Viêm Khớp Cổ Chân
Viêm khớp cổ chân thường do chấn thương và một số bệnh viêm khớp. Tình trạng này gây đau và cứng khớp, giảm vận động linh hoạt. Người bệnh cần dùng thuốc kết hợp vật lý trị liệu để phục hồi.
Tổng quan
Viêm khớp cổ chân là tình trạng viêm của một hoặc cả hai khớp cổ chân. Điều này dẫn đến đau và cứng khớp, gây khó khăn cho việc đi bộ và những chuyển động khác của chân.
Khớp cổ chân (khớp mắt cá chân) được tạo thành từ 3 xương (xương chày, xương sên và xương mác) cho phép di chuyển lên xuống. Ngoài ra các xương được bao quanh bởi hệ thống dây chằng và sụn khớp giúp các xương trượt nhẹ nhàng lên nhau. Từ đó đảm bảo thực hiện các chuyển động một cách linh hoạt.
Tuy nhiên cổ chân chịu nhiều áp lực từ trọng lượng và độ dày sụn khớp cổ chân không nhiều. Điều này khiến khớp cổ chân dễ bị chấn thương và viêm sưng.
Phân loại
Có hơn 100 loại viêm khớp. Trong đó có nhiều loại ảnh hưởng đến khớp cổ chân. Dưới đây là những loại phổ biến nhất:
1. Thoái hóa khớp cổ chân
Thoái hóa khớp còn được gọi là viêm xương khớp (OA) - một bệnh viêm khớp thường gặp do hao mòn. Bệnh xảy ra khi sụn khớp bị mài mòn và mỏng đi, khoảng cách bảo vệ giảm khiến các xương cọ xát vào nhau khi chuyển động. Từ đó dẫn đến đau đớn và tạo ra gai xương.
Thoái hóa khớp cổ chân thường gặp ở những người bước vào độ tuổi trung niên nhưng cũng có thể xảy ra ở người trẻ. Trong đó những người bị chấn thương trong quá khứ, lạm dụng khớp cổ chân, tiền sử gia đình mắc bệnh và thừa cân sẽ có nguy cơ cao hơn.
Bệnh viêm xương khớp có diễn tiến chậm. Bệnh gây đau và cứng khớp tăng dần theo thời gian. Ngoài ra khớp cổ chân còn kêu lạo xạo hoặc lục cục khi di chuyển.
2. Viêm khớp dạng thấp
Viêm khớp dạng thấp (RA) là một bệnh tự miễn, ảnh hưởng đến nhiều khớp trên cơ thể, trong đó có cổ chân. Bệnh xảy ra khi hệ miễn dịch tấn công nhầm vào màng hoạt dịch bao phủ khớp. Điều này khiến nó sưng lên, làm hỏng xương và sụn theo thời gian.
Những tổn thương trong viêm khớp dạng thấp khiến người bệnh đau đớn dữ dội, cứng khớp, biến dạng và tàn tật khớp nghiêm trọng. Các triệu chứng tăng dần mức độ theo thời gian, ảnh hưởng đến cả hai khớp đối xứng.
Không rõ nguyên nhân gây RA. Tuy nhiên một số gen có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh. Ngoài ra yếu tố môi trường và nhiễm trùng có thể kích hoạt hệ thống miễn dịch tạo ra những chất tấn công khớp.
3. Viêm khớp sau chấn thương
Viêm khớp cổ chân sau chấn thương xảy ra khi có một chấn thương trong quá khứ, ngay cả khi đã được điều trị đúng cách. Bệnh phổ biến hơn ở những người có các tổn thương bề mặt khớp, chẳng hạn như gãy xương và trật khớp.
Viêm khớp sau chấn thương khiến sụn khớp mòn đi và phát triển nhiều năm sau chấn thương ban đầu. Khi sụn mòn, nó trở nên sần sùi và thô ráp, các xương cọ xát với xương dẫn đến đau nhức.
Mặt khác, cơ thể có xu hướng tiết ra các hormone kích thích sự chết đi của những tế bào sụn khi chấn thương xảy ra. So với những loại viêm khớp cổ chân khác, viêm khớp sau chấn thương phổ biến hơn.
Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ
Tùy thuộc vào phân loại, viêm khớp cổ chân có thể xảy ra do nhiều nguyên nhân, bao gồm:
- Viêm khớp dạng thấp: Viêm khớp cổ chân do viêm khớp dạng thấp không được xác định nguyên nhân. Tuy nhiên bệnh liên quan đến di truyền. Nghiên cứu cho thấy, một số gen có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh. Cùng với nhiễm trùng và một số yếu tố môi trường, hệ miễn dịch được kích hoạt và tấn công vào các mô.
- Viêm xương khớp (OA): Thoái hóa khớp thường do quá trình lão hóa tự nhiên khiến sụn khớp kém đàn hồi và mỏng đi. Ngoài ra nguy cơ mắc bệnh cao hơn khi chấn thương, lạm dụng khớp, thừa cân béo phì và thiếu vận động.
- Viêm khớp sau chấn thương: Bệnh xảy ra khi có chấn thương cổ chân trong quá khứ.
Những yếu tố làm tăng nguy cơ:
- Trên 50 tuổi
- Hút thuốc lá
- Tiền sử gia đình mắc bệnh
- Nhiễm trùng
- Sử dụng hóa chất
- Uống nhiều rượu
- Thừa cân béo phì
- Lạm dụng khớp hoặc thiếu vận động.
Triệu chứng và chẩn đoán
Dấu hiệu và triệu chứng của viêm khớp cổ chân khác nhau tùy thuộc vào loại viêm khớp ảnh hưởng. Những triệu chứng và dấu hiệu phổ biến nhất gồm:
- Đau khớp
- Đau khi cử động hoặc chạm vào khớp
- Đau bùng phát khi hoạt động mạnh hoặc tăng áp lực lên khớp (đứng lâu hoặc chạy)
- Đau giảm khi nghỉ ngơi
- Đau phát triển dần theo thời gian, có thể phát triển đột ngột hoặc đau liên tục
- Sưng khớp
- Nóng và đỏ khớp cổ chân
- Tăng sưng và đau vào buổi sáng, sau khi nghỉ ngơi hoặc ngồi lâu
- Cứng khớp, đặc biệt là vào buổi sáng
- Đi lại khó khăn
- Rắc rối khi đặt trọng lượng lên khớp cổ chân, đi bộ hoặc di chuyển
- Giảm linh hoạt và phạm vi chuyển động
- Có tiếng kêu lạo xạo hoặc lục cục khi cử động khớp
- Biến dạng khớp.
Để chẩn đoán, bác sĩ quan sát mức độ sưng và biến dạng ở khớp cổ chân, đôi khi ấn nhẹ và yêu cầu người bệnh đi lại hoặc chuyển động khớp. Điều này giúp xác định những dấu hiệu của viêm khớp.
Ngoài ra người bệnh cũng được kiểm tra tiền sử bệnh và thực hiện những xét nghiệm sau:
- Xét nghiệm máu: Xét nghiệm máu được thực hiện nếu có nghi ngờ viêm khớp dạng thấp. Xét nghiệm này giúp kiểm tra những yếu tố dạng thấp, chẳng hạn như protein phản ứng C. Từ đó phát hiện bệnh.
- Chụp X-quang: Tia X cung cấp hình ảnh chi tiết của các xương trong khớp. Điều này giúp xác định gai xương, tổn thương đầu xương, sự suy giảm hoặc mất khoảng cách bảo vệ giữa các xương.
- Chụp MRI hoặc CT: Bệnh nhân có thể được chụp MRI hoặc CT để kiểm tra chi tiết hơn về các xương và mô mềm. Từ đó xác định nhanh những tổn thương trong khớp.
Biến chứng và tiên lượng
Viêm khớp cổ chân gây ra nhiều phiền toái cho người bệnh. Trong đó đau và cứng khớp khiến người bệnh vận động khó khăn, ảnh hưởng đến những hoạt động sinh hoạt hàng ngày.
Ngoài ra viêm khớp cổ chân không được điều trị có thể gây ra những biến chứng dưới đây:
- Đau cổ chân mãn tính
- Mất khả năng vận động
- Thay đổi dáng đi hoặc đi khập khiễng
- Biến dạng và tàn tật khớp nghiêm trọng
- Hỏng khớp
- Hình thành các nốt chai ở bàn chân
- Hội chứng cứng khớp (Hallux Hardus)
- Viêm khớp biến dạng ngón chân cái (Bunion)
- Tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch và các biến chứng tim mạch
- Tăng nguy cơ tàn phế.
