Viêm Điểm Bám Gân Khuỷu Tay
Viêm điểm bám gân khuỷu tay là nguyên nhân gây đau khuỷu tay phổ biến. Tình trạng này xảy ra khi gân tại điểm bám khuỷu tay bị viêm và kích thích quá mức. Từ đó gây ra những cơn đau nhức khó chịu kèm theo co cứng.
Tổng quan
Viêm điểm bám gân khuỷu tay là tình trạng kích thích quá mức hoặc viêm tại vị trí gân bám vào các xương tạo nên khuỷu tay. Tình trạng này gây đau khuỷu tay tăng dần theo thời gian kèm theo cứng khớp, co thắt và giảm chuyển động linh hoạt.
Gân nằm ở mỗi đầu cơ nối với xương. Chúng được tạo thành từ những mô liên kết dạng sợi. Các gân tạo ra nhiều lực khác nhau để khớp có thể chuyển động linh hoạt.
Tuy nhiên một chấn thương mạnh, chuyển động lặp đi lặp có thể gây kích thích và viêm gân. Viêm điểm bám gân khuỷu tay thường bắt đầu với cơn đau âm ỉ hoặc khó chịu nhẹ, sau đó tăng dần theo thời gian và cản trở những chuyển động.
Phân loại
Dựa trên vị trí có gân ảnh hưởng, viêm điểm bám gân khuỷu tay được phân thành 2 dạng, bao gồm:
- Viêm điểm bám gân lồi cầu ngoài xương cánh tay
Dạng này còn được gọi là viêm gân khuỷu tay, hội chứng khuỷu tay tennis. Tổn thương xảy ra khi các gân của cơ cẳng tay bị quá tải và liên tục cọ sát vào mỏm xương bên ngoài khuỷu tay.
Viêm điểm bám gân lồi cầu ngoài xương cánh tay thường liên quan đến những chuyển động lặp đi lặp lại của cổ tay và cẳng tay. Bệnh thường gặp ở những người chơi quần vợt.
- Viêm điểm bám gân lồi cầu trong xương cánh tay
Tình trạng này khởi phát khi có bất kỳ hoạt động nào khiến vùng ngoài khuỷu tay bị vẹo hoặc gấp mạnh các cơ cẳng tay. Chẳng hạn như chơi golf hoặc ném không đúng cách.
Những người bị viêm điểm bám gân lồi cầu trong xương cánh tay sẽ có cơn đau xuất hiện ở những gân cơ gấp. Đau nghiêm trọng hơn khi cổ tay bị gấp hoặc sấp có đối kháng.
Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ
Viêm điểm bám gân khuỷu tay xảy ra khi các gân bị quá tải dẫn đến kích thích và viêm. Những nguyên nhân phổ biến gồm:
- Chấn thương: Một cú va đập mạnh, té ngã có thể làm tiến triển tình trạng viêm và đau ở điểm bám gân khuỷu tay.
- Lạm dụng khớp: Sử dụng khớp quá mức hoặc lặp đi lặp lại những chuyển động của khuỷu tay có thể gây quá tải và viêm điểm bám gân ở vị trí này.
- Tăng áp lực lên khớp: Thường xuyên chống tay lên bàn hoặc đè khuỷu tay trên bề mặt cứng có thể dẫn đến kích thích và viêm điểm bám gân.
- Bệnh lý: Rối loạn chuyển hóa (như bệnh tiểu đường), viêm khớp dạng thấp và một số dạng viêm khớp khác có thể ảnh hưởng đến gân.
Một số yếu tố nguy cơ của bệnh:
- Tuổi tác: Bệnh phổ biến hơn ở những người có độ tuổi từ 30 - 50 tuổi.
- Sở thích: Vận động viên hoặc những người thường xuyên chơi các môn thể thao sử dụng vợt sẽ có nguy cơ cao.
- Yếu tố nghề nghiệp: Viêm điểm bám gân khuỷu tay thường gặp ở những người có công việc cần lặp đi lặp lại những chuyển động của cổ tay và khuỷu tay, chẳng hạn như họa sĩ, đầu bếp, thợ sửa ống nước...
