Viêm Gan Tự Miễn
Bệnh viêm gan tự miễn xảy ra do ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố, dẫn đến hệ thống miễn dịch rối loạn hoạt động. Tế bào gan bị tấn công gây nên tình trạng viêm nhiễm. Triệu chứng của bệnh diễn biến từ nhẹ đến nặng nề, nếu kéo dài có thể phát sinh biến chứng ảnh hưởng sức khỏe, tính mạng của người bệnh.
Tổng quan
Bệnh viêm gan tự miễn (Autoimmune Hepatitis) là bệnh lý xuất hiện khi hệ thống miễn dịch rối loạn hoạt động dẫn đến việc tấn công tế bào gan khỏe mạnh. Sự nhầm lẫn này kéo theo nhiều hệ lụy khiến gan bị viêm, tổn thương. Một số trường hợp nặng cần điều trị chuyên sâu để giảm thiểu các rủi ro không mong muốn.
Bất kỳ đối tượng nào cũng có thể mắc phải bệnh lý này. Theo thống kê cho thấy tỷ lệ nam giới mắc bệnh thấp hơn so với nữ giới, số lượng bệnh nhân là nữ ghi nhận cao hơn gấp 4 lần so với nam giới. Những đối tượng có tiền sử người thân cận huyết trong gia đình mắc phải bệnh lý này được xem là đối tượng nguy cơ cao.
Người bệnh viêm gan tự miễn phải chấp nhận theo dõi và điều trị bệnh trong thời gian dài. Đến nay bệnh vẫn chưa có hướng điều trị triệt để, tuy nhiên các phương pháp kiểm soát triệu chứng và tiến triển bệnh đã được ứng dụng và tiếp tục nghiên cứu. Người bệnh có thể ngăn chặn được nhiều tổn thương cho gan và các biến chứng khác.
Bên cạnh đó, không thể không nhắc đến sự xuất hiện song song giữa bệnh viêm gan tự miễn với các bệnh lý hệ miễn dịch khác. Chẳng hạn viêm gan tự miễn xảy ra đồng thời với bệnh tự miễn về tuyến giáp, viêm khớp dạng thấp, tiểu đường,... Bệnh nhân cần chủ động đến bệnh viện kiểm tra sức khỏe và điều trị khi cần thiết.
Phân loại
Có 2 dạng viêm gan tự miễn:
- Viêm gan tự miễn loại 1: Xảy ra ở bất kỳ lứa tuổi nào, bệnh nhân nữ từ 15-40 tuổi chiếm tỷ lệ cao. Nhiều trường hợp ghi nhận bệnh nhân bị viêm gan tự miễn cùng lúc với viêm tuyến giáp, viêm khớp dạng thấp và các dạng rối loạn hệ miễn dịch khác.
- Viêm gan tự miễn loại 2: So với trường hợp viêm gan tự miễn loại 1, loại 2 có tần suất xuất hiện thấp hơn. Theo ghi nhận của nhiều bệnh viện, số lượng mắc viêm gan tự miễn loại 2 ở bé gái từ 2-14 tuổi nhiều hơn so với người trưởng thành.
Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ
Không chỉ riêng bệnh viêm gan tự miễn, đa số các bệnh lý tự miễn cho đến nay vẫn chưa xác định được nguyên nhân chính xác gây bệnh. Các nhà khoa học vẫn tiếp tục tiến hành các cuộc nghiên cứu, khảo sát để lý giải việc hệ miễn dịch nhầm lẫn tế bào khỏe mạnh là các dị nguyên gây bệnh.
Đối với bệnh viêm gan tự miễn, tế bào gan khỏe mạnh bị xem là mối đe dọa cho sức khỏe, từ đó hệ thống miễn dịch bắt đầu tấn công dẫn đến viêm nhiễm và tổn thương gan. Những yếu tố nguy cơ chính được đánh giá có liên quan đến bệnh lý này kể đến như:
- Nhiễm khuẩn, virus: Đây là tác nhân ảnh hưởng cơ thể khiến bệnh nhân mắc viêm gan tự miễn. Nhiều trường hợp nhiễm các loại virus viêm gan, virus herpes,... được ghi nhận.