Điều trị
Viêm khớp cổ chân thường được điều trị không phẫu thuật. Phần lớn bệnh nhân có đáp ứng tốt với thuốc và vật lý trị liệu. Một số trường hợp cần được phẫu thuật.
1. Chăm sóc và giảm đau tại nhà
Những biện pháp chăm sóc có thể làm dịu các triệu chứng của viêm khớp cổ chân. Bao gồm:
- Chườm lạnh: Chườm lạnh trong 48 giờ đầu để giảm đau, giảm sưng nóng và viêm. Khi thực hiện, đặt miếng vải và túi đá lên khớp cổ chân trong 10 phút, mỗi ngày vài lần.
- Chườm nóng: Chườm nóng trong giai đoạn bán cấp giúp làm dịu cơn đau, tăng lưu thông máu, thư giãn và giảm cứng khớp. Điều này giúp cải thiện vận động và tính linh hoạt cho người bệnh. Chườm nóng nên được thực hiện trong 20 phút, mỗi ngày vài lần, có thể dùng chai nước ấm hoặc miếng đệm sưởi đặt lên cổ chân.
- Đeo nẹp: Cố định cổ chân bằng nẹp hoặc băng thun, chẳng hạn như dụng cụ chỉnh hình mắt cá chân - bàn chân. Thiết bị này giúp hỗ trợ và bảo vệ khớp, giảm áp lực và hạn chế tổn thương do những tác động từ bên ngoài. Biện pháp này cũng giúp hỗ trợ giảm đau và cho phép tổn thương lành lại. Tuy nhiên nẹp chỉ nên được sử dụng ngắn hạn để tránh cứng khớp.
- Nghỉ ngơi: Dành thời gian nghỉ ngơi, hạn chế đặt trọng lượng lên khớp và di chuyển nhiều. Điều này giúp làm dịu cơn đau và ngăn tổn thương thêm.
- Nâng cao chi: Khi nghỉ ngơi, đặt gối phía dưới để nâng cao cổ chân. Biện pháp này giúp giảm áp lực lên khớp, giảm sưng và đau hiệu quả.
- Thiết bị hỗ trợ: Đi lại bằng gậy, khung tập đi hoặc nạng để giảm bớt áp lực lên khớp cổ chân bị tổn thương. Điều này giúp giảm căng thăng cho khớp, giảm đau và tạo điều kiện cho quá trình lành lại.
- Dụng cụ chỉnh hình: Sử dụng miếng lót giày để hỗ trợ mắt cá chân và bàn chân. Điều này giúp giảm đau và ngăn tổn thương thêm.
2. Thuốc
Bệnh nhân bị viêm khớp cổ chân cần dùng thuốc theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa. Thông thường người bệnh sẽ được thử những loại thuốc giảm đau và kháng viêm có hoạt chất từ nhẹ đến mạnh.
- Acetaminophen: Acetaminophen thường được dùng để giảm đau tạm thời. Thuốc mang đến hiệu quả giảm đau nhanh cho những trường hợp nhẹ và mới phát.
- Thuốc chống viêm không steroid (NSAID): Thuốc này được sử dụng để giảm đau và giảm sưng ở khớp. Thuốc chống viêm không steroid hoạt động bằng cách ức chế COX - một phần của phản ứng viêm. Thông thường Ibuprofen hoặc Naproxen sẽ được sử dụng.
- Tiêm steroid vào khớp: Nếu viêm nặng và không đáp ứng với NSAID, người bệnh có thể được cân nhắc tiêm cortisone. Đây là một chất chống viêm rất hiệu quả. Khi được tiêm vào khớp, cortisone giúp giảm viêm (sưng) và đau nhanh chóng. Tuy nhiên tác dụng của cortisone là tạm thời, có thể cần tiêm nhắc lại sau vài tháng.
3. Vật lý trị liệu
Vật lý trị liệu bao gồm những bài tập kéo giãn và tăng cường các cơ. Những bài tập này giúp cải thiện sức mạnh, phạm vi chuyển động và tính linh hoạt cho cổ chân. Từ đó phục hồi chức năng cho các khớp bị ảnh hưởng.