Triệu chứng và chẩn đoán
Viêm điểm bám gân khuỷu tay có những triệu chứng và dấu hiệu dưới đây:
- Đau nhức quanh khuỷu tay. Bắt đầu với những cơn đau nhẹ và tăng dần mức độ nghiêm trọng theo thời gian
- Đau nhiều hơn khi ấn vào hoặc thực hiện những chuyển động của khuỷu tay, xoay nắm cửa, cầm nắm hoặc bắt tay
- Đau lan xuống cẳng tay và mu bàn tay
- Sưng nhẹ
- Sờ thấy mềm và ấm
- Cứng khớp
- Hạn chế khả năng vận động ở khuỷu tay
Để tìm kiếm nguyên nhân gây đau, bệnh nhân được yêu cầu liệt kê triệu chứng, tiền sử bệnh hoặc chấn thương gần đây. Bác sĩ cũng có thể kiểm tra thể chất gồm co - duỗi khuỷu tay, cổ tay và cẳng tay; sờ hoặc ấn nhẹ để xem xét vùng tổn thương.
Một số xét nghiệm bổ sung được thực hiện nhằm xác nhận chẩn đoán, bao gồm:
- Chụp X-quang: Chụp X-quang được thực hiện nếu có nghi ngờ nứt hoặc gãy xương. Điều này giúp loại bỏ một số tình trạng có khả năng gây đau khuỷu tay.
- Siêu âm: Siêu âm giúp kiểm tra các gân và cơ bị ảnh hưởng, tìm kiếm vết rách. Kỹ thuật này cũng giúp phân biệt viêm điểm bám gân khuỷu tay với những tổn thương khác.
- Chụp cộng hưởng từ (MRI): Chụp cộng hưởng từ thường không cần thiết. Đối với những trường hợp phức tạp, kỹ thuật này cung cấp hình ảnh chi tiết về cấu trúc khớp và mô mềm, xác định tổn thương mô hoặc những bất thường khác có thể gây đau.
Biến chứng và tiên lượng
Hầu hết trường hợp viêm điểm bám gân khuỷu tay đều nhẹ, có đáp ứng tốt với những phương pháp điều trị ban đầu. Bệnh nhân thường phục hồi và trở lại hoạt động trong vòng 3 - 4 tuần.
Ở những trường hợp không điều trị và không được chăm sóc tốt, viêm điểm bám gân khuỷu tay gây ra những cơn đau nghiêm trọng, cản trở hoạt động của cánh tay ảnh hưởng. Đồng thời làm tăng nguy cơ đứt gân, tàn tật và thoái hóa khớp khuỷu tay.
Điều trị
Nghỉ ngơi và chăm sóc tại nhà có thể giảm nhanh các triệu chứng. Những trường hợp nặng hơn nên dùng thuốc, vật lý trị liệu hoặc các phương pháp điều trị khác theo chỉ định của bác sĩ.
1. Chăm sóc và điều trị tại nhà
Các bước trong phác đồ RICE (viết tắt của R - nghỉ ngơi, I - chườm lạnh, C - nén, E - nâng cao) có thể giúp giảm nhanh các triệu chứng của viêm điểm bám gân khuỷu tay.
- Nghỉ ngơi
Nghỉ ngơi và sửa đổi hoạt động, tránh thực hiện các tư thế có thể gây áp lực hoặc căng thẳng cho khớp. Điều này tạo điều kiện cho gân được chữa lành, làm dịu cảm giác đau đớn.
- Chườm lạnh
Cho một vài viên đá lạnh vào túi vải, đặt lên khuỷu tay bị đau trong 20 phút. Biện pháp này giúp giảm sưng, giảm đau và ngăn tụ máu hiệu quả. Chườm lạnh nên được thực hiện mỗi 4 tiếng 1 lần.
