Viêm Gân Achilles
Viêm gân Achilles là tình trạng viêm gân nằm ở gân phía sau gót chân, nối cơ bắp chân với xương gót chân. Tình trạng này xảy ra khi sử dụng quá mức khiến gân bị kích ứng, rách hoặc đứt.
Tổng quan
Viêm gân Achilles là tình trạng kích ứng và viêm gân Achilles - gân lớn và khỏe nhất trong cơ thể, gắn cơ bắp chân ở mặt sau của cẳng chân với xương gót chân (xương gót).
Tình trạng này chủ yếu do sử dụng gân Achilles quá mức khiến nó bị hỏng. Viêm gân Achilles thường gặp ở những người đột ngột tăng thời gian hoặc cường độ chạy, người trung niên chơi thể thao.
Hầu hết bệnh nhân có triệu chứng bắt đầu với những cơn đau nhẹ ở phía trên gót chân hoặc mặt sau của chân khi chạy. Thông thường người bệnh sẽ được yêu cầu dùng thuốc giảm đau và nghỉ ngơi để phục hồi.
Phân loại
Viêm gân Achilles được phân thành 2 loại bao gồm:
- Viêm gân Achilles không chèn: Tình trạng này xảy ra khi các sợi ở giữa gân bắt đầu bị phá vỡ (rách), sưng và dày lên. Viêm gân Achilles không chèn thường gặp ở những người năng động và trẻ tuổi.
- Viêm gân Achilles chèn: Viêm ảnh hưởng đến phần dưới của gân, nơi gân gắn vào hoặc kết nối với xương gót chân. Tình trạng có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, bao gồm cả những người không hoạt động thể chất.
Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ
Nguyên nhân phổ biến nhất của viêm gân Achilles gồm:
- Lạm dụng gân trong khi tập thể dục: Việc sử dụng quá mức gân Achilles dẫn đến kích ứng, viêm và sưng tấy. Tình trạng này xảy ra ở những người hoạt động mạnh trên đôi chân, đột ngột tăng cường độ hoặc thời gian chạy. Khi sử dụng quá mức, cơ thể không có thời gian sửa chữa và phục hồi các mô bị thương.
- Lão hóa: Cấu trúc của gân Achilles yếu đi và hao mòn dần theo tuổi tác. Điều này khiến nó không còn dẻo dai và linh hoạt, dễ bị đứt hoặc rách trong khi chơi thể thao, đặc biệt là khiđột ngột tăng cường độ chạy hoặc chỉ có thể tham gia thể thao vào cuối tuần.
- Viêm khớp: Viêm gân Achilles có thể xảy ra do viêm khớp. Tình trạng này phổ biến ở hơn ở những người trung niên và người lớn tuổi.
- Nguyên nhân khác:
- Không khởi động trước khi tập thể dục
- Lặp đi lặp lại các động tác làm căng cơ bắp chân
- Chơi những môn thể thao đòi hỏi phải dừng lại đột ngột và thay đổi hướng nhanh chóng
- Chạy quá xa, chạy nhanh hoặc chạy lên dốc thường xuyên
- Đột ngột tăng hoạt động thể chất và không cho phép cơ thể điều chỉnh.
Những yếu tố làm tăng nguy cơ:
- Giới tính: So với phụ nữ, nam giới thường có nguy cơ cao hơn.
- Tuổi tác: Bệnh phổ biến hơn khi bạn già đi.
- Vấn đề vật lý: Nguy cơ viêm gân Achilles tăng lên do những yếu tố sau:
- Vòm phẳng tự nhiên ở bàn chân gây căng thẳng nhiều hơn cho gân gót
- Cơ bắp chân săn chắc làm tăng thêm căng thẳng cho gân Achilles, đặc biệt là nơi gân chèn vào xương gót chân
- Béo phì làm căng và tăng áp lực cho gân Achilles
- Môi trường đào tạo: Chấn thương Achilles thường gặp ở những người chạy trên đôi giày cũ mòn, giày không phù hợp hoặc chân đất; luyện tập ở những nơi có địa hình không bằng phẳng (như đồi núi) hoặc thường xuyên luyện tập trong thời tiết lạnh.