Ngoài ra vận động trị liệu còn giúp giảm đau và cứng khớp, điều chỉnh tư thế và ngăn các biến chứng do viêm khớp gây ra. Trong quá trình này, bác sĩ có thể hướng dẫn thêm một số bài tập tại nhà và các tư thế đúng để duy trì chức năng cho khớp, làm chậm quá thoái hóa.
4. Phẫu thuật
Phẫu thuật có thể được đề nghị khi:
- Điều trị bảo tồn không hiệu quả, cơn đau không thuyên giảm và gây ra khuyết tật
- Xương và sụn bị hỏng nặng.
Tùy thuộc vào loại viêm khớp và mức độ ảnh hưởng đến khớp, bác sĩ có thể đề nghị một hoặc nhiều loại phẫu thuật dưới đây:
- Cắt lọc (Arthroscopic debridation)
Thông qua phẫu thuật nội soi, bác sĩ tiến hành cắt lọc để loại bỏ sụn lỏng lẻo, gai xương xung quanh khớp và mô hoạt dịch bị viêm. Từ đó giảm cứng khớp và đau nhức. Phương pháp cắt lọc thường được thực hiện trong giai đoạn đầu của viêm khớp.
- Arthrodesis (hợp nhất)
Nếu đau chủ yếu do chuyển động khớp, bác sĩ có thể cân nhắc phẫu thuật hợp nhất. Trong đó các xương của khớp được hợp nhất hoàn toàn và phát triển thành một khối. Điều này giúp loại bỏ chuyển động của khớp bị viêm và giảm đau.
Khi thực hiện, bác sĩ loại bỏ phần sụn hư hỏng, sau đó cố định khớp bằng ghim, vít hoặc tấm kim loại.
- Thay toàn bộ mắt cá chân (arthroplasty)
Thay toàn bộ mắt cá chân bao gồm việc loại bỏ sụn và xương bị hư hỏng. Sau đó những bề mặt khớp bằng nhựa hoặc kim loại được đặt bên trong để thay thế. Điều này giúp khôi phục chức năng của khớp.
Thông thường phẫu thuật thay toàn bộ mắt cá chân sẽ được chỉ định cho những trường hợp có viêm khớp cổ chân tiến triển, bề mặt khớp mắt cá chân bị phá hủy hoặc đau mắt cá chân làm cản trở những hoạt động hàng ngày.
Quá trình hồi phục sau phẫu thuật thường mất từ 4 - 9 tháng (tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của viêm khớp và độ phức tạp của thủ thuật). Hầu hết các trường hợp đều được phẫu thuật thành công, đau giảm và có thể thực hiện những hoạt động thường ngày.
Phòng ngừa
Những biến pháp giúp giảm nguy cơ viêm khớp cổ chân gồm:
- Thận trọng trong sinh hoạt để hạn chế chấn thương ở bàn chân và mắt cá chân.
- Không lạm dụng khớp cổ chân. Nên dành thời gian nghỉ ngơi hợp lý và luyện tập với cường độ thích hợp.
- Không đột ngột thay đổi hướng của bàn chân hoặc uốn cong khớp quá mức.
- Thường xuyên tập thể dục để duy trì tính linh hoạt và làm chậm quá trình lão hóa xương khớp.
- Khởi động kỹ lưỡng trước khi chơi thể thao. Điều này giúp tăng tính linh hoạt và giảm nguy cơ chấn thương cho khớp cổ chân.
- Không uống nhiều rượu bia và tránh hút thuốc lá.
- Giữ cân nặng ở mức hợp lý để giảm áp lực cho khớp cổ chân.
Những câu hỏi quan trọng khi gặp bác sĩ
1. Điều gì khiến tôi bị đau và cứng khớp cổ chân?
2. Phương pháp điều trị nào được đề nghị?
3. Có những hạn chế nào cần tuân theo hay không?
4. Tôi nên luyện tập như thế nào?
5. Quy trình điều trị viêm khớp cổ chân kéo dài bao lâu?
6. Có những phương pháp phẫu thuật nào? Lựa chọn nào tốt nhất?
7. Lợi ích và rủi ro khi phẫu thuật là gì?
Bệnh viêm khớp cổ chân gây đau và cứng khớp, ảnh hưởng đến khả năng vận động. Những trường hợp không điều trị có thể khiến khớp hỏng nặng, tăng nguy cơ biến dạng và liệt khớp. Vì vậy cần khám và điều trị tích cực ngay khi có tổn thương.
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!