- Nén
Dùng băng thun quấn quanh khuỷu tay bị ảnh hưởng. Biện pháp này giúp giữ khuỷu tay ở tư thế hợp lý, giảm áp lực lên điểm bám gân và ngăn tổn thương thêm.
Ngoài ra biện pháp nén có thể giúp giảm sưng hiệu quả. Lưu ý không nén quá chật để tránh ảnh hưởng đến quá trình lưu thông máu.
- Nâng cao
Nâng cao chi ảnh hưởng, đặc biệt là trong khi ngủ hoặc nghỉ ngơi. Biện pháp này có thể giúp giảm sưng ở những trường hợp có chấn thương hoặc viêm điểm bám gân khuỷu tay.
2. Dùng thuốc
Các thuốc sẽ được sử dụng dựa trên mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng. Những loại thuốc thường được dùng trong điều trị viêm điểm bám gân khuỷu tay gồm:
- Kem bôi capsaicin: Kem bôi capsaicin mang đến nhiều lợi ích cho những trường hợp nhẹ. Hoạt chất capsaicin trong sản phẩm sẽ giúp làm dịu nhanh cơn đau. Ngoài ra bôi kem capsaicin kết hợp xoa bóp nhẹ nhàng có thể thúc đẩy quá trình lưu thông máu, tăng tốc độ chữa lành gân bị thương.
- Acetaminophen: Acetaminophen có tác dụng giảm đau và hạ sốt. Thuốc này thích hợp với những người có cơn đau nhẹ.
- Thuốc chống viêm không steroid (NSAID): Một số loại NSAID không kê đơn như Ibuprofen, Naproxen... thường được chỉ định để trị viêm và giảm đau. Nếu có cơn đau nặng hơn, NSAID mạnh hơn sẽ được sử dụng.
3. Tiêm steroid
Nếu các loại thuốc thông thường không mang đến hiệu quả, Corticosteroid sẽ được sử dụng. Thuốc này được tiêm quanh gân bị thương để điều trị viêm và đau.
Corticosteroid là một chất chống viêm mạnh, việc sử dụng thường mang đến hiệu quả nhanh chóng, kéo dài vài tháng. Đối với viêm điểm bám gân khuỷu tay, hầu hết bệnh nhân có đáp ứng tốt với Corticosteroid và không cần phải tiêm nhắc lại.
4. Vật lý trị liệu
Trong vật lý trị liệu, bệnh nhân được hướng dẫn sửa đổi tư thế, các bài tập kéo giãn nhẹ nhàng và tăng cường gân cơ. Những bài tập này giúp làm mạnh gân cơ, tăng cường cơ bắp hỗ trợ. Điều này giúp phục hồi sức mạnh và khả năng vận động linh hoạt, giảm nguy cơ chấn thương trong tương lai.
Chuyên gia vật lý trị liệu cũng có thể hướng dẫn một số kỹ thuật khác, bao gồm:
- Siêu âm trị liệu: Phương pháp này sử dụng sóng âm thanh tần số rất cao (khoảng 800.000 Hz đến 2.000.000 Hz) để kích thích các mô và tế bào bên dưới bề mặt da. Điều này giúp phục hồi gân cơ bị thương, giảm đau, thư giãn thần kinh và giãn cơ.
- Liệu pháp xung kích ngoài cơ thể (ESWT): ESWT sử dụng sóng âm thanh năng lượng cao để thúc đẩy hồi phục điểm nối gân - xương, tổng hợp collagen và tái tạo mô. Phương pháp này cũng giúp kích thích lưu thông khí huyết, tăng thâm nhập bạch cầu. Từ đó thúc đẩy chữa lành gân bị thương. Liệu pháp xung kích ngoài cơ thể (ESWT) được ứng dụng phổ biến trong điều trị viêm điểm bám gân khuỷu tay.
- Phương pháp khác: Điện trị liệu, massaga trị liệu, nhiệt trị liệu...
5. Phẫu thuật
Phẫu thuật thường không cần thiết ngoại trừ có những điều kiện y tế sau:
- Viêm điểm bám gân khuỷu tay ở mức độ nặng, điều trị bảo tồn không hiệu quả
- Đứt gân.