- Bệnh lý: Huyết áp cao và bệnh vảy nến có thể làm tăng nguy cơ.
- Thuốc men: Tỉ lệ viêm gân tăng lên ở những người sử dụng thuốc kháng sinh fluoroquinolones.
- Dị tật Haglund: Tình trạng này khiến phần xương phía sau bị phì đại, cọ xát vào gân Achilles. Từ đó dẫn đến viêm và đau.
- Yếu tố khác:
- Mắt cá chân lăn xuống hoặc lật ngược khi bạn đi bộ
- Gai xương
- Cơ bắp chân yếu
- Đi giày cao gót trong thời gian dài hoặc hàng ngày.
Triệu chứng và chẩn đoán
Viêm gân Achilles có những triệu chứng và dấu hiệu dưới đây:
- Bắt đầu với những cơn đau nhẹ ở phía trên gót chân hoặc mặt sau của chân khi chạy
- Đau và cứng dọc theo gân Achilles vào buổi sáng. Tình trạng này thường cải thiện khi hoạt động nhẹ
- Đau mặt sau của gót chân hoặc đau dọc theo gân tồi tệ hơn khi hoạt động
- Xuất hiện những đợt đau nhức dữ dội sau khi tập thể dục (đặc biệt là chạy hoặc chạy nước rút trong thời gian dài) và leo cầu thang
- Nhìn thấy sự dày lên của gân
- Sưng tấy, nghiêm trọng hơn trong ngày hoặc khi hoạt động
- Gai xương (viêm gân chèn)
- Yếu chân.
Viêm gân Achilles thường được phát hiện nhanh thông qua kiểm tra lâm sàng. Trong quá trình thăm khám, bệnh nhân được yêu cầu liệt kê các triệu chứng và hoạt động gần đây. Ngoài ra bác sĩ có thể sờ kiểm tra vết sưng, dấu hiệu gai xương / đứt gân và phạm vi chuyển động.
Trong nhiều trường hợp, người bệnh được kiểm tra hình ảnh nhằm hiển thị và đánh giá mức độ nghiêm trọng của tình trạng. Một số xét nghiệm hình ảnh có thể được thực hiện:
- Chụp X-quang: X-quang cung cấp hình ảnh chi tiết và rõ ràng của xương. Điều này có thể giúp phát hiện những gai xương ở phía sau gót chân hoặc vôi hóa ở phần giữa của gân.
- Chụp cộng hưởng từ (MRI): MRI được thực hiện để đánh giá tổn thương ở gân Achilles, lên kế hoạch phẫu thuật cho trường hợp nặng hoặc lựa chọn thủ thuật dựa trên tình trạng. Chụp cộng hưởng từ cũng giúp phát hiện những tổn thương khác, xác định nguyên nhân gây đau.
- Siêu âm: Siêu âm giúp phát hiện tình trạng rách hoặc đứt gân Achilles.
Biến chứng và tiên lượng
Viêm gân Achilles làm yếu gân, tăng nguy cơ đau mãn tính và rách (đứt) gân. Những trường hợp này cần phải phẫu thuật sửa chữa để điều trị.
Khi được điều trị sớm, viêm gân Achilles có thể khỏi nhanh bằng nhiều phương pháp. Hầu hết trường hợp có đáp ứng tốt với phẫu thuật. Những trường hợp nhẹ hơn có thể phục hồi và chữa khỏi bằng phương pháp bảo tồn.
Điều trị
Điều trị dựa trên mức độ tổn thương của gân. Viêm gân Achilles thường đáp ứng tốt với các biện pháp tự chăm sóc. Những trường hợp nghiêm trọng hơn sẽ được dùng thuốc, phẫu thuật hoặc đề xuất những phương pháp khác.
1. Biện pháp RICE
Điều trị ban đầu gồm các bước trong biện pháp RICE. Những bước này có thể giúp giảm nhẹ các triệu chứng của viêm gân Achilles.