- Nhiễm độc hóa chất: Cơ thể nhiễm phải hóa chất độc hại dẫn đến rối loạn hoạt động hệ miễn dịch. Gan bị tổn thương, không đào thải được độc tố, tích tụ chất độc gây ảnh hưởng nghiêm trọng sức khỏe. Một số trường hợp nhiễm độc hóa chất kể đến như người làm việc tiếp xúc nhiều hóa chất độc hại, người sử dụng thuốc uống, thuốc dạng tiêm điều trị bệnh không đúng cách,...
- Mắc bệnh tự miễn khác: Theo một số thống kê cho thấy bệnh nhân mắc các bệnh như viêm ruột, xơ cứng bì, viêm tuyến giáp, bệnh tiểu đường,... có khả năng mắc viêm gan tự miễn cao hơn những đối tượng khác.
- Gen: Không thể không kể đến vấn đề di truyền khi nhắc đến bệnh viêm gan nói chung, viêm gan tự miễn nói riêng. Mặc dù thực tế chưa có kết luận chính xác bệnh có khả năng di truyền, tuy nhiên các yếu tố liên quan như sử dụng thuốc, tinh thần,... có thể làm ảnh hưởng cấu trúc gen khiến trẻ sinh ra có rủi ro mắc bệnh tự miễn cao.
Như đã đề cập, bất kỳ đối tượng nào cũng có thể mắc phải bệnh lý này. Trong đó, số lượng bệnh nhân nữ cao hơn nam giới. Ngoài ra những đối tượng có nguy cơ cao kể đến như người mắc các bệnh lý nhiễm trùng, bệnh tự miễn, có người thân bị bệnh gan.
Triệu chứng và chẩn đoán
Triệu chứng
Bệnh viêm gan tự miễn giai đoạn đầu thường không gây ra nhiều triệu chứng nhận biết. Điều này làm bệnh nhân chủ quan, không kiểm soát sớm khiến bệnh có cơ hội tiến triển nhanh chóng hơn. Giai đoạn viêm nhiễm nặng, người bệnh có những dấu hiệu bất thường nhận biết như:
- Khó chịu ở vùng bụng, cơ thể thường có cảm giác chán ăn, buồn nôn, nôn.
- Cân nặng sụt giảm không rõ nguyên do, rối loạn đại tiện, thường xuyên tiêu chảy.
- Người bệnh có những biểu hiện ngoài da như vàng da, ngứa ngáy, dị ứng.
- Phần lòng trắng mắt bị vàng, suy nhược ảnh hưởng thị giác.
- Bụng sưng, tích tụ dịch, đau khi bệnh diễn biến ngày càng nặng nề.
- Giai đoạn viêm nhiễm nặng bệnh nhân bị não gan, lơ mơ, không thể tập trung, mất dần ý thức,....
Chẩn đoán
Bệnh nhân khi nhận thấy cơ thể có biểu hiện lạ được khuyến cáo nên chủ động đến bệnh viện uy tín để thăm khám, điều trị sớm. Trường hợp bệnh viêm gan tự miễn kéo dài sẽ gây ra không ít vấn đề về sức khỏe cho bệnh nhân.
Tại bệnh viện, bác sĩ sẽ thăm khám các biểu hiện lâm sàng, sau đó chỉ định xét nghiệm, kiểm tra bằng các biện pháp phù hợp nhằm tìm ra nguyên nhân, đánh giá mức độ viêm, tổn thương gan. Dựa vào kết quả thăm khám, bác sĩ sẽ xây dựng phác đồ điều trị tương ứng cho người bệnh.
Những phương pháp chẩn đoán có thể kể đến như:
- Phương pháp xét nghiệm máu: Người bệnh được lấy mẫu máu xét nghiệm để tìm ra có sự xuất hiện của tác nhân gây hại như virus, vi khuẩn hay không. Ngoài ra, mẫu máu còn giúp bác sĩ kiểm tra chức năng gan, đánh giá mức độ kháng thể của bệnh nhân.