Thông thường phẫu thuật nội soi sẽ được thực hiện. Trong đó, các vết rạch nhỏ được tạo ra trên da, ống nội soi và dụng cụ chuyên dụng được đưa vào trong, tiếp cận vị trí tổn thương. Sau cùng sửa chữa hoặc nối gân bị đứt.
6. Tiêm huyết tương giàu tiểu cầu
Huyết tương giàu tiểu cầu (PRP) thực chất là một chế phẩm từ máu với hàm lượng tiểu cầu cao gấp 5 - 10 lần bình thường.Tiểu cầu chứa những yếu tố tăng trưởng như IGF, KGF, VEGF... Khi sử dụng, chúng có khả năng tăng sinh tế bào, tăng tạo collagen, kích thích hình thành mạch máu mới và giúp phục hồi tổn thương.
Phòng ngừa
Những cách dưới đây có thể giúp giảm nguy cơ viêm điểm bám gân khuỷu tay:
- Cần dành thời gian nghỉ ngơi hợp lý, nghỉ giải lao giữa các giờ luyện tập. Điều này giúp tránh việc gây căng thẳng quá mức cho cơ và gân.
- Không luyện tập gắng sức. Ngoài ra không nên lặp đi lặp lại những chuyển động hoặc sai tư thế. Điều này giúp tránh gây căng thẳng cho gân và khiến chúng bị tổn thương.
- Mang thiết bị bảo hộ khi chơi những môn thể thao tiếp xúc.
- Khởi động kỹ lưỡng và kéo giãn trước khi chơi thể thao. Điều này không chỉ làm nóng cơ thể mà còn giúp tăng sự dẻo dai, giảm căng thẳng và ngăn chấn thương.
- Hạ nhiệt và giãn cơ kỹ lưỡng sau khi chơi thể thao.
- Tránh việc tỳ đè khuỷu tay liên tục xuống bàn hoặc những nơi khác.
- Điều chỉnh bàn làm việc, bàn phím, chuột và màn hình máy tính phù hợp với vóng dáng.
- Chơi thể thao đúng kỹ thuật.
- Tập thể dục thường xuyên và với cường độ thích hợp.
- Nếu có cân nặng dư thừa, hãy cố gắng đạt được và giữ cân nặng hợp lý.
- Hạn chế sử dụng những loại máy móc rung xóc liên tục.
- Nghỉ ngơi và dừng các hoạt động ngay khi cảm thấy đau đớn hoặc khó chịu. Có thể chườm lạnh để làm dịu triệu chứng.
- Không cố gắng vượt qua cơn đau để tiếp tục các hoạt động thể chất. Bởi điều này sẽ gây chấn thương nghiêm trọng.
- Nếu có những cơn đau nặng và kéo dài, hãy liên hệ với bác sĩ chuyên khoa để được khám và hướng dẫn điều trị.
Những câu hỏi quan trọng khi gặp bác sĩ
1. Nguyên nhân nào khiến tôi đau nhức khuỷu tay dai dẳng?
2. Viêm điểm bám gân khuỷu tay có thể tự khỏi hay không?
3. Phương pháp điều trị nào hiệu quả và được đề nghị?
4. Điều trị trong bao lâu để phục hồi hoàn toàn?
5. Những biện pháp chăm sóc nào giúp tôi cảm thấy tốt hơn?
6. Chi phí phẫu thuật là bao nhiêu? Lợi ích và rủi ro?
7. Tôi nên làm gì để ngăn ngừa viêm điểm bám gân tái phát?
Viêm điểm bám gân khuỷu tay thường nhẹ, có thể được chữa khỏi sau vài tuần chăm sóc tại nhà và dùng thuốc. Tuy nhiên một số trường hợp có cơn đau nặng và giảm khả năng vận động, cần khám và điều trị tích cực theo hướng dẫn của các bác sĩ Cơ Xương Khớp.
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!