- Nghỉ ngơi: Ngừng thực hiện những hoạt động có thể gây căng thẳng cho gân Achilles. Nên nghỉ ngơi đầy đủ và chuyển sang những hoạt động có tác động thấp, ít gây căng thẳng cho gân, chẳng hạn như bơi lội. Điều này giúp gân Achilles có thời gian phục hồi và tự giảm đau.
- Chườm đá: Bọc túi đá trong một mảnh vải và đặt lên gân bị thương tối đa 20 phút, mỗi ngày 4 lần khi bị đau. Biện pháp này giúp giảm đau và sưng nơi gân bị tổn thương.
- Nén: Dùng băng quấn thể thao hoặc băng quấn phẫu thuật để nén và tạo áp lực lên gân. Biện pháp này giúp giảm chuyển động của gân và giảm sưng.
- Nâng cao: Vào ban đêm trong khi ngủ, đặt gối bên dưới để nâng bàn chân cao hơn tim. Điều này giúp giảm sưng hiệu quả.
2. Biện pháp bảo vệ gân
Nẹp, giày hỗ trợ hoặc dụng cụ chỉnh hình được sử dụng để bảo vệ gân, tăng khả năng phục hồi và ngăn tổn thương thêm.
- Mang giày hỗ trợ hoặc dụng cụ chỉnh hình
Không đi chân trần khi di chuyển. Nên mang giày hỗ trợ hoặc dụng cụ chỉnh hình để giảm bớt các triệu chứng của viêm gân Achilles chèn.
Dựa vào tình trạng cụ thể, người bệnh có thể được dùng giày nâng gót chân để giảm mức độ căng của gân, giày hở gót hoặc giày mềm để giảm kích ứng gân. Nếu cơn đau nghiêm trọng, bác sĩ có thể yêu cầu mang giày tập đi hoặc bó bột trong thời gian ngắn.
- Nẹp vào ban đêm
Người bệnh thường được yêu cầu sử dụng nẹp có thể tháo rời vào ban đêm. Thiết bị này giúp giữ cố định bàn chân và các ngón chân hướng lên trên trong khi ngủ, hạn chế đau nhức vào buổi sáng sau khi thức dậy.
Ngoài ra việc dùng nẹp vào ban đêm cũng giúp kéo căng gân Achilles trong khi ngủ, hạn chế những chuyển động có thể gây đau. Đồng thời giảm lực kéo gân Achilles và duy trì tính linh hoạt của bắp chân.
3. Thuốc
Dựa vào mức độ đau và viêm, các thuốc được dùng trong điều trị viêm gân Achilles gồm:
- Acetaminophen: Acetaminophen thích hợp với những cơn đau nhẹ.
- Thuốc chống viêm không steroid (NSAID): Người bệnh có thể được kê đơn Ibuprofen hoặc một loại thuốc chống viêm không steroid khác. Nhóm thuốc này có tác dụng giảm đau và sưng do viêm gân Achilles.
4. Vật lý trị liệu
Viêm gân Achilles thường được chữa khỏi bằng vật lý trị liệu. Phương pháp này gồm các động tác giãn cơ và tăng cường sức mạnh, giúp giảm căng thẳng cho gân Achilles và tăng cường cơ bắp chân. Sau một thời gian luyện tập, gân Achilles có thể phục hồi, người bệnh lấy lại sức lực và cảm thấy tốt hơn.
Một số bài tập hữu hiệu và thường được áp dụng:
+ Căng bắp chân
- Nghiêng người về phía trước với hai tay chống lên tường
- Đặt chân lành ở phía trước với đầu gối uốn cong, chân bệnh ở phía sau với đầu gối thẳng và gót chân chạm đất
- Đẩy hông về phía trước một cách có kiểm soát để cảm thấy căng ở bắp chân và gân Achilles bị thương
- Giữ nguyên tư thế trong 10 giây và thư giãn
- Lặp lại bài tập 20 lần mỗi chân.