- Sinh thiết gan: Việc lấy mẫu bệnh phẩm từ gan có thể giúp chẩn đoán ung thư gan và các vấn đề liên quan. Bác sĩ chỉ chỉ định sinh thiết trong những trường hợp thật sự cần thiết.
- Chẩn đoán hình ảnh: Phương pháp được tiến hành phổ biến, bác sĩ sẽ chụp ảnh gan, tìm vị trí tổn thương bằng máy X quang, siêu âm, chụp cộng hưởng, chụp CT scan.
Biến chứng và tiên lượng
Viêm gan tự miễn được đánh giá là bệnh nguy hiểm. Trường hợp bệnh nhân không phát hiện sớm và điều trị có thể đối mặt với nhiều biến chứng, thậm chí là đe dọa an toàn tính mạng. Dưới đây là những rủi ro có thể xảy ra:
- Xơ gan: Tổn thương tế bào gan hình thành mô sẹo, ảnh hưởng đến chức năng gan. Mô sẹo càng nhiều, chức năng gan càng giảm khiến người bệnh ngày càng mệt mỏi, sức khỏe kém.
- Ảnh hưởng tĩnh mạch thực quản: Người mắc viêm gan tự miễn kéo dài co thể bị suy giãn tĩnh mạch thực quản. Điều này khiến mạch máu chịu nhiều áp lực, lượng máu đổ về lớn. Trong trường hợp này người bệnh cần được đưa đến cơ sở y tế gần nhất để kịp thời cấp cứu.
- Cổ trướng: Viêm gan nặng khiến khối lượng chất lỏng tích tụ ngày càng nhiều trong ổ bụng, bụng bị sưng phồng to nặng nề.
- Suy gan, ung thư gan: Đây là những biến chứng nguy hiểm, có thể đe dọa tính mạng của người bệnh nếu không phát hiện và kiểm soát sớm.
Bệnh nhân có khả năng tử vong khi bệnh viêm gan tự miễn tiến triển nặng kèm theo các biến chứng kể trên. Do đó, khi phát hiện cơ thể có những dấu hiệu bất thường, bệnh nhân nên đến bệnh viện kiểm tra sức khỏe và tuân thủ hướng dẫn điều trị của bác sĩ.
Điều trị
Dựa vào kết quả chẩn đoán, bác sĩ chỉ định phác đồ điều trị viêm gan tự miễn phù hợp với bệnh nhân. Dưới đây là những phương pháp điều trị được áp dụng:
Sử dụng thuốc
Thuốc được sử dụng có tác dụng kiểm soát các triệu chứng, ngăn nguy cơ bệnh tiến triển nặng. Mỗi trường hợp sẽ được chỉ định thuốc tương ứng. Người bệnh không nên tự ý dùng thuốc hoặc điều chỉnh liều lượng để giảm nguy cơ gặp tác dụng phụ nguy hiểm.
Các thuốc thường sử dụng trong chữa viêm gan tự miễn như thuốc corticosteroid. Sử dụng thuốc trong thời gian đầu, sau đó kết hợp thêm các thuốc ức chế miễn dịch giúp ổn định tình trạng viêm, giúp gan duy trì hoạt động một cách tốt nhất.
Một số thuốc và thời gian dùng thuốc kể đến như:
- Thuốc prednisone: Kê liều cao, dùng trong tháng đầu, giảm liều sau một thời gian khi cơ thể thuyên giảm triệu chứng, phòng ngừa nguy cơ loãng xương, ảnh hưởng huyết áp, trầm cảm,... những tác dụng phụ của thuốc.
- Thuốc azathioprine: Trong thời gian sử dụng bệnh nhân có khả năng bị buồn nôn, ói,... Không sử dụng liều lượng cao, không sử dụng kéo dài nếu chưa có sự hướng dẫn của bác sĩ. Tác dụng phụ nguy hại của loại thuốc này có thể kể đến như rủi ro tăng ung thư hạch.
- Một số thuốc khác: Cyclosporine, sirolimus, tacrolimus,...
Tuân thủ chỉ đinh sử dụng thuốc, thông báo ngay với bác sĩ nếu bệnh nhân gặp phải tác dụng phụ. Tùy vào tình trạng của mỗi người bác sĩ sẽ gia giảm thuốc cho hợp lý.
