng thẳng và lo âu quá mức. Điều này có thể kích hoạt đợt bùng phát của viêm da tiết bã và làm nặng hơn các triệu chứng.
- Điều trị tốt bệnh trầm cảm, thường xuyên ngồi thiền và yoga để cải thiện sức khỏe tâm thần.
Những câu hỏi quan trọng khi gặp bác sĩ
1. Những triệu chứng của tôi xảy ra do đâu?
2. Điều gì làm kích hoạt những triệu chứng?
3. Phác đồ điều trị của tôi là gì?
4. Lợi ích đạt được và rủi ro nào có thể xảy ra khi điều trị?
5. Biện pháp chăm sóc nào tốt nhất cho bệnh lý của tôi?
6. Tôi cần tránh những gì khi điều trị?
7. Điều trị viêm da tiết bã kéo dài bao lâu?
Bệnh viêm da tiết bã là một dạng viêm da lành tính, không gây biến chứng và không ảnh hưởng đến sức khỏe tổng thể. Tuy nhiên những triệu chứng thường bùng phát dữ dội, gây khó chịu và phiền toái. Bệnh nhân cần điều trị tích cực và chăm sóc đúng cách để kiểm soát.
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!