+ Thả gót chân hai bên
- Đứng ở mép cầu thang hoặc bậc thềm
- Đặt nửa bàn chân trước lên cầu thang, cho phép gót chân di chuyển lên xuống mà không va vào cầu thang
- Tay vịn vào lan can để hỗ trợ giữ thăng bằng, tránh bị ngã và chấn thương
- Từ từ nhấc gót chân lên khỏi mặt đất, sau đó hạ gót chân xuống điểm thấp nhất
- Lặp lại 20 lần một cách chậm rãi.
+ Thả gót chân đơn
- Dồn tất cả trọng lượng vào một chân và đứng nửa bàn chân trước trên bậc thang
- Từ từ nhắc gót chân lên khỏi mặt đất và hạ gót chân xuống điểm thấp nhất
- Lặp lại 20 lần.
Vật lý trị liệu cũng có thể bao gồm liệu pháp xoa bóp hoặc kéo dài giúp người bệnh giảm đau, lấy lại sức lực và cảm thấy tốt hơn.
5. Tiêm huyết tương giàu tiểu cầu (PRP)
Tiêm huyết tương giàu tiểu cầu (PRP) mang đến hiệu quả cao trong điều trị viêm gân Achilles. Trong đó huyết tương giàu tiểu cầu được tách ra từ máu của chính bệnh nhân và được tiêm vào vùng có gân bị thương. Điều này giúp gân được tái tạo và chữa lành nhanh chóng.
6. Liệu pháp sóng xung kích ngoài cơ thể (ESWT)
Bệnh nhân có thể được áp dụng liệu pháp sóng xung kích ngoài cơ thể (năng lượng thấp hoặc năng lượng cao) để điều trị viêm gân Achilles. Biện pháp này có khả năng thúc đẩy quá trình chữa lành mô gân bị thương.
7. Phẫu thuật
Phẫu thuật được xem xét khi cơn đau không cải thiện sau 6 tháng điều trị bảo tồn. Phương pháp này có thể giúp sửa chữa và phục hồi gân, loại bỏ các phần gân bị hỏng và gai xương.
Dựa vào vị trí và mức độ tổn thương gân, bác sĩ có thể thực hiện một trong những thủ thuật sau:
- Làm sạch (loại bỏ): Phương pháp này bao gồm việc làm sạch các mô bị hư hỏng và loại bỏ gai xương ra khỏi gót chân. Sau khi loại bỏ mô bị thương, phần gân lành sẽ được gắn vào xương gót chân bằng các mũi khâu, neo kim loại hoặc nhựa.
- Phẫu thuật kéo dài cơ bắp chân: Phương pháp này được chỉ định cho những bệnh nhân có cơ bắp chân làm tăng áp lực lên gân, khó khăn khi gập bàn chân. Trong quá trình phẫu thuật, một trong hai cơ bắp chân sẽ được kéo dài để giảm áp lực lên gân và tăng chuyển động của mắt cá chân. Phẫu thuật kéo dài cơ bắp chân có thể được thực hiện bằng phương pháp mổ hở hoặc mổ nội soi.
- Phẫu thuật xâm lấn tối thiểu: Trong quy trình này, bác sĩ tạo vết rạch nhỏ để đặt dụng cụ nội soi vào trong, tiếp cận với gân Achilles bị viêm và tổn thương. Sau đó những lỗ nhỏ được tạo ra để giải phóng cơ và gân ra khỏi xương. Điều này giúp giảm áp lực lên gân Achilles và cơ bắp chân, cho phép chúng lành lại.
Hầu hết trường hợp viêm gân Achilles có kết quả tốt sau phẫu thuật. Hơn 90% bệnh nhân có thể trở lại hoạt động ở mức 75% trước phẫu thuật.