Phẫu thuật ghép gan
Đối với trường hợp không còn đáp ứng điều trị nội khoa hiệu quả, tình trạng xơ gan, suy gan nặng dần bác sĩ có thể chỉ định phẫu thuật ngoại khoa để chữa viêm gan tự miễn. Phương pháp ghép gan được áp dụng nhằm giúp bệnh nhân kéo dài tiên lượng sống tốt nhất.
Gan được hiến tặng phù hợp sẽ được chọn để cấy ghép cho bệnh nhân. Phần gan khỏe mạnh sẽ được cấy ghép vào cơ thể nhằm giúp người bệnh có khả năng tái tạo tế bào gan mới. Hiệu quả của biện pháp ghép gan là rất cao, tuy nhiên cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro.
Bệnh nhân nên đến các bệnh lớn, uy tín để khám và chữa trị. Kết hợp ghép gan, điều chỉnh chế độ sống, sinh hoạt lành mạnh để cơ thể có điều kiện phục hồi, giảm rủi ro biến chứng nguy hiểm.
Phòng ngừa
Viêm gan tự miễn là bệnh lý liên quan đến hệ thống miễn dịch có sự rối loạn hoạt động. Bất kỳ đối tượng nào cũng có nguy cơ mắc bệnh. Chính vì thế bạn đọc nên chủ động phòng tránh, chăm sóc sức khỏe tốt để giảm rủi ro mắc phải bệnh lý này cũng như nhiều chứng bệnh tự miễn khác. Các lưu ý:
- Bổ sung cho cơ thể các thực phẩm lành mạnh, ưu tiên các loại rau củ quả, trái cây tươi, hạn chế ăn nhiều đồ ăn dầu mỡ, đồ ăn chế biến sẵn, đồ hộp, đồ ăn không rõ nguồn gốc.
- Uống đủ nước, tập luyện thể dục, thể thao giúp cơ thể tăng cường trao đổi chất, tăng cường đề kháng chống lại tác hại của dị nguyên trong và ngoài.
- Xây dựng lối sống lành mạnh, giữ tinh thần luôn vui tươi, lạc quan, không nên để stress kéo dài. Bởi stress, căng thẳng, lo âu quá mức diễn ra trong thời gian dài không chỉ ảnh hưởng hệ thống thần kinh mà còn tăng nhiều rủi ro cho cơ thể.
- Dùng thuốc theo hướng dẫn của bác sĩ, tránh tùy tiện uống thuốc để ngăn nguy cơ gặp phải tác dụng phụ.
- Khám sức khỏe định kỳ, theo dõi biểu hiện của cơ thể. Nếu có những dấu hiệu nghi ngờ nên chủ động thăm khám bác sĩ, điều trị theo phác đồ tương ứng.
Những câu hỏi quan trọng khi gặp bác sĩ
1. Tình trạng viêm gan tự miễn tôi đang gặp phải do nguyên nhân nào gây ra?
2. Tôi có thể nhận biết thông qua các triệu chứng nào?
3. Nếu không điều trị viêm gan tự miễn có tự khỏi không?
4. Những biến chứng nào khi viêm gan tự miễn kéo dài trở nên nặng nề?
5. Tôi cần thực hiện các xét nghiệm viêm gan tự miễn nào?
6. Dùng thuốc có chữa khỏi viêm gan tự miễn không?
7. Tôi phải dùng thuốc trong bao lâu mới kiểm soát được viêm gan tự miễn?
8. Trong thời gian dùng thuốc tôi cần kiêng những gì?
9. Khi nào phải phẫu thuật ghép gan?
10. Tôi cần quay lại tái khám khi nào?
Viêm gan tự miễn là chứng bệnh liên quan đến hoạt động miễn dịch của cơ thể. Đây là bệnh nguy hiểm, có thể đe dọa an toàn sức khỏe, tính mạng của người bệnh. Do đó, nếu phát hiện cơ thể có những triệu chứng bất thường bạn nên chủ động thăm khám, điều trị càng sớm càng tốt.
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!