Phòng ngừa
Không có biện pháp ngăn ngừa viêm gân Achilles. Tuy nhiên nguy cơ mắc bệnh có thể giảm khi áp dụng những biện pháp sau:
- Luyện tập vừa sức, tăng cường độ theo thời gian: Không đột ngột tăng thời gian hoặc cường độ chạy, đặc biệt là người trung niên và lớn tuổi. Nên tăng cường độ luyện tập dần dần để cơ thể có thời gian thích nghi. Nếu mới bắt đầu một chế độ luyện tập, hãy bắt đầu từ từ với cường độ thấp, sau đó tăng dần cường độ luyện tập và thời lượng.
- Khởi động kỹ lưỡng: Luôn khởi động trước khi chơi thể thao hoặc tập thể dục, đặc biệt là khi chạy. Điều này giúp gân Achilles được kéo giãn nhẹ nhàng, làm nóng, tăng cường sự dẻo dai và hạn chế chấn thương.
- Lựa chọn giày phù hợp: Mang giày phù hợp và vừa vặn khi chơi thể thao. Giày phải có phần hỗ trợ vòm chắc chắn để tăng độ êm ái, giảm căng thẳng ở gân Achilles. Tránh chạy trên chân đất, mang giày quá cũ và bị mòn.
- Chú ý đến địa hình: Không luyện tập trên những địa hình không bằng phẳng, chẳng hạn như leo cầu thang, chạy trên bề mặt không bằng phẳng hoặc chạy lên dốc quá thường xuyên.
- Tránh những hoạt động gây căng thẳng cho gân: Tránh căng thẳng và tổn thương gân bằng cách:
- Không cố gắng bỏ qua cơn đau để luyện tập.
- Tránh đột ngột dừng và chuyển hướng trong khi chơi thể thao.
- Nếu phải tham gia vào một hoạt động gắng sức, hãy dành từ 10 - 15 phút khởi động kỹ lưỡng bằng cách kéo giãn hoặc tập thể dục với tốc độ chậm hơn.
- Nghỉ ngơi hợp lý: Thường xuyên nghỉ giải lao để cơ thể phục hồi. Nếu cảm thấy đau trong khi tập thể dục, hãy dừng lại và nghỉ ngơi.
- Kéo dài hàng ngày: Vào buổi sáng, trước và sau khi tập, dành thời gian kéo căng nhẹ nhàng cơ bắp chân và gân Achilles. Điều này giúp duy trì sự dẻo dai cho gân và cơ bắp, giảm nguy cơ viêm gân Achilles và ngăn tái phát.
- Kết hợp các hoạt động: Luân phiên những hoạt động có tác động cao (như chạy và nhảy) với những hoạt động có tác động thấp (như bơi lội và đạp xe). Điều này giúp tránh căng thẳng lặp đi lặp lại, gân Achilles có thời gian thư giãn và không bị căng quá mức.
- Tăng cường cơ bắp: Xây dựng thói quen tập thể dục mỗi ngày với những bài tập tăng cường cơ bắp. Điều này giúp nâng cao sức mạnh và sự dẻo dai. Đồng thời giúp gân Achilles và bắp chân có khả năng thích nghi với những chuyển động mạnh, xử lý tốt các căng thẳng khi hoạt động và tập thể dục.
Những câu hỏi quan trọng khi gặp bác sĩ
1. Nguyên nhân nào khiến tôi bị viêm gân Achilles?
2. Ngoài viêm gân, các triệu chứng có thể do một nguyên nhân nào khác hay không?
3. Tôi cần thực hiện những xét nghiệm nào?
4. Phương pháp nào được chỉ định khi điều trị?
5. Những biện pháp chăm sóc tại nhà có giúp tôi cảm thấy tốt hơn không?
6. Tôi có thể hoạt động thể chất trở lại hay không?
7. Mất bao lâu để phục hồi?
Viêm gân Achilles có thể gây đau, cứng và yếu gân, làm giảm khả năng vận động, tăng nguy cơ rách (đứt) gân nếu không điều trị. Khi được khám chữa sớm, bệnh nhân có đáp ứng tốt với các phương pháp điều trị và phục hồi nhanh. Vì vậy người bệnh nên gặp bác sĩ ngay khi có cơn đau.
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!